Triển vọng phát triển của các tổ chức an ninh tư nhân Trung QuốcTác giả: Phạm Quang Hiền
31.03.2024
NghiencuuQT
Trong không gian hậu Chiến tranh Lạnh các vấn đề an ninh toàn cầu không chỉ bó hẹp trong xung đột quân sự mà còn mở rộng thêm nhiều thách thức an ninh phi truyền thống: khủng bố, tội phạm… Cùng với toàn cầu hóa kinh tế, đầu tư ra nước ngoài gia tăng đi kèm với nhu cầu đảm bảo an ninh cho công dân và tài sản ở nước sở tại. Từ đó các tổ chức an ninh tư nhân (PSC) ra đời cung cấp dịch vụ bảo an ở những điểm nóng. Trước những cái tên nổi tiếng như Wagner của Nga hay Blackwater của Mỹ, Trung Quốc cũng có những tổ chức an ninh tư nhân riêng nhưng cách thức hoạt động và nhiệm vụ thực hiện có những khác biệt so với các tổ chức an ninh tư nhân của hai siêu cường trên. Với quá trình triển khai sáng kiến BRI rộng rãi vai trò của các tổ chức an ninh tư nhân với Trung Quốc đương đại thể hiện ra sao? Xu hướng phát triển trong tương lai của những tổ chức này như thế nào?
Tổng quan về lịch sử phát triển của các tổ chức an ninh tư nhân Trung Hoa
Hình thái sơ khai của các tổ chức an ninh tư nhân
Sự xuất hiện của các loại hình “dịch vụ” bảo an không còn quá xa lạ, thậm chí ngành nghề đặc thù này còn có một nền tảng lịch sử lâu đời. Hầu hết, những người làm việc trong lĩnh vực cho thuê sự an toàn hay nôm na là đổi tiền lấy sự an tâm xuất phát từ văn hóa và tập quán thương mại của người Trung Quốc. Các PSC nguyên thủy nhất được nhiều chuyên gia cho rằng có niên đại từ thời nhà Tống gắn với văn hóa biaoju hay người hộ tống[1]. Bởi khi tuyến đường thương mại trên bộ xuyên Á – con đường tơ lụa phát triển, giao thương, trao đổi vận chuyển hàng hóa diễn ra tấp nập sinh ra nhu cầu của những nhà buôn về một giải pháp bảo vệ hàng hóa, tài sản của họ trước sự tấn công từ các băng cướp. Những người làm công việc này sẽ làm công việc bảo vệ, hộ tống thậm chí tấn công nếu được chỉ định và trả tiền. Thương mại, buôn bán càng rầm rộ thì sự phát triển của các nhóm hộ tống càng mở rộng. Đến cuối triều đại nhà Thanh, khi nền kinh tế suy yếu, sự can thiệp của phương Tây vào Trung Quốc càng gia tăng khiến cho những tổ chức bảo vệ tài sản cá nhân gần như biến mất cuối thế kỷ XIX.
