Tuesday, October 22, 2024

VNTB – Thoát tội nhờ “kê khai không trung thực”
Dân Trần
22.10.2024 6:41
VNThoibao



(VNTB) – Những tài sản kê khai không trung thực này đều là tài sản tham nhũng, hoặc do phạm tội mà có, chứ nếu là tài sản hợp pháp thì họ đã không phải giấu giếm.

 Theo báo cáo của tổng thanh tra chính phủ thì trong 9 tháng đầu năm 2024 chỉ có 2 người bị kỷ luật do kê khai tài sản, thu nhập không trung thực. Trong khi đó, cũng theo số liệu báo cáo này, thì trong 9 tháng đầu năm đã phát hiện vi phạm về kinh tế 106.672 tỷ đồng, 296ha đất. 

Con số thất thoát khủng lồ là vậy. Nhưng hiện mới chỉ kiến nghị thu hồi 71.155 tỷ đồng (trong đó kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước hơn 9.500 tỉ đồng, về tổ chức, đơn vị hơn 61.600 tỷ đồng) và 25ha đất. Có nghĩa là mới chỉ kiến nghị thu hồi, nhưng chưa chắc là sẽ thu hồi được. (1)

Trong khi đó, chỉ có 2 người bị kỷ luật do kê khai không trung thực. Chỉ là kỷ luật, chứ không ai bị án tù. 

Có hai điều nhìn thấy rõ ràng ở đây. Một là những món tài sản kê khai không trung thực này đều là tài sản tham nhũng, hoặc do phạm tội mà có, chứ nếu là tài sản hợp pháp thì họ đã không phải giấu giếm. Hai, những người kê khai không minh bạch này đều là cán bộ đảng viên, chứ không phải dân thường. Nếu là thường dân mà bị lộ tài sản bất minh thì chắc chắn là không phải bị kỷ luật, là là vào tù. Tức là luật chỉ dành cho dân, còn cán bộ đảng viên sai thì chỉ cần xin lỗi và bị kỷ luật là huề. 

Sai và xin lỗi rồi thôi, còn nộp lại thì chưa chắc, hoặc là chỉ cần nộp lại một phần, chứ cũng không có gì ép buộc là phải trả lại toàn bộ số tiền tham nhũng.

Nhưng câu chuyện không dừng lại ở việc bị phát hiện kê khai không trung thực, mà hiện đã có nhiều phương thức “rửa tiền tham nhũng” hơn ngày xưa.

Một hình thức thường thấy nhất là sử dụng người thân để đứng tên tài sản, giúp các đảng viên che giấu số tài sản lớn có được từ tham nhũng. Những tài sản này có thể bao gồm bất động sản, cổ phần doanh nghiệp, tài khoản ngân hàng, hoặc các khoản đầu tư lớn khác. Người đứng tên có thể là vợ/chồng, con cái, anh chị em, hoặc thậm chí bạn bè thân cận. 

Tinh vi hơn, một số quan chức sẽ chuyển số tiền phi pháp ra nước ngoài, đặc biệt là các quốc gia có quy định tài chính lỏng lẻo. Sau đó chuyển ngược về nước theo dạng tái đầu tư vào các dự án, và để người thân đứng ra đầu tư. 

Những hình thức này khiến cho việc phát hiện và truy vết nguồn gốc của tài sản trở nên khó khăn, vì về mặt pháp lý, tài sản đó không trực tiếp thuộc về người có nghĩa vụ kê khai. 

Kẻ tham nhũng đã tinh vi như vậy, nhưng phương thức thanh tra thì vẫn dậm chân tại chỗ. Nói về kế hoạch giám sát, kiểm tra, thẩm định, tổng thanh tra chính phủ Đoàn Hồng Phong cho hay “sẽ đổi mới trong tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào hoạt động thanh tra”. 

Hứa là “sẽ đổi mới”, tức là vẫn chưa đổi mới. Và các biện pháp ông Phong đưa ra vẫn y như cũ. Báo nhà nước dẫn lời ông tổng thanh tra: “Ngành cũng đẩy mạnh công tác giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra, trọng tâm là tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về thực hiện kết luận thanh tra; tăng tỉ lệ thu hồi tiền và tài sản do vi phạm, tiêu cực, tham nhũng và đẩy nhanh việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật.

Cùng với đó, tăng cường quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, triển khai có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng. Nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực, tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, có nguy cơ tham nhũng cao hoặc có nhiều dư luận tham nhũng, tiêu cực; thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện pháp luật về phòng chống tham nhũng”.

Vẫn là những câu từ chung chung thường thấy từ trước tới nay. Đó là chưa nói tới chuyện cán bộ thanh tra, chống tham nhũng cũng là người tham nhũng. Có thể nói là minh bạch tài sản cán bộ vẫn là một giấc mơ không có thật tại Việt Nam…

 

No comments:

Post a Comment