Friday, March 29, 2024

Bị khủng bố Hồi giáo tấn công nhưng đổ cho phương Tây, Putin đâm lao phải theo lao ?
Thụy My
Đăng ngày: 29/03/2024 - 16:06
RFI

Các chuyên gia trên Le Figaro và Le Monde ngày 28/03/2024 nhận định với vụ khủng bố một nhà hát ở Matxcơva mới đây, tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo đã sỉ nhục Putin : Daech coi Nga là kẻ thù như Mỹ. Thế nên Kremlin vội vã đổ trách nhiệm cho Ukraina và nay là phương Tây. Logic tiếp theo là cứng rắn hơn trước những mối đe dọa tưởng tượng thay vì quân thánh chiến.

Cảnh phía trước nhà hát Crocus City Hall, ngoại ô Matxcơva sau vụ khủng bố. Ảnh chụp ngày 27/03/2024. AP - Alexander Zemlianichenko

Đến lượt phương Tây bị Matxcơva đổ tội

Chính phủ Pháp dự định siết lại chế độ trợ cấp thất nghiệp, vấn nạn ma túy, Hồi giáo hoành hành nơi trường học, nạn lãng phí thực phẩm là những vấn đề thời sự nước Pháp được đưa lên trang nhất. Về quốc tế, thái độ của Putin sau vụ khủng bố rất được báo chí Pháp quan tâm.

Le Monde và Le Figaro đều nhận thấy « Sau khi tố cáo Kiev, Nga buộc tội phương Tây ». Ban đầu Putin chỉ ỡm ờ nói rằng bọn khủng bố chạy về phía Ukraina, nay toàn bộ quan chức Nga đều hòa cùng giọng điệu với ông chủ điện Kremlin. Hôm 26/03 khi một nhà báo hỏi : « Vậy đó là tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo hay Ukraina ? », Nikolai Patrouchev, thư ký Hội đồng An ninh Nga khẳng định ngay « Tất nhiên là Ukraina ».

Cùng ngày, công tố viên trưởng Igor Krasnov, cựu tổng thống Dimitri Medvedev và nhiều quan chức khác cũng nói theo hướng này. Tiếp đến, Matxcơva chính thức cáo buộc phương Tây đồng lõa. Alexandre Bortnikov, giám đốc FSB cho rằng tình báo phương Tây đã tạo điều kiện cho Daech, và tình báo Ukraina trực tiếp dính líu. Theo ông Bortnikov, các thủ phạm được « chờ đợi » ở Ukraina để đón tiếp như « người hùng ».

Báo chí nhà nước cũng hùa theo, nói rằng việc chính quyền và truyền thông phương Tây nhanh chóng chỉ ra tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (Daech, IS) là nhằm « che giấu tội lỗi » của Ukraina. Các cơ quan tuyên truyền này lờ đi việc Daech công bố những hình ảnh ghi lại bên trong nhà hát. Có điều « trống đánh xuôi kèn thổi ngược ». Alexandre Lukashenko, muốn khoe hiệu quả hợp tác, trong một cuộc họp báo đã cho biết nhờ tăng cường kiểm soát, những kẻ khủng bố ban đầu chạy về Belarus nhưng đã phải quay lại chạy về phía biên giới Ukraina. Tổng thống Belarus như vậy đã nói ngược lại với Putin.

Kremlin hoang tưởng, Putin bị khủng bố Hồi giáo lăng nhục

Trong bài diễn văn ngày 29/02 đọc tại Quốc hội Nga, trước khi bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống thứ năm, Vladimir Putin một lần nữa công kích « phương Tây » và những ai « tự cho là phương Tây » « gieo rắc bất hòa và làm chúng ta yếu đi từ bên trong ». Khủng bố quốc tế chỉ được nhắc đến một lần duy nhất, và ở thì quá khứ.

Chưa đầy một tháng sau tuyên bố này, ông chủ điện Kremlin có thể trông cậy vào truyền thông ngoan ngoãn theo lệnh mình để cố dẫn dắt dư luận theo hướng vụ khủng bố nhà hát của ISIS-K có sự can thiệp của Ukraina.Tuy vậy vụ tắm máu này là sự nhắc nhở rằng ý tưởng thánh chiến vẫn tồn tại sau khi tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo bị đánh đuổi ở Trung Đông.

