Về vấn đề phúc lợi xã hội, bà Harris và ông Trump khác nhau thế nào?
VOA News
29/10/2024
VOA
Ảnh phối hợp: Cựu Tổng thống Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris .
Với cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ sắp diễn ra vào ngày 5 tháng 11, tầm quan trọng của phúc lợi xã hội — chẳng hạn như các chương trình của chính phủ về lương hưu và chăm sóc sức khỏe, được gọi là An sinh xã hội và Medicare, cùng với nhà ở giá rẻ và sự hỗ trợ cho các gia đình — một lần nữa lại được chú ý.
Hơn 71 triệu người ở Hoa Kỳ nhận trợ cấp từ các chương trình của Cơ quan Quản lý An sinh Xã hội vào năm 2023, giúp đỡ những người lao động đã nghỉ hưu và người khuyết tật. Nhưng Quỹ Tín thác An sinh Xã hội và Medicare, một chương trình bảo hiểm y tế liên bang dành cho người cao tuổi, đang cạn tiền và nếu không có nguồn tài trợ mới hoặc cắt giảm phúc lợi, dự kiến sẽ phá sản vào năm 2035 và 2036.
Cả hai ứng cử viên trong cuộc đua tổng thống năm nay là Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump đều đã cam kết bảo vệ An sinh xã hội và Medicare.
Nhưng Ủy ban vì Ngân sách Liên bang có Trách nhiệm đã công bố một bản phân tích trong tuần này cho biết, nếu không được giải quyết, chương trình kinh tế của bà Harris sẽ khiến An sinh Xã hội phá sản trong chín năm, trong khi chương trình của ông Trump sẽ khiến nó phá sản trong sáu năm.
Trong khi đó, tình trạng thiếu nhà ở đang đẩy giá mua và thuê nhà lên cao, trong khi lãi suất thế chấp cao đang làm chậm doanh số bán nhà và cả hai ứng cử viên đều đang thảo luận về các cách giúp đỡ các gia đình với chi phí nuôi con ngày càng tăng.
Vậy, hai ứng cử viên có kế hoạch giải quyết những vấn đề này như thế nào?
Họ khác biệt rõ rệt trong chính sách phúc lợi xã hội, phản ánh các giá trị của hai đảng chính trị thống trị tại Hoa Kỳ, đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa, về sự can thiệp của chính phủ và trách nhiệm cá nhân.
Bà Harris và Đảng Dân chủ nói chung cổ súy chính phủ tích cực hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương và những người chật vật thoát nghèo thông qua việc tăng thuế đối với người giàu, mà họ coi là chìa khóa để đạt được công bằng xã hội và thúc đẩy sự linh động kinh tế.
Ngược lại, những người Cộng hòa, bao gồm cả ông Trump, thường nhấn mạnh tầm quan trọng của trách nhiệm cá nhân, cơ chế thị trường và giảm thuế để khuyến khích năng suất, lập luận rằng sự can thiệp quá mức của chính phủ sẽ làm suy yếu nền kinh tế.
Nhưng có một số điểm trùng lặp, đặc biệt là khi nói đến việc giúp đỡ các gia đình.
VOA tổng hợp các lập trường và quan điểm của hai ứng cử viên về An sinh Xã hội và Medicare, nhà ở giá rẻ, và sự hỗ trợ dành cho các gia đình khó khăn.
An sinh Xã hội và Medicare
ÔngTrump muốn đảm bảo tính bền vững của An sinh Xã hội và Medicare thông qua tăng trưởng kinh tế, mà ông hy vọng sẽ thúc đẩy bằng cách giảm thuế và giảm những gì ông gọi là chi tiêu của chính phủ “không cần thiết” bằng cách tăng các lựa chọn tư nhân hóa hệ thống chăm sóc sức khỏe để thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường nhằm giảm chi phí. Ông cũng ủng hộ việc xóa bỏ thuế đánh vào phúc lợi An sinh Xã hội, lập luận rằng không nên đánh thuế người cao tuổi trên các phúc lợi họ nhận được. Những người chỉ trích cho rằng điều này sẽ khiến việc chi trả cho chương trình trở nên khó khăn hơn.
Bà Harris muốn mở rộng các chế độ phúc lợi An sinh xã hội thông qua Đạo luật Mở rộng An sinh xã hội, trong đó đề xuất tăng các chế độ phúc lợi tối thiểu và điều chỉnh cách tính chi phí sinh hoạt. Bà cũng ủng hộ việc đưa dịch vụ chăm sóc tại nhà dài hạn vào Medicare để giảm bớt gánh nặng cho các gia đình chăm sóc người già và trẻ em. Những người chỉ trích cho rằng việc mở rộng các chương trình này sẽ khiến việc chi trả chúng trở nên khó khăn hơn. Chính sách của bà Harris tiếp tục lập trường của chính quyền Biden là tăng thuế đối với những cá nhân giàu có với thu nhập hơn 400.000 đô la hàng năm để đảm bảo nguồn tài trợ cho An sinh Xã hội và Medicare. Bà Harris cũng cho biết chi phí chăm sóc sức khỏe có thể được kiểm soát thông qua đàm phán giá thuốc và giảm gian lận.