Lịch sử ra đời và phát triển các tổ chức an ninh tư nhân đương đại
Như đã đề cập ở trên, sự ra đời và phát triển của các tổ chức an ninh gắn với kinh tế hoặc các vấn đề liên quan đến tài sản. Trong suốt quá trình từ khi nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời, nền kinh tế Trung Quốc do nhà nước quản lý từ đó mà các vấn đề về an ninh, bảo vệ, hộ tống đều do lực lượng Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) cùng công an thực hiện. Chính quyền trung ương duy trì một trạng thái chỉ có hai lực lượng được phép vũ trang là quân đội và cảnh sát. Sau công cuộc cải cách mở cửa, nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu có sự tư nhân hóa, đi cùng theo đó là sự nới lỏng trong công tác đảm bảo an ninh theo nhu cầu tư nhân. Khởi đầu vào năm 1984, một tổ chức sau này được coi như tiền thân của các công ty PSC thành lập tại Thâm Quyến với sự bảo trợ của Cục Công an mở đường cho dịch vụ an ninh và bảo an thời kỳ mới[2]. Từ năm 1990, các tổ chức an ninh tư nhân phát triển chính thức, tuy nhiên bị giới hạn trong nhiều điều luật. Trên thực tế, nhà nước giám sát hoạt động của các tổ chức này dựa trên luật và nguyên tắc không sở hữu vũ khí. Mốc đánh dấu sự thay đổi những hạn chế trên khởi phát từ đầu năm 2000 khi Trung Quốc xác định quá trình tiến ra ngoài của mình nhằm thể hiện vai trò trong nền kinh tế toàn cầu. Thể hiện qua dòng vốn FDI cùng nhiều dự án đầu tư nước ngoài, năm 2004 ghi nhận Trung Quốc một trong những quốc gia đầu tư nước ngoài nhiều nhất[3]. Tuy nhiên, đầu tư kéo theo rủi ro về đảm bảo an toàn cho công dân và tài sản của Trung Quốc ở nước ngoài qua hai vụ tấn công nhà đầu tư tại Pakistan và Afghanistan[4]. Khung pháp lý được thay đổi chia các tổ chức an ninh tư nhân thành hai loại: Thứ nhất gồm công ty bảo vệ thông thường, thứ hai là công ty hộ tống có vũ trang. Định hướng phát triển chuyên nghiệp giống các tổ chức quân sự tư nhân tương tự Blackwater. Cùng với sự ra đời của chiến lược “Vành đai, Con đường” đi qua một số khu vực nguy hiểm đảm bảo việc tăng cường bảo vệ tài sản vật chất và công dân Trung Quốc ở những khu vực này. Điều này đưa vấn đề củng cố PSC lên một tầm cao mới. Các công ty an ninh tư nhân hàng đầu hiện nay Huawei, Huaxin Zhongan, Kunlun Lion Security và Frontier Services Group… hoạt động trải dài từ châu Á đến châu Phi. Sau đại hội XX, Bắc Kinh tuyên bố bảo vệ lợi ích của Trung Quốc ở nước ngoài là ưu tiên hàng đầu của giới lãnh đạo[5].
Vai trò của các tổ chức an ninh tư nhân đối với Trung Quốc đương đại
Phạm vi hoạt động các tổ chức an ninh tư nhân
Sáng kiến BRI của Trung Quốc có phạm vi địa lý trải dài từ châu Á sang châu Âu, mở rộng ra châu Phi, châu Mỹ Latinh, với hai cấu phần chính là Vành đai kinh tế con đường tơ lụa trên bộ và Con đường tơ lụa trên biển (MSR). Trong đó, Vành đai kinh tế hình thành 6 tuyến hành lang kinh tế. Con đường tơ lụa trên biển xoay quanh 2 tuyến hàng hải chính gồm: Đông Nam Trung Quốc – Biển Đông – Đông Nam Á – Ấn Độ Dương. Tuyến thứ hai Trung Quốc – Biển Đông – Nam Thái Bình Dương[6]. Các tuyến hành lang kinh tế trải dài kéo theo các điểm nóng về an ninh phức tạp cả trên đất liền và trên biển tập trung ở cả châu Á, châu Phi, Ấn Độ Dương.
Đầu tư nước ngoài từ Trung Quốc tăng theo. Năm 2022, FDI của Trung Quốc là 163,12 tỷ USD, đứng thứ hai thế giới[7]. Việc mở rộng hoạt động kinh tế ở nước ngoài vừa tạo ra những tín hiệu tốt trong đầu tư nhưng cũng tồn tại nhiều rủi ro như tội phạm, khủng bố, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, ly khai sắc tộc. Các vụ việc xảy ra từ năm 2004 đến năm 2010 dẫn đến sự quan tâm đặc biệt hơn vào vấn đề an ninh. Đầu tiên, 11 công nhân Trung Quốc bị ám sát ở Afghanistan vào năm 2004, dẫn đến nỗ lực thành lập công ty an ninh tư nhân tập trung vào nước ngoài đầu tiên có trụ sở tại Trung Quốc. Sự việc thứ hai xảy ra vào năm 2010, nhắm vào các nhà đầu tư Trung Quốc, khi phe ly khai từ Quân đội Giải phóng Baloch ở Pakistan tấn công khách sạn Zaver Pearl Continental ở Gwadar[8]. Để đảm bảo an toàn cho công dân và tài sản, Trung Quốc cần tính đến một biện pháp vũ trang mạnh tay, thế nhưng không thể sử dụng quân đội chính quy. Các PSC đã phối hợp với chính phủ cung cấp hàng loạt dịch vụ an ninh cần thiết đảm bảo tuyệt đối an toàn và do chính người Trung Quốc đảm nhiệm. Các công ty an ninh tư nhân hiện hoạt động mạnh ở Kyrgyzstan, Pakistan, Iraq, Trung Á, Đông Nam Á và một số nước châu Phi dọc theo các tuyến đường sắt vận tải cùng đường ống nhiên liệu quan trọng[9]. Ở trên biển, PSC có nhiệm vụ hộ tống, bảo vệ chuyến tàu hàng được đặt, phối hợp tuần tra cùng cảnh sát biển khu vực dọc tuyến MSR và xung quanh vùng biển Bắc Phi, Somali,… nơi hoạt động cướp biển nhiều.
