Wednesday, March 27, 2024

VNTB – Bỏ đề xuất luật hóa việc CSGT được trích 70% tiền xử phạt vi phạm giao thông
Hà Nguyên
28.03.2024 12:15
VNThoibao



(VNTB) – Chính phủ bỏ nội dung “lực lượng cảnh sát giao thông được trích 70% tiền xử phạt vi phạm” trong dự thảo mới nhất Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

 Tại khoản 1 điều 5 của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 15-3-2024, cơ quan soạn thảo là Bộ Công an đề xuất quy định lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) được trích không thấp hơn 70% khoản tiền xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ sau khi nộp vào Ngân sách Nhà nước, và không thấp hơn 30% tiền thu được từ đấu giá biển số xe sau khi nộp vào Ngân sách Trung ương.

Tuy nhiên, dự thảo luật mới nhất chuẩn bị xin ý kiến tại phiên họp đại biểu Quốc hội chuyên trách (26 – 27-3) không còn nội dung này. Điều đó có nghĩa là Bộ Công an mong muốn được luật hóa quy định “70%” này đã bị thất bại.

“Việc phân bổ tiền thu phạt vi phạm hành chính được thực hiện như sau:

1. Trích 70% cho lực lượng Công an tham gia giữ gìn TTATGT.

2. Trích 10% cho lực lượng Thanh tra giao thông vận tải hoạt động tại địa phương để sử dụng cho công tác bảo đảm TTATGT của địa phương, bao gồm cả việc sử dụng để hỗ trợ kinh phí cho lực lượng Thanh tra giao thông vận tải của Trung ương đóng và hoạt động ổn định tại địa phương theo các nội dung quy định tại điểm 1.1 khoản 1 Mục IV Thông tư này. Trong đó, nếu tại địa phương có Trạm cân kiểm tra xe, Cảng vụ đường thuỷ nội địa đóng và hoạt động thì:

– Trích 2% cho Trạm cân kiểm tra xe nhưng tổng số tiền trích không quá 30% số thực thu tiền phạt nộp vào tài khoản tạm giữ phát sinh tại Trạm cân.

– Trích 2% cho Cảng vụ đường thuỷ nội địa nhưng tổng số tiền trích không quá 40% số thực thu tiền phạt nộp vào tài khoản tạm giữ phát sinh tại Cảng vụ.

Trạm cân kiểm tra xe, Cảng vụ đường thuỷ nội địa sử dụng nguồn kinh phí được trích trên cho các nội dung quy định tại điểm 1.1 khoản 1 Mục IV Thông tư này.

3. Trích 10% cho Ban An toàn giao thông của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

4. Trích 10% cho các lực lượng khác trực tiếp tham gia vào công tác TTATGT tại quận, huyện, thành phố, thị xã và xã, phường, thị trấn (trừ lực lượng Công an và Thanh tra giao thông vận tải địa phương)”.

Nội dung trên được trích trong Thông tư số 89/2007/TT-BTC, ban hành ngày 25-7-2007 của Bộ Tài chính về “Hướng dẫn việc thu, nộp tiền phạt, quản lý, sử dụng tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt và đường thuỷ nội địa (gọi tắt là tiền thu phạt vi phạm hành chính)”.

Đến ngày 06-12-2013, Thông tư 89/2007/TT-BTC nêu trên đã hết hiệu lực và được thay thế bởi Thông tư số 153/2013/TT-BTC ngày 31-10-2013 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục thu, nộp tiền phạt, biên lai thu tiền phạt và kinh phí từ Ngân sách Nhà nước bảo đảm hoạt động của các lực lượng xử phạt vi phạm hành chính. Tại khoản 5 Điều 4 Thông tư số 153/2013/TT-BTC nêu: “Tiền thu phạt vi phạm hành chính được nộp đầy đủ, kịp thời vào Ngân sách Nhà nước…”.

Như vậy, theo Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 và Thông tư số 153/2013/TT-BTC, thì tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông phải nộp toàn bộ vào ngân sách nhà nước và được quản lý, sử dụng theo đúng quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Điều đó có nghĩa nguồn thu của riêng Bộ Công an đã kết thúc việc “trích 70%” này.

“Chúng ta có rất nhiều lĩnh vực xử phạt vi phạm hành chính, tại sao mỗi lĩnh vực này quy định trích phần trăm còn các lĩnh vực khác thì không” – đó là ý kiến chung nhất trong chuyện ưu ái riêng Bộ Công an về nguồn thu ngân sách quốc gia này.

Bên lề sự kiện pháp lý này, liên quan Bộ Công an, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5 diễn ra từ ngày 26 đến 28-3-2024, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ do Bộ Công an soạn thảo cũng được rút khỏi chương trình.


 

No comments:

Post a Comment