Những người đàn bà trong chiến tranh (Kỳ 2)Vương Trí Nhàn
6-3-2024
Tiengdan
Tiếp theo kỳ 1
Kỳ 2: “Những cô bộ đội và thanh niên xung phong ở binh trạm 12”
Trích “Nhật ký chiến tranh”, ghi trong những ngày giữa năm 1969 khi tôi theo Phạm Tiến Duật vào Đoàn 500 – một binh đoàn tách ra rồi lại nhập vào 559. Lòng người lúc này còn trong sáng không ai cảm thấy chiến tranh là cả một gánh nặng, nhất là quãng 1972 trở đi như tôi ghi hôm trước, bản thân tôi cũng còn nhiều non dại.
***
20/5/1969
Nghe Duật giới thiệu Binh Trạm 12. 5 năm nay, lứa Thanh niên Xung phong (TNXP) thứ hai lại gần hết hạn. Năm năm trước, một số cô gái ấy thích chuyển sang bộ đội, bây giờ lại cứ ở TNXP. Một cái cầu độc mộc mà ai cũng phải qua, trước khi bước vào cuộc đời chăng?
Nghe kể về những chuyến xe vượt khẩu và chuyện thường ngày ở binh trạm. Lính bạ cái gì cũng lấy lưỡi lê chọc thử, xem có gì ngon thì ăn, ăn chán thôi. Lấy thuốc lá sợi chống lầy. Duật gặp mấy cậu khoe, em có thứ giấy này làm phong bì, mịn mặt lắm, chỉ tội hơi cưng cứng. Hỏi ra thì là giấy ảnh. Có ai biết đâu? Ở hai đầu mọi thứ đều quý. Chỉ ở giữa lúc vận tải trên vai người lính, nó là một cái gì lẫn đi giữa cát bụi.
Người phụ nữ trên tuyến lửa. Những cô lái xe. Không ai khóc đâu, rất là hiền không bao giờ to tiếng với người khác cả. Chỉ có một lần dây điện chập, các cô khóc, các anh bộ đội trên xe nhảy cả xuống, phải múc cát xúc đất hất vào trong xe mới đỡ.
Duật kể: Một cô lái xe khác, khi xe mình bị xe khác quệt, xuống, rút khoá điện đối phương “Anh chữa cho tôi xong hãy đi”.
***
Nguyệt đi TNXP từ 1965. Mẹ và bố không đồng ý nhưng quyết đi bằng được. Bố dồn tiền vào cho mẹ, bề ngoài bố không cho một xu nào cả, Nguyệt chỉ được bố đưa cho tờ giấy trắng:
– Con đã muốn đi thì bố mẹ cũng không bàn. Bố mẹ chỉ dặn đi thì cố theo chị em, không được đào ngũ về, gia đình mình bây giờ như tờ giấy này này, nếu con làm xấu việc gì thì cũng như là đổ vào đấy mấy giọt mực.
Chuyển sang bộ đội, không hỏi ý kiến gia đình. Nên khi về phép, bố mẹ bù lu bù loa, tưởng là con xấu hổ, gãy chân gãy tay không dám về.
Mẹ bị một mảnh bom vào đầu. Về nhà em gái giận lắm: “Chẳng nhẽ em lại không gọi chị nữa chứ, em gửi bao nhiêu thư vào mà không thấy chị trả lời” Thì ra Nguyệt có nhận được thư, nhưng ý không rõ, tưởng mẹ ốm xoàng thôi. Lên thăm mẹ, thấy mẹ đã lẫn, múa với hát ở ngoài bãi. Có người bảo, con Nguyệt nó về, mẹ chỉ tay ra xa, nó đang tận Quảng Bình kìa mà. Rồi mẹ lại múa lại hát.
Mẹ đã qua 108, 103. Người ta bảo: Giá đồng chí không ở ngành y cơ, ở ngành y thì chúng tôi cũng nói thật, bà cụ không sống được đâu!
Mà sao Nguyệt vẫn cười vẫn kể chuyện, Duật tự hỏi có gì tàn nhẫn quá trong đó nhỉ? Chẳng nhẽ thế nào bây giờ.
Các cô gái ở đội xe, những cô gái trung bình 68kg. Một cậu nhỏ con nói đùa không hiểu họ có còn là phụ nữ nữa không? Những cô gái thông tin hơi xấu một tí, các cô khu 4 phải tập nói tiếng khu 3 khi trực ở tổng đài (sao qua đài, tiếng người nghe vẫn đáng yêu hơn). Huệ, một cái áo vá, một vẻ gì buồn mà cương nghị. Cô Quý tóc chỉ trùm hết gáy, trông khổ sở và tội nghiệp, vẫn phải cố vui. Chung quanh có người bảo nó mà buồn thì buồn suốt đời.
Ở đây, phụ nữ hay khóc mà vẫn đi sửa đường, đi lấy củi, làm nhà như mọi người.
***
Những cô gái ở cơ quan Đoàn bộ. Nhuỵ ở 559 ra, mới nghỉ phép về quê lấy chồng, chồng bên y dược dân sự. Trước khi cưới, ở vào tâm trạng như Thuý Kiều, sau quãng đời phong trần, sợ nguời khác coi mình không ra gì.
