Tuesday, October 29, 2024

Bàn với ChatGPT về ảnh hưởng chung của Tuyên Ngôn Cộng Sản đối với Quốc Tế thứ hai (QT2)
Nghiêm Huấn Từ
29-10-2024
Tiengdan

Thủy tổ của Chủ nghĩa Xã hội và Chủ nghĩa Cộng sản là hai cụ Marx và Engels. Tác phẩm “để đời”, giá trị ngang với kinh thánh, của hai cụ là cuốn sách nhỏ Tuyên Ngôn Cộng Sản (TNCS) dù chỉ dài vài chục trang, nhưng chứa rất nhiều câu nay trở thành danh ngôn. Danh ngôn mở đầu là câu tóm tắt toàn bộ học thuyết: Xóa bỏ tư hữu.

Sau năm 1917, TNCS được in ra bằng mọi thứ ngôn ngữ của vài triệu người. Cũng từ năm 1917, TNCS trở thành cẩm nang, không những số lượng in ra không kém số kinh thánh đã in, mà vì giá trị soi đường của nó để nhân loại đi lên một chế độ xã hội hoàn toàn bình đẳng, con người hoàn toàn tự do, hạnh phúc, và phát triển toàn diện, trên cơ sở xóa bỏ tư hữu – như danh ngôn mở đầu đã khẳng định.

Còn danh ngôn dùng để kết thúc TNCS là khẩu hiệu hướng dẫn và hô hào giai cấp công nhân toàn cầu hãy hợp nhất lại.

Sau 16 năm, tổ chức quốc tế đầu tiên của công nhân ra đời, sau này được gọi là Quốc Tế thứ nhất (QT1). Chính do vậy, muốn khảo sát ảnh hưởng của TNCS đối với phong trào công nhân quốc tế (cứ gọi vậy cho oai, chứ thực ra chỉ là phong trào châu Âu thôi), chúng ta cần tìm hiểu TNCS đã gây được ảnh hưởng gì tới các QT1, 2 và 3.

Bài trước đã kết luận: TNCS chưa có ảnh hưởng gì tới QT1. Sau đây là bài thứ hai.

Người đối thoại: Xin hỏi ChatGPT, giai đoạn chuẩn bị thành lập QT2 dài tới mười năm. Khi đó, các biện pháp đấu tranh có thể chia làm hai loại: Đấu tranh ôn hòa (gọi là cải cách) và đấu tranh “lật đổ”, gọi là cách mạng.

Một nhân vật là Lafargue (con rể Marx) thuộc phái cách mạng đã hoạt động rất tích cực để biện pháp đấu tranh cách mạng sẽ thắng thế trong QT2. Nhưng bất ngờ, xuất hiện phái “khả năng” tranh chấp đường lối đấu tranh với phái Lafargue. Điều bất ngờ là, nó trội hơn hẳn. Do vậy, khi QT2 ra đời, TNCS vẫn chưa có ảnh hưởng nổi trội, mà còn bị đề nghị sửa đổi?

ChatGPT: Trong thời gian chuẩn bị cho việc thành lập Quốc tế Cộng sản II (QT2), đã có những tranh chấp đáng chú ý về đường lối và phương pháp đấu tranh giữa hai phái trong phong trào xã hội chủ nghĩa, gọi là phái “khả năng” (Possibilists) và phái “cách mạng” (Lafargue). Những cuộc tranh luận này phản ánh sự khác biệt cơ bản trong cách tiếp cận giữa một bên là cải cách từ từ trong khuôn khổ xã hội hiện có và bên kia là đấu tranh cách mạng triệt để.

