Saturday, March 30, 2024

VNTB – Quyết Định Số 1334/QĐ-TTg và người Việt hải ngoại – Phần 3
Nguyễn Văn Chữ
31.03.2024 3:08
VNThoibao



(VNTB) –

 5. Ước đoán chủ đích của Quyết Định Số 1334/QĐ-TTg của chính quyền cộng sản Việt Nam và vài suy tư theo thiển ý về cộng đồng người Việt tại hải ngoại.

 

5.1. Ước đoán chủ đích của Quyết Định Số 1334/QĐ-TTg của chính quyền cộng sản Việt Nam

Do được điều kiện hóa trong một văn hóa, môi trường kinh tế và kinh doanh của phần “theo định hướng của xã hội chủ nghĩa – bao gồm cả chính sách công hữu và đặt lãnh vực quốc doanh vào vai trò mũi nhọn trong kế sách phát triển kinh tế” của chính sách “kinh tế thị trường” mà chính phủ VN theo đuổi trong nhiều thập niên, nên trong quá trình hội nhập hơn 30 năm qua, cấp lãnh đạo VN đã không thể mà cũng không cần kiến tạo “một xã hội công bằng, một nhà nước có trách nhiệm, và minh bạch”. Do đó, VN đã nhiều lần xin các đối tác ngoại thương công nhận nền kinh tế VN là nền kinh tế thị trường thực sự; nhưng cho đến ngày nay, mọi yêu cầu đều bị khước từ. 

Nếu mượn ngôn từ của Giáo Sư Lewis (1955) và qua các dữ kiện cũng như chi tiết do Klingler-Vidra và Wade trình bày trên thì đây là điều sai trái mà giới hữu trách trong chính phủ VN đã phạm đã và sẽ tiếp tục gây nguy hại nghiêm trọng cho nền kinh tế và đất nước. Trong khi đó, nếu theo ngôn từ thời thượng thì ngoài hai chiến thuật và chiến lược phát triển kinh tế hiện đại từ hai trường phái kinh tế Keynesian (hướng nội phát triển) và tân cổ điển (hướng ngoại phát triển), các viên chức VN qua hành động đã phát minh ra một chiến thuật và chiến lược phát triển kinh tế mà Giáo Sư Tiến sỹ Nguyen (Nguyen, Hiệp,  Lộc; 2021) gọi là chiến thuật và chiến lược phát triển kinh tế “hướng tôi, kê tính, và chọn lựa đối tác để phát triển”.  “Hướng tôi, kê tính, và chọn lựa đối tác để phát triển”, được hiểu là: “hướng tôi” là quan chức chỉ triển khai và thực thi các dự án mà họ có thể bòn rút để ăn chia; “kê tính” là cụm từ  mà ông đặt ra để nói lên hiện tượng cung cấp dịch vụ hay sản phẩm trị giá x đồng, làm hóa đơn (x+y) đồng, để có y đồng cho công tác bôi trơn và ăn chia; đồng thời, “chọn đối tác để phát triển” là chỉ hợp tác với bất cứ đối tác nào mà “họ” có thể hướng về mình và kê tính, bất kể sự tồn vong của đất nước hay số phận cũng như phúc lợi dân tộc. Hoạt động của công ty Việt Á là một trường hợp đơn cử.

Trở lại dữ liệu thống kê chọn lọc trong Bảng 1 trên đây, theo thiển kiến của người viết, giá trị nhập siêu từ Trung Quốc vào Việt Nam được báo cáo chính thức chỉ là -59.235,65 triệu Mỹ kim. Tuy nhiên, Việt Nam giáp giới với Trung Quốc và tham nhũng tại Việt Nam thì rất khủng khiếp; do đó, không phải không có cơ sở để phỏng đoán rằng số lượng sản phẩm của Trung Quốc được nhập lậu vào Việt Nam sẽ không nhỏ. Tất yếu là giá trị nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc sẽ vượt trội hơn -59.235,65 triệu Mỹ kim rất nhiều.

