Wednesday, October 30, 2024

Israel-Iran : Vì sao lửa chiến tranh không lan khắp Trung Đông ?
Thụy My
Đăng ngày: 29/10/2024 - 14:16
RFI

Les Echos ngày 28/10/2024 giải thích « Israel-Iran : Vì sao Cận Đông không bùng cháy ». Từ nhiều tháng qua, nguy cơ này vẫn ám ảnh mọi người, chiếm trang nhất các tờ báo nghiêm túc nhất, được nhiều nhà phân tích nêu ra và các nhà lãnh đạo lo lắng. Nhưng nhật báo kinh tế Pháp cho rằng nguy cơ này đã bị phóng đại.

Chiến đấu cơ của Không quân Israel cất cánh từ một địa điểm không được nêu tên đi oanh tạc Iran, ngày thứ Bảy 26/10/2024. AP - HO

Một sự biểu dương lực lượng của Israel để cảnh cáo

Le Monde lưu ý phải mất gần một tháng chờ đợi thì sự kiện mang tính quyết định này mới diễn ra. La Croix nhận xét, Israel đáp trả các cuộc tấn công của Iran, nhắm vào các cơ sở quân sự « nhưng một cách chừng mực ». Sáng sớm thứ Bảy 26/10, những tiếng nổ lớn kèm theo những vệt sáng trên bầu trời Iran. Israel loan báo tấn công nhắm vào « các địa điểm sản xuất tên lửa, giàn hỏa tiễn địa-không và các hệ thống khác ». Iran nói rằng chỉ có những « thiệt hại hạn chế », « một số hệ thống radar bị hư hại ».

Hasni Abidi, giám đốc Trung tâm nghiên cứu về thế giới Ả Rập và Địa Trung Hải (Cermam) ở Genève phân tích, chiến dịch này không tương xứng với quy mô mà Israel tuyên bố trước đó, « không triệt đường sống của Iran cũng không đặt chế độ vào tình trạng nguy hiểm ». Đây là cuộc tấn công với « sự kềm chế rất lớn, không nhằm gây căng thẳng thêm tình trạng khu vực ».

Bernard Hourcade, giám đốc nghiên cứu của CNRS nói thêm : « Chiến dịch này là sự biểu dương lực lượng của Israel (...) Mấy chục phi cơ được tiếp liệu trên không bay ngang Irak theo ba đợt liên tiếp, bay nhiều tiếng đồng hồ xung quanh Teheran, ít có người chết, ít thiệt hại...Người Israel đã chứng tỏ khống chế được bầu trời Iran và có thể oanh tạc ồ ạt khi cần », ở cách Tel-Aviv đến 1.600 kilomet.

Trái banh đang trên phần sân của Iran

Daniel Hagari, phát ngôn viên quân đội Israel xác nhận hiện nay có thể tự do hoạt động rộng rãi hơn trên không phận Iran. Le Figaro dẫn lời ông Hagari đe dọa : « Các mục tiêu này được chọn lựa trong vô số mục tiêu tiềm năng đủ loại. Chúng tôi có thể chọn thêm nếu cần ». Tấn công vào các địa điểm sản xuất tên lửa, drone và phòng không, Nhà nước Do Thái tránh được đáp trả vừa có thể không tập tiếp. Một địa điểm trước đây là nơi làm giàu uranium cũng bị nhắm đến, như một lời cảnh cáo.

Tuy nhiên chương trình nguyên tử vốn hết sức quan trọng đối với nước Cộng hòa Hồi giáo, lẫn các cơ sở dầu lửa đều không bị nhắm đến. Và cũng không gây bất ngờ : cuộc tấn công được tiến hành sau khi lễ hội Sim’hat Torah của người Do Thái kết thúc vào thứ Năm, và trước bầu cử tổng thống Mỹ.

Theo báo Mỹ Axios được La Croix dẫn lại, Israel đã cảnh báo trước cho Iran về các mục tiêu, thông qua các kênh trung gian. Lần này khác với thường lệ, Tel-Aviv có vẻ tôn trọng lằn ranh đỏ của Washington. Báo Al Monitor cho rằng Benyamin Netanyahou đã được đền bù qua việc Hoa Kỳ tiếp tục chuyển giao vũ khí, đạn dược, gia tăng tấn công vào phe Houthi ở Yemen. Trái banh nay ở trên phần sân của Iran. Chuyên gia Trita Parsi thuộc Hội đồng quốc gia Mỹ-Iran nhận định, nếu Iran chứng tỏ biết kềm chế, chương này có thể đóng lại nhưng cuộc xung đột vẫn tiếp tục.

