Cuộc chiến thuế quan Mỹ - Trung: Các đại gia như Apple khó mà chuyển nhà máy về Hoa Kỳ
Trọng Thành
Đăng ngày: 10/04/2025 - 15:57Sửa đổi ngày: 10/04/2025 - 16:14
RFI
Chính sách tăng thuế quan của chính quyền Donald Trump có mục tiêu chính là giảm tình trạng nhập siêu nặng nề của nước Mỹ. Thúc đẩy công ty Mỹ và nước ngoài đặt cơ sở sản xuất chính tại Mỹ là điều mà tổng thống Trump liên tục quảng bá, coi như chỉ dấu thành công chủ yếu. Liệu áp lực cực mạnh về thuế có giúp Trump đạt kết quả? Trường hợp của Apple, một trong 7 tập đoàn công nghệ hàng đầu của Mỹ, cho thấy đây là điều bất khả trong ngắn hạn và trung hạn.

Apple là biểu tượng cho sự thành công của nước Mỹ trong kỷ nguyên toàn cầu hóa vừa qua, với tổng giá trị cổ phiếu ước tính 4.000 tỉ đô la, đứng đầu thế giới tính đến đầu năm 2025. Sản phẩm tiêu biểu của Apple là điện thoại cầm tay iPhone, chiếm khoảng một nửa doanh thu của tập đoàn, và hơn một phần ba iPhone được bán tại Mỹ. Xây dựng các nhà máy sản xuất iPhone, với thành tố chính là các chip bán dẫn, ngay tại thị trường chủ yếu của iPhone, với không ít người thoạt nhìn có vẻ như là một ý tưởng ít nhiều có lý.
Không khí sợ hãi và những tuyên bố hùa theo Trump
Đưa sản xuất chip bán dẫn về nước Mỹ, để giảm lệ thuộc vào Trung Quốc, cùng với các mặt hàng được coi là chiến lược khác như thép hay nhôm, là điều mà tổng thống Trump liên tục đòi hỏi. Sau khi Trump trở lại cầm quyền, Apple loan báo kế hoạch đầu tư 500 tỉ đô la để xây dựng các cơ sở sản xuất tại Mỹ. Giữa tháng 2/2025, chính tổng thống Trump, sau một cuộc gặp với Tim Cook, tổng giám đốc Apple, đã hồ hởi hoan nghênh kế hoạch đầu tư của tập đoàn tại Cupertino, với hàng trăm tỉ đô la trong vòng 4 năm, cho phép tạo thêm 20.000 việc làm.
Hiện tại chưa rõ tập đoàn Apple sẽ đầu tư 500 tỉ đô la cụ thể vào những lĩnh vực nào. Sơ bộ Apple dự kiến sẽ xây dựng một nhà máy tại Houston. Theo Les Echos, từ đây đến năm tới, cùng với đối tác Foxconn, tại cơ sở này, tập đoàn Mỹ sẽ lắp ráp các hệ điều hành máy chủ phụ trách bảo mật cho hệ thống trí tuệ nhân tạo mới của Apple (Apple Intelligence). Cho đến nay, các bán thành phẩm cơ bản này vẫn được sản xuất ngoài nước Mỹ. Tuy nhiên, vấn đề là, theo Bloomberg, trên thực tế bộ phận cốt lõi, tức các bộ phận vi xử lý, vẫn sẽ được sản xuất tại Đài Loan.
Theo nhà phân tích Daniel Ives của công ty dịch vụ tài chính Wedbush, có trụ sở tại Los Angeles, được truyền thông Pháp trích dẫn, chính sách tăng thuế đơn phương mang tính trừng phạt và gây áp lực của ông Trump, khiến hàng hóa nhập khẩu từ châu Á trở nên đắt đỏ hơn, sẽ chỉ tạo ra « một bầu không khí sợ hãi và mất phương hướng chưa từng thấy từ 25 năm nay », có nguy cơ kéo lùi lĩnh vực công nghệ cao của Mỹ nói chung một thập niên, chứ không thể mang lại hiệu quả là buộc các tập đoàn đưa cơ sở sản xuất về Mỹ.
Nhu cầu khổng lồ về nhân lực chất lượng cao
Một trong các lý do chính được đưa ra là, trên thực tế, nhân công đủ năng lực tham gia vào dây chuyền sản xuất các sản phẩm công nghệ cao này hiện tại đang tập trung ở châu Á, và việc xây dựng các cơ sở hạ tầng phù hợp cho ngành này trên đất Mỹ sẽ phải mất từ 4 đến 5 năm. Chưa kể đến sự vắng mặt của các nhà thầu phụ trong lĩnh vực này trên đất Mỹ.
Nhân lực chất lượng cao là thách thức lớn nhất. Theo giáo sư Michael Moats, Đại học Missouri về Khoa học và Công nghệ (Missouri University of Science and Technology), nhìn chung, để có thể đưa được ngành công nghiệp sản xuất chip bán dẫn về nước, Mỹ cần đến 300.000 kỹ sư từ nay đến 2030.
Giáo sư Michael Moats, đứng đầu phân khoa về khoa học và kỹ sư ngành vật liệu, của đại học Missouri, trong một bài viết trên The Conversation, cho biết trường ông vừa khởi động một khóa đào tạo chuyên về chế tạo chip bán dẫn đa ngành từ mùa thu năm ngoái. Một số trường đại học cũng đang bắt đầu lập các khóa đào tạo chế tạo chíp bán dẫn để đáp ứng nhu cầu tăng vọt hiện nay.