Như đã trình bày trên đây, tổng số giá trị của tài khoản vãng lai, tài khoản tư bản, tài khoản tài chính và khoản điều chỉnh do sai số và bỏ sót, là cán cân mậu dịch hay cán cân thanh khoản quốc tế giữa một nền kinh tế và tất cả các quốc gia cũng như lãnh thổ đối tác trên thế giới. Hai điểm quan trọng tiềm ẩn cần chỉ ra đây là: cán cân thanh khoản quốc tế bao gồm cả viện trợ từ các quốc gia hay lãnh thổ khác và kiều hối của một nền kinh tế, và giá trị của hai ngân khoản này được bút toán như là một số dương vào hạn mục đơn phương chuyển nhượng tài chính ròng.

Phân tích dữ liệu thống kê trong trong Bảng 1 (dòng 5-d) cho thấy cán cân thanh khoản quốc tế của Việt Nam trong năm 2023 thặng dư hay xuất siêu (bao gồm cả viện trợ của ngoại quốc và kiều hối: hai khoản thu này có thể xem là xuất cảng không vốn của VN) đến toàn thế giới chỉ vỏn vẹn 12 tỷ Mỹ kim. So sánh dữ liệu thống kê trong các dòng 1-c, 2-c, 3-c, 4-c, và 5-d dường như đề nghị rằng hạn mục đơn phương chuyển nhượng tài chính ròng của tài khoản vãng lai của VN khiếm hụt khá nghiêm trọng. Các khoản chi trả được bút toán trong hạn mục này thường bằng ngoại tệ và với số lượng lớn như: chương trình EB-5, chi phí của du sinh, mua quốc tịch của nhiều quốc gia, mua tài sản tại nước ngoài. Sự thật khó phản biện là các tác vụ này vượt rất xa khả năng của công nhân hay người lao động VN. 

Trong khi đó, theo báo VietnamNet (ngày 3 tháng 2, năm 2024), Việt Nam nhận 16 tỷ Mỹ kim kiều hối trong năm 2023. Tương quan với 438,20 tỷ Mỹ kim GDP của Việt Nam trong năm 2023, kiều hối bằng 3,65% và thặng dư ngoại thương chỉ 2,74%. Đây là chưa tính số ngoại tệ mà Việt kiều chi tiêu, biếu thân nhân, bạn bè, làm từ thiện khi thăm viếng Việt Nam và giá trị của sản phẩm xách tay (xa xỉ phẩm yêu chuộng của thành phần trưởng giả và quan chức Việt Nam). 

Trước khi ước đoán chủ đích của Quyết Định Số 1334/QĐ-TTg, mà chính quyền và đảng đã huy động gần như toàn bộ các cơ quan của chính phủ để thực thi, một vài động tác thú vị  và cam kết vẫn chưa hoàn tất sau đây của Đảng Cộng Sản và chính quyền VN cần chỉ ra:

Vấn đề thú vị là Quốc hội Việt Nam đã biểu quyết dự luật cho phép Việt kiều có quyền sở hữu bất động sản như người Việt trong nước, có hiệu lực vào đầu năm 2025. Dự luật này không ngoài mục đích giải cứu vấn đề đóng băng thị trường bất động sản do kết quả của các nhóm lợi ích lướt sóng và thổi giá trong thị trường này của nền kinh tế hoạt động theo quy trình của chiến lược phát triển theo thuyết kinh tế “hướng tôi, kê tính, và chọn lựa đối tác để phát triển”; bằng chứng là hơn 80 phần trăm tỷ phú Việt Nam, ngay cả ngài tỷ phú Phạm Nhật Vượng, làm giàu từ cấu kết với đảng viên quan chức để cướp đất của dân và tài sản quốc gia, cũng như các trò lừa bịp trong thị trường tài chính, để làm giàu.

