Đưa quân sang Nga: Tham vọng của Bắc Triều Tiên trên trường quốc tế
Thanh Phương
Đăng ngày: 30/10/2024 - 13:32
RFI
Mặc dầu thông tin vẫn bị Bình Nhưỡng cực lực bác bỏ và phía Matxcơva phủ nhận (tuy yếu ớt hơn), ngày càng có nhiều nguồn tin xác nhận hàng ngàn binh lính Bắc Triều Tiên đã được gởi sang Nga để được huấn luyện chuẩn bị tham chiến chống Ukraina, thậm chí một số binh lính hiện đã có mặt ở vùng biên giới Kursk.
Lãnh đạo Kim Jong Un tới thị sát sở chỉ huy quân đoàn 2, quân đội Bắc Triều Tiên, ngày 17/10/2024. Ảnh do KCNA công bố. via REUTERS - KCNALính Bắc Triều Tiên được triển khai ở Nga vào lúc Viện Duma, tức Hạ Viện Nga hôm 24/10 vừa thông qua hiệp ước về “đối tác chiến lược toàn diện” giữa Nga và Bắc Triều Tiên. Hiệp ước này dự trù là nước này sẽ ứng cứu nước kia trong trường hợp bị một quốc gia thứ ba tấn công.
Kể từ khi kết thúc Chiến tranh Triều Tiên thập niên 1950 cho tới nay, quân đội Bắc Triều Tiên, với quân số lên đến 1,2 triệu người, chưa tham gia vào bất kỳ cuộc xung đột lớn nào. Trong thời gian chiến tranh Việt Nam, trong khi Hàn Quốc huy động đến 320.000 quân tới miền Nam Việt Nam để hỗ trợ quân đội Mỹ, Bình Nhưỡng chỉ cử phi công đến Miền Bắc Việt Nam, chứ không điều động bộ binh. Như vậy, chiến trường Ukraina sẽ là nơi đầu tiên mà binh lính Bắc Triều Tiên trực tiếp trải nghiệm một cuộc chiến tranh hiện đại.
Đây là lần đầu tiên một quốc gia gởi quân chính quy đến hỗ trợ quân đội Nga, vì cho tới nay chỉ mới có lính đánh thuê từ một số nước đến tham chiến ở Ukraina. Theo nhận định của ông Andrei Lankov, chuyên gia về Bắc Triều Tiên, trả lời trang mạng NK News, sự yểm trợ của Bình Nhưỡng chắc là sẽ không làm thay đổi tương quan lực lượng trên trận địa, nhưng ít ra có thể giúp quân đội Nga lên tinh thần và nhờ vậy mà điện Kremlin không cần phải mở một chiến dịch động viên mới mà chắc chắn sẽ khiến dân Nga bất bình.
Lầu Năm Góc và chính quyền Kiev khẳng định lính Bắc Triều Tiên hiện đã được triển khai ở vùng biên giới Kursk của Nga, nơi mà quân Ukraina đã đánh chiếm được hàng trăm km2 lãnh thổ của Nga trong chiến dịch đột kích từ tháng 8. Nhưng hiện chưa rõ là lính Bắc Triều Tiên có sẽ được triển khai sang lãnh thổ Ukraina hay không và nếu có, thì khi nào.
Theo nhận định của Philippe Pons, thông tín viên của nhật báo Pháp Le Monde tại Tokyo, thông qua sự hiện diện của quân đội tại một nơi cách căn cứ của họ đến 7.000 km, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên có vẻ như đang muốn trở thành một tác nhân chính thức trên trường quốc tế.
Nói cách khác, việc triển khai quân trên mặt trận Ukraina để hỗ trợ đồng minh Nga là yếu tố thể hiện rõ nhất việc tái định vị chiến lược của Bắc Triều Tiên trong khuôn khổ “quan hệ đối tác chiến lược” được ký kết vào tháng 6 tại Bình Nhưỡng giữa tổng thống Nga Vladimir Putin và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un. Từ thế phòng thủ nhằm răn đe bằng cách trang bị tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân chống lại Mỹ, Bình Nhưỡng đã chuyển sang chuẩn bị hành động ngăn ngừa chống lại Hàn Quốc, nay đã trở thành kẻ thù chính của họ.
Việc triển khai quân đội Triều Tiên trên mặt trận Ukraina có thể khiến Hàn Quốc gia tăng cung cấp cho Ukraina vũ khí không chỉ để phòng thủ mà còn cả vũ khí tấn công. Cho đến nay, Seoul đã cung cấp cho Kiev các thiết bị quân sự không sát thương như thiết bị rà phá bom mìn. Hàn Quốc có kế hoạch cử sĩ quan tình báo quân sự đến Ukraina để quan sát chiến thuật tác chiến của quân đội Bắc Triều Tiên và tham gia thẩm vấn tù binh Bắc Triều Tiên, nếu bắt được. Trước mắt, trong cuộc điện đàm hôm qua, lãnh đạo Ukraina và Hàn Quốc đã quyết định sẽ tăng cường hợp tác an ninh để đối phó Bắc Triều Tiên.
No comments:
Post a Comment