Friday, March 29, 2024

VNTB – Thành quả của chính sách “Kinh tế Thị trường theo Định hướng Xã hội Chủ Nghĩa” – Phần 2
Nguyễn Văn Chữ
30.03.2024 12:20
VNThoibao



(VNTB) – Bản chất của mô hình “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” thật ra là hai nền kinh tế mâu thuẫn, đối nghịch.

4. Thiển ý của người viết về thành quả của chính sách “Kinh tế Thị trường theo Định hướng Xã hội Chủ Nghĩa” của quan chức và đảng Cộng sản Việt Nam.

Từ những trích dẫn trên và trên lý thuyết, các chuyên gia và học giả danh tiếng đã chỉ ra những khó khăn và trở ngại cũng như đề nghị sách lược kinh tế cho một nền kinh tế mới khởi sắc,  như nền kinh tế Việt Nam, vừa vượt từ nền kinh tế có mức thu-nhập-thấp (Low-Income) lên nền kinh tế có mức thu nhập trung-bình-thấp (Low-Middle-Income) được tiếp tục tăng trưởng hầu thoát khỏi bẫy thu nhập trung-bình để thành nền kinh tế có mức thu nhập trung-bình-cao (Upper-Middle-Income), và có thể trở thành nền kinh tế tiến bộ có thu-nhập-cao (High-Income); nhưng “để tạo và tối đa hóa cơ hội cho tham nhũng và lợi ích nhóm”, các quan chức Việt Nam “nói một đàng, làm một nẻo”. 

Khi bắt đầu quá trình đổi mới, VN là một quốc gia nghèo và lạc hậu theo chính sách hướng ngoại phát triển nên được hưởng các quy chế trợ cấp tài chính cũng như những chương trình cho vay ưu đãi từ các định chế tài chính quốc tế như Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, Ngân Hàng Thế Giới và trợ giúp tài chính dưới cơ chế viện trợ từ các quốc gia có nền kinh tế phát triển trên thế giới. Những tài trợ từ thế giới cùng với tài nguyên quốc gia qua chính sách công hữu, đảng viên /quan chức có nhiều nguồn để có nhiều cơ hội để tham nhũng.

Trong thập niên bắt đầu từ 2010, khi Việt Nam trở thành một quốc gia có mức thu nhập trung-bình- thấp thì tài trợ từ những định chế tài chính quốc tế, như ưu đãi vay mượn, viện trợ, không còn như xưa; không những thế, mà một quốc gia với mức thu nhập-trung-bình thấp còn phải có trách nhiệm tương trợ tài chính đối với các quốc gia nghèo hơn mình. Thế nhưng, tài nguyên quốc gia qua chính sách công hữu đã bị đã cạn kiệt cũng do tham nhũng. 

Cũng trong thập niên trên, nhiều chuyên gia và tổ chức trong giới nghiên cứu về phát triển kinh tế tầm cỡ cho rằng Việt Nam có thể nhanh chóng di chuyển lên trong thu nhập và công nghệ để trở thành một con hổ Đông Á mới nổi, nếu lãnh đạo đảng Cộng Sản và quan chức chính quyền triển khai và thực thi chiến thuật và chiến lược phát triển đúng như giáo sư Lewis khuyến cáo.  Tuy nhiên, triển khai chính sách đúng cần nhiều tư bản hay vốn và mất đi cơ hội để tham nhũng tiền và quyền. Do đó, lãnh đạo đảng và quan chức cố ý làm sai để tối đa hóa cơ hội tham nhũng. 

Các cuộc điều tra của những vụ đại án của phong trào đốt lò do TBT Nguyễn Phú Trọng khởi động (Công ty Việt Á, Chuyến bay giải cứu, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Tập đoàn FLC, các vụ phát hành trái phiếu riêng lẻ, v.v…)  đã phơi bài bày những tệ nạn tràn lan, cũng như đội vốn, đình trệ, kết quả không đủ tiêu chuẩn được đưa vào khai thác gây thiệt hại vô cùng to lớn cho nền kinh tế quốc gia.  Trớ trêu thay, các tham quan này được đảng cho rằng họ là những đảng viên ưu tú đầy tinh thần trách nhiệm và làm gương, đạo đức cao, không vi phạm những điều đảng viên không được làm  nên là “công bộc” tốt cho dân; do đó, được đảng điều vào các chức vụ lãnh đạo qua quá trình phân phối nhân lực của đảng. 

Bản chất của mô hình “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” thật ra là hai nền kinh tế mâu thuẫn, đối nghịch. VN không có nền kinh tế thị trường thực sự. Thực tế, kinh tế xã hội chủ nghĩa hướng dẫn kinh tế thị trường. Cho nên khu vực tư doanh kể cả tư doanh ngoại quốc bị đối xử không công bằng.  Và, môi trường chính trị dù “ổn định”, nhưng không có dân chủ tự do và nhân quyền mà luật lệ của các quốc gia đối tác bắt buộc các đối tác phải thỏa mãn yêu cầu và bắt buộc phải thực thi trong trong các hiệp thương mà Việt Nam đã cam kết như: Hiệp định Toàn Diện và Tiến Bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Thương Ước giữa Việt Nam và Liên Âu (EU-VFTA). 

