NHỚ DÁNG GẦY GIỮA ĐỊA NGỤC TRẦN GIANPham Thanh Nghiên
WEDNESDAY, MARCH 20, 2024
PhamThanhNghien
Nhớ một người già trăm tuổi, sống hiền lương trong lòng cộng sảnCụ Bổn và bé Tôm năm 2021, khi cụ 104 tuổi và bé Tôm 4 tuổi. Hai cụ cháu cách nhau tròn 100 năm.
Cụ đi, ai cũng thương, nhưng mừng cho cụ. Mấy ai lúc chết được chúc phúc như thế. Cụ thọ 107 tuổi. Tuổi già nên cụ đi, chứ không ốm đau, bệnh tật gì. Một cuộc ra đi nhẹ như hơi thở, như bước chân trần trên làn cát mịn.
Hồi gia đình tôi mới chuyển đến xóm này, cụ Bổn đã ở tuổi 84. Cụ quý mẹ tôi, nên hay sang chơi. Mẹ tôi nhỏ hơn cụ Bổn những hai mươi tuổi, nhưng bà rụng răng sớm, thành ra so với cụ Bổn trông không chênh lệch là bao. Chỉ khác là cụ Bổn phải chống gậy, còn mẹ tôi thì chưa. Nhìn cụ Bổn và mẹ tôi ngồi nhai trầu, nói những câu chuyện thuở xưa, đến là thương.
Từ khi tôi bị xếp vào thành phần “phản động”, chống chế độ, cụ Bổn là một trong số ít những người láng giềng còn dám qua lại với gia đình tôi.
Mẹ tôi kể, hồi tôi ở tù, cụ Bổn vẫn hỏi thăm luôn. Đôi ba lần cụ mang tiền sang cho, nói là “gửi ké” chút quà tiếp tế cho tôi. Từ chối thì cụ buồn, giận dỗi nên mẹ tôi đành phải nhận. Nhưng chỉ cầm mấy chục ngàn cho cụ vui, không dám lấy nhiều.
Bữa ấy, khi đang đứng ngoài cổng thì tôi trông thấy một cụ bà chống gậy từ xa tiến về phía mình. Tấm lưng còng đến nỗi cả thân hình của cụ trông như song song với mặt đất.
Tôi không dám tin đó là cụ Bổn. Cái thời đại mà con người sống vô độ, hàng ngày hít thở bầu không khí ô nhiễm và ăn những thứ hỗn tạp, lẫn cả hóa chất, nên chẳng mấy ai tin vào tuổi thọ, vào cái sự sống lâu sống khỏe nữa. Thọ ngoài tám mươi tuổi đã hiếm, ngoài chín mươi còn được mấy ai. Nhưng đúng là cụ Bổn thật.
Trong khi tôi còn đang ngờ ngợ, cụ Bổn đã chống gậy tiến đến gần, giọng lanh lảnh:
-Gớm, biết cô về mấy hôm mà tôi bận trông chắt (*), bây giờ mới sang được đây.
-Ôi cụ Bổn!
Tôi chỉ thốt được ba từ ấy, rồi chẳng biết nói năng, chào hỏi ra làm sao cho phải phép. Tôi không nghĩ rằng, khi gặp lại bà cụ hàng xóm sau bốn năm xa nhà, lại cảm động đến thế.
Cụ ngồi xuống ghế, gọi với xuống dưới bếp, cử chỉ như của một người thân trong gia đình:
-Mẹ nó đâu rồi?
Mẹ tôi từ dưới bếp chạy lên, thưa:
-Con đây! Cụ sang chơi đấy ạ?
-Gớm, mấy hôm bận quá giờ mới sang được đấy.
Cụ nhắc lại câu vừa nãy.
-Kìa, rót nước mời cụ, nói chuyện với cụ đi chứ.
Mẹ tôi nhắc. Chẳng hiểu sao lúc ấy tôi cứ ngồi đớ ra. Chắc không nghĩ cụ còn sống và khỏe mạnh như thế, lại còn sang thăm tôi, một “con tù phản động” ai cũng phải tránh mặt.
Hỏi han đôi câu, cụ Bổn lấy trong túi áo tờ tiền 200 ngàn, đặt vào tay tôi:
-Tôi chả biết mua gì, có một chút biếu cô, mong cô nhận cho.
-Ấy chết, cụ làm gì ra tiền. Con không biếu cụ thì thôi chứ sao dám lấy tiền của cụ. Cụ cất đi ạ.
-Cô nhận cho tôi vui. Cô không lấy tôi buồn đấy. Coi như tôi để tuổi cho cô.
Bà cụ đưa đẩy mãi, rồi tôi cũng phải nhận.
-Tôi thương cô lắm. Khổ, người có một dúm, bé tí tẹo tèo teo. Cô vào trong ấy bốn năm trời, mang được xác về là phúc đức tổ tiên lớn lắm. Con trai tôi từng đi tù, tôi thấm lắm.
Tôi ngạc nhiên với lời bộc bạch của cụ. Ở cái xóm nửa quê nửa phố này, chẳng có bí mật nào còn là bí mật. Từ chuyện con nhà cụ Tứ ở Mỹ cờ bạc nợ nần, gia đình phải gửi tiền từ Việt Nam sang trả nợ, đến chuyện thằng Uy làm cho con gái người ta mang bầu rồi chạy làng, rồi chuyện con Tám không chịu kiêng cữ, đẻ đến đứa thứ 5 để vợ chồng suốt ngày cãi nhau vì đủ loại tiền đổ lên đầu không lo xuể, vân vân và vân vân. Thế mà chuyện con trai cụ Bổn từng đi tù lại không thấy ai nhắc đến. Có lẽ chuyện xưa cũ quá, không ai còn nhớ. Hoặc cụ Bổn giấu, hôm nay gặp tôi cùng cảnh ngộ, nên cụ bộc bạch.