– Thế là cô coi người ta không ra gì đấy.
– Không phải thế, chính vì em rất tôn trọng bạn em. Em rất quý bạn em, em muốn cuộc đời người ấy hạnh phúc. Em sẵn sàng hỏi vợ cho anh ấy ngay bây giờ. Em bảo dứt khoát: Tuỳ anh đấy, nếu anh không đồng ý thì em cũng sẵn sàng. Anh ấy bảo, bây giờ cô kể tôi nghe ít chuyện 559 nào. Cho người hậu phương cũng được lên tiền phương môt chút. Em nói, nhiệm vụ ở đâu cũng vậy. Không có người hậu phương thì không có người tiền phương.
Thế nhưng một lúc sau, lại thấy cô kể: Em giục anh ấy đi bộ đội rồi. Anh ấy cũng phải rèn luyện đi chứ, khối người ở các trường đại học ra, lúc đi cũng khó khăn ngại ngần đấy.
22/5
Từ Hương Đô sang huyện Minh Hoá. Qua những Khe Tang, Khe Ke. Như là đường núi Tây Bắc, đường vòng vèo, đất đỏ. Trông một cái xe đi ban ngày, cứ thấy trơ trọi, một chiếc xe zin lên dốc cũng khốn khổ như một đứa trẻ bị tội.
C này nhiều các cô gái Hà Tây từng đi TNXP – hễ gặp lính chờ xe đi nhờ là hỏi có muốn về Hà Tây không?
Một cậu bên pháo cao xạ vừa ném đá vu vơ, vừa kể, thường những khi đi công tác qua, phải ghé nhờ xe họ nấu hết. Nấu nhà dân mình ăn, chẳng nhẽ con họ đừng? Hà Tây nhiều đứa đẹp. Nhưng toàn những đứa điên tình.
Chiều, ở hang đá. Tiếng bom không hiểu ở đâu, lượn từ núi nọ sang núi kia. Đường lên hang vắt vẻo, lán chính trị ở cao nhất, phía dưới là khu vực tổng đài, một cô gái đang “mách lẻo” đều đều như một con vẹt.
22/5
Gặp Lâm Thao, cô bé ăng ngoong em không ăng cháo đâu, mình bảo một cách ngơ ngẩn: Y như tiếng Sà goòng.
– Em được nhận thì đi thôi, trong lớp chả có ai đi cả… Vào làm cấp dưỡng rồi làm quản lý, cuối tháng không hụt đồng nào, lại thừa được hai chục.
Mấy lần định kết nạp đoàn rồi, mà vì ít tuổi quá, không được.
Những ngày làm giao liên ấy – một số người khác kể lại – cô còn cứu được mấy người nằm dưới hầm. Chả biết sợ là gì.
– Em làm y tá, mỗi một mình là phụ nữ. Ngày về đây lấy thuốc không biết đường vòng nào mà đi, cứ đi đường thẳng, lội qua ngầm Lộc Yên ướt hết cả quần áo, người ta cứ cười.
– Hôm nọ được về nhà rồi. Năm ngày, mẹ cho ăn ba con gà, mua cho chục đồng bạc cá, ở đấy sẵn cá lắm.
Mẹ em hiền mà thương người lắm. Bà cụ chăm bao nhiêu bộ đội đấy.
Những buổi nói chuyện với các cô gái ở đây, không đâu vào đâu mà làm cho mình hết sức hào hứng. Con gái là thế. Cô Thu y tá sẵn sàng phá những cuộn băng ra, đưa cho mình những cái kim băng xinh nhỏ, rồi tra thuốc đau mắt, rồi cho đôi giày. Cô Hải cũng vậy, thân ngay được, rửa bát hộ một cách hết sức tự nguyện.
23/5
Rừng Trường Sơn là đây. Trên là núi và dưới là khe. Những con suối trường chinh, ngấm ngầm mà hung hãn, gặp núi cản cũng xô cả núi mà đi, đất đỏ đục ngầu rồi cũng trong xanh trở lại.
Đường lượn ven núi, gặp núi thì thành ngầm, rồi đường lại vượt lên, nhìn con suối dưới kia róc rách. Lên cao thì đường gặp núi. Đất sẵn sàng lở. Khi có máy bay lượn, mình theo thói quen, chúi vào bên núi thì một cậu bảo: “Ra ngoài này đi anh, núi lở xuống bây giờ”.
Đứng trên những mỏm đường cao nhất, thấy toàn cảnh trọng điểm, lượn lên lượn xuống. Hút xuống dưới, ba cô thanh niên xung phong đi lủi thủi nhỏ dần. Ngẩng lên cao, mãi kia là đỉnh đồi đất đỏ, những cây cao lớn đổ vật cả xuống, như một người ngã sõng soài, tay ở dưới mà chân ở trên. Cỏ chung quanh đã lên xanh, cây thì vẫn còn trơ một cái màu gỗ nhạt huếch….