Vai trò bảo vệ các tổ chức này đối với BRI
Trong giai đoạn đầu của chiến lược “Vành đai, Con đường”, một số gợi ý về các lựa chọn từ các công ty an ninh, quân sự phương tây để đảm bảo cho công tác vươn ra thế giới đã được Trung Quốc tính đến. Mô hình lực lượng giống với tổ chức Blackwater được Trung Quốc để tâm sau khi thấy được sự hiệu quả của cách làm này ở Iraq, không nhất thiết cần sử dụng đến quân đội chính quy, đảm bảo phù hợp luật pháp quốc tế dưới tên tư nhân, bảo vệ được danh tiếng cho nhà nước. Wagner cũng là một cách tiếp cận thế nhưng tổ chức hoạt động của tập đoàn quân sự này không chặt chẽ, nội bộ thường phức tạp không đồng nhất danh tính, quốc tịch các thành viên điển hình cuộc binh biến của Prigozhin[10]. Hơn tất cả, Trung Quốc kiên trì quan điểm kiểm soát vũ khí độc quyền về vũ trang nên các tổ chức an ninh tư nhân trong nước vẫn trở thành sự lựa chọn hàng đầu. Các tổ chức này đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sáng kiến Vành đai, Con đường theo cách đặc sắc Trung Hoa nhất.
Vai trò của PSC tại Trung Á
Xét về mặt địa lý, Trung Á có khoảng cách gần với Trung Quốc nhất, vai trò của khu vực với BRI thể hiện qua hệ thống vận tải, hậu cần, năng lượng, hành lang kinh tế quan trọng với Trung Quốc. Tuy nhiên, khu vực Trung Á tồn tại các mâu thuẫn sắc tộc, chủ nghĩa ly khai và tôn giáo nặng nề. Điều này ảnh hưởng đến mục tiêu ổn định các vùng đất xung quanh để tập trung phát triển BRI. Trung Á tập trung nhiều mỏ khoáng sản trữ lượng lớn mặc dù đã có sự tham gia chặt chẽ giữa PLA với quân đội các nước khai thác nhưng hiệu quả đạt được không lớn. PLA không thể can thiệp vũ trang cũng như cần phê duyệt quyết định từ các cấp lãnh đạo điều này nhằm giữ hình ảnh cho Trung Quốc và môi trường hòa bình khu vực. PSC trở thành biện pháp bảo vệ hiệu quả nhất. Zhongjun Junhong Security là công ty hoạt động mạnh mẽ nhất tại đây. Vai trò bảo vệ các lợi ích hợp pháp của Trung Quốc được thể hiện qua hợp đồng bảo vệ tuyến đường sắt Trung Quốc – Kyrgyzstan – Uzbekistan[11]. Với trường hợp Uzbekistan, PSC không thể hiện vai trò quá lớn tại quốc gia Trung Á này, so với các nước lân cận Uzbekistan có nền an ninh ổn định nhất. Thời gian gần đây sức ảnh hưởng của Trung Quốc lên Trung Á ngày càng lớn, sự xuất hiện một nhiều hơn tổ chức an ninh tư nhân khiến Hoa Kỳ để mắt tới. Điều đó cho thấy Hoa Kỳ đã có thời gian bỏ lỡ mối quan tâm an ninh đến vùng Trung Á một cuộc chạy đua “an ninh tư nhân” có thể xảy ra thế nhưng nó cũng cho thấy sức ảnh hưởng từ các tổ chức bán quân sự của Trung Quốc không kém gì với quân đội chính quy.
