VNTB – Chứng khoán lao dốc phiên đầu tuầnHàn Lam
27.03.2024 6:26
VNThoibao
VN-Index bay 14 điểm, nhiều mã chứng khoán còn giảm mạnh hơn cả VNDirect. Theo đó, kết phiên ngày 25-3, VN-Index giảm gần 14 điểm, về mốc 1.267,86 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt hơn 32.000 tỷ đồng. Cả sàn HoSE có tới 351 mã giảm điểm, trong khi sắc xanh chỉ duy trì ở 119 mã. Trong rổ VN30, 26 cổ phiếu phủ sắc đỏ, chỉ 4 mã tăng giá. Một chuyên gia bình luận, VN-Index đang ở vùng đỉnh 18 tháng nên áp lực chốt lời cao, bất kể yếu tố gì cũng có thể gây ra những tác động tâm lý cho nhà đầu tư.
Hoạt động bán ròng của khối ngoại vẫn chưa dừng lại nếu tính gộp cả thị trường. Cụ thể, trên HoSE, khối này bán ròng tiếp hơn 540 tỷ đồng trong khi HNX được mua ròng gần 32 tỷ đồng, còn UPCoM nhận được thêm 16,28 tỷ đồng.
Diễn biến thị trường phiên đầu tuần trong bối cảnh 3 công ty về chứng khoán, bảo hiểm, bao gồm VNDirect bị tấn công hệ thống khiến khách hàng không thể truy cập giao dịch. Đáng chú ý, cổ phiếu nhóm bưu điện là một trong các nhóm hiếm hoi giữ được mức tăng mặc dù mức tăng khiêm tốn (0,4%). Trong đó, PTI của Bảo hiểm Bưu điện vẫn tăng mạnh nhất nhóm với 2% trong bối cảnh trang web của công ty bị đánh sập hệ thống cùng VNDirect.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán, sau thông tin Công ty Chứng khoán VNDIRECT bị tấn công, nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng chìm trong sắc đỏ: VND giảm 1,44%, VCI giảm 3,17%, VDS giảm 3,14%, BSI giảm 1,92%, VND giảm 1,44%, HCM giảm 1,75%, CTS giảm 1,97%; SSI, FTS, ORS giảm gần 1%…
Nhóm cổ phiếu sản xuất cũng có nhiều mã giảm sâu: MSN giảm 3,82%, GVR giảm 4,06%, DBC giảm 2,85%, GEX giảm 1,8%, HPG giảm 1,15%, HSG giảm 1,08%, DCM giảm 1,57%…
Theo quan sát, ở chiều ngược lại thì việc VNDIRECT bị ngắt khỏi hệ thống giao dịch mạng trên các sàn được đánh giá góp phần giảm thiểu sự lao dốc ở phiên đầu tuần này. Bởi theo một báo cáo tại Đại hội đồng cổ đông năm 2022, VNDirect đang quản lý gần 700.000 tài khoản của nhà đầu tư cá nhân, chiếm gần 17% số lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân trên toàn thị trường. Đến nay, quy mô tài khoản khách hàng giao dịch tại VNDirect có thể lớn hơn nhiều con số này.
Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,14 điểm (+0,15%), lên 91,09 điểm với 126 mã tăng và 129 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 36,53 triệu đơn vị, giá trị 502,28 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,56 triệu đơn vị, giá trị đạt hơn 28 tỷ đồng. Cổ phiếu DDV tiếp tục nóng hơn trong phiên chiều khi đà tăng không ngừng nới rộng. Kết phiên, DDV tăng 5,7% lên mức giá cao mới 16.600 đồng/cổ phiếu và khối lượng giao dịch đạt hơn 3,81 triệu đơn vị, đứng thứ 2 về thanh khoản trên UPCoM. Trong khi đó, BSR lùi về mốc tham chiếu 19.200 đồng/cổ phiếu với giao dịch dẫn đầu thị trường, đạt 6,29 triệu đơn vị. Các mã khác như SBS, AAS, ABB, OIL đều kết phiên đứng giá tham chiếu với khối lượng giao dịch đạt một đến vài triệu đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, cả 4 hợp đồng tương lai đều giảm, trong đó, VN30F2404 đáo hạn gần nhất là ngày 17/4 giảm 15,6 điểm, tương đương -1,2% xuống 1.268,9 điểm, khớp lệnh 225.890 đơn vị, khối lượng mở hơn 45.470 đơn vị.
Cập nhật trên trang Facebook chính thức, VNDIRECT cho biết hiện nay có rất nhiều cá nhân hoặc đội nhóm lợi dụng thông tin này để tung các tin đồn bất lợi ảnh hưởng tới thị trường và doanh nghiệp.
Diễn biến bị tấn công mạng được một số nhà quan sát cho rằng cũng là thách thức với ngành công an trong chuyên trách là cơ quan đã chấp bút soạn thảo Luật An ninh mạng, và Nghị định 53/2022/NĐ-CP về quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng; trong đó có cả đồn đoán rằng thị trường lan truyền thông tin các công ty chứng khoán phải hạ tỷ lệ cho vay vào dịp cuối quý 1 này khiến hàng trăm cổ phiếu đảo chiều, chưa kể số lớn khác co hẹp biên độ tăng hoặc trả lại toàn bộ.
No comments:
Post a Comment