Có lúc nghĩ rằng tại sao lại rủ nhau chui vào những miền rừng làm gì nhỉ. Ở đây hoang vắng quá, những ngã ba, những “cua” những trọng điểm không có tên, toàn gọi bằng số, cây số 43 năm trăm, cua 12, trọng điểm 21, ngầm com măng ca, chỉ có một ngầm gọi là Đông phương hồng.
29/5
Những ngày ở Hương Đồng Hương Khê nắng nóng, mần tịt cả người, lúc nào cũng buồn ngủ. Trưa, ăn cơm về, mình nằm lăn ra giường ngủ thiếp đi, thỉnh thoảng chừng nhiều mồ hôi quá lại chợt thức dậy, lấy khăn lau một lượt mồ hôi nhưng không có khăn, lấy luôn cái áo lau mặt. Trong khi đó, Duật và cô Nhót đang tập đánh máy. Duật đến là hấp dẫn, lúc nào cũng có phụ nữ đến với nó, đứa ăn cơm xong đến xin ngụm nước, đứa đến mè nheo cái nọ cái kia.
Những ngày ở đường 12 này, lại chỉ có mưa, nước suối đỏ bẻm. Và hôm nay hiu hiu gió, như một ngày đầu thu, như một thứ rét nàng Bân, như câu thơ Tế Hanh “những ngày vui nghĩ lại thấy ngùi ngùi”. Nhớ các anh ở nhà, nhớ bạn bè, nhớ công việc. Trước lúc đi, Xuân Quỳnh bảo:
– Đi viết thư về… Chính những lúc đi xa độ 1, 2 tháng, một mình, nghĩ cũng buồn lắm.
Cố nhiên, mình lại phải bảo mình rằng ở Hà Nội, nhiều lúc mình vẫn thấy cô quạnh, những lúc chán nản. Hết giờ làm việc là lo đi chơi: “Giờ đến ai thì có nhà nhỉ?”. Đi hết mình, đi hết những nỗi buồn, và thấy con đường xa lắc. Hân bảo, giữa nỗi buồn cô đơn và nỗi buồn một người có vợ, tuỳ anh chọn lấy một.
***
Đến Hương Đô, rất quý các cô gái ở đấy, cô Bàng, cô Nhót. Cô Băng Tâm có con mắt rất sáng và nụ cười dịu dàng. Cô Huệ, cô Xuân bên Tổng đài 500, đeo cái vòng trên cổ, người như dễ thương hẳn lên. Đến Binh trạm bộ, các cô ở đây, cô Thu, cô Nhuệ mến khách và dịu dàng làm sao. Còn ở các đội TNXP thì – sau cái non trẻ vụng dại – sao quá nhiều những con người yên lặng, chậm rãi, mệt mỏi, ẩn giấu đầy dục vọng?
Ông Vũ Cao thường bảo tôi: Cái thằng này bao giờ cũng lý tưởng, sách vở. Xem thằng này với thằng Đỗ Chu, sau này lấy vợ thế nào?
Tôi thì tôi tự nghĩ, vẫn trên con đường hành hương đi tìm phụ nữ. Lại thấy vẳng lên những câu thơ của Aragon:
Chỉ có nàng thôi mới xinh đẹp dịu dàng
Nàng hiện lên như tháng mười đỏ thắm
Hôm nọ bảo với Duật rồi, câu thơ của Drunina “Trong ngây dại của tâm hồn phụ nữ – Em chỉ cần nương tựa xuống vai anh”, có phải chỉ nói về phụ nữ đâu, mỗi người nam giới đều có lúc cảm thấy cần phải nương tựa xuống bên một người phụ nữ nào đó.
***
Phát hiện lớn nhất là trong lần trước, thấy con người lớn lên trong chiến tranh. Đi sâu vào tuyến, lần này tôi nghĩ khác đi: Chiến tranh sẽ tạo ra một lớp người mà tất cả thời gian, năng lực, chí hướng là tập trung vào việc giết, phá hoại, làm lấy được, nghe lệnh, trói tình cảm của mình lại, rồi khi cần thì lại bùng lên một cách rất là man dại. Chiến tranh tạo ra lớp người ấy, chiến tranh qua rồi nhưng lớp người ấy còn mãi.
***
Đại đội TNXP: Nhà ở làm hàng ngàn công mà không xong, gian nhà rách nát, tạm bợ, trên căng tăng, dưới căng bạt, chung quanh là đồ lề, những tấm chăn chiếu quét đất tha hồ cho chân người dẫm lên.
Bộ đội thì có chuyện công binh dỡ hầm của cao xạ hai bên to tiếng với nhau. Nghe nói có lần phải dùng đến cả cách quăng nhau xuống sông.
Bao nhiêu cô con gái đã vào hoả tuyến này. Ở rừng Lào, con gái phải lấy tay gạt đuổi những con nòng nọc đen đi lấy nước tắm rửa. Một lần đang tắm thì nó đánh rất gần. Mới đầu các cô còn tránh tạm vào một hòn đá. Rồi sau chỉ kịp khoác cái áo lên, cứ thế trở về khu nhà ở.
Những bữa cơm TNXP ở đây, ít thức ăn quá, người ta phải ăn nháo nhào bát đầu cho xong, rồi bát sau thì bắt đầu xoay tí muối. Mỗi người được mua một quả trứng luộc rồi, sau bữa cơm của người nào người ấy giải quyết.