-Cái thời bao cấp, thiếu thốn, khổ sở lắm cô ạ. Thành ra phải bằng mọi cách để có cái ăn. Anh ấy làm dưới Cảng, thấy người ta buôn bán thì cũng theo. Đến khi xảy ra chuyện thì phải chịu một mình.
Dù rất muốn biết, nhưng tôi không dám hỏi han cặn kẽ. Chỉ lắng nghe cũng cảm nhận được phần nào nỗi đau của cụ, dù là nỗi đau trong quá khứ.
-Bỏ tù rồi cũng có yên đâu. Chúng nó đánh đập, trói chân trói tay, tra khảo đủ thứ. Mà đói lắm. Thời ấy bên ngoài còn đói, huống chi trong tù. Dành dụm được đồng nào là lo tiếp tế cho con. Được cái chị vợ cũng khéo lo, vừa nuôi con nhỏ, vừa nuôi chồng tù. Gớm mỗi lần đi thăm, khóc hết nước mắt cô ạ. Thế rồi mọi chuyện cũng qua. Thế cô trong ấy có bị người ta đánh đập gì không?
-Dạ không cụ ạ.
-Ừ, không bị đánh đập là tốt rồi. Thấy cô trở về lành lặn thế này, tôi mừng lắm.
Tôi ra tù hơn một năm, mẹ tôi qua đời. Cụ Bổn chống gậy sang, vừa bước vào nhà đã khóc. Cụ thương mẹ tôi, đã đành. Cụ cũng thương tôi. Cụ nói, 37 tuổi độc thân mà mất mẹ, vẫn là mồ côi.
Cuối năm 2015, tôi theo chồng vào Sài Gòn sinh sống. Lần nào về quê tôi cũng sang thăm cụ. Ngồi chưa ấm chỗ, cụ đã lần tìm trong túi áo, toan lấy tiền ra cho. Biết vậy, nên bao giờ tôi cũng chuẩn bị trước, để không bị khó xử:
-Con biếu cụ mấy đồng để cụ ăn trầu.
-Ấy chết, tôi còn chưa kịp cho cô. Tôi già rồi, có tiêu gì đến tiền. Con cháu cho, cứ để trong túi có tiêu đến đâu.
-Không đáng là bao nhưng là tấm lòng và sự kính trọng con dành cho cụ. Cụ nhận cho con vui. Người ta bảo, “kính già, già để tuổi cho”. Sau này con chỉ muốn được một phần phúc đức như cụ thôi.
-Cái cô này khéo miệng thật. Bà cụ cười, nét cười đen nhánh, hồn hậu.
-Thế dạo này cụ có khỏe không? Mỗi bữa cụ ăn được hai lưng cơm không ạ?
-Gớm, ăn một lưng cơm là no lắm rồi, không cố được. Đấy, năm ngoái quét cái sân một lèo là xong. Bây giờ có tí tuổi rồi, quét cái sân cũng phải nghỉ đến mấy lần cô ạ.
Ôi chao, một trăm lẻ tư tuổi, quét cái sân rộng hơn 200 mét vuông mà còn phàn nàn là “phải nghỉ đến mấy lần” vì “có tí tuổi”, thì thế gian này có mấy người như cụ.
-Thế vào Sài Gòn rồi có bị chúng nó hành không?
Cụ vẫn không quên tôi là thành phần được đảng quan tâm đặc biệt.
-Vẫn thế cụ ạ, nhưng con quen rồi.
-Tiên sư chúng nó, vẫn không để cho người ta yên à. Bà cụ chửi, giọng hiền khô.
Cách đây mấy tháng, chị gái tôi sang chơi, cụ vẫn hỏi thăm:
-Cô Út nó ở trong đó có khỏe không? Gớm, không hiểu sao tôi thương nó thế.
-À, con quên chưa báo cho cụ vui. Vợ chồng con cái chúng nó đi Mỹ rồi cụ ạ. Chính phủ Mỹ bảo lãnh sang đấy.
-Cô nói cái gì mà Mỹ Mỹ? Bà cụ lãng tai, phải hỏi lại.
Chị gái tôi nói to hết cỡ, cụ mới nghe ra.
-Ôi trời ơi thế à, thế là thoát cảnh địa ngục rồi con ơi. Mừng cho con quá. Nói xong, bà cụ lại rơm rớm nước mắt. Người già hay mau nước mắt. Nhưng cái chính là bà cụ Bổn thương tôi. Thương một đứa hàng xóm có số phận nổi trôi, nên lần nào nhắc đến, cụ cũng khóc.
Cụ Bổn mừng cho tôi thoát cảnh bách hại, kìm kẹp mà cụ gọi là “địa ngục”.Tôi mừng cho cụ sống một cuộc đời dài hơn bất cứ cuộc đời nào, với những trọn vẹn khổ đau, hạnh phúc của kiếp người. Và từ giã chốn trần gian trong bình an, thanh thản.
(*) chắt: Đời thứ 3 của mình, con của cháu nội- ngoại.
Ngày 19/3/2024
No comments:
Post a Comment