Philippines tăng cường an ninh hàng hải trong khi căng thẳng với Trung Quốc gia tăng
Reuters
01/04/2024
VOA
Hình chụp từ video do Cảnh sát Biển Philippines công bố hôm 5/3 cho thấy 2 tàu tuần duyên Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu dân sự Unaizah do Quân đội Philippines thuê để làm nhiệm vụ tiếp tế gần Bãi Cỏ Mây trên Biển Đông.
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr đã ra lệnh cho chính phủ tăng cường phối hợp về an ninh hàng hải để đương đầu với “một loạt thách thức nghiêm trọng” đối với sự toàn vẹn lãnh thổ và hòa bình, trong bối cảnh tranh chấp với Trung Quốc leo thang.
Sắc lệnh, được ký hôm 25/3 và công bố hôm 31/3, không đề cập đến Trung Quốc nhưng được công bố sau một loạt các cuộc đối đầu song phương trên biển và cáo buộc lẫn nhau về một khu vực tranh chấp ở Biển Đông.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 31/3 đã không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.
Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, nơi vận chuyển thương mại bằng tàu biển trị giá hơn 3 nghìn tỷ USD hàng năm. Tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc chồng lấn với tuyên bố của Philippines, Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Brunei. Tòa Trọng tài Thường trực năm 2016 nói rằng yêu sách của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý.
Vụ bùng phát mới nhất xảy ra vào cuối tuần trước, khi Trung Quốc dùng vòi rồng để làm gián đoạn việc tiếp tế của Philippines tới Second Thomas Shoal, mà Việt Nam gọi là Bãi Cỏ Mây, cho binh sĩ canh gác một tàu chiến neo đậu trên một rạn san hô cách đây 25 năm.
Ông Marcos nói trong sắc lệnh: “Bất chấp những nỗ lực nhằm thúc đẩy sự ổn định và an ninh trong lãnh hải của chúng ta, Philippines vẫn tiếp tục đối mặt với một loạt thách thức nghiêm trọng đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ cũng như sự tồn tại hòa bình của người dân Philippines”.
Tổng thống hôm 28/3 tuyên bố sẽ thực hiện các biện pháp đối phó với “các cuộc tấn công bất hợp pháp, cưỡng ép, hung hãn và nguy hiểm” của hải cảnh Trung Quốc.
Sắc lệnh của ông mở rộng và tái tổ chức hội đồng hàng hải của chính phủ, bổ sung cố vấn an ninh quốc gia, tổng cố vấn pháp luật, giám đốc Cơ quan Điều phối Tình báo Quốc gia và lực lượng đặc nhiệm Biển Đông.
Sắc lệnh này dường như mở rộng vai trò của quân đội bằng cách nêu tên Lực lượng vũ trang Philippines, không chỉ hải quân, trong số các cơ quan hỗ trợ hội đồng.
Hội đồng Hàng hải Quốc gia được đổi tên sẽ là cơ quan trung ương xây dựng các chiến lược nhằm đảm bảo một khuôn khổ “thống nhất, phối hợp và hiệu quả” cho an ninh và nhận thức về lãnh hải của Philippines.
Ông Marcos đã tăng số lượng cơ quan hỗ trợ hội đồng từ 9 lên 13, bao gồm cả cơ quan vũ trụ và Viện Hàng hải và Luật Biển của Đại học Philippines.
No comments:
Post a Comment