Những cô con gái ngồi giữ kho suốt ngày có người nhờ may vá. Chuẩn một kéo. Đào một kéo. Đến nơi thấy thế, Sát phụ trách hành chính nhì nhèo “Chúng mày cứ lấy hết cả kéo trong kho thế thì còn bảo quản nỗi gì nữa”. Nhưng rồi chính ông ta lại bảo, con gái ở đây nó thiếu vải lắm anh ạ. Bây giờ mỗi đứa, xin lỗi anh, chỉ còn một cái quần phăng với cái quần đen, cái nào cũng tàu tàu cả. Đơn vị thì phát đủ rồi, cơ quan chịu sau. Hôm nọ C3 bị đánh, lại vận động cho lần nữa, ai có 3 thì cho 1. Kết quả là chả ai có gì dùng khi cách nhỡ nữa.
Chao ôi, rồi những đứa con gái này về, sẽ làm nên những công trạng gì, sẽ biết làm gì.
30/5
Suốt một tuần đất Quảng Bình này là mưa, giá ngại thì không còn muốn ra khỏi nhà.
Con đường về anh mưa hút lối
Trắng ngang trời không gian mênh mông
…
Thời gian đi không gian dường đứng lại
Chẳng biết nhớ thơ hay nhớ chính con người nói chuyện rất thông minh đó nữa.
Nhưng mà mưa ở đây nó lại càng để lộ ra cái buồn bã cuối chiều của công việc. Đơn vị đến đây từ 27 tết. Nghe các cô ấy kể, lúc đầu chuyển đến để phục vụ xe vào rất nhiều trong dịp tết, cho nên nhà cửa làm chỉ tạm bợ. Đến bây giờ thì mưa xuống, nhà nào cũng kêu dột. Kho dột, chỗ ở dột. Mấy cậu đến làm nhà kho gấp đi khiêng độ chục tấm gianh về dọi lại một chái, dùng độ 3 tấm rồi lại vứt đấy.
Những cô gái ở đây cứ làm cho mình luôn nghĩ đến những người ở nhà. Nhạc, cô cấp dưỡng bảo, ở đây chẳng hiểu bao giờ khá hơn. Tôi bảo những trường hợp hai vợ chồng nuôi một đứa con ở Hà Nội, cũng cực nhục lắm. Vậy thì ở đâu vất vả hơn? Hạnh phúc cuộc đời này là cái gì?
3/6
Sang C2 đội 89, vẫn là chuyện các cô TNXP.
Quyên: Mẹ em mất từ năm em được độ một tuổi. Bà ngoại em chỉ được có hai người con gái, mẹ em là chị, lại mất sớm. Bà em mới bảo dì em, rằng mày có thương cháu thì mày về nuôi lấy nó.
Mãi lúc đi TNXP em mới biết. Hồi trước, có lần mẹ em đánh em đau quá, em mới bảo con đẻ ra mà còn thế đấy, dì ghẻ con chồng thì còn ác đến đâu. Mẹ em không nói gì nữa, mẹ em chỉ khóc. Hôm em đi, bác em mới gọi bảo rằng đấy là dì mày đấy.
… Chúng em đi từ ngoài kia vào thích lắm. Đi đến đâu cũng hỏi. “Mẹ có cà cho con mấy”. Bà cụ bảo: “Chẳng có cà mùa này. Nỏ có cà, con có ăn ghém thì ăn thôi. Sao mẹ bảo gì, các con cũng vâng thế”. Người khu 4 hiểu hết tiếng người khu 3, nhưng người khu 3 không hiểu tiếng khu 4 đâu. Ở nhà dân, về đến nhà là lục lọi thức ăn. Có lần đi trực về, 4 giờ sáng thì về đến nhà, lục cơm nguội với cá, ăn sạch, đi ngủ, đến 10 giờ mới dậy.
Lúc đầu thức ăn chỉ muối và mì chính. Thế mà cũng đánh hết mấy bát.
***
Giữa khoảng rừng xanh, những thân mốc lá xanh chẳng hạn, bỗng hiện lên màu đỏ của thứ hoa gì đó trong rừng. Màu đỏ ấy không tươi, không thẫm như hoa vông hoa phượng, màu đỏ ấy sặc sỡ và lại tái tái thâm thâm như hoa gạo cuối mùa, như những bông hoa gạo 1, 2 ngày trước khi rơi trên mặt đất. Có thể ví một hiện tượng văn nghệ, một cái gì đó trong văn nghệ với màu hoa đỏ ấy được không. Mình đã nghĩ như thế khi đến thăm đại đội cao xạ.
Chợt nhớ các bạn. Hai người mà mình quý nhất là Đỗ Chu và Xuân Quỳnh. Một người vừa sợ vừa thích là Lưu Quang Vũ. Có thể nằm thượt ra, nói những chuyện nghiêm trang nhất mà cũng ghê gớm nhất bên Lâm Quang Ngọc. Lại có thể rủ rỉ rù rì nói chuyện với Nghiêm Đa Văn.
