VNTB – Đè đầu cưỡi cổ dân để mà phạtDân Trần
08.01.2025 3:03
VNThoibao
Khi người dân cả nước đang quay cuồng trong cơn bão suy thoái kinh tế, khó khăn chồng chất khó khăn, người người vật lộn với cuộc sống đầy rẫy những lo toan: tiền ăn, tiền học, tiền nhà, tiền thuế… chưa thấy cái nào giảm, thì đùng một phát – Nghị quyết 168 ra đời, tăng mức xử phạt vi phạm giao thông lên cao ngút trời.
Phải nói đây là chiêu trò của nhà cầm quyền khi đang tìm cách thò tay vào túi dân mà móc, móc cho đến cạn túi dân, rồi ngồi đấy ba hoa bảo rằng “vì an toàn giao thông”, “nâng cao ý thức giao thông”. Nói thẳng ra, nếu không gọi đây là “tận thu, tận diệt” thì chẳng còn từ nào phù hợp hơn để diễn tả!
Cứ chạy một vòng ngoài đường Việt Nam sẽ thấy, bao nhiêu là con đường nát như tương, ổ gà ổ voi cứ như bẫy người. Biển báo giao thông thì cắm lung tung như một trò đùa, chỗ cần thì thiếu, chỗ không cần lại thừa. Đèn tín hiệu thì lúc sáng, lúc tắt như không khác cái bẫy để nhử người tham gia giao thông. Đường xá, hạ tầng như thế, nhưng cứ vi phạm là phạt, mà đã phạt là phải phạt nặng. Có thể thấy, nhà nước cộng sản chỉ biết chăm chăm vào việc “đè đầu cưỡi cổ dân” để thu tiền phạt mà thôi.
Thế rồi, phạt xong tiền đó có quay lại để sửa đường, nâng cấp hạ tầng giao thông hay không? Hay tiền đó dịch chuyển thẳng từ túi dân sang túi quan? Bởi theo quy định thì tiền xử phạt giao thông công an được hưởng tới 85%, như vậy thì ngân sách thu chẳng được bao nhiêu.
Nực cười ở chỗ, nhà nước cộng sản biện minh rằng tăng mức phạt là để giáo dục ý thức người tham gia giao thông. Nhưng thử hỏi, cái gọi là “ý thức giao thông” ở đây là gì? Là phạt để dân sợ hay để dân than? Muốn dân tuân thủ luật, thì trước hết phải làm cho dân có điều kiện sống tốt hơn cái đã.
Người dân nghèo chạy xe máy đi làm, lỡ không may vi phạm, bị phạt vài triệu, thì họ lấy đâu ra tiền mà đóng phạt? Đối với những người giàu có, họ chẳng bận tâm đến việc bị phạt, vì vài triệu với họ chẳng đáng gì. Còn với người lao động nghèo, một khoản phạt lớn có thể khiến họ rơi vào cảnh nợ nần cùng cực. Đây không phải đang giáo dục, đây là đang tìm cách dồn dân vào bước đường cùng!
Ở những nước phát triển, luật pháp là để bảo vệ trật tự xã hội, nhưng ở Việt Nam luật được áp dụng theo kiểu tận thu thế để hợp thức hóa việc cướp tiền của dân một cách công khai. Phạt nặng không phải là cách duy nhất để đảm bảo an toàn giao thông và nâng cao ý thức chấp hành. Nếu muốn giảm tai nạn giao thông, hãy xây dựng đường xá, cải thiện hệ thống biển báo, đèn tín hiệu đầy đủ và đạt tiêu chuẩn. Khi ấy, dân họ sẽ tự ý thức mà chấp hành và kéo giảm tai nạn. Nhưng làm những việc đó thì lại khó, tốn kém! Vậy nên cứ nghĩ ra cái luật nào dễ ăn tiền nhất, áp dụng vào đầu dân rồi thu tiền cho nhanh. Đúng kiểu: việc khó thì bỏ, việc dễ thì làm, mà đã làm thì cần vét sạch túi tiền của dân.
Nếu cứ tiếp tục kiểu làm luật này, đừng hỏi tại sao ngày càng nhiều người chán nản, mất niềm tin vào nhà nước. Ai cũng mong muốn sống tuân thủ theo pháp luật, nhưng khi luật trở thành công cụ tận thu thì dân không thể phục. Hãy nhớ rằng, một chính quyền mạnh là chính quyền biết lắng nghe và thấu hiểu nỗi khổ của dân. Cho nên, đừng biến luật thành công cụ bóc lột dân dưới danh nghĩa nâng cao ý thức người dân. Dân còn đói, nên nhà nước đừng cứ mãi lăm le tìm mọi cách cướp chén cơm của họ nữa!
No comments:
Post a Comment