Saturday, March 30, 2024

VNTB – Khách du lịch lớn tuổi Trung Quốc… ồ ạt du lịch sang Móng Cái
Hùng – Sơn
30.03.2024 1:24
VNThoibao



(VNTB) – Tới 14 giờ ngày 28-3 có khoảng 10.000 khách du lịch Trung Quốc nhập cảnh vào Quảng Ninh, phần lớn đi theo tour 0 đồng.

 Về bình diện chung, Cục Hải quan Móng Cái cho biết, trung bình mỗi ngày có từ 20.000 đến 30.000 khách du lịch từ Trung Quốc làm thủ tục xuất nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu này. Chủ yếu lượng khách nhập cảnh vào thành phố Móng Cái là các đoàn khách của các công ty du lịch lữ hành, có thời gian lưu trú ngắn và không đi sâu vào nội địa.

Số liệu thống kê cho biết trong 3 tháng đầu năm 2024, tổng lượng khách đến Quảng Ninh ước đạt trên 5,3 triệu lượt; trong đó, khách quốc tế ước đạt trên 1,2 triệu lượt, tăng tới 410% so với cùng kỳ.

Còn theo đại diện một số công ty du lịch, đây là lượng khách đến từ các vùng nông thôn của Trung Quốc, họ đi du lịch theo tour giá rẻ và đa số là người già nhàn rỗi. Đặt biệt cửa khẩu quốc tế Móng Cái từ đầu năm đến nay cũng đón rất đông khách Trung Quốc. Trung bình mỗi ngày có gần 10.000 khách tham quan với phần lớn là tour mua sắm trong ngày.

Sau khi làm thủ tục xuất nhập cảnh, những người lớn tuổi này được đưa đến các cửa hàng quanh khu vực cửa khẩu để mua sắm. Và điểm lạ lùng nhất ở những cửa hàng này là chỉ đặc biệt phục vụ du khách, không tiếp khách người Việt vào mua sắm. Theo tìm hiểu bước đầu, khách Trung Quốc bắt buộc phải đeo thẻ để kiểm soát; ai không có thẻ đều bị cửa hàng này mời ra ngoài. Bên trong các cửa hàng chủ yếu bán các mặt hàng như thực phẩm chức năng, thủ công mỹ nghệ, thời trang…, và luôn kín mít khó ai biết rõ việc mua bán như thế nào. Và theo ghi nhận hàng lang từ du khách Trung Quốc thì hàng hóa có thương hiệu nổi tiếng quốc tế được chào bán ở đây có giá rẻ hơn nhiều lần so với mặt hàng này bán tại Trung Quốc.

Lý giải về việc người lớn tuổi Trung Quốc nhập cảnh nhiều vào Quảng Ninh, một dịch vụ du lịch ở tỉnh Quảng Ninh cho biết thời gian này những người cao tuổi Trung Quốc được các doanh nghiệp lữ hành đưa ra gói sản phẩm ưu đãi để họ đi du lịch. Dòng khách này vốn đã nghỉ hưu nên có thời gian đi du lịch và mua sắm. Họ sang Việt Nam và được đưa dẫn vào các cửa hàng quanh cửa khẩu mua sắm.

Đang có nghi vấn đặt ra là đang tái diễn tình trạng những tour du lịch giá rẻ (thường được gọi là “tour 0 đồng”) của Trung Quốc vốn từng rất phổ biến tại Việt Nam hồi trước khi xảy ra dịch Covid.

Về bản chất, các tour du lịch này không phải là khách hàng được đi du lịch miễn phí. Tour giá rẻ là tour do các công ty lữ hành bán cho khách du lịch có ít lãi, giá thấp đến mức độ nào đó sẽ trở thành “tour 0 đồng”… Khi khách tham gia tour du lịch tại Việt Nam, các công ty lữ hành sẽ khai thác lợi nhuận từ khách hàng bằng cách đưa khách hàng vào sử dụng một chuỗi dịch vụ khép kín bao gồm ăn uống, lưu trú, tham quan, mua sắm tại các địa điểm do chính các công ty này lập nên hoặc chỉ định. 

Bất cập nhất trong chuỗi khép kín này là hoạt động mua sắm hàng hóa, thanh toán tiền mua sắm hàng hóa tại các cơ sở bán hàng đã được chỉ định trước. Cụ thể, một số trung tâm mua sắm thường do chủ người Trung Quốc điều hành, bán hàng nhưng thuê người Việt Nam đứng tên, đăng ký kinh doanh. Các cơ sở bán hàng cho khách du lịch theo tour giá rẻ thường chỉ hoạt động khi có xe tour đưa khách tới tham quan mua sắm, không bán hàng rộng rãi và thường xuyên nên gây khó khăn trong quá trình quản lý, theo dõi.

Khách mua hàng thường thanh toán bằng các hình thức tiền mặt (ngoại tệ) hoặc thanh toán qua thẻ với việc sử dụng thẻ do ngân hàng phía Trung Quốc phát hành, và quẹt qua máy POS cũng do ngân hàng Trung Quốc phát hành mà không đăng ký với ngân hàng Việt Nam; hoặc thanh toán bằng cách sử dụng các ví điện tử (Alipay, Wechat pay…) do các tổ chức thanh toán trực tuyến nước ngoài cung cấp không thông qua hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Như vậy, xét về khía cạnh doanh nghiệp du lịch, tour giá rẻ là tour có ít lãi, giá thấp đến mức độ nào đó sẽ trở thành “tour 0 đồng” hay “tour không có lãi”, thậm chí là “tour âm đồng’ hay “tour lãi âm”.

Tour 0 đồng, tour âm đồng là tour mà công ty đón khách không thu bất kỳ một chi phí nào, thậm chí trả tiền ngược lại cho các công ty gửi khách, hiện tượng này còn được gọi là “mua đoàn”. Thông qua các hình thức như đưa khách đi mua sắm hay bán thêm các chương trình, dịch vụ tại điểm đến để bù lại phần chi phí đầu vào gồm khách sạn, nhà hàng, phương tiện vận chuyển và phí visa, còn lại sẽ là “lãi âm” hoặc “lãi dương”. Do vậy, khái niệm giá rẻ hay 0 đồng ở đây là nằm ở phần phí dịch vụ (lãi) của chính các công ty du lịch chứ không phải là 0 đồng với từng dịch vụ đơn lẻ cấu thành nên sản phẩm, dịch vụ du lịch.

 


 

No comments:

Post a Comment