Nhớ có lần hai đứa cùng tranh nhau nói: Mình và Bằng Việt. Với Lâm, mình nói năng thả cửa. Bùi Bình Thi sẵn sàng tán thành những ý kiến người đối thoại, gật gật đầu rất nhanh và cười ha hả?… Ôi các bạn tôi, mỗi người làm giàu cho tôi một chút, chỉ có tôi nhớ các bạn hay là chính các bạn cũng nhớ tôi.
TNXP và bộ đội, bao giờ thì cũng phải có những đơn vị ấy đi với nhau. Tưởng tượng thiếu một đơn vị thôi, buồn biết mấy. C7 ở tận trong mặt sau của một trái núi. Nội quy: Cấm không được đi chơi tối. Chỉ chiều về, các cô gái lần khân hơn một chút. Gần nhà cũng có suối, nhưng họ kỳ cọ rửa ráy rõ sạch chỗ cái suối ngoài gần đường. Cả bọn như một bày chim lớn. Rồi về qua cửa bộ đội. Đánh tiếng, rúc rích đùa. Các anh bộ đội chừng cũng đã quen, ăn cơm xong, ra hiên nhà ngồi chơi, đợi.
– Mấy khi đi làm về, các o vào uống bát nước.
Cứ thế tán tỉnh nhau đến tắt nắng. Về còn lưu luyến, ở chơi tí nữa, hãy còn sớm em.
***
Ngày mưa – B3 làm cái nhà hậu cần ở dưới nhà nữ. Tất cả cá cô đều đi giày trông cứ nặng nề và hách dịch một cách vô lý. Cô Mai to, chặt sậy làm phên ở giữa nhà, một cậu nói vọng xuống “Không chặt cho đều thì tôi quẳng đi”. Mai to trả lời rất tự hào:
– Mình cứ yên chí, lần này tớ làm cho mình thật đều.
Hễ ai đi qua, Mai lại hét tướng lên”Không được bước vào chỗ này!” Cô chỉ sợ người ta dẫm vào sậy, chốc nữa vác lên, bẩn hết áo.
Lai, chàng trai mũi tím bầm lại vì nặn trứng cá, hôm nay giời mưa mà diện rất tươm tất, giày thấp cổ có cả bít tất. Lai vác những thanh gỗ bằng cổ tay về lợp hầm. Quá là vô ý, tránh được dưới đất thì lại lấm tiệt các thứ khác ở trên dây thép. Mưa quá. Trung đội trưởng Thự cho anh em nghỉ vào nhà. Tất cả ào vào, làm cho cái nhà lúc trước chỉ có cô Ngần ốm bỗng rộn cả lên.
Từ lâu đã nghe nói con gái ở đây rất chiều con trai, mưa, các cô phơi quần áo hộ cẩn thận. Đi giặt về, Huệ cầm quần áo luôn thể. Con gái là rau tàu bay, con trai là mỳ chính. Chẳng hiểu ai nói câu ấy đầu tiên. Bây giờ vào trú mưa cũng thế. Thự, chàng trai tay vừa vồ đất dưới kia bây giờ dụi dụi tay, tìm chỗ lau. Bỗng nhớ ra có một bình nước uống.
– Anh nào dội hộ tớ một tí.
Nhiều người nhao nhao:
– Lại dội lại dội ông huyện.
– Không để cho ai người ta uống nữa
– Thôi, ra đây cho xong đi nào. Và Nghiện, cô bé hơi xấu ấy dội hộ. Vừa dội, Nghiện vừa nguýt Thự một cách không rõ thế nào. Vừa lúc Nghiện quay đi là Thự giật lấy cái khăn nhuộm màu nguỵ trang trên vai Nghiện. Cô bé nhớ ra thì đã muộn. Thằng con trai la lên: Xong rồi, xong rồi.
Thời chiến này, cái gì người ta cũng làm khô làm hộp, rau kho thịt hộp. Vậy thì cái điều người ta làm khô văn nghệ cũng tất nhiên. Gọn, nhẹ – không thể khác được.
***
MẤY GƯƠNG MẶT
Bích Liên C2 D thông tin.
Lần đầu qua cầu Hàm Rồng không dám sang. Cầu chuyển rùng rùng phải nhờ một anh khác dẫn sang. Báo động nhảy cả xuống đầu một anh bộ đội.
Sang Lào, đứng cầm đèn gác đường rồi sang đánh kẻng. Máy bay đến, sợ không dám đánh kẻng chỉ kêu máy bay, máy bay. “Sợ đánh kẻng biệt kích nó nghe”.
Có người rủ đào ngũ. Sợ về trả sổ, trả khăn cho người ta ư? Lúc đi, ăn bao nhiêu cũng không lên cân được, chỉ có 39kg.
Viết thư cho mẹ: Con bé thì đứng vào đâu mà chẳng được. Có hy sinh cũng là vinh dự.
Bé quá, Thu TNXP đi, người ta cứ bảo “con bé này, ở đâu vào”? “Cháu ở TNXP đấy mà”. Người ta phải nhận.
Vào đội mang cơm thì hay đánh đổ, lại phải đi làm. Lên trên lùm bùm Tà Khống. Nhịn ăn, từ 18g hôm nay thì đến 18giờ hôm sau mới có người thay.