Kịch bản thảm họa đã không xảy ra

Les Echos giải thích « Israel-Iran : Vì sao Cận Đông không bùng cháy ». Từ nhiều tháng qua, nguy cơ này vẫn ám ảnh mọi người, chiếm trang nhất các tờ báo nghiêm túc nhất, được nhiều nhà phân tích nêu ra và các nhà lãnh đạo lo ngại, từ Joe Biden đến Emmanuel Macron hay người đứng đầu ngoại giao châu Âu Josep Borrel, và một « nhà hòa giải » bất ngờ là Vladimir Putin. Nhưng nhật báo kinh tế Pháp cho rằng nguy cơ này đã bị phóng đại.

Cuộc không tập của Israel sáng thứ Bảy khiến kịch bản thảm họa lại được gợi lên : tác động domino lôi kéo đa số nước trong khu vực vào cuộc đối đầu quân sự. Đây sẽ là trận đại hồng thủy chưa từng thấy tại vùng này kể từ sau chiến tranh Kippour tháng 10/1973, khi đó Israel bị bất ngờ tấn công bởi Ai Cập và Syria với sự hợp sức của tám nước Ả Rập : Ả Rập Xê Út, Jordanie, Irak, Libya và toàn bộ Bắc Phi !

Do Cận Đông chiếm 60 % trữ lượng dầu lửa của hành tinh, giá dầu sẽ vọt lên tận đỉnh như đã từng làm kết thúc « 30 năm huy hoàng » ở phương Tây. Một số chuyên gia nêu ra cái giá 240 đô la một thùng. Tất cả các nước nhập khẩu sẽ bị suy thoái ngay lập tức, ở phương Tây và cả Trung Quốc, Ấn Độ ; căng thẳng nội bộ tại những nước có nhiều người Hồi giáo nhập cư như Pháp, Bỉ, Hoa Kỳ.

Điều nghịch lý là kịch bản này khó thể diễn ra được. Ít nhất là trước mắt, vì Israel chỉ trả đũa hạn chế, và nếu Iran đáp lại cho có lệ thì chu kỳ sẽ tạm dừng ở đây. Nhất là xung đột sẽ không lan rộng trong trung hạn và dài hạn vì lý do đơn giản : để có cháy rừng trước hết phải có rừng ! Nghĩa là đa số nước trong khu vực liên kết chống lại kẻ thù. Giống như thời Đệ nhất Thế chiến, bảy đế quốc châu Âu (Pháp, Anh, Ý, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Áo-Hung, Đức) khi xảy ra sự kiện đại công tước François Ferdinand bị ám sát năm 1914, tất cả các nước cùng một phe liền xung đột với phe đối nghịch, kể cả với những nước không có xung khắc tay đôi.

Không ai muốn chết cho Teheran

Nhưng tình hình Cận Đông hiện nay khác hẳn, theo Les Echos. Từ ba thập niên qua, bất đồng chỉ được thể hiện qua việc triệu hồi đại sứ hay cấm vận như Qatar đã từng bị. Cuộc xung đột duy nhất có thể biến thành chiến tranh là giữa Israel và Iran, một cuộc chiến bị hạn chế vì không có biên giới chung trên đất liền hay trên biển.Chỉ có thể song đấu bằng chiến đấu cơ hay hỏa tiễn (và không kéo dài vì Iran chỉ có vài trăm hỏa tiễn đạn đạo tầm xa), phải bay qua không phận Jordanie, Ả Rập Xê Út, Irak.

Trên lý thuyết, những nước này có thể vào cuộc vì bị vi phạm chủ quyền, nhưng họ không hề nhúc nhích trong khi đây đã là đợt tấn công ăn miếng trả miếng thứ năm. Nhất là dù ghét Israel, Hoa Kỳ hay phương Tây nói chung, chẳng ai sẵn sàng chết cho Teheran. Iran, quốc gia duy nhất có đa số người Ba Tư và hệ phái Shia đóng vai trò quan trọng, theo giáo sư Thomas Juneau ở đại học Ottawa, đang phải chịu đựng « sự cô đơn chiến lược ». Tuy có mạng lưới các lực lượng ủy nhiệm - quân nổi dậy Houthi ở Yemen, dân quân Shia ở Irak, Hezbollah, Hamas - nhưng Iran không có nước đồng minh nào trong khu vực.

