Friday, March 29, 2024

VNTB – Cơ hội cuối của gỡ thẻ vàng IUU
Hàn Lam
29.03.2024 4:02
VNThoibao



(VNTB) – Phái đoàn Ủy ban Châu Âu (EC) dự kiến sẽ đến Việt Nam vào tháng 6-2024 để tiến hành đợt kiểm tra thứ năm và xem xét việc gỡ “thẻ vàng” IUU.

 Tại cuộc họp trực tuyến của Ban chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) với 28 địa phương có biển trên cả nước được tổ chức mới đây, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, qua đợt thanh tra lần thứ tư vào tháng 10-2023, Ủy ban châu Âu (EC) đã ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực của Việt Nam trong chống khai thác IUU nhằm gỡ “thẻ vàng”. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế chậm được khắc phục, nếu để tình trạng này kéo dài thì nguy cơ bị “thẻ đỏ” là rất cao. EC sẽ tiếp tục thanh tra một lần nữa vào tháng 6-2024 nhằm đưa ra kết luận cuối cùng.

Sau khi EC dùng “thẻ vàng” cảnh báo đối với nghề cá và xuất khẩu hải sản Việt Nam vào thị trường Liên minh châu Âu (EU) vào tháng 10-2017, toàn bộ nghề cá Việt Nam đã chịu những tổn thất không nhỏ cả về xuất khẩu lẫn uy tín kinh doanh trên thị trường quốc tế.

Là một quốc gia ven biển có số lượng tàu đánh bắt xa bờ lớn, Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong sản xuất và xuất khẩu cá trên toàn thế giới, chiếm khoảng 5% sản lượng thủy sản toàn cầu. Theo ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Việt Nam, kể từ khi EC cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam vào tháng 10-2017, giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào thị trường EU sụt giảm bình quân từ 6-10%/năm (tùy từng năm). Thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam là EU (chiếm từ 17-20% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản) đã tụt xuống vị trí thứ 5 (sau Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc và ASEAN). Cùng với đó, việc này đã ảnh hưởng lớn đến uy tín, vị thế và quan hệ ngoại giao của Việt Nam trên trường quốc tế. Nó cũng gây tổn thất về mặt kinh tế – xã hội đối với cộng đồng ngư dân ven biển và các doanh nghiệp.

Liên quan đến vấn đề quản lý và giám sát đội tàu, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết vẫn đang tích cực sửa Thông tư số 23/2018/TT-BNNPTNT để giải quyết số lượng tàu “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép) vào khoảng 16.000 chiếc, bảo đảm được cấp phép, đăng kiểm theo đúng quy định.

Ghi nhận tại Kiên Giang là một trong những tỉnh có ngư trường trọng điểm của cả nước, với nghề cá phát triển mạnh, lâu đời, đứng đầu cả nước trong một thời gian dài, đã giải quyết việc làm cho gần 70.000 người lao động và góp phần phát triển kinh tế cho ngư dân, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế của tỉnh. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian qua vẫn có 7 tàu cá ở tỉnh Kiên Giang, 5 tàu cá ở Quảng Ngãi, 5 tàu ở Tiền Giang vi phạm, vượt ranh giới trên biển. Có 4.375 tàu cá trên 15 m không bật thiết bị giám sát hành trình trên 6 tháng, trong đó có 220 tàu cá trên 24 m.

Theo đại diện Hội Nghề cá thành phố Rạch Giá (Kiên Giang), nhiều chủ tàu trên địa bàn Rạch Giá rất chật vật để lo trang trải chi phí ra khơi. Chi phí cho một chuyến biển hiện lên đến gần 1,3 đế 1,4 tỷ đồng cho một cặp tàu ra khơi khoảng 30 ngày. Đối với các tàu làm nghề lưới khác, chi phí cũng khoảng từ 500 tới 600 triệu đồng/tàu, trong đó chi phí xăng, dầu chiếm hơn 70% tổng chi phí chuyến biển. Giá xăng, dầu từ tết đến nay vẫn neo ở mức cao, cộng thêm việc giá cả các mặt hàng khác như nước đá, lương thực, thực phẩm cũng tăng theo giá dầu. Bối cảnh khó khăn đó càng làm cho những nỗ lực khuyến cáo các chủ tàu phải tuân thủ quy định pháp luật để gỡ “thẻ vàng” IUU thêm vất vả hơn.

“Chúng tôi đang lo rằng rất khó để cải thiện 100% tình trạng này. Nếu không gỡ được “thẻ vàng” IUU, xuất khẩu thủy hải sản sang EU sẽ bị đình trệ vì thủ tục xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác còn bất cập. Trong đó, nhiều ngành hàng như cá ngừ, mực, bạch tuộc và cá biển sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất”, đại diện truyền thông của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, nhận định.


 

No comments:

Post a Comment