Wednesday, October 30, 2024

Tuấn Khanh - Hoa Kỳ bán 2 tỉ đô la vũ khí cho Đài Loan, Trung Quốc như ngồi trên lửa
mercredi 30 octobre 2024
Thuymy



Hoa Kỳ là đồng minh không chính thức có thực lực quân sự mạnh nhất của Đài Loan, và luật pháp của nước này cũng ràng buộc Hoa Kỳ phải cung cấp cho Đài Loan các phương tiện để tự vệ.

Ngày 1 tháng 1 năm 1979, khi Hoa Kỳ và Trung Quốc đại lục thiết lập quan hệ ngoại giao, từ đó giữa Hoa Kỳ và Đài Loan không tồn tại quan hệ ngoại giao chính thức. Tuy nhiên, Hoa Kỳ thông qua "Luật Quan hệ Đài Loan", thiết lập "Hiệp hội Hoa Kỳ tại Đài Loan" để duy trì quan hệ phi chính thức với Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc, bao gồm chính sách "bảo vệ bạn hàng".

Số vũ khí trị giá 2 tỉ đô la bán cho Đài Loan, bao gồm lần đầu tiên hệ thống phòng thủ phi tiễn đất đối không tiên tiến nhất NASAMS được chuyển giao cho hòn đảo tự trị này, đã vấp phải sự phản ứng dữ dội từ Trung Quốc.

Dưới thời tổng thống mới của Đài Loan, Lai Ching Te (Lại Thanh Đức), quân đội được tăng cường nhanh các biện pháp phòng thủ, vào khi Trung Quốc ngày càng gia tăng các mối đe dọa quân sự đối với vùng đất mà họ tuyên bố là phải thuộc về mình. Kể từ khi ông Lai nhậm chức vào tháng Năm, Bắc Kinh đã tổ chức liên tục các cuộc diễn tập xâm chiếm, bao vây, đồng thời máy bay quân sự bay vào không phận của Đài Loan liên tục.

Sự tức giận lên cao trào của Trung Quốc trên các ngôn ngữ ngoại giao cũng như báo chí thân chính quyền. Bởi gói hàng quân sự bao gồm ba hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến quốc gia (NASAMS) và các thiết bị liên quan trị giá lên đến 1,16 tỉ đô la, theo công bố của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, nó cũng bao gồm các hệ thống radar trị giá ước tính 828 triệu đô la, vốn là loại vũ khí tối tân hiện nay, mà trục Trung Quốc - Nga - Iran - Bắc Hàn vẫn thèm muốn trong lo sợ.

Bản thân sự kết hợp trong gói hàng quân sự này cho Đài Loan, có thể giúp chính quyền này tự tạo ra một vòm sắt phòng thủ trên không, tương tự như Iron Dome của Israel.

NASAMS là gì mà Trung Quốc giận dữ đến vậy? Hệ thống NASAMS được thử nghiệm trên chiến trường ở Ukraine từ 2022, và đã làm thay đổi hoàn toàn tình hình chiến cuộc Ukraine với Nga.

Tên gọi NASAMS (National Advanced Surface-to-Air Missile System) tạm dịch là Hệ thống phi tiễn đất đối không tiên tiến phòng thủ quốc gia, là một phát minh của Na Uy, vô cùng gọn nhẹ, có thể di chuyển liên tục và liên kết chặt chẽ giữa các bệ phóng phi tiễn với nhau. Các bệ phóng phi tiễn có kết hợp với radar tầm xa để thấy trước, đoán trước các đường tấn công của phi cơ và phi tiễn đang hướng tới mục tiêu nào cần bảo vệ. Điều đáng nói là mặc dù thiết bị hiện đại và chính xác, nhưng mỗi bệ phóng chỉ cần có hai người điều khiển, và vô cùng cơ động.

Ukraine đã sử dụng hệ thống này để bảo vệ các trung tâm dân cư từ cuối năm 2022. Nhưng giờ đây NASAMS hiện là một phần quan trọng trong mạng lưới phòng không của Ukraine, với các đợt cung cấp viện trợ liên tiếp từ Hoa Kỳ, bao gồm cả đạn dược cho các bệ phóng. NASAMS đã trở nên hiện đại rất nhiều sau các cải tiến của Hoa Kỳ khi có thể phóng được nhiều loại phi tiễn, bao gồm cả phi tiễn đạn đạo chiến thuật Patriot, và các nơi bố trí NASAMS liên kết với nhau chặt chẽ như một vòng rào vô hình, dự báo chính xác được tất cả các cuộc tấn công từ xa lớn, nhỏ.

Trong cuộc họp báo của Lầu Năm Góc vào ngày 16 tháng 11 năm 2022, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ca ngợi hiệu quả của hệ thống này. "Tôi vui mừng thông báo rằng các hệ thống phòng không NASAMS mà chúng tôi gửi đến Ukraine hiện đã hoạt động với hiệu suất của chúng cho đến nay rất ấn tượng", Austin cho biết. "Các hệ thống Nasams có tỉ lệ thành công 100 % trong việc đánh chặn hỏa tiễn của Nga khi Điện Kremlin tiếp tục cuộc bắn phá liên tục vào Ukraine".

Ý định cô lập và triệt hạ Ukraine trong suốt mùa đông đã hoàn toàn thất bại, khi phi cơ và phi tiễn Nga liên tục nhắm vào các nhà máy điện và cơ sở hạ tầng năng lượng rộng lớn hơn nhưng đều bị đánh chặn. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cũng ca ngợi NASAMS và thông báo vào năm 2023, rằng hệ thống phòng vệ đất đối không đã cho phép người dân địa phương trở lại cuộc sống bình thường và không phải lo lắng nhiều về hỏa tiễn và máy bay không người lái đang đi tới.

Theo trò chơi chiến tranh của Trung Quốc, được tuyên bố nhằm mục đích thực hành “việc niêm phong các cảng quan trọng và các khu vực trọng điểm” xung quanh Đài Loan. Đài Loan thống kê kỷ lục trong một ngày, đã có tổng cộng 153 máy bay, 14 tàu hải quân và 12 tàu của chính phủ Trung Quốc xâm nhập không phận và hải phận.

Nếu Đài Loan sở hữu được hệ thống phòng thủ đất đối không này, việc xâm chiếm của Trung Quốc phải chững lại một giai đoạn, vì theo kế hoạch đánh chiếm Đài Loan của Bắc Kinh, trước khi đổ bộ, một đợt bão pháo kích bằng phi tiễn và drone sẽ dọn đường trước. Nhưng với NASAMS thì việc đánh chặn hiệu quả, đã buộc Bắc Kinh phải có một bài tính mới.

TUẤN KHANH 30.10.2024

Ảnh : 1. Bệ phóng phi tiễn 2. Sơ đồ bố trí một trục NASAMS 3. Phòng điều khiển

No comments:

Post a Comment