Trump có thể triệt hạ chính sách thúc đẩy chip của lưỡng đảng
Vấn đề sản xuất chip bán dẫn tại Mỹ vượt quá khuôn khổ kinh doanh của một đại tập đoàn như Apple. Đông đảo chuyên gia Mỹ trong lĩnh vực này hiểu rằng việc lệ thuộc vào Trung Quốc về mặt hàng chip bán dẫn chiến lược đang ngày càng là điều cực kỳ nguy hiểm đối với an ninh của nước Mỹ nói chung. Trong nhiệm kỳ tổng thống trước, ông Joe Biden đã nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng tại Quốc Hội trong việc thông qua một đạo luật về đầu tư vào lĩnh vực vi mạch (Creating Helpful Incentives to Produce Semiconductors (CHIPS) and Science Act) hồi 2022. Thách thức lớn hiện nay, theo giáo sư Đại học Missouri, là tổng thống Trump đã bắt đầu tấn công vào chính đạo luật thúc đẩy sản xuất vi mạch tại Mỹ của chính quyền tiền nhiệm.
Số phận của đạo luật này sẽ ra sao dưới thời Donald Trump là câu hỏi để ngỏ. Tính bất định về chính sách này đang đè nặng lên tương lai của ngành sản xuất chất bán dẫn tiên tiến tại Mỹ nói chung, và tương lai của Apple nói riêng.
Chuyển cơ sở khỏi Trung Quốc : Những nỗ lực bất thành trước đây của Apple
Chuyên gia công ty dịch vụ tài chính Wedbush nhấn mạnh tổ chức được một ngành công nghiệp hoàn chỉnh tại Mỹ trong lĩnh vực này có thể ví như « leo lên đỉnh Everest », một công việc dài hơi, không đơn thuần chỉ nằm ở các nỗ lực cách tân, đột phá về công nghệ mang tính thời điểm. Sự tương phản là rõ rệt, giữa một bên là chính quyền Trump hy vọng đạt được kết quả với « liệu pháp sốc » mang hiệu ứng tức thời, bên kia là những cái giá về kinh tế và tính toán chiến lược kéo dài cả thập niên, đặc biệt là đối với Trí tuệ Nhân tạo (IA), thành phần cốt lõi của các sản phẩm công nghệ cao.
Báo Le Monde, trong bài tổng hợp « L’iPhone, victime collatérale des droits de douane de Donald Trump » (iPhone, nạn nhân dây chuyền của chính sách thuế quan của Trump) ghi nhận, bất chấp các điều chỉnh về chính sách của Apple từ nhiệm kỳ đầu tiên của tổng thống Trump (2017 – 2021) để tránh mức thuế hải quan rất cao đánh vào hàng từ Trung Quốc, bốn phần năm sản phẩm iPhone của tập đoàn Mỹ vẫn được sản xuất tại Trung Quốc. Một phần iPhone hiện tại được sản xuất tại Ấn Độ và Việt Nam, nhưng năng lực sản xuất còn xa mới đáp ứng được nhu cầu.
Các tập đoàn giữa hai làn đạn và nguy cơ mất cả chì lẫn chài
Cuộc chiến tranh thuế quan, với cái đích chủ yếu là Trung Quốc, của tổng thống Trump kể từ ngày 03/04, đã gây tổn thất nặng nề cho 7 tập đoàn lớn nhất của Mỹ trong lĩnh vực công nghệ cao, đứng đầu là Apple. Trong vòng gần một tuần lễ, cổ phiếu của Apple sụt 14%, của tập đoàn Meta sụt hơn 5%, Nvidia hơn 3%...
Các tập đoàn đa quốc gia của Mỹ như Apple đứng giữa hai làn đạn. Trong lúc đòn thuế quan của chính quyền Mỹ khiến Apple điêu đứng, theo một số chuyên gia, như kinh tế gia Aurélien Duthoit, chuyên ngành công nghệ thông tin, việc Apple hay Nvidia đưa ra hàng loạt tuyên bố mang « tính xoa dịu » tổng thống Trump, để tránh các đòn trừng phạt, có thể lợi bất cập hại cho đương sự. Không kể hiệu ứng gây ảo tưởng, tuyên bố của Apple hay Nvidia có thể dẫn đến các hành động trả đũa của chính quyền Trung Quốc, làm tổn tại đến vị thế của các tập đoàn Mỹ tại thị trường Trung Quốc.
Trang mạng Pháp BFMTV dẫn lại nhận định của chuyên gia Daniel Ives, theo đó cuộc chiến thuế quan do tổng thống Trump phát động có thể là đòn đánh khốc liệt giáng vào các tập đoàn đã làm nên thành công của nước Mỹ trong kỷ nguyên toàn cầu hóa vừa qua, và Trung Quốc là bên hưởng lợi chính. Khách hàng Trung Quốc có thể sẽ ngả hẳn về phía các tập đoàn công nghệ Trung Quốc như BYD, Huawei, Alibaba hay Tencent, thừa cơ Apple và các tập đoàn Mỹ gặp khó, để độc chiếm thị trường. Chính sách võ biền, hung bạo, thiên về các giải pháp ngắn hạn của chính quyền Trump, nôn nóng muốn triệt hạ Trung Quốc, có thể tạo bàn đạp giúp Bắc Kinh vươn lên vị trí số một. Các biểu tượng thành công của nước Mỹ như Apple có thể mất cả chì lẫn chài.
No comments:
Post a Comment