Vai trò của PSC tại Nam Á
Nam Á đóng vai trò quan trọng không chỉ đối với BRI mà với cả chiến lược chính trị lâu dài của Trung Quốc. Pakistan là một thành viên trong 6 hành lang kinh tế (CPEC) cả vành đai đất liền và trên biển, tuyến giao thông huyết mạch một phần không thể thiếu với sự phát triển của BRI. Cả Tehreek-e-Taliban Pakistan và Baloch đều thực hiện các cuộc tấn công vào lợi ích Trung Quốc ở Pakistan kể từ khi Taliban giành được chính quyền. Mục tiêu là các dự án dính tới Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan trị giá 60 tỷ USD – một hợp phần của sáng kiến Vành đai và Con đường. Bạo lực lan rộng ở Pakistan với mục tiêu nhắm vào người và cơ sở hạ tầng của người Trung Quốc xuất phát từ những phần tử hồi giáo cực đoan năm 2017, các nhóm khủng bố có liên hệ với tổ chức thánh chiến Salafist của Jabhat al-Nusra đã đánh bom đại sứ quán Trung Quốc ở Bishkek[12]. PSC là phương án được chính phủ Trung Quốc sử dụng nhưng chính quyền Pakistan không chấp thuận bởi triển khai PSC sẽ chỉ khiến tình hình xấu đi. Hiện chưa có nhiều ghi nhận về hoạt động chính thức của PSC tại Pakistan nhưng nhiều hành động bảo vệ cơ sở vật chất đầu tư kết hợp với lực lượng an ninh địa phương cho thấy được hiệu quả đáng kể[13]. Bạo lực ở Pakistan sẽ tiếp tục gia tăng, khả năng tấn công nhắm đến công dân Trung Quốc và coi hành động bảo vệ của PSC trở thành hành vi thù địch, giải pháp đối thoại do chính Pakistan tự giải quyết sẽ hợp lý hơn để PSC can thiệp. Vai trò của PSC tại quốc gia Nam Á đầy biến động này là bảo vệ sáng kiến Vành đai Con đường cùng phối hợp hòa giải xoa dịu tình hình căng thẳng với lực lượng đối lập, xóa đi hình ảnh thù ghét với người Trung Quốc.
Vai trò của PSC tại Châu Phi
Các công ty an ninh tư nhân Trung Quốc đã tìm thấy một thị trường ngách đầy triển vọng tại châu Phi, đó là bảo vệ các giám đốc điều hành và các công trường xây dựng của Trung Quốc tại châu lục này. Họ cũng đang đảm bảo an toàn cho các tàu hàng của Trung Quốc trước nạn cướp biển tại khu vực. Nhu cầu sử dụng dịch vụ an ninh của Trung Quốc ở châu Phi đã tăng lên đáng kể kể từ khi nước này khởi động Sáng kiến “Vành đai, Con đường” hồi năm 2013. Đây là kế hoạch chi tiết của Trung Quốc cho sự hiện diện tại châu lục này.
Châu Phi đóng vai trò lớn chiếm số lượng lớn các mỏ khai thác tài nguyên ở nước ngoài và là khu vực quan trọng trong tổng thể tiến trình BRI Bắc Kinh đang xây dựng. Thế nhưng từ năm 2015 đến năm 2017, 350 vụ từ bắt cóc và tấn công khủng bố cho đến bạo lực vũ trang chống Trung Quốc xảy ra. Điều này đã đặt ưu tiên cao hơn về an ninh để bảo vệ các khoản đầu tư và tội phạm, phiến quân trước yêu cầu ngày càng tăng từ các giám đốc điều hành của các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc về sự hiện diện an ninh mạnh mẽ hơn của Trung Quốc trên thực địa. Lực lượng an ninh địa phương không đủ sức răn đe trong khi đó khó triển khai quân đội bởi khoảng cách địa lý cùng pháp lý quốc tế để triển khai căn cứ quân sự ở châu Phi. Do đó, phía Bắc Kinh ngày càng tin tưởng vào các công ty an ninh Trung Quốc như một phần trong tổ hợp an ninh từ xa để bảo vệ riêng tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Mombasa-Nairobi-Naivasha trị giá 3,6 tỷ USD[14] .