Le Figaro dẫn lời chuyên gia Dimitri Minic cho rằng khi cáo buộc Ukraina liên can đến vụ thảm sát ở nhà hát Crocus City Hall, Vladimir Putin đã nối dài truyền thống của giới an ninh và quân sự, luôn tố cáo phương Tây đủ mọi xấu xa. Người Nga nay đành phải chịu đựng việc Kremlin chiến đấu với những mối đe dọa tưởng tượng. Cuộc xâm lăng Ukraina và vụ nổi dậy của Yevgeny Prigozhin cho thấy chế độ chính là thủ phạm tự gây bất ổn cho mình.

Trong bài « Putin bị lăng nhục », cây bút bình luận Luc Ferry nhận định vụ khủng bố vừa rồi là một sự nhục nhã khó thể chịu đựng đối với Vladimir Putin. Thế nên ông ta mới ra sức che giấu nguồn gốc khủng bố Hồi giáo của vụ tấn công, đổ cho Ukraina bất chấp mọi logic. Những sát thủ của Daech vừa nhắc nhở Putin là dưới mắt quân thánh chiến, đất nước của Putin vẫn là một phương Tây nhưng là một khuôn mặt phương Tây tệ hại, với ý tưởng cộng sản thực dụng, không ngừng chiến đấu với Hồi giáo từ thập niên 70.

Chỉ biết có thánh chiến, Daech coi Nga cũng là kẻ thù như Mỹ

Theo Le Monde, vụ tấn công vào Matxcơva của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo ở Khorassan (ISIS-K) cho thấy quân thánh chiến hoàn toàn dửng dưng trước sự thay đổi dòng chảy lịch sử kể từ ngày 24/02/2022 qua việc Vladimir Putin quyết định xâm lăng Ukraina. Chiến tranh quy ước quay lại với châu Âu đã làm khởi động lại các cơ chế liên minh chiến lược và kỹ nghệ quốc phòng đã ngủ quên suốt ba thập niên trước ảo tưởng hòa bình và thương mại. Cuộc xâm lăng Ukraina và chiến tranh ở Gaza biểu hiện sự cô đơn của phương Tây trước « các nước phương Nam ».

Về phía Daech coi Mỹ là « kẻ thù điên cuồng của Hồi giáo », và Nga cũng không khác. Hôm 03/01 ISIS-K cũng đã tấn công vào Iran làm khoảng 90 người chết, đây là vụ khủng bố đẫm máu nhất kể từ sau Cách mạng Hồi giáo 1979. Nhìn chung tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo coi cả Iran, Taliban ở Afghanistan, lẫn Mỹ và Nga - những chế độ hoàn toàn khác biệt - đều là thù địch.

Đã gần một phần tư thế kỷ trôi qua, từ khi Vladimir Putin tuyên bố tại Berlin ý định tham gia chống khủng bố sau sự kiện ngày 11 tháng Chín, nay Kremlin coi mối nguy thánh chiến là ngoại vi. Tại châu Phi, Hoa Kỳ bị đẩy ra khỏi vị trí quan sát chiến lược ở Niger giúp đánh giá kịp thời tình trạng mạng lưới thánh chiến ở Sahel, thay vào đó là Africa Corps, công ty an ninh đã tiếp quản nhóm Wagner sau cái chết của Yevgeny Prigozhi. Sự cạnh tranh Nga-Mỹ không còn nằm trong khuôn khổ có trật tự giữa các khối như thời chiến tranh lạnh, và nếu Donald Trump quay lại, liên minh phương Tây càng yếu đi, làm lợi cho các nhóm thánh chiến.

Putin dồn sức cho cuộc xâm lăng, gia tăng đàn áp

Le Figaro nhận định Vladimir Putin cứng rắn hơn trong cuộc xâm lăng Ukraina và tiếp tục đe dọa châu Âu. Dựa vào kỹ nghệ quốc phòng đang chạy hết ga, tổng thống Nga đặt cược vào khả năng Mỹ không còn viện trợ cho Kiev và Liên Hiệp Châu Âu (EU) khó thể bù đắp nổi. Một nhà ngoại giao Pháp dự báo, sau bầu cử ở Nga và trước bầu cử Mỹ, Kremlin có sáu tháng để tấn công quân sự hay ngoại giao, chiếm ưu thế ở Ukraina trong khi người Mỹ bị tê liệt vì chiến dịch tranh cử. Một thời kỳ nguy hiểm và bất định, và những dấu hiệu từ Putin ngày càng cực đoan hơn sau khi tái đắc cử một cách gian lận.

