Nguyễn Phương Hằng và Thích Minh Tuệ: Những người bị tước mất tự do
Bình luận của Nam Việt
2025.01.13
RFA
Hình bà Nguyễn Phương Hằng và sư Thích Minh Tuệ. (RFA ghép lại)
Khi nhà văn Đoàn Bảo Châu công bố tình trạng bị công an săn đuổi của mình, dưới các bài viết của ông, không ít người bình luận vẫn bày tỏ sự ngạc nhiên vì “không hiểu sao, anh ấy có làm gì đâu?”. Cách phản biện của ông Đoàn Bảo Châu được giới quan sát trên mạng xã hội đánh giá là một người khéo léo, đi giữa lằn ranh, luôn nhắc về tính chính danh của một chế độ, nhắc về luật pháp đã ban hành và cần phải tuân thủ. Dĩ nhiên trong cách thức tận dụng quyền tự do ngôn luận, ông Châu cũng như một số ít người ở Việt Nam đã rất khéo léo bộc lộ rằng tôi là một công dân, tôi làm đúng pháp luật và quyền của mình.
Thế nhưng, khi công an khởi tố, chính ông Đoàn Bảo Châu đã không khỏi bày tỏ sự sửng sốt khi nỗi lực biểu hiện quyền tự do ngôn luận của mình một cách tròn trịa với từng sự kiện, đã bị biến những vấn đề ông đặt ra là “chống nhà nước”. Thậm chí để món ăn khủng bố thêm đậm màu, công an còn vẽ ra thêm một tổ chức Vĩnh Long nào đó để phá bỏ cái khung “tự do ngôn luận” mà hiến pháp quy định, cũng như ông Châu đang tựa lưng vào đó.
Vấn đề của các quốc gia cộng sản muôn thuở vẫn là vậy, bất kỳ ai lên tiếng, dù phù hợp với quyền tự do ngôn luận được ghi trong hiến pháp, và thu hút được đám đông và có sự thật khác biệt, thì trước sau gì họ phải tự chọn số phận cho mình, hoặc thụ động để cho nhà cầm quyền quyết định số phận.
Trong sự kiện nổi cộm nhất, với sư Minh Tuệ hiện nay, cũng là một ví dụ, nhưng trong trường hợp này nhà cầm quyền đang thận trọng dùng một vỏ bọc đàn áp khác, công phu hơn.
Việc sư Minh Tuệ nổi lên như một mặt hàng nội hóa không có đóng mác xã hội hội chủ nghĩa, đã đi qua nhiều thái cực: từ bị phủ nhận, sỉ nhục rồi tính toán một kế hoạch quy mô để bóp chặt quyền tự do của sư. Ông bị tách ra khỏi đám đông, cũng như người mộ tín bị thao túng nhận thức về một loại hàng quý giá – có thể bị kẻ xấu xâm hại – nên không thể tới gần được.
Ngôn luận của sư Minh Tuệ là gì: Là xiển dương việc học Phật, tin theo một tín ngưỡng thuần thành, hoàn toàn không hề liên quan gì đến cái đạo pháp – xã hội chủ nghĩa đã được vẽ ra lâu nay, và thậm chí gián tiếp phế bỏ các lớp lang rẻ tiền của bộ máy tôn giáo cai trị tôn giáo, mà chính quyền đã vẽ ra từ năm 1981.
-----------------------
-----------------------
Sách Hương bay ngược gió vẫn không thể phát hành, dù hàng ngàn cuốn đã có giấy phép in. Sở Văn hóa Thông tin (VHTT) Đà Nẵng đã đóng cửa, im lặng về lệnh không cho phát hành. Nhưng ai cũng hiểu, với một người truyền giảng, lời và kinh văn được ấn tống, chính là sự lan tỏa mạnh mẽ trong quần chúng, Hà Nội chắc chắn không thể để những lời nói – được coi như giảng huấn – của sư Minh Tuệ xuất hiện, sẽ đưa ông lên vị trí cao hơn trong lòng quần chúng. Không giải thích lệnh cấm, nhưng Sở VHTT Đà Nẵng đã gián tiếp xác nhận rằng quyền tự do ngôn luận trong hiến pháp, về tự do tín ngưỡng của sư Minh Tuệ đã bị cướp đi một cách có hệ thống, bên cạnh việc hàng ngày công an Đoàn Văn Báu dẫn ông đi xa, cô lập mọi lời nói của ông mà vốn công chúng vẫn khao khát được nghe.