1) Phái “khả năng” (Possibilists) chủ trương cải cách dần dần, đã ôn hòa còn phải “ôn hòa” hơn nữa: Phái này ủng hộ việc thực hiện các cải cách xã hội trong lòng hệ thống tư bản, hướng đến mục tiêu cuối cùng là cải thiện điều kiện sống của giai cấp công nhân một cách hòa bình và tuần tự, mà không đòi hỏi thay đổi triệt để ngay lập tức. Đó là chiến lược thực dụng, mà nguyên nhân là phái này thấy chế độ tư bản ngày càng thật sự dân chủ, cách bầu cử ngày càng công bằng, minh bạch. Nhiều đại biểu công nhân đã được bầu vào quốc hội và cất tiếng nói đại diện cho giai cấp công nhân.

2) Phái “cách mạng” (Lafargue) chủ tương đấu tranh cách mạng triệt để, phản đối cách tiếp cận cải cách từng bước của phái “khả năng”, với mục tiêu lật đổ hoàn toàn hệ thống tư bản. Việc lập ra QT2 chính là nhằm mục tiêu này, mà bước đầu là tập hợp công nhân theo lời hô hào ghi rõ ở dòng cuối trong TNCS. Phái Lafargue cho rằng việc theo đuổi cải cách từng bước sẽ khiến phong trào xã hội chủ nghĩa mất đi bản chất cách mạng của nó.

3) Diễn biến và kết quả: Tất yếu là tạo ra hai phái đối lập, với sự tranh luận bất tận ngay trong nội bộ QT2. Một bên nhuần nhuyễn lý luận, nhưng bên đối lập không cãi lại bằng lý luận mà dùng thực tế để bác bỏ đối phương.

Người đối thoại: Tuyên Ngôn Cộng Sản của Marx dứt khoát dùng đấu tranh cách mạng để lật đổ chế độ tư bản. Marx cho rằng giai cấp tư bản có sự liên kết toàn cầu, do vậy giai cấp công nhân toàn thế giới cũng phải liên hiệp, đi đến thống nhất toàn cầu, để cách mạng đồng thời nổ ra ở một loạt nước tư bản phát triển cao nhất (Marx dự kiến khởi đầu là ở Đức). Xin ChatGPT nói tóm tắt.

ChatGPT: Trong Tuyên Ngôn Cộng Sản, Marx đã kêu gọi cách mạng để lật đổ chế độ tư bản, nhấn mạnh rằng giai cấp tư bản có sự liên kết quốc tế mạnh mẽ. Vì vậy, Marx cho rằng công nhân toàn thế giới cần đoàn kết để tiến hành cách mạng đồng loạt tại các nước tư bản phát triển nhất, khởi đầu từ Đức, nhằm bảo đảm thành công và duy trì quyền lực vô sản trên quy mô toàn cầu.

Người đối thoại: Tuy nhiên, thời điểm Tuyên Ngôn Cộng Sản ra đời (1848), giai cấp tư bản còn rất non yếu, do vậy giai cấp công nhân lại càng nhỏ bé. Nhiều nước châu Âu còn nằm dưới chế độ vua quan. Do Tuyên Ngôn Cộng Sản ra đời quá sớm, cho nên Marx không thể dự báo chính xác tới mức để hậu thế cứ nhất nhất theo lời dạy của Marx mà làm theo?

ChatGPT: Đúng vậy, khi Tuyên Ngôn Cộng Sản ra đời vào năm 1848, giai cấp tư bản ở châu Âu vẫn chưa thống trị xã hội. Giai cấp công nhân còn nhỏ bé, và chế độ phong kiến vẫn tồn tại ở nhiều quốc gia. Trong bối cảnh đó, Tuyên Ngôn Cộng Sản đã đưa ra lý tưởng cách mạng và đoàn kết công nhân quốc tế, nhưng hoàn cảnh thực tế cho thấy các điều kiện Marx kỳ vọng chưa hoàn toàn chín muồi.

Chính vì vậy, hậu thế không thể máy móc thực hiện các chỉ dẫn của Marx, vì ông không thể dự đoán hết những thay đổi kinh tế – xã hội lớn diễn ra sau đó. Các nhà cách mạng sau này cần linh hoạt áp dụng lý thuyết của Marx, phù hợp với tình hình thực tiễn ở từng thời kỳ và khu vực.