Vấn đề chưa hoàn tất là VN đã cam kết hoàn tất sửa đổi luật lao động để cho người lao động thành lập nghiệp đoàn độc lập vào cuối năm 2023. Hơn nữa, các thị trường nhập cảng lớn từ Việt Nam đòi hỏi vấn đề liên quan đến thẩm định như quyền con người, môi trường, quy luật đánh bắt hải sản, thiết kế sinh thái, sản phẩm tái chế, ngành dệt may nói riêng và các ngành xuất khẩu nói chung, như đã cam kết trong các hiệp thương toàn diện. Cho đến hôm nay, nhiều nhà hoạt động trong lãnh vực này đã bị đàn áp và giam cầm, và  VN chỉ có Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam (TLĐLĐVN). TLĐLĐVN là một tổ chức ngoại vi của Đảng Cộng Sản Việt Nam thuộc Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, và người đứng đầu do đảng chỉ định và trả lương. Hơn nữa, theo luật hiện hành của Việt Nam, một cuộc đình công hợp pháp phải thỏa mãn hai điều kiện: thứ nhất, phải tuân theo trình tự quy định trong bộ luật lao động, trong đó không được phép đình công về quyền; và thứ hai, phải do tổ chức công đoàn lãnh đạo. Và, cho đến ngày nay, không một cuộc đình công nào tại VN (hơn 7.000) hợp pháp vì không thể thỏa mãn ít nhất là một trong hai điều này.

Ngành may mặc của Việt Nam, dùng vải làm từ bông vải trồng tại Tân Cương, chiếm một tỷ trọng khá lớn trong xuất cảng; nhưng gần đây bị ảnh hưởng tiêu cực nghiêm trọng bởi đạo luật ngăn chặn lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ, do TT Biden ký ngày 23/12/2021, cấm các đơn hàng sử dụng nguyên liệu từ nơi đó. Trong khi, do không minh bạch trong quy luật đánh bắt/nuôi thủy sản, nhiều lô hàng xuất cảng của ngành này này đã bị khước từ. Thay vì nói lên sự thật đề khắc phục, chính quyền và báo chí lề đảng cố ru ngủ quần chúng rằng sự khó khăn kinh tế Việt Nam là do suy thoái kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng của hậu Covid-19, và chiến tranh Ukraine.  

Đảng Cộng Sản Việt Nam đã gây tổn thương và thiệt hại nghiêm trọng cho người dân; tuy nhiên, để bảo tồn đảng, họ chỉ cố biện minh, giải thích, nhận lỗi, hứa hẹn sửa đổi đối với các thiệt hại nghiêm trọng nào có thể đe dọa đến sự tồn vong của đảng mà thôi. Tiêu biểu cho các tội tày trời này phải kể là cuộc cải cách ruộng đất tại miền Bắc, áp đặt chủ thuyết kinh tế trung ương hoạch định trên miền Bắc và toàn Việt Nam sau năm 1975 đưa đến vấn nạn và nhiêu khê trong thập niên 1980. Mới nhất là chương trình đổi mới của VN năm 1986 chuyển đổi từ mô hình “Kinh tế trung ương hoạch định” sang mô hình “Kinh tế Thị trường theo Định hướng Xã hội Chủ nghĩa” mà thành quả được các chỉ số thống kê trích dẫn trong Bảng 1 trên đây trực tiếp và gián tiếp chỉ ra. 

Về mặt văn hóa -cách hành xử- người viết mãi tin rằng người Việt luôn trọng nghĩa tình và anh dũng, “chị ngã em nâng” trong gia đình, “lá lành đùm lá rách” ngay cả “áo rách đùm áo tả tơi” ngoài xã hội, và bao đấng anh hùng đã hy sinh tất cả cho đại nghĩa-các anh hùng Yên Bái, là một tiêu biểu. Trong khi đó, cũng không thiếu người thân vì tâm lý chỉ vì không chịu thua kém chòm xóm (keeping up with the Joneses) cho nên kêu gọi, thuyết phục người Việt hải ngoại gửi tiền về giúp.

Khi khối cộng sản thế giới lung lay trước khi Liên Bang Soviet và Đông Âu sụp đổ, dân tộc Việt Nam đứng trên bờ vực đói  nghèo thăm thẳm.  Những người Việt hải ngoại hôm nay được vinh danh là “khúc ruột nghìn dặm” đã từng được đảng và nhà nước thân mến mệnh danh là “thành phần du đãng và đĩ điếm chạy theo đế quốc Mỹ” đã gửi về VN hàng tỷ Mỹ kim mỗi năm để nâng, đùm người thân tại quê hương mà mình đã đào thoát mà một số ra đi bất kể mạng sống. 