Bộ trưởng quốc phòng Serguei Choigou thông báo thành lập hai quân đoàn và ba đơn vị mới, gồm 14 sư đoàn và 16 lữ đoàn. Theo lệnh Putin, chủ tịch Douma, Viatcheslav Volodine đề ra chương trình « phi phương Tây hóa » nước Nga qua việc gia tăng quốc hữu hóa kỹ nghệ, kiểm soát khoa học, văn hóa, có « giải pháp » cho vấn đề đối lập, tái lập án tử hình. Và lần đầu tiên phát ngôn viên Dimitri Peskov dùng chữ « chiến tranh » ở Ukraina thay cho « chiến dịch quân sự đặc biệt ».

Khi lên nắm quyền năm 2000, Vladimir Putin dành quyền lực cho giới an ninh, gây chiến ở Chechnya và đánh vào giới tài phiệt. Sau khi quay lại ghế tổng thống năm 2012, ông ta gia tăng trấn áp đối lập, kiểm soát chặt truyền thông, bỏ tù Alexei Navalny. Hai tác giả Michel Duclos và Camille Le Mitouard cho rằng Putin sẽ còn đàn áp mạnh hơn mọi phong trào phản kháng, cùng với việc theo đuổi chiến tranh làm cho mức sống người dân giảm sút và gia tăng bắt lính.

Nga có thể theo đuổi chiến tranh đến 2027-2028

Vụ khủng bố ở Crocus City Hall, cũng như vụ nổi dậy của Yevgeny Prigozhin làm nổi bật những yếu kém của hệ thống an ninh Nga - nếu không phải là do chính phe này tổ chức. Michel Duclos lo ngại Nga sẽ đánh sâu vào cơ sở hạ tầng Ukraina, trực tiếp nhắm vào thường dân để trả thù. Việc đổ lỗi cho phương Tây báo trước Kremlin sẽ còn gia tăng xung đột, đặc biệt với châu Âu.

Paris nghi ngờ những vụ tấn công tin học của Nga lâu nay do các nhóm tội phạm tiến hành, sắp tới mang tính quân sự và ở cấp nhà nước. Cho dù chiến tranh Ukraina kết thúc ra sao đi nữa, sẽ trở thành một cuộc đối đầu lâu dài. Đối với Vladimir Putin, chiến tranh liên miên là một loại bảo hiểm sinh mạng. Kỹ nghệ vũ khí Nga đang chạy hết công suất, trong khi các nhà máy châu Âu còn chậm chạp, quân đội Ukraina thiếu người và đạn pháo.

Chuyên gia Gustav Gressel trên Le Figaro cho biết, hiện nay Nga xuất xưởng số xe tăng nhiều hơn châu Âu, và có thể theo đuổi chiến tranh đến 2027-2028. Drone, hỏa tiễn, đạn pháo tiếp tục được Iran và Bắc Triều Tiên cung cấp. Tại châu Âu, vũ khí dự trữ bắt đầu cạn, Hoa Kỳ và EU ngỡ rằng cuộc chiến sẽ sớm kết thúc nên không đẩy nhanh sản xuất. Các chuyên gia đều thống nhất rằng nếu Donald Trump tái đắc cử, châu Âu không thể bù đắp được viện trợ quân sự của Washington. Vladimir Putin biết vậy, nên có thái độ triệt để hơn.

Ba thách thức cho EU

Đa số nước châu Âu đã sáng mắt. Charles Fries, phó tổng thư ký phụ trách các hoạt động đối ngoại của EU phân tích, cuộc xâm lăng Ukraina là bước ngoặt cho quốc phòng, châu Âu chỉ tiến lên trong khủng hoảng, khi bị dao kề cổ. Sau thời gian dài nhập nhằng, tổng thống Emmanuel Macron khẳng định không thể tự giới hạn mình để ngăn không cho Nga thắng, ngay cả việc gởi quân sang Ukraina.