Vai trò mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc
Bên ngoài vai trò bảo an dự án Vành đai, Con đường cả trên bộ và trên biển, các PSC còn đóng góp vào sự mở rộng sức ảnh hưởng của Trung Quốc ra thế giới. Nếu BRI là phương tiện để Bắc Kinh đưa sức ảnh hưởng đến các khu vực đang phát triển trải dài trên nhiều khu vực, châu lục. Song hành với mở rộng BRI trên mặt kinh tế nhu cầu đảm bảo an toàn cho các dự án đầu tư thi công được quan tâm và các dịch vụ an ninh theo hợp đồng phát triển theo. Trước những hiệu quả khi công ty an ninh tư nhân Hoa Kỳ tham gia các hoạt động quân sự tại Iraq, Syria, sự xuất hiện của những tập thể này chi phối nhiều đến cục diện xung đột. Trong cạnh tranh Mỹ – Trung gia tăng, khó để Trung Quốc chấp nhận người Mỹ dần tác động đến địa bàn chiến lược phá rối BRI. Quá trình đưa nhân viên an ninh Trung Quốc sang một số quốc gia mở rộng sự hiện diện của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Việc không thể đưa trực tiếp lực lượng PLA sang can thiệp nhằm vừa bảo vệ nguyên tắc không can thiệp Trung Quốc tuyên bố được thay bằng các tổ chức bán quân sự có vũ trang. Dưới hình thức tư nhân can dự gián tiếp hoặc trực tiếp vừa mang lại cho PSC những hợp đồng làm ăn, hình ảnh thân thiện hơn trong mắt nước sở tại trước hoài nghi hoạt động tình báo hay can dự chính trị vừa cho thế giới thấy Trung Quốc là một nước lớn có trách nhiệm.
Cơ hội và thách thức đối với sự phát triển của các tổ chức an ninh tư nhân Trung Quốc trong tương lai
Cơ hội
Sau cuộc chiến tại Ukraine và Gaza đặt ra cho Trung Quốc nhiều câu hỏi về tương lai phát triển an toàn của các dự án thuộc sáng kiến Vành đai, Con đường. Tình hình bất ổn trên thế giới gia tăng, nhiều điểm nóng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, nói riêng các quốc gia mà BRI đi qua không ít nơi được liệt vào danh sách nguy hiểm. Các mâu thuẫn nội bộ trong nước khi xảy ra dưới hình thức bạo lực thường không bỏ qua cơ sở hạ tầng thậm chí công dân Trung Quốc ở nước ngoài. Một số quốc gia giàu tài nguyên nhưng không ổn định chính trị nằm trong phạm vi lợi ích địa kinh tế chiến lược của Trung Quốc gắn chặt lợi ích BRI. Một trong những cơ hội mà Bắc Kinh có thể sử dụng để tăng cường sử dụng PSC cho các nhiệm vụ bảo vệ BRI. Từ đó, ngành dịch vụ đổi tiền lấy sự an toàn còn khá mới mẻ trở thành một ngành phát triển đúng nghĩa. Quá trình này cần thời gian để hoàn thiện hơn về khung pháp lý, thể chế, nguyên tắc hoạt động và các khó khăn ban đầu trở thành cơ hội để thực nghiệm.
Trung Quốc đã triển khai Con đường tơ lụa kỹ thuật số (DSR) vào năm 2015 với vai trò là nhánh công nghệ của Sáng kiến Vành đai và Con đường nhằm thúc đẩy kết nối kỹ thuật số[15]. Tạo ra cơ hội lớn thứ hai liên quan đến năng lực và chuyên môn ngày càng tăng của Trung Quốc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo AI. Với mục đích xây dựng Trung Quốc thành cường quốc trên không gian mạng các PSC trong tương lai các PSC Trung Quốc có thể mở rộng dịch vụ tư vấn và dịch vụ cung cấp thiết bị an ninh từ xa. Ngăn chặn hành vi lừa đảo trực tuyến, với sự hỗ trợ từ chính phủ còn mở ra khả năng can thiệp sâu vào hệ thống mạng quốc tế.
