Môn Văn – Một thảm hoạ quốc giaThái Hạo
28-10-2024
Tiengdan
1.
Có lẽ nhiều bạn bè của tôi và anh Hoàng Tuấn Công có biết về hai “ông nhóc” Vĩ và Hạo con qua một số bài viết của hai cháu mà chúng tôi thường xuyên chia sẻ lên trang cá nhân. Hạo con và Tuấn Vĩ, hai đứa rất thân, bằng tuổi, đang học lớp 7.
Với tuổi tác mình, bọn nhỏ vẫn còn những vụng về, sai sót trong dùng từ, viết câu và tạo lập văn bản; và chắc chắn rồi, cần thời gian để hoàn thiện. Tuy nhiên, về cơ bản, tôi thấy Vĩ viết tốt, diễn đạt rất chính xác điều mà cháu nghĩ, và thường viết khá lớp lang bài bản với một sự thật lòng đầy cảm xúc. Hạo thì đam mê kể chuyện, hắn có thể “sáng tác” tức thì và kể ngay không ngớt những câu chuyện hư cấu liên tu bất tận do mình tưởng tượng ra. Đợt này cậu đang viết truyện phiêu lưu dài kỳ, gửi cho ba để lấy nhuận bút! Hạo có vốn từ khá phong phú. Tôi quan sát các cháu chơi trò nối chữ, thường Hạo luôn là người thắng cuộc.
Nhưng điều đáng nói là cả hai đều bị thầy cô đánh giá môn Ngữ văn là “non”, “yếu”, “kém” “dốt”. Đặc biệt, vì Vĩ bị cho là học yếu môn Văn nên mẹ phải đưa đến một lớp học văn có tiếng và rất “quy mô chuyên nghiệp” ở Thành phố Thanh Hóa để theo học, nhưng cách đây vài ngày cháu đã bị cô cho nghỉ với lý do là “non”, “không theo được các bạn” (trong số gần 70 bạn trong lớp).
Có bao nhiêu đứa trẻ đáng yêu và có một thứ tiếng Việt sinh động như Vĩ và Hạo? Tôi tin rằng, mỗi đứa trẻ đều là Vĩ và Hạo, nhưng chúng đều đang bị coi là “dốt” trong nền giáo dục của chúng ta. Và, hầu như, tất cả đều đang sợ Văn và tự nhận mình “dốt Văn” như Vĩ và Hạo.
2.
Một chuyện khác. Sáng nay mở facebook, tình cờ đọc được một bài có tên “Mở bài ấn tượng của học sinh giỏi quốc gia” trên trang Yêu Văn Học, trích 4 cái mở bài của 4 học sinh đoạt giải có địa chỉ cụ thể ở các trường chuyên khác nhau. Đọc, tôi bất giác giật mình: Học sinh giỏi quốc gia đây sao? Tôi gửi nó cho anh Công xem. Anh nhắn lại: “Khuôn sáo, tầm chương trích cú, nhắc lại như vẹt”. Đúng thế, tôi thêm: “Đó là còn chưa kể đến có cả những lỗi văn phạm to đùng”.
Xin trích một trong các mở bài ấy: “Mở bài 2
Điều gì tạo nên giá trị của một tác phẩm nghệ thuật? Tư tưởng của nhà văn hay tình cảm nghệ sĩ? Câu hỏi đó đã làm hết thảy mọi người, không chỉ có chúng ta mà còn cả giới nghệ sĩ. Đã có nhiều cách bàn bạc và lý giải xung quanh vấn đề này. Ý kiến của nhà văn Nguyễn Khải dưới đây, theo tôi cũng là một ý kiến đánh giá đầy đủ, chính xác và đánh ghi nhận: “Giá trị của một tác phẩm nghệ thuật trước hết là ở giá trị tư tưởng của nó. Nhưng là tư tưởng đã được rung lên ở các cung bậc của tình cảm, chứ không phải tư tưởng nằm thẳng đơ trên trang giấy. Có thể nói, tình cảm của người viết là khâu đầu tiên và là khâu sau cùng trong quá trình xây dựng một tác phẩm nghệ thuật”. (Bài văn giải Nhất của Bùi Việt Lâm – Trường THPT chuyên Hùng Vương). Các bạn muốn xem đầy đủ 4 mở bài thì bấm vào link ở phần bình luận.
Nếu đây là một trích dẫn chính xác, thì không tài nào lý giải nổi, tại sao một lối viết lách như thế mà có thể đoạt giải nhất kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Viết câu sai ngữ pháp (què, cụt), liên kết câu lủng củng, lỗi lặp từ. Về nội dung, coi nhận định trên của Nguyễn Khải về giá trị của một tác phẩm văn học là “đầy đủ, chính xác” thì tôi không hiểu người chấm căn cứ trên thứ lý luận nào. Thế mà đoạt giải nhất!