Sự kiện bà Nguyễn Phương Hằng nổi lên ở Việt Nam, cũng là một trường hợp thú vị. Xét cho cùng, nếu ở các quốc gia tự do bình thường, bà Phương Hằng chỉ là một người thích tạo scandal trên mạng xã hội, và sẽ đối diện liên tục các đơn kiện của cá nhân mà bà vu khống. Bà ta sẽ là trò vui không dứt, chỉ có vậy thôi.
Nhưng khởi đầu, trong việc dùng quyền phát ngôn của mình, bà Hằng lại bày tỏ mục đích phục vụ chính quyền khi vu cáo Thiền Am bên Bờ Vũ Trụ, tung ra những “giấc mơ” đặt vấn đề chuyện từ thiện của giới nghệ sĩ… Trong bối cảnh xã hội đầy dẫy những nghịch lý, những bất công về giai cấp, xã hội, đám đông đã ùn ùn ủng hộ như một chuyên lạ, theo dõi như quyền tự do ngôn luận được ai đó nói thay, mà bản thân mỗi người lâu nay vẫn sợ hãi trong gọng kìm của công an.
Trong vỏ bọc “phục vụ đất nước, phục vụ chính quyền”, bà Hằng cũng làm nhà cầm quyền bối rối và theo dõi, cho đến khi nhận ra rằng họ đã để sổng một nhân vật nổi lên trên xã hội không thể hoàn toàn kiểm soát. Cơn tùy hứng của bà Hằng đang được đám đông reo hò trong một vũ trường, có thể dẫn đến một ngày nào đó tổn hại cho bộ mặt chế độ. Và chuyện gì đến đã đến, một ngày sau khi đanh đá nhắc tên chủ tịch HCM Phan Văn Mãi phải biết ơn mưa móc của bà, công an đã dán miệng bà Hằng.
Sau khi ra tù, bà Hằng đã chọn số phận của mình: ra đi, không biết ngày trở lại. Từ nơi xa, bà vẫn cay đắng mỉa mai, tấn công những câu chuyện trong nước nhưng không còn làm gì được như trước nữa. Bà Hằng hẳn đã đối mặt trước lựa chọn: hoặc mê cuồng với quyền “tự do ngôn luận” giải mật xã hội rồi lại vào tù, hay ra khỏi nước, để còn được chút ngày bình yên.
Cũng như sư Minh Tuệ, chuyến đi hành trình đến đất Phật được áp giải đến 2-3 công an trong đoàn lúc này, cũng là cách ông tự lựa chọn số phận của mình. Ông hiểu tình thế của mình ở đất nước vô thần là gì. Ông hiểu đám đông truyền đi lời của ông qua youtube, tiktok… đã hoàn toàn bị vô hiệu hóa. Nên khi phải viết những lá thư - mà ông đã nói rõ là “họ muốn thì con viết”- ông đã chọn số phận của mình là ra đi, để giữ lấy niềm tin tôn giáo, giữ vẹn quyền tự do ngôn cho ngày sau.
Từ khi cộng sản toàn trị ở Việt Nam, tự do ngôn luận – hay nói đơn giản hơn là quyền được nói, được minh bạch và khác biệt, vẫn là cái gai với trong mắt nhà cầm quyền. Không có tự ngôn luận, mọi con người đều im lặng cúi đầu thấp trong bóng tối và nhận những lời hướng dẫn từ các nhà lãnh đạo cấp cao, những kẻ vẫn tự cho mình là tối cao và không ai được tỏa sáng hơn. Tự do ngôn luận là là ánh sáng của mỗi con người tạo ra trong bóng đêm, mà nhà cầm quyền cộng sản đã cố vẽ ra về con đường không đích đến nhưng luôn giả tạo cao quý.
Việt Nam trong sự kiểm soát của cộng sản là vậy, mà cho đến nay, đã vô số người như luật sư Đặng Đình Mạnh, nhà tranh đấu Nguyễn Tiến Trung, nhà báo Phạm Chí Dũng, Nguyễn Vũ Bình, Phạm Đoan Trang… khi họ tỏa sáng với quyền được nói của mình – những cái đầu ngẩng cao nhìn thẳng vào sự thối nát của chế độ, họ phải tự lựa chọn số phận của mình: chấp nhận tù đày như một ví dụ rõ nét về quyền tự do ngôn luận bị xiềng xích, hoặc chọn ra đi, để tiếp tục cuộc đời lên tiếng của mình.
*Bài viết không thể hiện quan điểm của RFA.
Tin, bài liên quan
Blog
No comments:
Post a Comment