KKF lên án việc chính quyền Việt Nam bắt giam tu sĩ Thạch Chanh Đa Ra
VOA Tiếng Việt
28/03/2024
VOA
Hồi tháng 12/2023, theo truyền thông trong nước, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Vĩnh Long ra quyết định không công nhận ông Thạch Chanh Đa Ra là tu sĩ thành viên Giáo hội Phật giáo trong tỉnh này và một hội đồng Yết ma, nhóm các nhà sư xem xét vi phạm giới luật, đã ra quyết định tẩn xuất ông.
Ngược lại, KKF cho rằng nhà sư Thạch Chanh Đa Ra không vi phạm bất kỳ giới luật nào của Phật giáo. “Trớ trêu thay, chính quyền Việt Nam lại bắt giữ ông và buộc tội ông với một tội danh mà ông không hề phạm tội. Ông chỉ đơn thuần thực hiện quyền tự do vận động cho quyền thực hành Phật giáo Nguyên thủy cho cộng đồng người Khmer Krom bản địa của mình”, thông cáo của KKF viết.
“Chúng tôi yêu cầu trả tự do ngay cho nhà sư Thạch Chanh Đa Ra, ông Kim Khiêm, ông Thạch Vệ Sanal và bác bỏ mọi cáo buộc đối với họ. Nhà sư Thạch Chanh Đa Ra nên được phép xuất gia và tiếp tục trụ trì ngôi chùa của mình với tư cách là trụ trì”, KKF đưa ra lời kêu gọi. “Chính quyền Việt Nam phải tôn trọng quyền tự do thực hành tôn giáo của người Khmer Krom và không sợ bị đàn áp”.
VOA đã liên lạc Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Vĩnh Long, chính quyền tỉnh và Bộ Ngoại giao Việt Nam, đề nghị họ cho ý kiến về các phát biểu trên của các thành viên KKF và lời kêu gọi của tổ chức này, nhưng chưa được phản hồi.
Trang Công an Nhân dân của Bộ Công an hôm 26/3 dẫn kết luận của Hội đồng Yết ma cho rằng ông Thạch Chanh Đa Ra đã “vi phạm Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, làm tổn hại đến thanh danh, sự hòa hợp giữa Tăng đoàn với Tăng đoàn, giữa Tăng đoàn và Ban Quản trị chùa Đại Thọ; gây phương hại đến khối đại đoàn kết”.
Theo Cơ quan An ninh điều tra, từ năm 2020 đến nay, hai ông Thạch Chanh Đa Ra và Kim Khiêm sử dụng mạng xã hội đăng tải, chia sẻ bài viết, video và livestream “nhiều thông tin sai sự thật, giả mạo, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân”.
“Các vị sư này vận động phổ biến quyền của người dân bản địa - đó là nguyên nhân chánh” dẫn đến các vụ bắt bớ hôm 26/3, ông Trần Manrinh nêu quan điểm. “Từ việc phổ biến và đòi hỏi nhà nước công nhận Khmer Krom là dân bản địa, đã trở thành phong trào được nhiều nhà sư và thanh niên hưởng ứng khiến nhà nước Việt Nam coi đây là mầm mống gây khó khăn cho họ cho nên họ có tính toán sẵn”.
Trong văn bản phản hồi các chuyên gia nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào tháng 5/2023, chính quyền Việt Nam nói rằng họ đồng ý với Tuyên ngôn của LHQ về Quyền của Người bản địa (UNDRIP), nhưng khẳng định rằng khái niệm “quyền của người bản địa” không tồn tại ở quốc gia này.
Ngoài ra, chính quyền Việt Nam còn bác bỏ các cáo buộc liên quan đến việc “hạn chế” quyền tự do ngôn luận của người Khmer, quyền được giáo dục bằng ngôn ngữ bản địa, quyền tự do tôn giáo, hay tự do tín ngưỡng.
Liên quan đến việc bắt bớ một số thành viên người Khmer khi ấy, văn thư của chính quyền Việt Nam cáo buộc họ “có nhiều hoạt động phức tạp về an ninh trật tự tại địa phương”, cũng như “có nhiều mối quan hệ với các tổ chức cực đoan chống phá Việt Nam, thường xuyên kích động hận thù dân tộc, đòi ly khai, tự trị, chia cắt lãnh thổ Việt Nam”.
No comments:
Post a Comment