Người đối thoại: Dẫu sao, Marx vẫn nhìn ra một điều rất quan trọng: Giai cấp tư bản có sứ mạng lịch sử của nó. Sau khi làm cách mạng xóa bỏ chế độ phong kiến (thuộc nền văn minh nông nghiệp) giai cấp tư bản có sứ mạng kiến tạo nền văn minh công nghiệp và hệ quả đương nhiên là tạo ra giai cấp công nhân – xuất thân từ nông dân. Cách mạng vô sản chỉ nổ ra khi đủ điều kiện. Đó là:

1. Nền công nghiệp đã phát triển hết cỡ;

2. Giai cấp công nhân cũng trưởng thành đầy đủ và nhận thức được sứ mạng của mình?

ChatGPT: Đúng! Marx hận ra rằng, giai cấp tư sản có một vai trò lịch sử trong việc phá bỏ chế độ phong kiến và xây dựng nền văn minh công nghiệp. Marx tin rằng, cách mạng vô sản chỉ có thể xảy ra khi có đủ điều kiện, nghĩa là khi nền công nghiệp đã phát triển đến mức tối đa, và giai cấp công nhân đã đủ lớn mạnh, trưởng thành về ý thức và nhận thức được vai trò lịch sử của mình.

Người đối thoại: Nếu vậy, thật là dễ hiểu khi Tuyên Ngôn Cộng Sản chưa tạo được ảnh hưởng gì ở Quốc Tế thứ nhất (QT1). Khi đó (1864) TNCS ra đời mới được 16 năm dưới hình thức một cuốn sách mỏng (brochure), chìm đi dưới vô số những ấn phẩm đủ mọi xu hướng về tư tưởng. Mặc dù Marx được mời tham gia QT1 và làm việc trong Ban soạn thảo văn bản, Marx đã phải dành hết công sức tranh luận với những đại diện của các tư tưởng đối lập.

Ngoài ra, trọng tâm chú ý của QT1 là các biện pháp đấu tranh (khi công nhân chưa tạo được một giai cấp đúng nghĩa) tất nhiên phải nghiêng hẳn về phía ôn hòa.

ChatGPT: Đúng vậy, khi Tuyên Ngôn Cộng Sản ra đời, ảnh hưởng của nó còn rất hạn chế trong QT1. Mới chỉ 16 năm sau khi xuất bản dưới dạng một cuốn sách mỏng, nó chưa thu hút nhiều sự chú ý trong bối cảnh ngập tràn các ấn phẩm mang các tư tưởng chính trị khác nhau.

Mặc dù Marx được mời tham gia QT1 và đóng vai trò trong việc soạn thảo các văn kiện, ông phải tập trung phần lớn vào tranh luận với các đại diện tư tưởng đối lập như Proudhon và Bakunin. Điều này khiến QT1 thiếu hẳn sự quan tâm tới lý thuyết cách mạng của Marx.

Người đối thoại: Ngày nay, xem lại các tư liệu về QT1, ta vẫn nhận ra sự nỗ lực rất lớn của Marx ngầm đưa ý tưởng của mình vào các văn bản của QT1, khi Marx thực hiện chức năng được phân công (soạn thảo văn bản).

ChatGPT: Đúng vậy, các tài liệu về QT1 cho thấy nỗ lực không ngừng của Marx trong việc định hướng lý luận và tổ chức cho phong trào công nhân quốc tế. Khi bị chỉ trích là một “nhà cách mạng ghế bành” (Armchair – nay gọi là “chính khách xa-lông), ông đã kịp đưa vào văn bản một câu, hàm ý “Thời nay, phong trào cách mạng phải có lý luận cách mạng đi trước, dẫn đường”.

