Đỏng đảnh như… Bộ Công an2024.10.29
RFA
Một nhân viên công an đứng trên đường trong dịp Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên ở Hà Nội hôm 27/2/2019 (minh họa)
Manan VATSYAYANA / AFP
Manan VATSYAYANA / AFP
Nói đỏng đảnh còn là nói nhẹ, nói yêu đấy. Đúng thì phải gọi là bắc bậc, ích kỷ, thất thường, sáng nắng chiều mưa trưa gió mùa đông bắc.
Điển hình là vụ căn cước công dân.
Ảnh hưởng đến chỉ tiêu của nó, nó không làm đâu
-Em nói luôn cho anh nè. Cái này ảnh hưởng đến chỉ tiêu của nó, nó không làm đâu. Giờ anh phải đưa ông bà về quê làm thôi à! Có căn cước rồi về đây em đăng ký tạm trú cho.
-Em thông cảm giùm xem có cách nào làm được không. Vì ông bà anh già yếu quá rồi không về quê được, mà ông bà đều có mã định danh hết rồi mà em. Chỉ có căn cước cũ thôi. Mà Công an thành phố người ta nói phải có tạm trú mới làm được căn cước.
-Em không biết, đó là chuyện của anh nha.
Đoạn đối thoại trên vừa diễn ra cái độp ngay sáng hôm qua. Địa chỉ: Trụ sở Công an phường gia đình tôi đang sinh sống. Nội dung câu chuyện: Tôi đến Công an phường (tại TP HCM) xin đăng ký tạm trú cho ông bà ngoại có hộ khẩu ở tỉnh. Người xưng em là cô công an phường. Tôi là người xưng anh. “Nó” là anh công an khu vực, người có quyền cho phép gia đình tôi đăng ký tạm trú cho ông bà ngoại hay không.
Công an phường lẽ ra phải xác nhận đăng ký tạm trú cho ông bà ngoại của tôi theo đúng luật, vì mọi điều kiện tôi đều đáp ứng đầy đủ. Chỉ có một vấn đề đáng lẽ không thành vấn đề thì lại trở thành đại vấn đề. Mà vấn đề này là vấn đề của một số rất lớn người dân Việt Nam trong mấy năm qua. Đó là Công an Thành phố (nơi cấp căn cước) đòi phải có tạm trú thì mới làm căn cước. Nhưng Công an phường đòi phải có căn cước (mới, là loại căn cước gắn chip hay thẻ căn cước) thì mới cấp tạm trú. Nếu công dân vẫn đang xài căn cước cũ (ví dụ ông bà tôi đang còn xài căn cước 9 số và 12 số) thì Công an phường (tức “Nó”) không cấp tạm trú vì sẽ bị ảnh hưởng đến chỉ tiêu thi đua.
Từ cách đây bốn năm năm, khi Công an cấp căn cước gắn chip thì công an các phường được giao chỉ tiêu phải đạt càng nhiều càng tốt, thậm chí phải đạt 100% công dân trong địa bàn phụ trách đi làm căn cước gắn chip. Nếu công an nào không đạt chỉ tiêu, để cho trong địa bàn vẫn còn có những người dùng căn cước mã vạch, căn cước 9 số và 12 số thì sẽ bị trừ điểm thi đua, cắt tiền thưởng và có thể ảnh hưởng đến việc thăng cấp. “Nó” không cấp tạm trú cho ông bà ngoại tôi là vì lý do đó.
Thế cho nên mới có chuyện mấy năm trước Công an các nơi như phát điên, hò la đi giục dân làm căn cước gắn chip rồi dính mông vào ghế cấp lấy cấp để từ sáu bảy giờ sáng đến tận 12 giờ đêm, kể cả ngày nghỉ.
Làm giấy tờ mà vội vã cuống cuồng quá như chạy giặc nên cấp được 100 căn cước mới thì sai đến 50 cái. Mặc dù chỉ là copy từ bản khai (đã đối chiếu giấy tờ gốc) của người dân vào hệ thống điện tử, nhưng hết sai tên lại sai họ, sai chữ lót, sai ngày/tháng/năm sinh, sai quê quán, sai nơi thường trú… Ác nỗi mỗi lần Công an cấp sai thì dân lại phải tự đến trụ sở Công an làm lại giấy tờ từ đầu, đóng thêm một lượt phí. Chứ Công an không bỏ thời gian cũng không bỏ tiền để sửa cái sai của chính mình.