Hai tỷ Mỹ kim do thành phần “bất hảo” này gửi về đã làm giảm đi cơn đói trong thời gian khốn cùng tại VN và cứu chế độ năm 1987. Cựu quân nhân Mỹ đã tham chiến tại VN trở lại, hầu hết với gia đình, để thăm lại các vùng mà họ đã lưu đóng cùng với Việt kiều du lịch thăm quê hương không những đã mang vào VN một luồng ngoại tệ to lớn mà còn giúp dưỡng nuôi con bò sữa từ lúc sơ sinh: kỹ nghệ du lịch VN. Đây là hai trong các nguyên nhân, nếu không là hai nguyên nhân chính, giúp cho sự tồn tại của chế độ, khi Đông Âu và Nga tan rã. 

Dù đúng hay sai, các động tác trên đây của nền kinh tế đều nằm trong quá trình phát triển kinh tế  dẻo-cứng. Và,  sau gần 40 năm, nền kinh tế Việt Nam đã sang trạng thái cứng (của quá trình dẻo-cứng), nên sẽ rất khó khăn và tốn kém để hiệu chỉnh. Hơn nữa,  trên bình diện quốc tế, vì Đảng Cộng Sản và quan chức Việt Nam không luôn trung thực nên đang “thưởng thức” chân lý của câu nói của Tổng Thống thứ 16 của Mỹ, ông Abraham Lincoln, rằng: “Bạn có thể đánh lừa một số người mọi lúc, và tất cả mọi người một số lúc, nhưng bạn không thể đánh lừa tất cả mọi người mọi lúc.” 

Do văn hóa hướng tôi, kê tính, và chọn lựa đối tác để phát triển, nguồn nhân lực không được đào tạo thích nghi cho nhu cầu cho hoạt động kinh tế 5-G của thế giới. Chính sách công nghệ hóa bị thực thi sai lệch (nói một đàng làm một nẻo)  nên không thể đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo trào lưu thế giới. Tài nguyên thiên nhiên của quốc gia bị thui chột do tham nhũng. Trong khi lịch sử đã cho thấy nhiều lần trong quá khứ rằng dù bị cai trị bởi một thể chế bạo tàn sắt máu đến đâu, người dân luôn “bỏ phiếu” theo bao tử và bằng đôi chân của họ, một điều thú vị là mục tiêu tổng quát của Quyết Định Số 1334/QĐ-TTg được đề xuất rằng:

“Huy động nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài NVNONN (người Việt Nam ở nước ngoài) tham gia phát triển đất nước trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, gắn với mục tiêu phát triển của Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045 như Đại hội Đảng lần XIII đã đề ra; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam trong và ngoài nước; củng cố sức mạnh, tiềm năng của cộng đồng NVNONN đóng góp cho đất nước.”

Ngay câu đầu của đoạn trích từ Quyết Định Số 1334/QĐ-TTg trên đây cùng với quá trình phát triển kinh tế đã sang thời kỳ cứng (của quá trình dẻo-cứng của quá trình phát triển kinh tế) và đang gần đến điểm đổi chiều Lewis (Lewis turning point) cho thấy rằng Đảng và quan chức của chính quyền Việt Nam đã vẳng nghe tiếng còi báo của đoàn xe tốc hành mang tai họa nghiêm trọng và mối đe dọa đến sự tồn vong của đảng và ghế của họ. Đảng và quan chức biết rằng chính họ không thể hạ cánh an toàn trong hoàn cảnh khó khăn nghiêm trọng, do chính họ gây nên, mà đoàn xe tốc hành đang mang đến.