Thách thức
Với tổng quan lịch sử hình thành và phát triển gắn với tập quán, văn hóa sản xuất đậm chất Á Đông, nhưng các mô hình PSC Trung Quốc vẫn tương đối non trẻ chưa đạt đến độ chuyên nghiệp cao như một số công ty phương Tây khác. Cạnh tranh thị trường chính là trở ngại đầu tiên mà PSC cả lâu năm và mới thành lập đều gặp phải. Tuy sự gia tăng phát triển về số lượng cũng như quy mô, phạm vi hoạt động các PSC ngày càng lớn nhưng nhiệm vụ họ đảm nhận chưa nhiều. Sau khi khởi động sáng kiến Vành đai, Con đường, an ninh tư nhân Trung Quốc lần đầu thử nghiệm một mô hình kiểu Mỹ. Minh chứng bằng việc thành lập Frontier Services Group, một liên doanh tại Hồng Kông do Erik Prince đồng sáng lập với sự cộng tác của tập đoàn nhà nước Trung Quốc China CITIC Bank. Tuy nhiên, khi căng thẳng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ ngày càng gia tăng, việc học hỏi lấy cảm hứng từ Blackwater về hình thức an ninh tư nhân kiểu mới của Bắc Kinh suy giảm[16]. Về nhu cầu trong nước, các doanh nghiệp có nhu cần bảo an vũ trang không nhiều, một số ngành đặc thù áp tải hàng hóa giá trị song với quy định kiểm soát vũ khí của chính phủ làm giảm đáng kể mức độ chuyên nghiệp, trang thiết bị hỗ trợ cũng như phạm vi nhiệm vụ và dịch vụ mà PSC Trung Quốc có thể cung cấp. Nhiệm vụ cần thiết nhất của PSC hoạt động ở nước ngoài gắn với bảo vệ sáng kiến Vành đai, Con đường, bảo vệ công dân,… chưa đa dạng dịch vụ cung cấp so với những công ty phương Tây.
Thách thức thứ hai liên quan đến lỗ hổng pháp lý trong lĩnh vực hoạt động ở nước ngoài. Trung Quốc chưa tham gia các quy tắc quốc tế về vấn đề cung cấp dịch vụ an ninh vượt ra khỏi lãnh thổ đất nước chẳng hạn Quy tắc ứng xử quốc tế dành cho các nhà cung cấp dịch vụ an ninh tư nhân (ICOCA 2013)[17]. Các PSC khi hoạt động trong nước sẽ tuân thủ theo các khung pháp lý trong nước nhưng khi hoạt động tại nước ngoài lại không có quy tắc rõ ràng. Các PSC phải chấp hành pháp lý của nước nhận hợp đồng làm nhiệm vụ. Trường hợp thiếu hiểu biết về môi trường văn hóa – xã hội, chính trị và pháp lý địa phương gây ra trở ngại trong xử lý tình huống đặt ra, khả năng vi phạm pháp luật tại nước hoạt động, vi phạm đến nguyên tắc lực lượng an ninh bán vũ trang ở nước ngoài do quốc tế quy định, dễ gây hiểu nhầm thành tổ chức tình báo hoặc đánh thuê. Việc siết chặt quyền mở rộng và quản lý những công ty đủ điều kiện được hoạt động ở nước ngoài chưa được chính quyền chú ý đúng mức tạo ra khó khăn trong khung pháp lý kiểm soát, tiếp nhận hợp đồng, kinh nghiệm làm việc với các PSC quốc tế.