Giáo dục yếu kém, không đi sát với bước phát triển kinh tế quốc gia.  Cho nên, mặc dầu công nhân rẻ, rất siêng năng, và hiếu học; nhưng có thể không đủ kỹ năng do giáo trình của hệ thống giáo dục quốc gia không thích nghi với nhu cầu cho thị trường nhân dụng. Tiêu biểu là Intel đã không thể tuyển đủ nhân công khi mới bước vào thị trường VN. Samsung học từ kinh nghiệm của Intel nên đưa nhân viên VN đến các quốc gia khác để huấn luyện.  Năm 2021 Apple đã phải thu dụng nhân viên tại Mỹ để đưa vào làm việc tại VN khi cơ sở tại đây bắt đầu hoạt động. Hạ tầng cơ sở còn rất kém, bằng chứng là tình trạng các hải cảng lớn, đường xá cầu cống, điện nước, không khí bị ô nhiễm.  

Về bộ máy công quyền, đảng đứng trên luật pháp quốc gia, theo tôn chỉ “Đảng cử, Dân bầu” hay đúng hơn chỉ là “Đảng chỉ định”, còn “đốt lò” là để hạ đối thủ, bộ máy hành chính công quyền rất tệ hại. Luật lệ rắc rối, thường mâu thuẫn giữa luật đảng và luật chính quyền, một số không theo tiêu chuẩn quốc tế. Bộ máy có hai hệ thống rất to lớn và rất tốn kém: nhà nước và đảng.  Nhân sự của Đảng và Nhà nước thì kém khả năng chuyên môn, kém đạo đức hành chính, và không minh bạch. Tham nhũng, bất công xã hội đầy dẫy và khủng khiếp. Các tệ trạng này là một trong những khó khăn cho doanh nhân ngoại quốc.

Sang vấn đề chỉ số/dữ liệu thống kê về hoạt động kinh tế vĩ mô của Việt Nam, một quy luật cơ bản của cả môn Thống kê (Statistics) và Kinh toán (Econometrics) là các dữ liệu thống kê không thể chứng minh bất cứ luận cứ, biện luận, hay lý thuyết nào; mà chúng chỉ có thể được dùng như là bằng chứng để yểm trợ các luận cứ, biện luận, hay lý thuyết; hoặc là cơ sở để diễn đạt, đề nghị, chỉ ra, biểu hiện một số lượng, hay vấn đề nào đó mà thôi. Trong quy luật này thì các chỉ số kinh tế chọn lọc trong Bảng 1 chỉ ra các điểm sau đây và các dữ liệu này cảnh báo nhiều khó khăn sắp đến cho nền kinh tế cũng như cuộc sống của người dân:

I. Một chỉ số mà lý thuyết kinh tế dùng để chẩn đoán hay đo lường độ mở/mức độ hội nhập của một nền kinh tế là tổng số trị giá xuất và nhập cảng chia cho GDP hay là tổng số của hai chỉ số giá trị xuất cảng đo bằng % GDP và giá trị nhập cảng đo bằng % GDP của nền kinh tế đó. Dữ liệu thống kê từ IMF, trích dẫn trong dòng thứ 6-c của Bảng 1, cho thấy chỉ số đo lường độ mở/mức độ hội nhập của nền kinh tế Việt Nam luân chuyển từ 152,90 đến 178,10 phần trăm của GDP trong những năm gần đây, rất cao; mang ý nghĩa là nền kinh tế Việt Nam lệ thuộc cực kỳ cao và quấn quyện vào trình trạng kinh tế thế giới.

II. Chỉ sổ thống kê trong dòng thứ 1-c  của Bảng 1 cho thấy giá trị xuất siêu của Việt Nam đến Mỹ trong năm 2022 là 94.672,73 triệu Mỹ kim.

III. Trong khi đó, chỉ sổ thống kê trong dòng thứ 2-c của Bảng 1 cho thấy giá trị nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc trong năm 2022 là -59.235,65 triệu Mỹ kim.

IV. Chỉ sổ thống kê trong dòng thứ 3-c của Bảng 1 cho thấy giá trị xuất siêu của Việt Nam đến toàn khối Liên Âu trong năm 2022 chỉ là 27.476,65 Mỹ kim.

V. Điểm quan trọng cần quan tâm nơi đây là chỉ sổ thống kê trong dòng thứ 4-c  của Bảng 1 cho thấy giá trị xuất siêu của Việt Nam đến toàn thế giới, bao gồm cả Mỹ, Trung Quốc, và Liên Âu trong năm 2022 chỉ là 13.392,93 triệu Mỹ kim. 

(*) TS Nguyễn Văn Chữ hiện là TIến Sĩ Kinh tế học Nguyễn Văn Chữ. Giáo sư Khoa Trưởng khoa kinh tế Trường Đại Học Houston. Texas.


 

No comments:

Post a Comment