Wednesday, October 30, 2024

Cù Mai Công - Đôi văn sĩ một đời thương nhau ở xóm Đại Lợi
mercredi 30 octobre 2024
Thuymy


Ngày 30-10-1971, xóm Đại Lợi của tôi có một đôi xinh giai đẹp gái, cùng văn hay chữ tốt như nhau nên mối duyên trầu cau. Ngày rước dâu, cả xóm ra coi cặp vợ chồng đẹp như tiên đồng ngọc nữ.

Năm mươi ba năm sau, 30-10-2024, khi đôi mái đầu đều bạc, họ và anh em, con cháu lại tụ họp bên nhau mừng ngày cưới.

Nàng làm thơ:

53 NĂM - TA VẪN CÒN NỢ NHAU

Năm mươi năm không ngắn.

Cũng chưa phải quá dài

Mong tình già vẫn thắm!

Dù tóc đã bạc phai. 

Bao lâu rồi anh nhỉ?

Mùa Xuân vẫn dịu êm.

Vòng tay anh rất ấm!

Và môi anh vẫn mềm!

Có bao giờ anh nghĩ?

Một ngày ta... mất nhau

Chim trong vườn thôi hót

Lá cũng ngưng đổi màu.

Có bao giờ anh đếm

Thời gian còn bao nhiêu?

Năm mươi năm chưa đủ.

Phải trăm năm mới nhiều.

Xin nâng niu cuộc sống

Thời gian thêm ngọt ngào!

Bao lâu rồi anh nhỉ?

Ta vẫn cần có nhau!

(1971-2024)

Chàng làm thơ:

MỘT NGÀY NHỚ EM

• Tặng D.

Cứ một ngày, khi nắng sớm lên

Cây cợt đùa những giọt đầu tiên

Sương đêm e ấp vừa buông lá

Anh lại thấy mình đang nhớ em.

Nhớ em từ thuở yêu đầu tiên

Hình như vẫn ngắn, tình yêu ấy

Xuân nồng vội vã như chẳng thấy

Suốt đời ngây ngất, ngất ngây say.

Nhớ hôm xưa, tay ôm ấp tay

Nẻo đường rộn rã lá vàng bay

Mặc cho trời nắng, mặc trời mây

Ta dắt nhau đi, suốt chiều ngày.

Biết đã bao lần, năm lại năm

Bao lần tháng tháng giấc nồng êm

Bao ngày tuyệt đỉnh trong ngây ngất

Bao phút giây say mộng êm đềm.

Cứ một ngày qua, lại nhớ em

Nhớ em từ thuở yêu đầu tiên

Dù nay tóc bạc mầu sương tuyết

Anh vẫn thấy mình đang nhớ em.

(Kỷ niệm ngày cưới 30.10.1971) 

… Xóm Đại Lợi của tôi là những nóc gia xung quanh rạp Đại Lợi. Nhà bố mẹ nữ nhà văn Dung Sài Gòn cách nhà tôi năm căn. Anh chị em của chị Dung hầu như khớp tuổi với anh chị em nhà tôi nên hai bên chơi với nhau theo từng cặp cùng tuổi.

Nhà chị cạnh tiệm phở Hương Lan. Xưa là nhà cụ lang Chánh; sau này chủ mới là nhà sách Ân Phú. Bác trai tên Nguyễn Gia Ân, gốc Hải Phòng, từng là Trưởng ty Quan thuế trước 1975 ở Huế. Bác gái gốc Phủ Lý, Nam Định. Trưởng nữ là chị Ái, hiền, đảm đang; chồng là trung tá, có hai con là Quang và Nhã, trắng trẻo, dễ thương, ngoan. Rồi tới anh Khánh cũng là sĩ quan, chị Dung, chị Thanh, anh Hiệp, chị Nga, anh Cường và Việt là út.

Thằng Việt trong nhà gọi là Tí, xóm gọi là Tí “bú sữa” vì bác gái rất thương con trai út. Nhờ vậy, tôi được thương... lây vì cùng tuổi, chơi với con bác và hai đứa khá giống nhau. Có lúc bác gái còn nhầm hai đứa.

Chị Dung là nhà văn viết về lứa tuổi mới lớn, giới trẻ với bút danh Dung Sài Gòn rất nổi tiếng trước 1975. Chồng chị cũng vậy, bút danh Võ Hà Anh. Hai vợ chồng viết chung nhiều tập truyện có lẽ đến giờ vẫn nhiều người chưa quên: “Dễ Thương”, “Dễ Ghét”, “Người đã trở về”, “Trong vô số buổi chiều”, “Cho người tình mong manh”, “Quà cưới cho cô bé”...

Võ Hà Anh tên thật là Vũ Quốc Anh, Bắc 54 Ninh Bình; nhà văn chuyên viết truyện tình giới trẻ; phóng viên, biên tập nhiều báo Sài Gòn trước 1975: Ngày Nay, Tiền Tuyến, Sóng Thần, Sống... Anh gặp chị vốn Bắc 45 Hải Phòng, từ bạn thơ văn trở thành bạn đời.  Đôi vợ chồng nhà văn này trước 1975 viết rất khỏe, chắc đang yêu nên người ta sung sức: chỉ trong 10 năm, ra 50 tập truyện; tái bản nhiều lần. Sách đắt như tôm tươi, ra cuốn nào hết cuốn đó. Chị Dung những năm đó đương tuổi đôi mươi, viết giới trẻ khác nào đi guốc trong bụng họ.

Anh bút danh Võ Hà Anh, chị lấy bút danh Dung Sài Gòn. Hai vợ chồng nhà văn Ông Tạ này tới giờ vẫn gắn bó nhau như hồi viết sách, ký tên chung.

Giữa tháng 10-2024, chuẩn bị 53 năm cưới, anh bỗng tìm thấy một chiếc túi xách được may bằng nhiều miếng vải của thời khó khăn. Như tấm y của thầy Minh Tuệ.

Anh cầm trên tay chiếc túi vải, run lên xúc động: “Túi xách này là vật kỷ niệm đặc biệt đối với tôi trong thời gian khốn khó 10 năm (1975-1985). Vợ tôi đã mua cho tôi để đựng các vật dụng cần dùng như lon cơm, chai nước lọc, cuốn sổ tay, bao kính… và các thứ linh tinh khác. Nó luôn ở cạnh tôi giống cái ba lô mà ngày nay người người thường đeo trên lưng, cùng tôi đi khắp mọi nơi để kiếm cách sinh nhai trên chiếc xe đạp cũ. Nó ra khỏi nhà cùng… ông chủ, từ sáng sớm và trở về khi thành phố đã lên đèn.

Trong 10 năm nó là người bạn đồng hành tốt bụng và chứng kiến chủ mình lam lũ với gần 20 nghề linh tinh, trước khi được một ân nhân tìm cho một công việc đúng đắn lâu dài đến lúc về hưu! Nó được giặt sạch sẽ và nằm nghỉ… hưu trong tủ.

Cho đến nay khi ngồi buồn sắp xếp lại tủ tôi đã nhìn thấy nó. Tôi xúc động cầm nó lên, thì thầm: Cám ơn Em!”

Anh chị, đôi nhà văn hàng xóm của tôi ấy đã thương nhớ nhau, đã sống thật trên hàng vạn trang sách của mình - một thời cuốn hút tuổi học trò Sài Gòn - lẫn trong cuộc đời.

CÙ MAI CÔNG 30.10.2024



No comments:

Post a Comment