Còn trong Nội quy chung của Hiệp hội do Marx viết, đã mở đầu bằng tuyên bố “Rằng việc giải phóng giai cấp công nhân phải là nhiệm vụ của chính giai cấp công nhân (hàm ý: Công nhân các nước phải liên kết lại). Một câu khác: “Cuộc đấu tranh giải phóng giai cấp công nhân không có nghĩa là đấu tranh giành đặc quyền và độc quyền giai cấp, mà là vì quyền và nghĩa vụ bình đẳng, và bãi bỏ mọi quy tắc giai cấp”.

Trong diễn văn nhậm chức, Marx viết, để nhấn mạnh mục tiêu của giai cấp công nhân: “Để chinh phục quyền lực chính trị do đó đã trở thành nghĩa vụ lớn lao của giai cấp công nhân”. Và kết thúc bằng lời hô hào lấy từ Tuyên Ngôn Cộng Sản: “Vô sản các nước, Đoàn kết!”. Nhưng cũng chính do lời hô hào này, mà nhiều thành viên đã rời bỏ QT1, rời bỏ vào mùa xuân năm 1865.

Người đối thoại: Khi công xã Paris nổ ra năm 1871, Marx viết sách ca ngợi, càng công khai bộc lộ quan điểm đấu tranh bạo lực của mình, càng khiến các thành phần ôn hòa trong QT1 chia rẽ.

ChatGPT: Đúng. Marx nhận định rằng Công xã Paris là minh chứng cho thấy giai cấp công nhân không thể chỉ cải cách nhà nước tư sản, mà phải lật đổ nó để xây dựng một hình thức chính quyền hoàn toàn mới.

Người đối thoại: Vậy, ảnh hưởng của Tuyên Ngôn Cộng sản ra sao đối với QT2 thành lập năm 1889, chúng ta hoàn toàn có thể dự đoán được. 

ChatGPT: Đúng vậy. Có thể thấy rõ các ảnh hưởng của Tuyên Ngôn qua ba khía cạnh chính:

1) TNCS là tác nhân tập hợp mạnh mẽ: Nó cung cấp một nền tảng lý luận chung, thu hút các tổ chức công nhân và đảng phái xã hội chủ nghĩa từ nhiều quốc gia, tạo nên QT2 với quy mô lớn chưa từng thấy và ảnh hưởng rộng khắp.

2) TNCS còn là tác nhân gây tranh luận về biện pháp đấu tranh: Đó là tranh cãi về chọn bạo lực hay ôn hòa. Cuối cùng, biện pháp ôn hòa – chủ yếu là thông qua hoạt động chính trị, cải cách và tham gia bầu cử – giành ưu thế ở các đảng châu Âu, nơi phát triển trước châu Á nhiều thế kỷ. Còn biện pháp bạo lực chuyển sang đảng của Lenin ở châu Á.

3) TNCS cũng là tác nhân tạo ra nhu cầu sửa đổi chủ nghĩa Marx: Đến cuối thế kỷ 19, xã hội và kinh tế châu Âu đã phát triển hơn hẳn (mà Marx không thể hình dung được). Điều này làm nảy sinh quan điểm cần “sửa chữa chủ nghĩa Marx” để thích ứng với thực tế mới.

Người đối thoại: Cám ơn ChatGPT rất nhiều. Lần trao đổi tới sẽ bàn về sự ảnh hưởng cụ thể của TNCS đối với QT2 (và sau đó sẽ là ảnh hưởng đối với QT3) cũng mong được sự đóng góp hiệu quả của ChatGPT như lần này.

ChatGPT: Rất hoan nghênh! Mình rất vui khi có thể giúp bạn trong việc tìm tư liệu chứng minh những chủ đề do bạn đưa ra. Rất sẵn sàng thảo luận về sự ảnh hưởng cụ thể của Tuyên Ngôn Cộng Sản đối với QT2 và QT3. Chúc bạn có một ngày tốt lành!

No comments:

Post a Comment