Tiếp đến, mức độ chuyên nghiệp các PSC Trung Quốc chưa đạt được chuẩn so với những công ty cạnh tranh khác. Đa số mức độ kinh nghiệm làm việc của nhân viên ở mức nghiệp dư. Điều này bắt nguồn từ việc dân số khổng lồ dẫn đến nhu cầu về nghề nghiệp cao, một số lượng lớn binh lính từng phục vụ trong quân đội, cảnh sát sau khi xuất ngũ sẽ tham gia vào hoạt động trong các PSC. Những cựu quân nhân, cảnh sát này có kinh nghiệm sử dụng vũ khí nhưng thiếu khả năng làm việc giấy tờ cùng kiến thức pháp luật, xã hội, chính trị. Thậm chí ngoại ngữ còn trở thành vấn đề lớn với các PSC khi hoạt động ở nước ngoài dọc theo BRI bởi không phải quốc gia nào cũng sử dụng tiếng Hoa, bắt buộc đặt ra cần đa dạng tiếng bản địa nơi làm việc. Độ tuổi làm việc của nhân viên PSC thường ở mức từ 30 tuổi trở lên khó đáp ứng đủ linh hoạt để đào tạo ngoại ngữ, kiến thức pháp luật[18]. Từ đây thúc đẩy các nhà khai thác Trung Quốc để phù hợp với các chuẩn mực, tiêu chuẩn và yêu cầu của ngành PSC đương đại phải cải thiện lại toàn bộ chất lượng dịch vụ cung cấp và nguồn nhân lực nhân lực.
Vai trò của các tổ chức này đối với chiến lược toàn cầu của Trung Quốc trong tương lai
Cạnh tranh chiến lược giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc thúc đẩy Bắc Kinh tìm mọi cách tối ưu hóa chiến lược toàn cầu của mình. Phục hưng Trung Hoa đi cùng sáng kiến Vành đai, Con đường là cách Trung Quốc thể hiện vai trò nước lớn. Phát triển kinh tế ở nước ngoài tạo ra xu hướng phát triển các tổ chức an ninh tư nhân độc lập với các lực lượng vũ trang chính quy như nhiều mô hình PMC Nga, Mỹ và một số quốc gia thực hiện. Vai trò của các PSC Trung Quốc khác với PMC nước ngoài ở phạm vi hoạt động có kiểm soát trong nước phục vụ cho công tác an toàn xã hội, ở nước ngoài phục vụ cho việc bảo vệ và mở rộng BRI. Mặc dù không can thiệp là một đặc điểm thường xuyên trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc, nhưng điều đó ngày càng gây tranh cãi khi Trung Quốc mong muốn xác lập một vai trò lớn hơn trong trật tự quốc tế. Cho đến nay, Bắc Kinh đang lựa chọn cách tiếp cận thực dụng: từ từ rời bỏ chính sách không can thiệp khi có cơ hội cụ thể. Trong “kỷ nguyên mới của quan hệ quốc tế không do Mỹ chi phối”[19], môi trường thế giới ngày càng phức tạp tuy nhiên cũng tạo cơ hội cho việc tư nhân hóa dịch vụ an ninh ở nước ngoài của Bắc Kinh.
Phát triển PSC phục vụ cho hình ảnh cường quốc có trách nhiệm nhưng không trực tiếp ra mặt can thiệp, thay vào đó sử dụng ‘cánh tay vươn dài’ can thiệp an ninh dưới hình thức tổ chức tư nhân để ứng phó với nhiều thách thức an ninh. Cách tiếp cận mới giúp Trung Quốc đưa hình ảnh ‘chính nghĩa’ đến các dân tộc khác khi nêu cao vai trò bảo vệ lợi ích quốc gia chính đáng ở nước ngoài, đào tạo an ninh địa phương nhưng trên thực tế có thể hoạt động rộng hơn nhiều mảng không loại trừ cả tình báo, tấn công mạng. Bắc Kinh sẽ sử dụng PSC gắn với vai trò kiểm soát của nhà nước tốt hơn so với những Wagner hay Blackwater trong bối cảnh toàn cầu hóa mạnh mẽ, phát triển ngoại giao an ninh là một nước cờ mới mẻ trước sức ảnh hưởng từ những tập đoàn an ninh tư nhân phương Tây tìm cách tham gia vào thị trường châu Á, BRI. Phát triển PSC ở nước ngoài mang lại ảnh hưởng mềm mại hơn so với việc lập căn cứ quân sự trên lãnh thổ nước khác vấp phải nhiều chỉ trích, mang lại nhiều lợi ích cho Trung Quốc trong chiến lược toàn cầu nước này theo đuổi trong tương lai./.
Bài viết được đăng lần đầu trên trang Nghiên cứu Chiến lược.
