VNTB – Cà phê tăng giá gấp đôi: vừa mừng vừa loDân Trần
11.03.2024 2:24
VNThoibao
Những ngày qua, giá cà phê Tây Nguyên tăng lên mức cao kỷ lục. Tại các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai và Lâm Đồng đã ghi nhận giá cà phê dao động từ 88.900 – 90.100 đồng/kg. So với cùng kỳ năm ngoái, giá cà phê Việt Nam đã tăng gấp đôi, đạt mức cao chưa từng có.
Nguyên nhân của sự tăng giá này không chỉ đến từ tình hình thị trường thế giới mà còn là do nguồn cung cấp cà phê trong nước giảm sút. Trong đầu vụ, nhiều nông dân đã chốt lời bán cà phê khi giá đạt mức tốt, dẫn đến tình trạng nguồn cung trở nên hạn chế hơn trong thời gian sau này. Một số dự báo cho rằng thời gian sắp tới giá cà phê có thể tăng lên trên 100 ngàn đồng mỗi ký.
Giá cà phê tăng cao là việc đáng mừng cho người nông dân. Những năm gần đây do giá thấp, nhiều bà con ở Tây Nguyên đã phá vườn cà phê để chuyển qua trồng sầu riêng. Việc tăng giá có thể sẽ ngăn được việc phá vườn cà phê thời gian qua… Nhưng lại khiến những loại cây trồng khác có thể sẽ bị phá để chuyển sang trồng cà phê.
Việc chuyển đổi này sẽ khiến người dân đối mặt với nhiều rủi ro khi phải bỏ số tiền lớn cho các khoản đầu tư ban đầu như cải tạo vườn, giống, và nhiều chi phí khác. Trồng cà phê yêu cầu kỹ thuật và kiến thức chuyên môn, đặc biệt là đối với những người nông dân mới tham gia vào ngành cà phê. Việc không áp dụng các kỹ thuật trồng trọt đúng cách có thể dẫn đến kết quả kém hiệu quả và giảm sản lượng cà phê.
Hơn nữa, giá cà phê tăng giảm theo sự biến động của thị trường, nên nếu đồng loạt chuyển từ các cây trồng khác sang cà phê rồi vài năm sau mất giá, người gặp khó khăn nhất lại là nông dân. Từng có nhiều phong trào chuyển đổi cây trồng khiến cho cả một địa phương phải lao đao như chuyện người dân ở huyện Châu Thành, tỉnh Long An bỏ hết ruộng lúa truyền thống để chuyển qua trồng thanh long thời gian qua.
Thậm chí có những trường hợp phá rừng để trồng cà phê và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Diện tích rừng Việt Nam ngày càng thu hẹp không phải chỉ do khai thác gỗ trái phép, mà còn từ việc phá rừng tự nhiên để mở đất trồng cây, làm kinh tế. Trước hết, việc phá rừng gây mất môi trường sống của nhiều loài động và thực vật, dẫn đến sự suy giảm đa dạng sinh học và nguy cơ tuyệt chủng.
Ngoài ra, việc canh tác cà phê trên những khu vực đã bị phá rừng thường đi kèm với việc sử dụng phèn và hóa chất độc hại, gây ô nhiễm nguồn nước và đất đai. Không chỉ vậy, mất rừng còn dẫn tới lũ lụt, sạt lở. Như vụ sạt lở ở đèo Bảo Lộc ngày 30/07/2023 khiến 3 CSGT và 1 người dân tử nạn cũng là vì phá rừng trồng cà phê.
Cà phê là một trong những mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam. Khi giá cà phê tăng cao, người nông dân được hưởng lợi, thì thương lái và ngân sách nhà nước cũng được lợi từ xuất khẩu. Tuy nhiên, nếu không quản lý tốt, để người dân ồ ạt chuyển qua trồng cà phê thì giá cà phê giảm trở lại, có thể gây ra sự không ổn định kinh tế và tài chính.
Như vậy, có thể thấy việc giá cà phê tăng phi mã như hiện nay dẫn tới rất nhiều rủi ro nếu nhà nước không biết cách điều tiết, khuyến cáo người dân. Giá cả thị trường có lên có xuống, không thể làm liều để gặp nhiều rủi ro…
No comments:
Post a Comment