Đợi bao giờ được vào bộ đội mới về phép. Thủ trưởng cho đi học y tá cũng không đi. Vào bộ đội được giao anh nuôi, dù ở nhà, chưa biết nấu cơm.
Vào tổng đài, đi chữa dây. Để máy khô, phải cởi áo ra mà bọc máy. Chữa xong lại chập, về lại đi. Mưa rét, chưa ăn cơm. Dây đứt, không biết đứt chỗ nào (đứt ngầm) phải chẻ đôi dây ra thử. Qua sông, đội máy lên đầu.
Mẹ viết thư có cần gì thì mẹ gửi cho. Của mẹ chứ của ai mà sợ thiệt.
Người ta bảo: Nhớn thì mới ốm nhiều, bé thì ốm ít.
Đi làm cấp dưỡng. “Tôi đi hái rau” – Gặp người dân tộc, hãi. Vì thấy người Khùa họ không mặc quần áo gì cả. Khóc từ rừng khóc về nhà. Bị một anh mắng bảo về không về, ở đây khổ cả mày lẫn khổ cả chúng tao.
Đội này có lúc ăn ngày 1kg gạo, có khi ăn măng tươi suốt. Thiếu nước, cạo tinh tre… Có nhiều món không biết các anh ấy làm thế nào thành ăn tạm được. Chị Hiền chết. Lúc “đi” dặn, mày ở nhà có mưa thì thu quần áo vào cho các chị ấy. Cố vài năm thống nhất về cho ăn cam quê tao tha hồ.
Chị ấy chết, vừa hãi, vừa muốn ra xem. Đến nơi thấy chị chẳng còn gì.
Bé quá, gọi mọi người bằng anh chị.
Hôm đăng ký đi, nói với cán bộ:
– Chú chú, cho cháu đi với, các chị ấy bảo tha hồ ăn quả rừng.
– Muốn ăn thì tao bảo nó lấy về cho. Đi làm gì.
Cứ xin đi. Mẹ em vẫn bảo con có vào đấy mới biết. Trong thư mới gửi, mẹ bảo mọi người cho em nó về, chỉ độ 1/2 ngày cũng được. Em bây giờ nó biết làm gì rồi.
***
Kim Liên:
Vùng em quê nghèo tháng 8, nước đến cổ, đói no sao cũng được. Lúc đi, các ông cán bộ hợp tác làm đội trưởng, phó bí thư chi bộ, làm chính trị viên, các ông ấy không tâm lý gì đâu, hơi một tí là các ông ấy mắng cho. Một cậu đi chậm: Gạt thằng ấy nó ra, sống thì sống, chết thì chết, để cho cả đoàn cùng đi.
Vào đến Vinh thì một cậu đào ngũ. Lại gặp một ông bộ đội, thấy nói TNXP đồng hương ông ấy vào hỏi, thổi cơm nấu nước ông ta ăn tử tế. Đến lúc hỏi ra thì thằng em ông ấy đào ngũ, ông ấy khóc mãi. Đến Thái Hòa (Nghĩa Đàn) lại nhiều người đào ngũ nữa (ở đấy nhiều xe, tuần 4 chuyên ra Hà Nội).
Có 5 người trốn, 4 cô với 1 anh. Họ về họ nói, đơn vị qua Hàm Rồng bị đánh hết cả rồi, chỉ có mấy người họ trốn được phải về, ở nhà thấy thế khóc hết nước mắt. Sau có thư gửi về ở nhà mới tin. Bọn trốn về khổ lắm, mất hết cả Đoàn. Mẹ ở nhà viết thư lên. Có chết thì chết, đừng trốn về, xấu hổ cả nhà. Sang Lào – thiếu thốn mọi thứ. Toàn tháo chăn ra làm chỉ. Ăn thì cứ đi nhấm lá rừng, thấy cái gì chua chua là nấu ăn được. Có lần nhấm phải những thứ chát săn cả lưỡi.
Hường:
Bỏ học, nhất định xin đi. Bố đánh. Mẹ giấu sổ hộ tịch. Cứ làm đơn xin đi. Con nói thực, không cho con đi, mai con chết. Trước lúc đi, một trận đòn nên hồn. Bố đánh không khóc vẫn đòi đi. Lúc bố cho đi lại khóc tủi thân. Bố dặn đừng ăn bậy ăn bạ mà khổ. Gửi giấy khen về nhà thì mẹ lại lo. Thế này thì nó ốm mất. Biết thế thu lại, để gửi về sau.
Mẹ sơ tán. Chị đi Phú Thọ… Bố làm không đủ, bảo con xin về. Đơn ở nhà gửi lên bảo ký tên thì giữ đơn lại, rồi viết về nói là gửi rồi.
***
MỘT TỐI CHUNG VUI
Con gái TNXP ngoan hơn con gái bộ đội vì không được chiều. Thu, lặng lẽ ít nói nhưng đâu cũng rí rủm lắm. Chanh láu và hơi xấc. Quý thì rất chiều người và lịch sự, Quyên bên C2 nữa, con mắt và cái cằm như là của con trai, rất nghịch. Nhưng giá hỏi nên viết thư cho ai trước hết, thì tôi sẽ gọi tên Hoa.
