Các tổ chức quốc tế lên án vụ bắt giữ năm nhà sư và ba tín đồ của chùa Đại Thọ
2024.03.29
RFA
Từ trái qua hàng trên cùng: Sư trụ trì Thạch Chanh Đa Ra, các sư Dương Khải, Thạch Quí Lầy, Kim Sa Rương; hàng dưới: sư Thạch Chóp, ba Phật tử là Thạch Nha, Kim Khiêm và Thạch Ve Sanal
báo Vĩnh Long/RFA edited
báo Vĩnh Long/RFA edited
Hôm 28/03, công an tỉnh Vĩnh Long tiếp tục bắt giữ bốn nhà sư và một tín đồ của chùa Đại Thọ nâng tổng số người bị bắt tạm giam trong vụ việc lên đến tám người, một nhà hoạt động gọi đây là hành động nhằm "dập tắt phong trào của người Khmer Krom đòi quyền của người dân bản địa."
Sư trụ trì Thạch Chanh Đa Ra và ông Kim Khiêm hôm 26/03 bị bắt tạm giam với cáo buộc "lợi dụng quyền tự do dân chủ" theo Điều 331 của Bộ luật hình sự.
Trong khi đó, bốn nhà sư Dương Khải, Thạch Quí Lầy, Kim Sa Rương và Thạch Chóp cùng với hai Phật tử là Thạch Nha và Thạch Ve Sanal bị khởi tố và bắt tạm giam vì bị cho rằng đã có hành vi "bắt, giữ hoặc tạm giam người trái pháp luật" trong vụ việc xảy ra hồi tháng 11-2023.
Cơ quan công an quy kết cho rằng, những người này đã có hành vi khống chế tổ công tác của UBND huyện Tam Bình đưa vào chánh điện khóa cửa không cho ra ngoài, hành hung, gây thương tích khi họ đến xác minh vụ việc theo phản ánh, trình báo của người dân.
Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phân ban Châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) hôm 29/3 khẳng định, chính quyền Việt Nam đang dùng Điều 331 như một công cụ pháp lý để tấn công một cách có hệ thống quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của người Khmer Krom.
Trong email gửi cho Đài Á Châu Tự Do, ông viết:
"Việc người Khmer Krom nói rằng họ muốn quản lý các ngôi chùa Phật giáo của mình mà không bị quan chức chính quyền địa phương và cán bộ Đảng Cộng sản can thiệp là không có tội.
Điều này cho thấy chính phủ Việt Nam không tôn trọng các nhóm dân tộc và tôn giáo thiểu số, không sẵn sàng tôn trọng nhân quyền và không hiểu biết về người Khmer Krom."
Đại diện của tổ chức phi chính phủ chuyên giám sát nhân quyền của các nước trên thế giới cho rằng, chính phủ Việt Nam hoàn toàn có thể bị đuổi ra khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc vì những hành động như thế này. Ông Phil Robertson nhấn mạnh:
"Đã quá lâu để các đối tác thương mại và viện trợ của Việt Nam công khai lên án những hành vi vi phạm này và nói với Hà Nội rằng nếu họ tiếp tục đi theo con đường vi phạm nhân quyền này thì sẽ không còn hoạt động kinh doanh như thường lệ nữa với Việt Nam.”
Liên đoàn Khmer Krom tổ chức Đoàn kết Công giáo Toàn cầu lên án vụ việc
Liên đoàn Khmer Krom (KKF), một tổ chức tranh đấu cho quyền của người bản địa Khmer ở Việt Nam lần thứ hai lên tiếng về vụ việc ở chùa Đại Thọ (trong tiếng Khmer gọi là Tro Nom Sek).
Tổ chức này hôm 28/3 ra thông cáo gọi hành động bắt giữ các lãnh đạo tinh thần và những tín đồ thực hành tôn giáo một cách ôn hòa này là "sự vi phạm trắng trợn các quyền cơ bản của con người, bao gồm các quyền tự do tôn giáo, biểu đạt và lập hội," đồng thời cho rằng chính phủ Việt Nam đang "thể hiện sự coi thường trắng trợn các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế và các nguyên tắc dân chủ."
Liên đoàn Khmer Krom kêu gọi Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế lên án cuộc đàn áp đang diễn ra của Việt Nam đối với người Khmer Krom và yêu cầu "trả tự do ngay lập tức cho những cá nhân bị giam giữ trái pháp luật."
Tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Mỹ cũng kêu gọi "cộng đồng quốc tế phải đoàn kết trong tình liên đới gây áp lực buộc Việt Nam trả tự do cho các tu sĩ và nhà hoạt động Phật giáo Khmer Krom, chấm dứt sách nhiễu chùa Tro Nom Sek, tôn trọng quyền và nhân phẩm của người Khmer Krom."
Ông Trần Mannrinh, một nhà hoạt động Khmer Krom đang sống tại Hoa Kỳ nói với RFA cho rằng, chính phủ Việt Nam liên tục nhắm vào người Khmer bằng các vụ bắt giữ và kết án trong thời gian vừa qua là "để dập tắt phong trào của người Khmer Krom đòi quyền của người dân bản địa."
Ông cho rằng người Khmer Krom không đòi đất đai, hay yêu cầu sáp nhập vùng đất Nam bộ với Campuchia mà chỉ đòi quyền của người dân bản địa phù hợp với Tuyên ngôn của Liên hiệp quốc về quyền của các dân tộc bản địa năm 2007.
Việt Nam là một bên tham gia tuyên ngôn này nhưng tại diễn đàn quốc tế lãnh đạo nước này phủ nhận khái niệm "người bản địa" mà chỉ công nhận sử dụng cụm từ "người dân tộc thiểu số".
Trong khi đó, tổ chức Đoàn kết Công giáo Toàn cầu (CSW) cho hay, việc bắt giữ các nhà sư và tín đồ của chùa Đại Thọ cho thấy chính phủ Việt Nam "đang nhắm mục tiêu cụ thể vào các nhà lãnh đạo tôn giáo chủ chốt của một nhóm dân tộc thiểu số vốn đã bị áp bức."
Ông Mervyn Thomas, Chủ tịch và là người sáng lập tổ chức cũng kêu gọi "Cộng đồng quốc tế cần phải thừa nhận những vi phạm nhân quyền dai dẳng, trắng trợn và nghiêm trọng này, đồng thời buộc chính phủ Việt Nam phải chịu trách nhiệm về việc họ tiếp tục không đáp ứng các tiêu chuẩn mong đợi của một thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc.”
Tin, bài liên quan
TIN VIỆT NAM
No comments:
Post a Comment