Việt Nam cần có chính sách rõ ràng và chính phủ liêm khiết trong việc chuyển đổi năng lượng đầy tiềm năng
Fulcrum
Tác giả: Vinod Thomas
Đỗ Kim Thêm dịch
27-3-2024
Tiengdan
30/03/2024
Các cam kết về tăng trưởng xanh của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào việc mở rộng năng lượng tái tạo và thay thế than đá. Đất nước cần nắm bắt các cơ hội tốt đang có trong tay để quản lý việc chuyển đổi với một kế hoạch rõ ràng và một nền hành chính hiệu quả, không tham nhũng.
Khi Việt Nam muốn trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045, yêu cầu cấp bách về tăng trưởng xanh hơn ngày càng rõ rệt. Các lĩnh vực lớn của ngành công nghiệp và nông nghiệp đang bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu, Việt Nam được xếp vào nhóm một trong những nước dễ bị lũ lụt nhất hành tinh.
Tương tự, đất nước này cũng sở hữu những cơ hội độc đáo để chuyển đổi nhanh ngành công nghiệp và nền kinh tế nói chung, từ con đường dùng nhiều carbon hiện tại, sang một giải pháp thay thế xanh hơn và bền vững hơn. Như M. Mani, trưởng kinh tế gia về môi trường ở khu vực Đông Nam Á của Ngân hàng Thế giới, gần đây đã nói với tác giả rằng: “Sử dụng năng lượng tái tạo vẫn là chìa khóa cho việc cam kết của Việt Nam đối với sự chuyển đổi cần thiết sang nền kinh tế dùng ít carbon hơn“.
Tăng trưởng xanh bao gồm các hoạt động kinh tế nhằm mang lại lợi ích xã hội về lâu dài, chứ không chỉ mang lại lợi ích tài chính trong ngắn hạn. Chính sách công nghiệp xanh tạo điều kiện giảm thiểu biến đổi khí hậu bằng cách khử cacbon cho các hoạt động kinh tế. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh trong giai đoạn 2021-2030 của Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2021 và Quy hoạch phát triển điện VIII (PDP8) chứa đựng các nguyên tắc của nền kinh tế dùng ít carbon, nhưng cần được tuân theo bằng hành động.
Ngân hàng Thế giới ước tính, biến đổi khí hậu ở Việt Nam có thể tiêu tốn khoảng 3,2% GDP (2020) và có thể tăng từ 12% đến 14,5% GDP vào năm 2050, nếu không có biện pháp giảm thiểu cũng như thích ứng nghiêm túc. Ở mức 1,6 kg CO2/đô la Mỹ, cường độ carbon trong việc xuất khẩu Việt Nam thuộc vào hàng cao nhất trong khu vực. Trong khi Việt Nam hiện nay chỉ đóng góp 0,8% tổng lượng khí thải của thế giới trong giai đoạn 2000-2015, lượng khí thải carbon đã tăng gấp bốn lần. Khí thải đang làm mức độ ô nhiễm không khí độc hại trầm trọng hơn, đặc biệt ở Hà Nội.
Trong khi chính sách kinh tế hoặc công nghiệp xanh bao gồm các tín hiệu trên toàn nền kinh tế, việc chuyển đổi năng lượng là lợi thế hàng đầu. Cắt giảm việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch là thành phần chính của nó, được kích hoạt bằng cách thúc đẩy năng lượng tái tạo trong năng lượng (cũng như trong giao thông vận tải và các lĩnh vực khác). Năng lượng tái tạo [được sử dụng ở Việt Nam] hiện nay chỉ chiếm 13,5% sản lượng điện, trong khi thủy điện chiếm 29% và than tới 45,7%.
Việt Nam có tiềm năng khổng lồ về năng lượng tái tạo, vì đây là quốc gia có thiên nhiên phù hợp nhất ở Đông Nam Á để phát triển năng lượng gió và mặt trời, với tiềm năng kỹ thuật khoảng 1.000 gigawatt. Thật vậy, sản xuất năng lượng tái tạo đã tăng gần 40 lần từ năm 2018 đến năm 2022. Tuy nhiên, nước này phải đối mặt với tình trạng thiếu điện và mất điện vì thời tiết khắc nghiệt, và các nhà máy thủy điện đạt mực nước thấp nguy hiểm. Nhưng sau làn sóng đầu tiên của các dự án năng lượng mặt trời, được thúc đẩy bởi các khoản thuế nhập khẩu thuận lợi, các dự án mới về năng lượng tái tạo đang gặp các rào cản. Đã đến lúc tăng cường sản xuất năng lượng tái tạo.
Các ưu đãi dành cho năng lượng tái tạo hoàn toàn hợp lý khi xét đến các tác động tích cực lớn của chúng bên ngoài, nhưng chúng chỉ có ý nghĩa nếu các khoản trợ cấp được cung cấp một cách minh bạch và không bị tham nhũng.