Khi tôi đến hôm đầu tiên, em ngồi hơi xa, chỉ cười. Hôm sau, lúc nào nhìn thấy tôi, em cũng cười. Buổi tối ấy tôi lại đến chơi, em đang hát, em nằm đấy mà hát, tiếng hát vỏng vót:
Yêu bao sông nước quê ta,
có những chuyến phà ngày đêm vui hát
Yêu bao bờ bến quê ta…
Ấy là những bài hát của giao thông. Ấy là những bài hát của chính các em. Có lẽ vì thế mà em đã hát rất say mê, như em mới nghĩ ra như vậy. Khi em hát những tình ca, điệu chèo của quê hương Thái Bình, tôi vốn nghe mãi phát chán những điệu chèo hát trên đài rồi mà với em tôi lại thấy duyên quá.
Trong cái buổi tối lờ mờ của trăng đầu tháng rừng già, tôi không nhìn rõ mặt em, chỉ thấy như cả người rạo rực, tôi không muốn ai nói chuyện nữa để lặng cho tôi với tiếng hát. Mặc các cô khác len vào, tôi vẫn nghe rõ tiếng em. Và khi các cô ấy xoay ngọn đèn về phía tôi, tôi hơi xấu hổ vì biết mình đang ngây dại mê thanh mê sắc nhưng cũng vẫn ngồi đấy, cười cái cười tâm lý mà riêng tôi mới có như các bạn ở nhà vẫn giễu.
Mắt ngước ra ngoài trời nhìn đi rất xa, toàn thân tôi như bay lượn theo tiếng hát.
Đến khi em và các bạn hát bài “Các cô gái mở đường” thì tôi như ghen với Xuân Giao vì nhạc sĩ đã ghi được một cái nhịp mà nó biết gợi lên bước đi của các em, một thứ bước đi khoan thai rộn ràng rất mực.
Hoa, tôi biết là em không đẹp, nước da hơi đen, và nụ cười hơi phô, nó không hàm tiếu cầm chừng như chính tôi vẫn thích… Hoa! Nhưng tại sao tôi cứ vấn vương về em, muốn bắt lấy cái nhìn và nụ cười của em. Bởi tôi đang đi tìm một người tôi mến yêu. Nhưng tại sao người đó lại rơi vào em nhỉ. Tôi biết viết bức thư đầu tiên cho em như thế nào đây?
Tôi là thằng tằn tiện ít bộc lộ tình cảm, nên tôi cũng rất giàu có, tôi biết sử dụng tình cảm của mình thế nào cho vừa, ơi em xa xôi, ơi em mới quen, ơi em và tiếng hát. Cả cô Lan khôn ngoan mà kín đáo, cả Quyên hay nhìn trộm đợi chờ, cả Huệ hiền và hiểu đời, cả Quý, cả Thuần, cả Nghi có con mắt nhìn thẳng vào người con trai, như van lơn, như cầu khẩn… không ai làm tôi vương vấn như em.
***
Ngày mưa: Ngày các cô gái khâu vá, ngày người ta ngồi nói chuyện về những con đường mà người ta đã làm, những chương đời mà người ta đã vượt.
Ngày mưa để người ta lo nghĩ về công việc trong những ngày sau đó. Ngày mưa là ngày của tình yêu, nó ấp ủ những gì hứa hẹn của hôm sau.
Tại sao các cô gái C2 hay nói những chuyện nhố nhăng? Bởi vì nói những chuyện nghiêm túc bao giờ cũng đồng nghĩa bi quan và thất vọng. Cười nhiều, sự cười nhiều là sản phẩm của những gì hết sức đau khổ.
Buổi tối các cô ngồi ra cửa hát. Tốp ca nữ hát: Các cô gái đi mở đường, do các diễn viên đội văn nghệ C3 và C4 trình bày.
Hoa giới thiệu và hát trước; đến chỗ hết câu này, bắt sang câu khác, khi mấy bạn lí nhí vì quên thì giọng Hoa bao giờ cũng to hơn cả. Đất núi, sân phía trước nhà không rộng, các cô đứng dọc hàng một cô nọ ôm chặt cô kia. Trong nhà nhìn ra, vẫn thấy các cô lắc lư như những diễn viên chuyên nghiệp trên sân khấu. Thật ra đến cả tên bài hát cũng không thuộc các cô chỉ nhớ câu đầu tiên của các bài…
Lúng túng mãi rồi trong nhà phải cử một cô đi sang nhà bên cạnh mượn cái đèn bật (bật lửa).
– Anh vào trong nhà chơi, anh Nhàn.
Sau khi yêu cầu tốp ca hát, một bài “chầu văn”, biết rằng các cô hết vốn, tôi vào ngồi trong nhà. Quen tính tôi, các cô mang hai bi đông nước. Lan rót nước:
– Này, Nghi mời nước anh Nhàn đi. Bưng hai tay vào.