Do đó, chủ đích của Quyết Định Số 1334/QĐ-TTg không thể nào không là để: (i) đánh phá các cộng đồng người Việt hải ngoại để giảm thiểu sự chống đối, tố cáo, phơi trần  những sai trái, các vi phạm các nguyên tắc dân chủ trong xã hội, hầu giảm thiểu những khó khăn chồng chất trong lãnh vực ngoại giao và ngoại thương; (ii) nhằm vào khối tài chính và kỹ năng kỹ thuật của Việt kiều để cứu vãn hay sửa các thiệt hại nghiêm trọng do chính sách quốc gia của chế độ độc tài độc đảng của VN đã theo đuổi trong gần 40 năm qua – lùa gà hải ngoại.

 

5.2. một vài suy tư về vai trò của người Việt hải ngoại

Khi người Việt Nam trong nước nhận ngoại tệ, họ phải chuyển sang tiền đồng của VN trước khi có thể sử dụng. Tiền Việt Nam thuộc chủ quyền của chính phủ Việt Nam, nên  qua quá trình chuyển đổi này, chính phủ sẽ là sở hữu chủ và bút toán vào quỹ ngoại tệ dự trữ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hoặc vào túi của ai đó. Công dụng của số lượng ngoại tệ dự trữ là  giúp ổn định nền kinh tế, giá trị của chính đồng tiền Việt Nam và hối suất giữ đồng tiền Việt Nam đối với các ngoại tệ; tất yếu là sẽ gián tiếp bảo vệ chế độ. 

Các tiềm ẩn quan trọng hơn nữa của kiều hối là hạn mục xuất cảng không vốn (kiều hối) làm gia tăng: (i) số đo lường của trương mục đơn phương chuyển nhượng tài chính ròng, GDP, Cán Cân Thanh Khoản Quốc Tế, của VN bằng số lượng tương đương; và (ii) mức tăng trưởng kinh tế cũng như Giá Trị của Trương Mục Ngoại Tệ Dự Trữ của VN cũng gia tăng một cách đáng kể . Đây là các chỉ số thống kê đo lường thành quả hoạt động kinh tế vĩ mô mà đảng và quan chức với căn bệnh khoe thành tích kinh niên tự hào rao giảng.

Một thí dụ đơn giản sẽ cho thấy tầm quan trọng của kiều hối đối với nền kinh tế Việt Nam.  Theo báo cáo, trong năm 2023: (i) GDP của VN là 438,20 tỷ Mỹ kim; (ii) mức tăng trưởng kinh tế là 4,7%; (iii) kiều hối là 16 tỷ (chưa tính đến số ngoại tệ mà Việt kiều chi tiêu khi thăm viếng cũng như giá trị của hàng tiêu thụ xách tay, tiền biếu người thân và bạn bè và làm từ thiện khi họ thăm viếng VN); (iv) Cán Cân Thanh Khoản Quốc Tế thặng dư hay xuất siêu là 12 tỷ Mỹ kim (chưa khấu trừ giá trị nhập cảng lậu từ Trung Quốc). 

Để đơn giản, giả dụ rằng kiều hối bị giảm 10 tỷ Mỹ kim và giá trị nhập lậu từ Trung Cộng là 10 tỷ Mỹ kim thì: (i) GDP của Việt Nam bị giảm 20 tỷ Mỹ kim hay 4.56% chỉ còn là 418,20 tỷ Mỹ kim; (ii) Cán Cân Thanh Khoản Quốc Tế thặng dư hay xuất siêu là 12 tỷ bây giờ thành nhập siêu -8 tỷ Mỹ  kim; (iii) mức tăng trưởng kinh tế bây giờ chỉ còn lơ lửng gần zero.  Đồng thời: (i) số lượng ngoại tệ dự trữ sẽ bị giảm; (ii) hối suất của đồng bạc Việt Nam đối với các ngoại tệ sẽ bị ảnh hưởng một cách tiêu cực. Những ảnh hưởng tiêu cực này sẽ gây khó khăn khá nghiêm trọng đến nền kinh tế của Đảng cũng như ghế của các quan chức chính quyền.

(*) TS Nguyễn Văn Chữ hiện là TIến Sĩ Kinh tế học Nguyễn Văn Chữ. Giáo sư Khoa Trưởng khoa kinh tế Trường Đại Học Houston. Texas.


 

No comments:

Post a Comment