Tuesday, October 29, 2024

Chương trình 2018: Từ hi vọng đến thất vọng, và lo sợ
Thái Hạo
29-10-2024
Tiengdan

Ở bài này, tôi chỉ nói một điều thôi, trong rất nhiều điều đáng lo. Không những hưởng ứng, mà tôi còn là người “đi tiên phong” khi chương trình 2018 chưa được ban hành. Khi nó ra đời, đối chiếu, thấy nhiều giải pháp mà mình thực hiện là khá tương đồng với chương trình này. Tôi đã viết về điều ấy trong nhiều post và nhiều bài báo đăng rải rác mấy năm nay, xin không nhắc lại nữa.

Chương trình 2018 mang mục tiêu “đổi mới căn bản toàn diện” nền giáo dục. Vì sao phải đổi “căn bản toàn diện”? Có lẽ vì nền giáo dục đã “hư hỏng căn bản toàn diện”? Một trong những “giải pháp” của nó để chống nạn văn mẫu chẳng hạn, là không thi ngữ liệu trong sách giáo khoa nữa. Đó là một ý tưởng tốt và có cơ sở cả về thực tiễn lẫn lý luận.

Tuy nhiên, đúng như vẫn thường thế, đầu voi đuôi chuột, đánh trống bỏ dùi trong quá trình triển khai thực hiện; không những vậy, phía Bộ Giáo dục còn lăm le đưa ra cả những chính sách sai lầm/ sai trái như việc chính thức cho phép giáo viên dạy thêm học sinh của mình.

Tại sao nói rằng sai trái? Vì một khi không thi ngữ liệu trong sách giáo khoa nữa nghĩa là các em sẽ không thể học vẹt, học tủ, mà buộc phải học hiểu, học “phát triển năng lực” để giải quyết vấn đề. Nhưng việc cho giáo viên và nhà trường dạy thêm chính học sinh của họ thì phương pháp trên không những hoàn toàn phá sản mà còn gây nên vô vàn hệ lụy về mặt kinh tế, đạo đức, văn hóa… Không thi ngữ liệu trong sách giáo khoa thì lúc này quyền năng tập trung vào tay giáo viên sẽ là tuyệt đối, họ là người tự tìm ngữ liệu, tự ra đề thi, tự chấm; học sinh muốn thi được thì chỉ còn cách tìm đến giáo viên của mình để “học thêm”. Lúc này, lợi dụng uy thế và quyền sinh quyền sát trong tay, họ sẽ lùa tất cả đến lò luyện của mình mà không cần dùng đến ký cái “đơn xin tự nguyện học thêm” nào để làm màu nữa cả. Và thế là lúc này họ lại có đầy đủ “điều kiện” để vẫn dạy theo lối cũ, chấm bài theo lối cũ. Cũng tức là mẫu vẫn hoàn mẫu, không có gì thay đổi hết. Chỉ khác là nếu trước đây mẫu được dạy ở trường thì nay nó phải học ở nhà thầy cô, vậy thôi. Cũng lúc này, cái gọi là “nhu cầu chính đáng” mà các vị lãnh đạo của Bộ Giáo dục ra rả phát biểu trên báo để biện minh cho chính sách dạy thêm của họ sẽ trở thành một thứ trò cười.

Chương trình 2018 với những hi vọng ban đầu từ nó, nhưng chỉ cần ban hành thêm một chính sách kiểu như cho phép dạy thêm đã nói, sẽ bị phá sản hoàn toàn. Lúc này, nó không những không thể thực hiện được bất cứ sự “đổi mới” nào, mà ngược lại, sẽ bị lợi dụng, và biến thành cái vòng kim cô bức hại học trò và xã hội.

Việc xây dựng chính sách phải đồng bộ và dựa trên tư duy hệ thống, để tránh sự mâu thuẫn, sự triệt tiêu và phá hoại, chứ không thể trống đánh xuôi kèn thổi ngược như vừa không cho ra đề trong sách giáo khoa lại vừa cho phép dạy thêm.

Để chương trình 2018 không bị lợi dụng và trở thành một sự độc hại đối với toàn xã hội, những chính sách như cho phép dạy thêm học thêm kia phải lập tức bị dẹp bỏ. Không có bất cứ lý do nào có thể bao biện cho một “chủ trương” sẽ khiến cả nền giáo dục phải “đi vào lòng đất” như thế cả.

Trách nhiệm đảm bảo chất lượng giáo dục phải nằm trọn trong việc thực hiện đầy đủ, nghiêm túc chương trình quốc gia (2018), đừng phủi tay bằng cách đẩy nó sang cho học trò khi bắt các em phải đi học thêm đến dại người, cũng đừng mượn danh “vì học trò” để gá thêm vào bất kỳ chương trình ăn theo nào, vì nếu làm như thế sẽ là rất hèn và bất lương.

No comments:

Post a Comment