Tôi phải trả lời đại khái nói, nghe Lan tâm lý lắm, hôm nay mới biết đấy. (Lúc trước thấy Lan ăn mặc khác tôi đã trêu “Gớm hôm nay cô Lan trông lạ quá”. “Anh cứ nói thế, em chào anh mấy lượt anh có thèm nói lại đâu?”)
Có tiếng người phía dưới, thì ra Phượng trung đội phó. Lâu nay cả trung đội biết rằng Phượng hay nói nghịch. Vừa đến nơi, Phượng đã nói đùa:
– Lên xem các gái hôm nay đã khỏi chưa hay lại thành 35 công nào. Tất cả cười lên một lượt. (Hôm nọ trong lúc lợp nhà, Phượng đã nói đùa: Người ta 30 công nhưng Chanh nó 34 công cơ. 30 công ốm với 4 công người khiêng đi viện).
Mai tồ rót nước mời Phượng:
– A à, em Mai hôm nay quý anh Phượng ghê nhỉ. Song Phượng Tuyết Mai được đấy chứ.
Nhưng một cô khác đốp luôn:
– Hôm nay anh Khôi giảng bài cứ định gọi chị Nghiện, chỉ chị Nghiện thôi, thì lại đọc tên anh Phượng. Buồn cười nôn cả ruột.
Hoá ra một câu chuyện nghiêm chỉnh rồi, Nghiện là một bé hơi xấu, nhưng rất yêu Phượng và có lẽ họ cũng đã yêu nhau.
Mục đích Phượng sang là để phân công người.
– Lan ạ, hôm nay tiểu đội mày có mấy người làm sao hả?
– Cũng chẳng nhớ là mấy nữa, Lan cứ hậm hờ. Sáu hay là bảy nhỉ, để em tính đã.
Phượng cũng không cần biết cho chính xác làm gì, ốp luôn. Thôi, mai vẫn cho đi dọn chỗ 35, chỉ để độ hai đứa ra cây số 34 làm nhé. Còn tiểu đội cái Hoa cũng đi làm chỗ cũ, lấy 2 đứa đi gánh tranh.
Chẳng đợi Phượng dứt việc, các tiểu đội trưởng nhao nhao phân việc. Lan gọi với sang chỗ Thoa:
– Chị Thoa ơi, chị Thoa.
Vẫn không thấy nói gì.
– Chị Thoa yêu quý ơi, mai hai chị em mình đi ra cây số 34 nhé.
Ngồi trong bóng tối, chỉ thấy một người quay ngoắt đi. Bấy giờ Lan mới dỗi:
– Thôi, cứ thế là chị tôi nghe thấy rồi đấy. Gớm, chị Thoa em lại không thân với mèo con nữa rồi.
Chả trong tiểu đội, Lan ít tuổi hơn một chút. Và khi đùa nhau, khi vật nhau, các cô đều gọi nhau là mèo con cả.
Trong khi mấy cô khác còn đang nhao nhao hỏi — nghĩa là bất chấp tiểu đội trưởng, hỏi luôn trung đội trưởng về mình — “Mai em làm gì Phượng” ”Mai em làm gì anh”, thì Phượng đã xoay sang đùa.
– Còn bọn cái Thu, cái Gái đâu. Mai cái Thu tập họp lại, chờ lên hang Cha lo gánh đá. Cứ chọn thứ đá nào không đổ mồ hôi thì mang về là được.
Và buổi sang phân công việc của Phượng kết thúc một cách vui vẻ. Trông anh chàng lại nhớ những buổi liên hoan có những tay hễ gặp ra, hoá trang trông thiểu não, có khi răng sứt, chân cụt, thất tha thất thểu ra, lúc vào lại còn cà khịa.
– Có thách tôi rút không nào? Tôi rút cho mà xem chứ tưởng, tưởng…
Tài lắm, nhưng chỉ là tài trong phạm vi khe núi góc rừng.
Từ nãy, Hoà và một cô Mai khác, Mai Trần vẫn ngồi tâm sự ngoài hiên. Thì ra cô Mai kia mới về thăm gia đình lên. Cô kể vè hành trình rồi kết luận:
– Đi đến đâu cũng được các anh ấy gửi, anh nọ gửi cho anh kia ấy mà…
Gớm, về đến nhà mất 4 ngày. Con bé Máy nó bị rút hết cả bím, nó cứ quờ quạng như trẻ con. Trời ơi, trời ơi – nói xong lại cười, cười xong lại khóc.
– Ở nhà vui lắm mày ạ. Đi họp thì một gian họp mấy gian xe đạp, nam toàn Phượng hoàng, nữ cũng Phượng hoàng với Thống Nhất. Hôm nọ đội bóng nam Thái Bình đấu với Lương thực Trung ương, nữ Thái Bình đấu với Nam Định, nữ mình được, toàn những 15-3…
– Eo ôi, ngoài ấy diện lắm, toàn áo cổ Nhật Bản.
Tôi hỏi: Thế năm nay Hoà đã về chưa?
– Em sợ đường đi xa lắm, với lại về nhà ai cũng chê gầy với đen, lên đây như chị Mai thì lại gầy và đen hơn lúc chưa đi. Thôi cứ ở lại vậy.
No comments:
Post a Comment