Nhà ở
Ông Trump muốn thúc đẩy phát triển thị trường nhà ở bằng cách giảm các quy định về xây dựng và sử dụng đất để tăng nguồn cung nhà ở và giảm chi phí mua nhà thông qua cạnh tranh. Ông phản đối việc xây dựng nhà ở thu nhập thấp tại các khu vực thường xây nhà riêng và đổ lỗi một số chi phí nhà ở cao cho lạm phát và di dân bất hợp pháp, cả hai đều là những yếu tố mà ông cho biết sẽ giảm nếu đắc cử, bao gồm cả thông qua việc trục xuất hàng loạt. Những người chỉ trích cho rằng giá nhà tăng vọt do lãi suất tăng và nhu cầu cao trong đại dịch COVID và cho rằng trục xuất hàng loạt sẽ chỉ làm trầm trọng thêm vấn đề nguồn cung vì phần lớn lực lượng lao động xây dựng bao gồm những di dân.
Bà Harris ủng hộ các ưu đãi về thuế và tăng nguồn tài trợ liên bang để hỗ trợ xây dựng nhà ở giá rẻ mà thị trường không đáp ứng được và cho biết kế hoạch của bà sẽ bổ sung thêm 3 triệu ngôi nhà mới trong vòng bốn năm tới. Bà ủng hộ khoản hỗ trợ thanh toán trước 25.000 đô la cho người mua nhà lần đầu và hạn chế các công ty mua lại bất động sản nhà ở quy mô lớn để chống đầu cơ và bảo vệ nhu cầu nhà ở của các gia đình bình thường. Những người chỉ trích cho rằng nhà ở thu nhập thấp làm giảm giá trị bất động sản và việc tăng trợ cấp cho việc mua nhà có thể đẩy mạnh mức cầu và đẩy giá nhà cao hơn.
Hỗ trợ các gia đình
Tín thuế Trẻ em CTC
Ông Trump hồi năm 2017 trong tư cách là tổng thống đã tạm thời tăng mức Tín thuế Trẻ em CTC từ 1.000 đô la lên 2.000 đô la cho mỗi trẻ em và mở rộng mức thu nhập để nhiều gia đình đủ điều kiện được nhận khoản này hơn, nhưng chương trình mở rộng này sắp hết hạn vào năm 2025. Nếu được bầu lại, ông Trump cho biết ông sẽ biến chính sách này thành chính sách vĩnh viễn. Tuy nhiên, một yêu cầu quan trọng là chỉ những hộ gia đình có thu nhập mới được hưởng khoản tín thuế này vì ông Trump cho rằng điều này khuyến khích mọi người đi làm. Những người chỉ trích cho rằng điều này không công bằng với những bậc cha mẹ thất nghiệp vốn đã gặp khó khăn.
Bà Harris muốn khôi phục và mở rộng CTC cho những gia đình không có thu nhập để tất cả các gia đình có con mới sinh nhận được khoản tiền thuế trả lại 6.000 đô la cho mỗi trẻ em, những gia đình có con từ 1-6 tuổi nhận được 3.600 đô la mỗi năm cho mỗi trẻ em và những gia đình có con từ 7-17 tuổi nhận được 3.000 đô la cho mỗi trẻ em. Những người chỉ trích cho rằng khoản trợ cấp này sẽ làm suy yếu động lực để các bậc cha mẹ thất nghiệp tìm việc làm.
Nghỉ phép có lương
Chính sách của ứng cử viên Trump về nghỉ phép vì lý do gia đình — để chăm sóc trẻ em, người thân bị bệnh hoặc vấn đề y tế cá nhân — không rõ ràng lắm, mặc dù chiến dịch của ông cho biết ông ủng hộ chính sách này. Với tư cách là tổng thống, ông đã ký thành luật 12 tuần nghỉ phép có lương như vậy cho nhân viên liên bang và khoản thuế trả lại cho các công ty cấp chế độ nghỉ phép gia đình có lương cho người lao động thu nhập thấp.
Bà Harris ủng hộ 12 tuần nghỉ phép vì lý do gia đình và y tế có lương cho tất cả nhân viên, chế độ này sẽ được tài trợ thông qua thuế tiền lương được chia sẻ giữa người sử dụng lao động và người lao động.
Chi phí chăm sóc trẻ em
Vào tháng 9, ông Trump đề xuất doanh thu từ việc tăng thuế quan có thể huy động tiền để hỗ trợ chăm sóc trẻ em và người cùng liên danh với ông, JD Vance, đã đề xuất nhiều thành viên gia đình hơn, chẳng hạn như ông bà, nên tham gia vào việc chăm sóc trẻ em trong gia đình để giảm chi phí.
Bà Harris đề xuất giới hạn chi tiêu của gia đình cho việc chăm sóc trẻ em đối với người lao động thu nhập thấp ở mức 7% thu nhập hộ gia đình và tăng mức lương cho nhân viên chăm sóc trẻ em trong khi giảm chi phí chăm sóc.
Những người chỉ trích lưu ý rằng không ứng cử viên nào cung cấp thông tin chi tiết về kế hoạch của họ.
No comments:
Post a Comment