Tài liệu tham khảo:
[1] [2] Sergey Sukhankin (2023), “An Anatomy of the Chinese Private Security Contracting Industry”, The Jamestown Foundation. https://jamestown.org/program/an-anatomy-of-the-chinese-private-security-contracting-industry/#_edn19
[3] 人民网(2004),《联合国报告:中国成为主要海外投资者》.http://en.people.cn/200401/07/eng20040107_132003.shtml
[4] BBC News (2019), “Pakistan attack: Five-star hotel attacked by gunmen in Balochistan”. https://www.bbc.com/news/world-asia-48238759
[5] Gabriel Honrada (2022), “China private security companies making a BRI killing”, Asia Times. https://asiatimes.com/2022/11/china-private-security-companies-making-a-bri-killing/
[6] Nguyễn Thúc (2023), “Sáng kiến Vành đai và Con đường – ‘Siêu dự án’ nhiều kỳ vọng Bài 1: Vành đai và Con đường”, Hà Nội mới. https://hanoimoi.vn/sang-kien-vanh-dai-va-con-duong-sieu-du-an-nhieu-ky-vong-bai-1-vanh-dai-va-con-duong-651742.html
[7] Bích Thuận (2023), “Đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc đứng thứ hai thế giới năm 2022”. VOV. https://vov.vn/kinh-te/dau-tu-truc-tiep-nuoc-ngoai-cua-trung-quoc-dung-thu-hai-the-gioi-nam-2022-post1048975.vov
[8] Raffaello Pantucci (2021), “How China Became Jihadis’ New Target”, Foreign Policy. https://foreignpolicy.com/2021/11/22/china-jihadi-islamist-terrorism-taliban-uyghurs-afghanistan-militant-groups/
[9] Sergey Sukhankin (2023), “The Anatomy of Prigozhin’s Mutiny and the Future of Russia’s Mercenary Industry (Part One)”, The Jamestown Foundation. https://jamestown.org/program/the-anatomy-of-prigozhins-mutiny-and-the-future-of-russias-mercenary-industry-part-one/
[10] Sergey Sukhankin (2023), “Chinese PSCs: Achievements, Prospects, and Future Endeavors”, The Jamestown Foundation. https://jamestown.org/program/chinese-pscs-achievements-prospects-and-future-endeavors/
[11] Syed Raza Hassan (2018), “Senior Chinese shipping executive shot dead in Pakistan”, Reuters. https://www.reuters.com/article/us-pakistan-china-shooting/senior-chinese-shipping-executive-shot-dead-in-pakistan-idUSKBN1FP1UK/
[12] Putz, Catherine (2017). “3 convicted for Chinese embassy attack in Bishkek”, The Diplomat. https://thediplomat.com/2017/06/3-convicted-for-chinese-embassy-Attack-in-bishkek/
[13] Helena Legarda & Meia Nouwens (2018), “Guardians of the Belt and Road: The internationalization of China’s private security companies”, Merics. https://merics.org/en/report/guardians-belt-and-road
[14] Paul Nantulya (2021), “Chinese Security Firms Spread along the African Belt and Road”, Africa Center for strategic studies. https://africacenter.org/spotlight/chinese-security-firms-spread-african-belt-road
[15] National Development and Reform Commission (NDRC) (2015), , “Vision and Actions on Jointly Building Silk Road Economic Belt and 21st-Century Maritime Silk Road”, Ministry of Foreign Affairs, and Ministry of Commerce (PRC).
[16] Alessandro Arduino (2023), “Chinese Private Security Companies: Neither Blackwater Nor The Wagner Group”, War On The Rocks. https://warontherocks.com/2023/12/chinese-private-security-companies-neither-blackwater-nor-the-wagner-group/
[17] Chinese Security Association (2022), http://www.zgba.org/zgbaxh.
[18] Minnie Chan (2018), “Why a Private US Military Firm Is of Value to China’s Belt and Road Mission”, South China Morning Post. https://www.scmp.com/news/china/diplomacy-defence/article/2155353/danger-zone-why-private-us-military-firm-value-chinas
[19] Chen Qingqing & Hu Yuwei (2022), “Unprecedented China-Russia ties to start a new era of intl relations not defined by US”, Global Times. https://www.globaltimes.cn/page/202202/1251416.shtml
No comments:
Post a Comment