Người bạn Nga đang sa lầy ở Ukraina, Trung Quốc không có ý định viễn chinh. Các nước Ả Rập đã ký hiệp ước Abraham hòa giải với Israel năm 2020 (Maroc, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Sudan, Bahrein) không nước nào hủy bỏ, Ai Cập và Jordanie dù đả kích Israel về vấn đề Gaza nhưng không hề triệu hồi đại sứ. Cũng như Ả Rập Xê Út, tuy ngoài mặt chỉ trích nhưng bên trong họ thấy hả dạ khi Nhà nước Do Thái giáng những đòn chí mạng vào các lực lượng tay sai của Teheran.

Vẫn còn lại hai giả thiết đáng lo. Thứ nhất, Israel rốt cuộc đánh vào các cơ sở dầu lửa của Iran, và Teheran trả đũa bằng cách nhắm vào các nhà máy lọc dầu của Ả Rập Xê Út - được Mỹ ủng hộ, hay Azerbaijan - được Thổ Nhĩ Kỳ bảo trợ, vì cung cấp nhiên liệu cho phương Tây, khiến chiến tranh bùng nổ. Nhưng kịch bản này khó thể xảy ra. Thứ hai, Iran quyết định vượt ngưỡng, chế tạo bom nguyên tử, mà theo đánh giá là chỉ cần vài tháng. Chuyên gia François Heisbourg nhận định : « Như vậy là thay đổi hẳn một kỷ nguyên. Tuy không làm chiến tranh lan rộng, nhưng mở đường cho cuộc chạy đua hạt nhân ở Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Xê Út, Ai Cập », chưa kể nỗ lực tuyệt vọng của Israel để phá hủy.

Nga-Iran, trục chống phương Tây mới

Trên phương diện địa chính trị, Le Monde nói về « Nga-Iran, trục chống phương Tây mới ». Do bị các nước dân chủ trừng phạt, Matxcơva cố gắng chuyển hướng xuất khẩu sang châu Á và vùng Vịnh. Tờ báo cho biết một dự án cũ về tuyến đường xe lửa dài 162 kilomet dọc theo biển Caspi có thể được thực hiện, nhằm thay thế kênh đào Suez và với mục đích xây dựng một trật tự thế giới mới. Đoạn đường sắt này nối hai thành phố Racht của Iran có 700.000 dân, với Astara của Nga chỉ 50.000 dân nằm dọc biên giới Iran-Azerbaijan. Đây là mắt xích còn thiếu của một kế hoạch quy mô là hành lang giao thông quốc tế Bắc-Nam (INSTC) nối Nga với Ấn Độ thông qua Azerbaijan và các cảng Iran, rút ngắn được 20 ngày hải hành trên biển.

Gruzia : Đối lập tố cáo bầu cử gian lận

Tại châu Âu, cuộc bầu cử ở Gruzia được các báo rất chú ý, đảng Giấc mơ Gruzia cầm quyền chiếm 54 % nhưng rất nhiều dấu hiệu cho thấy có sự gian lận. Phe đối lập tố cáo cuộc bỏ phiếu đã bị « đánh cắp ».Bốn đảng đối lập đều vượt ngưỡng 5 % để vào Quốc Hội, tổng cộng phe thân châu Âu chiếm 37 %, và cả bốn đều lớn tiếng phản đối, trong đó hai đảng từ chối công nhận kết quả bầu cử. Theo 529 quan sát viên của OSCE đến từ 42 nước trong cuộc họp báo sau đó, cuộc bỏ phiếu này bất bình đẳng, có những trường hợp mua phiếu, không khí đàn áp bao trùm và chính quyền tạo nhiều áp lực.

Các tổ chức phi chính phủ địa phương từ nhiều tháng qua cho biết đảng cầm quyền gây sức ép lên người dân và doanh nghiệp. Đường phố thủ đô Tbilissi và nhiều thành phố, làng mạc phủ đầy áp-phích của đảng Giấc mơ Gruzia, các đảng đối lập ít được hiện diện. Trong khi các thăm dò trước đó cho thấy đến 80 % dân Gruzia muốn nước mình được gia nhập Liên Hiệp Châu Âu, đảng Giấc mơ Gruzia ra sức tuyên truyền bôi xấu phương Tây, chính quyền lộ rõ bộ mặt thân Nga.

No comments:

Post a Comment