Nhưng cũng theo Le Figaro, những điểm yếu còn quá nhiều : thiếu phối hợp giữa các quốc gia thành viên, ít giao hợp đồng cho các nhà máy, mua nhiều khí tài ngoài EU, khó kích hoạt kinh tế chiến tranh. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ Viện Jean-Louis Bourlanges phân tích ba thách thức trước trận bão đến từ Matxcơva.

Về địa chính trị, trong một thế giới của đối đầu, đa cực và hiếu chiến, cần phải biết hành động. Về ý thức hệ, « Chúng ta đã ra khỏi một thế giới hạnh phúc, nơi chúng ta cho rằng những giá trị của mình là phổ quát, nhưng ngày càng ít người chịu tin ». Cuối cùng là thách thức về tốc độ : các tiến trình của EU lâu dài và phức tạp, trong khi « người chiến thắng là người biết biến thời gian thành đồng minh của mình » - theo một viên chức Pháp.

Trong cuộc chiến tranh đầy dẫy nguy cơ này, Ukraina đặt cược sự tồn vong của mình, còn với EU là tương lai. Chuyên gia James Sherr cảnh báo, nếu Hoa Kỳ bỏ rơi, châu Âu cận kề chiến tranh, nếu không làm một cuộc cách mạng suy nghĩ khó thể vượt qua thách thức. Jean Dominique Giuliani, chủ tịch Fondation Schuman, nhấn mạnh : « Thách thức từ Nga cũng quan trọng như khi các quốc gia sáng lập EU phải đối phó sau Đệ nhị Thế chiến ».

Bắc Kinh muốn làm trung gian giữa Kiev và Matxcơva để lấy tiếng

Tập Cận Bình gởi lời « chia buồn sâu sắc » đến ông bạn thiết Vladimir Putin, nhưng Bắc Kinh tránh lặp lại cáo buộc Kiev về vụ khủng bố. Một năm sau khi đưa ra « kế hoạch » về Ukraina, Trung Quốc một lần nữa muốn đóng vai trung gian hòa giải. Đặc phái viên về Ukraina Lý Huy (Li Hui) vừa kết thúc vòng công du châu Âu hôm 12/03 nhằm tìm « một giải pháp nhanh chóng cho khủng hoảng ». Cả một thách thức trong khi hỏa tiễn rơi như mưa xuống Ukraina và Putin thì dọa dùng vũ khí nguyên tử.

Ông Earl Wang, giảng viên Science Po nhận định, Trung Quốc muốn có một chỗ trên bàn đàm phán về Ukraina, theo kiểu với Iran, nhưng chủ yếu dựa trên quan điểm của Nga. Lợi dụng lúc châu Âu đang lo ngại về khả năng Donald Trump tái xuất, Lý Huy thúc giục EU ngưng chi viện vũ khí cho Kiev. Một nhà cựu ngoại giao ở Bắc Kinh nói, Trung Quốc muốn một hội nghị Yalta mới cho châu Âu và Trung Quốc ở phía người chiến thắng. Một nhà ngoại giao khác ở Paris cho rằng Bắc Kinh không thực muốn làm nhà hòa giải, chỉ là trò chơi ngoại giao để đóng vai đại cường toàn cầu.

Le Figaro nhận thấy về mặt chính thức thì Kiev và châu Âu hoan nghênh, tuy nhiên trong hậu trường chẳng ai bị lừa. Bruxelles và Paris chỉ tiếp đón Lý Huy một cách chừng mực. Ông Lý chỉ lưu lại 6 tiếng đồng hồ ở Kiev, nhưng các đồng nhiệm Ukraina không quên chỉ cho thấy phần còn lại của một hỏa tiễn Bắc Triều Tiên và các vũ khí từ « một nước thứ ba » - một cách để bày tỏ sự nghi hoặc về tính « trung lập » của Bắc Kinh. Tại Matxcơva, ông cũng không được ưu ái hơn vì Kremlin bực tức trước « sáng kiến hòa bình » Trung Quốc vào lúc quân đội Nga lấy lại thế công.

No comments:

Post a Comment