Chỉ riêng cái mở bài này thôi đã chứng mình rằng nó là sản phẩm điển hình của văn mẫu và lối tư duy “đoán ý giám khảo” trong làm bài. Đọc cái mở bài ấy, tôi không hề có chút niềm tin nào về chất lượng của thân bài. Vì tôi biết, dù có viết gì đi nữa, em học sinh này cũng chỉ một mực đi chứng minh rằng Nguyễn Khải nói đúng, nói chính xác, nói “không trượt phát nào”. Tóm lại là ngợi ca và ngợi ca. Và cũng như cái mở bài, em sẽ viết bằng những trần ngôn sáo ngữ, bằng những trích dẫn cũ rích nhàm chán.
3.
Tôi không nói rằng Vĩ và Hạo giỏi văn, tuyệt nhiên không. Tôi chỉ muốn thắc mắc rằng, tiêu chí đánh giá và mục đích của dạy học môn này (tiểu học gọi là môn Tiếng Việt) là gì? Môn Ngữ văn đích thị phải là môn học tiếng Việt, ở đó sẽ dạy cho học sinh biết sử dụng tiếng Việt (nghe, nói, đọc, viết) một cách thành thạo, hiệu quả. Bên cạnh đó, môn học này nhằm nuôi dưỡng cho học sinh tình yêu với văn chương, dạy các em biết suy nghĩ và biểu đạt cảm xúc một cách phong phú, sinh động, chân thành.
Tôi có hỏi anh Công về cách dạy của cô giáo Vĩ. Anh nói, “Thấy đa số các đề văn cô tải trên mạng, chất lượng ngữ liệu của đề nhìn chung kém từ nội dung đến văn phong, thậm chí giữ nguyên xi lỗi chính tả để dạy. Cô ra đề tả mùa Thu, và hướng dẫn cho cả anh và Vĩ là đưa cốm Làng Vòng vào. Cô gợi ý phụ huynh đưa cháu đi tham quan, nếu không đi được thì mở youtube ra xem mà viết”. Ôi chao, mùa thu đâu chỉ có cốm Làng Vòng! Và cốm Làng Vòng thì liên quan gì đến bọn trẻ con sống ở Thanh Hóa? Và thế là Vĩ không viết được, chỉ tả “lăng nhăng” cho qua chuyện. Cô đọc, đánh giá là “non”, yếu, kém. Đấy, cái văn mẫu trong nhà trường nó độc hại như thế đó. Nó làm cho những đứa trẻ sợ học Văn, khiếp học Văn. Chúng nó bị méo mó trong cảm xúc và nhận thức, chúng thấy bản thân mình thật tệ, chúng sợ cả đến cái ý nghĩ và tình cảm thật của chính mình. Học Văn, với chúng, là văn mẫu, là chép lại lời cô. Nếu không thuộc được lời thì ít ra cũng phải nhớ được cái “dàn ý”. Lệch ra khỏi là “non”, là dốt.
Tôi nói với anh Công: “Lối đánh giá này đang để lại hậu quả ở tầm quốc gia, làm méo mó và thui chột hàng triệu đứa trẻ”.
Câu chuyện của những bài văn đoạt giải quốc gia được viết một cách ngô nghê, đầy lỗi, và như vẹt kia có đủ để minh chứng cho tình trạng xuống cấp nghiêm trọng đã đến mức phải gióng lên hồi chuông thống thiết về một trong những môn học quan trọng bậc nhất trong nhà trường hay chưa? Câu hỏi này, tôi xin gửi đến ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đương nhiệm Nguyễn Kim Sơn, và tất cả những ai đang đảm trách nền giáo dục nước nhà.
Là một người đã nhiều năm đi dạy ở các trường THPT chuyên, tham gia bồi dưỡng đội tuyển quốc gia, ra đề học sinh giỏi và chấm hàng ngàn bài làm của học sinh, tôi thấy rằng, tình trạng dạy – học, và đánh giá năng lực môn Ngữ văn như trên là phổ biến, rộng khắp và đã kéo dài từ rất lâu cho đến tận hôm nay. Và những sai lầm nghiêm trọng này đã và đang để lại di chứng tai hại trong nhiều thế hệ do lối “đánh giá chất lượng” kiểu này gây ra. Nó cần phải được chấm dứt ngay. Bởi, chính nó đang hàng ngày hủy hoại những tình cảm, cảm xúc, suy nghĩ lành mạnh của từng lớp trẻ; nó đang tàn phá tiếng Việt một cách sâu sắc đến tận gốc rễ. Một cuộc chấn hưng trên phạm vi quốc gia phải được thực hiện, để cứu lấy tâm hồn những đứa trẻ và cứu lấy tiếng Việt vô giá của chúng ta.
No comments:
Post a Comment