Mấy năm trước, trên báo đăng đầy những lời kêu than của người dân bị Công an làm sai căn cước đến ba bốn lần, hoặc im luôn cả năm không trả lời. Căn cước mới không được cấp trong khi Chứng minh nhân dân cũ đã bị thu lại, thế là thành người bất hợp pháp, chẳng có bằng chứng gì để đứng tên mua bán, làm ăn kinh doanh, thậm chí mua vé máy bay cũng không được.
Nhưng mà… kệ. Quyền trong tay Công an, muốn thắc mắc à? Lên phường thắc mắc.
Chỉ biết là càng nhiều căn cước bị làm sai thì ngành càng thu được nhiều lệ phí.
____________
____________
Có tiền thì “nó” ép làm
Mấy năm trước trong đợt cao điểm thúc giục người dân đi làm căn cước gắn chip, giai đoạn đầu Bộ Công an buộc ai có hộ khẩu ở đâu thì phải làm căn cước ở đấy. Thế là cả nước nháo nhào. Người miền Bắc, miền Trung, miền Tây, Tây Nguyên vào miền Nam làm ăn đến hàng chục triệu, đã đăng ký tạm trú, sinh sống làm ăn ổn định nhiều năm. Có người đã bán nhà cũ ở quê nhưng chưa mua được nhà mới ở thành phố, vẫn ở thuê nên không nhập hộ khẩu được. Nay phải lộn ngược bỏ công bỏ việc chạy về quê hết, mặc kệ xa xôi hàng trăm đến cả ngàn cây số, phải mất ít nhất một ngày hoặc bốn năm ngày, tiền xe đi lại ăn nghỉ mất đứt nửa tháng lương công nhân.
Doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp thâm dụng nhân công cũng khó thở. Công nhân của họ hầu hết là dân tỉnh vào thành phố làm ăn. Giờ buộc phải về quê làm căn cước, mà mỗi lần về cả mấy chục người thì lấy ai làm thay?
Náo hết cả loạn.
Báo chí la hét. Dân tình than van mắng chửi. Mãi rồi Bộ cũng thủng, sức xuống một công văn cho phép người dân ai ở đâu chỉ việc đến Công an nơi đó làm căn cước mới, không còn phải về quê nữa.
Dân thở phào. Công ty, doanh nghiệp thở ra còn dài hơn cả dân.
Ấy thế mà trống kèn chũm chọe còn chưa im tiếng, cái căn cước gắn chip xài còn chưa kịp mờ lớp nilon bọc ngoài, thậm chí có những căn cước sai tám chục lần còn chưa kịp sửa để gởi về cho dân thì Bộ Công an đã lại thay căn cước mới.
Các bài tuyên truyền vận động cũng giống như các lần trước, lần nào cũng ra sức hô hét lần đổi này mới là tinh hoa hơn cả, phù hợp với thế giới hơn hết.
Lần đổi căn cước thứ n này, Bộ quy định cấp cho cả trẻ em từ 6 tuổi đến 14 tuổi trong trường hợp trẻ có nhu cầu. Chà, coi bộ tiến bộ dữ đa-người dân nghĩ. Mấy đứa nhỏ có cái căn cước be bé thì cũng tiện, phòng hờ khi tụi nhỏ đi tàu đi xe hay theo cha mẹ đi chơi… mà bên kia đột ngột hỏi giấy tờ. Thường, cha mẹ vẫn sao y bản khai sanh của con để xuất trình trong những trường hợp này, nhưng cái căn cước nhỏ gọn và tích hợp đầy đủ thông tin thì gọn gàng, dễ cất và dễ mang theo hơn. Ai thích thì làm, không thích thì thôi, Bộ Công an không ép, cũng là cái hay.
