Tại Bắc Kinh, tổng thống Phần Lan thúc Tập Cận Bình nói với Tổng thống Putin về chiến tranh Ukraine
Reuters
29/10/2024
VOA
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) bắt tay Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb trong một lễ ký kết tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh hôm 29/10/2024.
Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb cho biết hôm 29/10 rằng ông đã thúc giục chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói chuyện với Tổng thống Vladimir Putin về cuộc xâm lược Ukraine của Nga.
Ông Stubb nói như vậy khi phát biểu tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh sau cuộc gặp với ông Tập.
Trước đó, tổng thống Phần Lan cho biết ông sẽ thảo luận về các giải pháp hòa bình cho cuộc chiến ở Ukraine trong cuộc gặp này tại Bắc Kinh.
Phần Lan, quốc gia có chung đường biên giới dài 1.340 km với Nga, đã gia nhập NATO vào năm ngoái trong một sự thay đổi chính sách mang tính lịch sử tiếp theo sau cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine. Cuộc chiến cũng đã làm căng thẳng trong mối quan hệ của một số quốc gia vùng Baltic và Trung Quốc do Bắc Kinh được cho là ủng hộ Moscow.
"Hiện tại, chúng ta đang ở trong tình huống mà hành động xâm lược của Nga đã vi phạm luật pháp quốc tế", ông Stubb nói trong bài phát biểu khi bắt đầu cuộc họp. "Tôi cũng mong muốn thảo luận về các giải pháp hòa bình trên con đường đó".
Ông Stubb, người cũng sẽ thảo luận về các vấn đề an ninh và quan hệ song phương với các quan chức cấp cao của Trung Quốc trong chuyến thăm kéo dài 4 ngày của mình, cho biết vào tuần trước rằng ông sẽ nói với ông Tập rằng không thể có thỏa thuận hòa bình nếu không có sự tham gia của Ukraine.
Chuyến đi của ông diễn ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu đang âm ỉ về mức thuế quan cao của Brussels đối với xe điện Trung Quốc, dự kiến sẽ được áp dụng vào tháng tới trong 5 năm. Phần Lan đã bỏ phiếu trắng về việc này.
Ông Tập đã nói với ông Stubb hôm 29/10 rằng Trung Quốc hoan nghênh Phần Lan "tích cực tham gia vào quá trình hiện đại hóa theo phong cách Trung Quốc ... và xây dựng một mô hình hợp tác cùng có lợi mới", theo thông tin từ phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc.
Phần Lan và Trung Quốc đã tham gia vào hoạt động ngoại giao tế nhị kể từ tháng 10 năm ngoái về vai trò có thể có của một tàu chở hàng đăng ký tại Hong Kong trong sự cố hư hại đường ống dẫn khí Balticconnector.
Trong một cuộc điều tra đang diễn ra, cảnh sát Phần Lan cho biết đường ống có khả năng đã bị xé toạc do một chiếc neo kéo ngang qua.
No comments:
Post a Comment