VNTB – Sao lại xóa bỏ tên thị trấn gắn với di tích 230 năm?Ngọc Linh Lan
30.03.2024 12:23
VNThoibao
Ngày 26-3-2024, ông Lại Văn Tài, Chánh văn phòng UBND huyện Diên Khánh (thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), xác nhận đã ký thông báo kết luận của Chủ tịch UBND huyện này về thống nhất tên gọi mới của thị trấn Diên Khánh khi trở thành phường. Theo đó, sau khi tổ chức họp các cơ quan chuyên môn, ông Nguyễn Văn Gẩm, Chủ tịch UBND huyện Diên Khánh, thống nhất kết luận tên gọi thị trấn Diên Khánh khi trở thành phường là phường Phú Thành.
Bên cạnh đó, thống nhất tên gọi của xã mới được hình thành trên cơ sở sáp nhập 2 xã Diên Đồng, Diên Xuân là xã Đồng Xuân. Sau kết luận, UBND huyện sẽ có tờ trình xin ý kiến Thường trực Huyện ủy và Ban Thường vụ Huyện ủy Diên Khánh về tên gọi mới này.
Văn bản kết luận trên sau đó được lan truyền trên mạng xã hội và nhận luồng ý kiến phản đối vì việc đổi tên này chưa được lấy ý kiến của người dân. Ngoài ra, một số người dân còn không đồng tình khi đặt tên xã mới là Đồng Xuân trên cơ sở sáp nhập 2 xã Diên Đồng và Diên Xuân như các lãnh đạo huyện, xã đã thống nhất. Vì tên này trùng tên với huyện Đồng Xuân của tỉnh Phú Yên (tỉnh kế cận Nha Trang), rất dễ gây nhầm lẫn.
Theo lịch sử, thành Diên Khánh nằm cách thành phố Nha Trang 10 km về phía Tây, bên phải quốc lộ 1. Năm 1793, sau khi Nguyễn Huệ mất, nhà Tây Sơn suy yếu dần. Nguyễn Ánh cùng Võ Tánh và Nguyễn Văn Trương đem quân tiến đánh Diên Khánh. Sau khi đẩy lùi được nghĩa quân Tây Sơn, thấy nơi đây là địa bàn chiến lược quan trọng lâu dài, Nguyễn Ánh quyết xây dựng Diên Khánh thành căn cứ vững chắc, một vành đai phòng ngự kiên cố từ xa.
Với diện tích khoảng 36.000 m², thành Diên Khánh là một quần thể kiến trúc quân sự theo kiểu Vauban, một hình mẫu thành quân sự phổ biến vào thế kỷ 17 – thế kỷ 18 ở Tây Âu. Tường thành hình lục giác nhưng không đều nhau, có chu vi 2.693 m đắp bằng đất, cao khoảng 3,5 m. Trên mỗi cạnh, tường thành lại chia thành nhiều đoạn nhỏ, uốn lượn, nên các góc thành không nhô hẳn ra mà vẫn đảm bảo quan sát được hai bên. Mặt ngoài tường thành gần như dựng đứng, mặt trong có độ thoải và được đắp thành hai bậc, tạo đường vận chuyển thuận lợi ven thành.
Bên ngoài thành có hào nước sâu từ 3 đến 5 m, rộng từ 20 đến 30 m bao quanh. Ban đầu thành có 6 cửa (cổng thành), hiện nay chỉ còn 4 cửa Đông – Tây – Tiền (phía Nam) – Hậu (phía Bắc). Đi từ hướng quốc lộ 1 có một con đường độc đạo nối cửa Đông và cửa Tây của thành. Con đường chạy vòng bên ngoài thành nối quốc lộ 1 và cửa Tây có tên là Mã Xá. Đối diện và cách cửa Tây khoảng 200 m, là Nhà thờ Hà Dừa. Nhà thờ Hà Dừa được cho là do các nhà truyền đạo xây vào những năm 1800 và Gác chuông được xây thêm vào năm 1917 bởi người Pháp.
Hoàng tử Cảnh đã trực tiếp trông coi công cuộc xây dựng thành với hơn 3.000 nhân lực từ Bình Thuận và Thuận Thành, chỉ sau hơn một tháng thì thành được xây xong.
Khi xây xong, thành Diên Khánh do hoàng tử Cảnh và Bá Đa Lộc chỉ huy trấn giữ. Trước đây trong thành có hoàng cung, bên trái là dinh Tuần Vũ, phía sau là dinh Án Sát, sâu trong phía sau nữa là dinh Lãnh Binh, phía dưới là dinh Tham Tri, ngoài ra còn có nhà kho, nhà lao kiên cố.
Thành Diên Khánh cũng có thời kỳ trở thành tổng hành dinh của nghĩa quân Cần Vương ở Khánh Hòa trong những ngày đầu chống Pháp. Ngày nay Thành cổ Diên Khánh là di sản văn hóa có giá trị về nghệ thuật, kiến trúc, lịch sử và quân sự. Hàng ngày người dân Khánh Hòa vẫn đi qua dưới các cổng thành do các cổng đều bắc qua trục đường chính, ngoại trừ cổng Hậu nằm phía sau trường mẫu giáo của thị trấn Diên Khánh.
Để bảo tồn giá trị lịch sử, văn hóa của di tích này, ngày 16-11-1988, Bộ Văn Hóa quyết định xếp hạng nơi đây là di tích lịch sử – văn hóa Quốc Gia.
Trải qua sự tàn phá theo thời gian, thành cổ Diên Khánh ngày nay đã mất nhiều đoạn tường và hào. Năm 2003, thành Diên Khánh đã được trùng tu, sơn sửa bốn cổng và gia cố những nơi bị nứt tường do mưa. Năm 2010 thành được tỉnh Khánh Hòa triển khai tu bổ và bảo vệ các khu vực xung quanh.
Ngày 22-9-2010, Bộ Xây dựng ban hành Quyết định 854/QĐ-BXD về việc công nhận thị trấn Diên Khánh là đô thị loại IV. Theo Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì Diên Khánh được xác định là một trong những trung tâm du lịch văn hóa – lịch sử, sinh thái nhân văn và sinh thái nông nghiệp của tỉnh.
Huyện Diên Khánh ngày nay vốn là vùng đất phủ Diên Ninh thuộc dinh Thái Khang xưa kia. Đến năm 1742 chúa Nguyễn Phúc Khoát mới đổi tên phủ Diên Ninh thành phủ Diên Khánh. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Thích thì: “Từ xưa đến nay, tất cả tên xã đều có chữ “Diên” đứng đầu. Đó là bản sắc đặc trưng cho văn hóa địa danh của một vùng đất thiêng (khai sinh tín ngưỡng Thiên Y Thánh Mẫu, có di tích Tháp Bà Ponagar đến nay) và đã thấm sâu trong lòng dân địa phương”.
Như vậy, tên gọi Diên Khánh đến nay đã có lịch sử 282 năm. Xem ra không vì chuyện sát nhập ranh giới hành chính mà đặt ra một cái tên mới cho nơi có cổ thành Diên Khánh.
No comments:
Post a Comment