Đúng là hay, mà là hay ăn gian nói dối á! Trên báo đài, chẳng có vị bộ trưởng, thứ trưởng, vụ trưởng vụ phó nào của Bộ dám nói phải ép trẻ con làm căn cước. Nhưng công an cấp cơ sở thì (hình như) lại đều được giao chỉ tiêu. Vẫn liên quan đến tiền thưởng thi đua.
“Em có hai đứa nhỏ, đứa 8 đứa 12 tuổi, đứa lớn năm nay thi chuyển cấp lên cấp 2. Mà trường nó báo phải có thẻ căn cước mới cho thi. Em với vợ em phải nghỉ làm mấy bữa, đưa hai đứa nhỏ về quê. Sẵn làm cho đứa lớn thì làm cho đứa nhỏ luôn. (Phí làm thẻ căn cước) có mấy chục ngàn à, nhưng mất mấy ngày nghỉ làm. (Thẻ căn cước cho trẻ em) cũng tiện thiệt, thay được cái giấy khai sanh. Nhưng cũng chỉ vậy thôi chớ tụi nhỏ mặt mũi nó còn thay đổi, lớn lên cũng phải chụp hình làm lại căn cước vậy. Mà hành dân quá.”-anh lái xe taxi trên đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3, TP HCM) kể.
-Mà nhà trường nó hay quá, bắt làm (thẻ căn cước) một lượt cả mấy ngàn học sinh, giỏi thiệt-anh nói tiếp, gương mặt lộ rõ vẻ “khâm phục”.
Phục quá đi chứ, mỗi đứa học sinh mấy chục ngàn, nhà trường chỉ mất một câu nói, còn ngành công an thu được một khoản to. Trí tuệ kinh doanh là đây chứ tìm chi cho xa nữa!
Nên, mặc dù trên bề mặt thì Luật căn cước mới toanh có vẻ như không làm xáo trộn cuộc sống của người dân, nhưng thực tế hoàn toàn trái ngược. Việc làm của công an cấp dưới cứ mặc sức vả bôm bốp vào phát ngôn trên báo chí của lãnh đạo cấp trên.
Nên mang tiếng là ngành thực hành pháp luật nhưng thực tiễn ở cơ sở của ngành công an lại vi phạm pháp luật không thể tưởng tượng được.
Vẫn quanh cái chứng minh nhân dân, hay căn cước. Từ cách đây hai ba năm, hầu như toàn bộ dân Việt Nam đều được công an phường bơm vào đầu rằng chỉ có căn cước gắn chip trở lên (đến Thẻ Căn cước) mới là hợp pháp; ngoài ra toàn bộ các loại chứng minh nhân dân được (nhiều đời) Công an cấp trước đó đều đã là lạc hậu, không thể sử dụng. Người nào còn dùng các loại giấy này ra làm tạm trú, thường trú, xác nhận … chắc chắn bị công an phường từ chối, còn khuyến mại thêm một tràng mắng té tát về cái tội tại sao đến giờ vẫn chưa làm căn cước mới.
Họ bất chấp thông tin được ghi rõ trên chính trang web của Cục Cảnh sát quản lý hành chính, trong đó quy định hiện tại người dân vẫn được sử dụng đến năm loại giấy chứng minh/căn cước. Bao gồm: Chứng minh nhân dân loại 9 số và 12 số (chỉ được sử dụng đến hết 31/12/2024), Căn cước mã vạch (đến hết thời hạn ghi trên thẻ), Căn cước gắn chip (đến hết thời hạn ghi trên thẻ) và Thẻ căn cước mới nhất.
Thật sự là xem thường dân, hành dân như con ở.
Hãy xem lại đoạn đối thoại của cô công an phường với tôi ở đầu bài. Từ chối phắt chức trách của mình vì sợ bị ảnh hưởng thi đua. Thế nhưng thật mỉa mai, trên bất cứ trụ sở công an nào cũng choang cái biển rõ to: Công an nhân dân, vì nước quên thân, vì dân phục vụ. Vì dân chỗ nào? Vì thân (các anh) mới đúng.
Hổng dám (cho quay) đâu, em còn chửa thuộc bài
Rồi đến cái thông tư thay đổi hình thức giám sát của nhân dân với cảnh sát giao thông.
