VNTB – Trung Quốc muốn giữ ngôi vị đầu ra lúa gạo đồng bằng sông Cửu Long
Hồng Dân
23.03.2024 1:43
![](https://vietnamthoibao.org/wp-content/uploads/2024/03/Xuat-khau-gao-Dong-bang-Song-Cuu-Long.jpg)
Tại Trung tâm Văn hóa và Hội nghị tỉnh Sóc Trăng, UBND tỉnh Sóc Trăng vừa phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM tổ chức Chương trình “Gặp gỡ doanh nghiệp Trung Quốc và doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng”.
Phát biểu khai mạc chương trình, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho biết, theo Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long và Quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Sóc Trăng đang hội tụ rất nhiều lợi thế cạnh tranh, điều kiện thuận lợi để thu hút, triển khai các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh. Với 72km bờ biển, Sóc Trăng có tiềm năng phát triển kinh tế biển và ven biển. Khoảng cách từ bến tàu Trần Đề của tỉnh Sóc Trăng đến Bến Đầm huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) là 57 hải lý, mất khoảng 1 giờ 45 phút di chuyển bằng tàu cao tốc.
Sóc Trăng có diện tích tự nhiên khoảng 3.298km2. Dân số 1,2 triệu người. Quy mô nền kinh tế (GRDP) của tỉnh hiện nay khoảng 3 tỷ USD. Khu vực I chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế. Cụ thể, khu vực I chiếm 41%, khu vực II chiếm 15%, khu vực III chiếm 40%.
Tổng Lãnh sự Ngụy Hoa Tường khẳng định, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam vừa là đồng chí vừa là anh em. Qua chương trình này, ông tin chắc doanh nghiệp Trung Quốc sẽ quan tâm hợp tác đầu tư tại tỉnh. Trao đổi tại chương trình, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng, doanh nghiệp Trung Quốc và doanh nghiệp tỉnh thống nhất, mối quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Trung Quốc và Việt Nam thời gian qua rất tốt đẹp. Qua đó, các doanh nghiệp thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh, định hướng phát triển trong thời gian tới; những ngành nghề, lĩnh vực thu hút đầu tư tại Khu Công nghiệp Trần Đề; đồng thời mong muốn hợp tác về lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, hạ tầng khu công nghiệp, năng lượng tái tạo, vận tải biển…
Trao đổi bên lề của chương trình, nhiều ý kiến cho rằng gạo Việt đang đứng trước nhiều cơ hội để gia tăng xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Do đó, doanh nghiệp cần bám sát, cập nhật thông tin thị trường, kịp thời nắm bắt các động thái mới nhất của thị trường này và chú trọng thâm nhập vào các khu vực tiềm năng như Bắc Kinh, hay một số khu vực Tây Nam…
Một doanh nghiệp trong đoàn Trung Quốc cho biết, trong 3 năm vừa qua, diện tích trồng lúa của nước này liên tục giảm xuống dưới 30 triệu ha, năm 2023 chỉ còn hơn 28 triệu ha. Hiện Trung Quốc đang duy trì diện tích trồng lúa đạt trên 30 triệu ha. Sản lượng lúa cũng giảm liên tiếp trong 2 năm vừa qua, trong khi nhu cầu tiêu dùng được dự báo vẫn duy trì mức tăng nhẹ, khoảng 150 triệu tấn gạo.
Bên cạnh đó, vấn đề an ninh lương thực được Chính phủ Trung Quốc rất coi trọng. Luật An ninh lương thực mới của nước này dự kiến có hiệu lực từ ngày 1-6-2024. Đây là động thái quan trọng mang tầm quốc gia của Trung Quốc trong việc bảo đảm nguồn cung ổn định ngũ cốc và các sản phẩm liên quan, tăng cường an ninh lương thực trước những bất ổn ở thị trường bên ngoài. Vì vậy, Trung Quốc sẽ duy trì nhập khẩu gạo một cách hợp lý để đảm bảo bù đắp cho thiếu hụt gạo trong nước.
Trong bối cảnh đó, các yếu tố bên ngoài, tác động của chính sách hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ cũng như sự đứt đoạn của chuỗi cung ứng do sự tác động của địa chính trị, chi phí vận chuyển tăng cao… sẽ làm cho Trung Quốc tìm kiếm đến các thị trường cung ứng gạo ở khu vực Đông Nam Á.
Dự báo, trong năm 2024, tín hiệu nhập khẩu gạo của thị trường Trung Quốc rất tích cực và có xu hướng tăng trở lại.
Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM Ngụy Hoa Tường cho biết, Trung Quốc là thị trường siêu lớn với 1,4 tỷ dân. Năm 2023, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất Việt Nam về nông – lâm – thủy sản, với kim ngạch trên 12,2 tỷ USD, chiếm 23% tổng kim ngạch mặt hàng này của Việt Nam. Trong đó, Trung Quốc trở thành thị trường nhập khẩu lớn thứ 3 của gạo Việt Nam, gồm cả gạo ST25.
“Doanh nghiệp Trung Quốc mong muốn trao đổi với chuyên gia lúa gạo của Việt Nam để tìm hiểu cơ hội hợp tác sâu rộng hơn, nhất là trong việc trồng lúa và tăng giá trị lúa gạo, trong bối cảnh xâm nhập mặn đang diễn ra”, ông Tường nói.
Hiện, Sóc Trăng đã có 4 dự án của doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư, gồm: điện gió, sản xuất tôm và giày da.
No comments:
Post a Comment