Việt Nam có thể khai thác tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo bằng cách chủ động vượt qua các rào cản pháp lý và cơ cấu, đồng thời đối mặt với bối cảnh kinh doanh cố hữu thiên về việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Cần lưu ý rằng, mặc dù các biện pháp khuyến khích dành cho năng lượng tái tạo là hợp lý, xét đến các tác động tích cực to lớn của chúng bên ngoài, nhưng chúng chỉ có ý nghĩa nếu các khoản trợ cấp được cung cấp một cách minh bạch và không bị tham nhũng.
Thật ra, một bài báo gần đây đăng trên Fulcrum lưu ý rằng, một cuộc thanh tra của chính phủ đã phơi bày nhiều vi phạm trong việc cấp phép và chứng nhận các dự án về năng lượng tái tạo. Các khoản ưu đãi cũng cần được quản lý với mục đích hướng tới các hiệu ứng dây chuyền: Ví dụ, các khoản thuế nhập khẩu có thể được đưa ra để làm cho năng lượng tái tạo hấp dẫn hơn, miễn là có các biện pháp dự đoán tác động tiêu cực đến tình trạng độc quyền sử dụng nhiên liệu hóa thạch của nhà nước.
Tình trạng cạnh tranh tiềm tàng về năng lượng tái tạo phải là cơ sở để cung cấp các ưu đãi cho sự phát triển. Báo cáo của McKinsey (một công ty tư vấn quản lý và chiến lược đa quốc gia của Mỹ) về hai tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Bình Định đưa ra quan điểm tiềm năng của năng lượng tái tạo. Bà Rịa-Vũng Tàu có nhu cầu công nghiệp lớn và có nguồn tài nguyên thiên nhiên cho năng lượng tái tạo, trong khi Bình Định cũng có nguồn tài nguyên thiên nhiên hấp dẫn nhưng nhu cầu công nghiệp ít hơn. Có sự biện minh về mặt kinh tế cho việc khai thác những triển vọng này bằng cách cung cấp các biện pháp khuyến khích minh bạch và có mục tiêu rõ ràng.
Nhưng với các mức thuế hiện nay dành cho các dự án năng lượng tái tạo của Việt Nam, không mang lại hiệu quả kinh tế nhất quán.
Một bước quan trọng sẽ là, cho phép các hợp đồng mua bán điện trực tiếp (direct power purchase agreements, DPPA) tương tự như các hợp đồng mua bán điện ảo của Malaysia. DPPA được làm thí điểm ở Việt Nam, sẽ cho phép các doanh nghiệp bán năng lượng tái tạo trực tiếp cho người tiêu dùng mà không cần chờ cơ sở hạ tầng công cộng được cải thiện. Chúng hỗ trợ khả năng tồn tại về mặt tài chính và khả năng thanh toán của các dự án bằng cách thể hiện nhu cầu và mục đích sử dụng được bảo đảm.
Được phép mua trực tiếp năng lượng sạch từ các nhà khai thác tư nhân, thay vì mua hỗn hợp năng lượng từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ giúp ích cho người mua, đồng thời thúc đẩy việc xanh hóa cho ngành công nghiệp. Về cơ bản, việc sửa đổi các thỏa thuận mua bán điện (PPAs), cho phép các doanh nghiệp trực tiếp bán năng lượng tái tạo, đặc biệt khi EVN không thể mua hết các năng lượng tiếp nhận, nó sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các bên. Việc đàm phán về PPAs với EVN, hiện là đơn vị mua điện duy nhất, rất tốn thời gian và có xu hướng làm tăng chi phí cho dự án.
Đầu tư trong và ngoài nước vào năng lượng tái tạo cũng sẽ tăng lên nếu mạng lưới điện được nâng cấp, cho phép khu vực tư nhân tham gia vào việc phát triển và vận hành các mạng lưới điện. Các ngân hàng phát triển đa phương có thể là một nguồn tài trợ lớn hơn. Việc hoàn tất các cuộc đàm phán của các quốc gia thuộc khối ASEAN về xuất khẩu năng lượng tái tạo sẽ mang lại động lực phát triển mạnh hơn.
Môi trường đầu tư cũng sẽ được hưởng lợi từ các chương trình học tập được thực hiện tốt nhằm mở rộng khả năng về các nguồn nhân lực, tìm nguồn cung ứng và xác nhận dữ liệu rộng hơn và tốt hơn cho năng lượng tái tạo, gồm dữ liệu về vị trí địa lý của các địa điểm, khả năng về cơ sở hạ tầng cơ sở, cũng như các mục tiêu và chỉ tiêu của chính phủ.
Việt Nam đang thực hiện một số bước để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, được hỗ trợ bởi Kế hoạch phát triển năng lượng và đóng góp do quốc gia tự quyết định. Quá trình chuyển đổi năng lượng quan trọng nhất của đất nước từ nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là than đá, sang năng lượng tái tạo là trọng tâm của nỗ lực đó. Kết quả của nền kinh tế ít carbon là khả thi, nhưng nó không tự động diễn ra, mà đòi hỏi chính phủ và các doanh nghiệp phải có hành động phối hợp.
______
Tác giả: Vinod Thomas là khách mời thành viên nghiên cứu cao cấp tại ISEAS thuộc Viện Yusof Ishak và trước đây là Giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Quốc gia Singapore.
No comments:
Post a Comment