Bốn năm trước, cũng chính Bộ Công an ủng hộ hết lời việc này. Điều 11 của Thông tư 67/2019 cho phép người dân giám sát công an thông qua ghi âm, ghi hình (khoản 5). Mục đích được quy định rõ tại điều 2, nội dung là bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Đặc biệt, đối với chính ngành công an thì việc giám sát qua ghi âm, ghi hình (và các biện pháp giám sát khác) nhằm “nâng cao chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông, góp phần xây dựng lực lượng Công an cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, vì nhân dân phục vụ”.
Xin một tràng pháo tay cho bộ phận soạn thảo thông tư 67 ở đoạn này. Chỉ vài dòng đã chỉ rõ bản chất việc giám sát của người dân chính là hoạt động tích cực, có tác dụng thúc đẩy sự hoàn thiện của lực lượng công an.
Ngờ đâu niềm vui ngắn chẳng tày gang, mới vài năm, đến tháng 9/2024, vẫn Bộ Công an ra tiếp thông tư 46, kết thúc chính sự sáng suốt đó.
Bộ đưa ra nguyên nhân kết thúc là vì sau bốn năm, quy định cũ đã không còn phù hợp với thực tế.
Báo chí Việt Nam đã nói nhiều về các lý do liên quan đến người dân được chính chủ đưa ra. Thế nhưng Bộ Công an còn đưa ra một lý do khác gây bất ngờ cho người đọc.
Bất ngờ vì sự thành thật của bộ phận soạn thảo.
-(…) Một bộ phận cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông chưa chịu khó học tập, nghiên cứu tài liệu, chưa gắn việc thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông với việc thực hiện nhiệm vụ công tác chuyên môn được giao, do vậy khi làm việc với nhân dân chưa nắm được pháp luật, nghiệp vụ, dẫn đến quá trình xử lý tình huống chưa giải thích thỏa đáng những yêu cầu, hỏi đáp của nhân dân.
Ủa, trời đất ơi!
Mấy anh ăn lương làm việc, mà còn luôn vỗ ngực tự xưng “vì dân phục vụ”, vậy khi mấy anh lười, dốt, bị dân bẻ cho cứng họng thì đúng lý là sếp các anh phải thưởng thêm ít roi vì cái tội làm xấu mặt ngành. Chứ sao mình sai mà đổ lỗi cho dân, rồi bắt dân phải né xa mình ra để dù mình có lòi cái dốt cái lười thì cũng không bị phát hiện nữa? Chơi như vậy khôn quá, anh ôm về chơi một mình đi chứ ai chơi lại với anh.
Cả hai lĩnh vực kể trên đều là không gian ngành công an tiếp xúc với người dân nhiều nhất, thể hiện sự phục vụ rõ nhất, đồng thời cũng thể hiện quyền lực của ngành công an mạnh mẽ. Dĩ nhiên thực thi pháp luật không thể tránh khỏi những mâu thuẫn lúng túng. Nhưng mâu thuẫn thì tìm cách thấu hiểu và thương lượng. Lúng túng thì bàn giải pháp. Thế nhưng cách giải quyết mâu thuẫn lúng túng của ngành công an trong hai việc cụ thể nói trên đều tuân theo một phương pháp không hề liên quan đến khẩu hiệu của họ. Đó là đổ tất cả khó khăn trở ngại lên đầu dân, còn mình hể hả xoa tay.
_____________
Tham khảo:
https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/sua-quy-dinh-hinh-thuc-giam-sat-cua-nhan-dan-voi-canh-sat-giao-thong-119241004163325587.htm
https://nld.com.vn/loai-bo-tu-duy-khong-quan-duoc-thi-cam-196241021214202893.htm
* Bài viết không thể hiện quand điểm của Đài Á Châu Tự Do
* Nguyễn Nhơn là nhà báo Việt Nam hiện đang sống ở Thái Lan. Nhà báo Nguyễn Nhơn quan tâm đến tình hình đất nước và viết nhiều bài về các vấn đề chính trị và xã hội trong nước.
Tin, bài liên quan
Blog
No comments:
Post a Comment