Monday, August 28, 2023

VNTB – Khi nào mới luật hóa về hoạt động của đảng?
Cát Tường
29.08.2023 5:05
VNThoibao


(VNTB) – Các tổ chức Đảng vẫn chỉ lãnh đạo chung chung

“Không được để quy phạm pháp luật có sơ hở, có thể tạo ra tham nhũng, tiêu cực, kéo thuận lợi về cho cơ quan quản lý, tạo cơ chế xin – cho, cài cắm lợi ích; còn đẩy cái khó cho người dân, doanh nghiệp”.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có phát biểu nhấn mạnh như vậy tại hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 4, nhiệm kỳ khóa XV, khai mạc vào đầu tuần này tại Hà Nội.

Theo lịch làm việc, hội nghị sẽ xem, cho ý kiến vào 8 dự án luật trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 6. Cụ thể gồm các dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Luật Viễn thông (sửa đổi). Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và Luật Quản lý bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Ông Huệ đề nghị đại biểu Quốc hội tập trung rà soát để làm rõ việc các dự án luật đã thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn chủ trương của Đảng hay chưa. Bên cạnh đó, đã bám sát các nhóm chính sách lớn, các định hướng, nguyên tắc yêu cầu khi xây dựng các dự án luật chưa? Những đề xuất mới đã có đánh giá tác động một cách đầy đủ chưa?

Vấn đề quan trọng nữa là xem xét tính hợp hiến, đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, nhất là những dự án luật liên quan chặt chẽ với nhau. Như các dự án Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai…

Về một số nội dung còn ý kiến khác nhau giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo cũng như ý kiến khác nhau trong từng cơ quan, Chủ tịch Quốc hội đề nghị phân tích kỹ lưỡng để lựa chọn phương án tốt nhất. Ông Vương Đình Huệ cũng lưu ý quan tâm điều khoản áp dụng, điều khoản chuyển tiếp vì “nếu không đầy đủ, rõ ràng thì luật ban hành xong vẫn ách tắc, bất cập, sai lệch trong quá trình thực hiện”.

Có thể tóm lược về vai trò lập pháp của Quốc hội theo cách hiểu của ông Vương Đình Huệ, đó là việc luật hóa phải tuân theo “chủ trương của Đảng”, và trên thực tế thì đòi hỏi này rất khó với những dự án luật, vì chủ trương của Đảng thường xuyên thay đổi khi mà bản thân hoạt động của Đảng cho đến nay vẫn chưa được luật hóa.

Nói một cách khác, rất khó để thực thi yêu cầu mà người đứng đầu Quốc hội Việt Nam đề ra là các dự án luật phải “thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn chủ trương của Đảng”, bởi trên thực tế hiện tại vẫn chưa thể cụ thể hóa vai trò lãnh đạo của Đảng trong các văn bản luật và văn bản dưới luật.

Quan sát việc xây dựng dự án luật cho thấy các văn kiện của Đảng và pháp luật của Nhà nước vẫn chưa xác định một cách chính xác những vấn đề gì thì các cơ quan của Đảng quyết định, những vấn đề gì có sự phối hợp giữa Đảng với Nhà nước, những vấn đề gì Nhà nước chủ động thực hiện và báo cáo với tổ chức đảng…

Hiện tại vẫn đang là tình trạng các tổ chức Đảng lãnh đạo chung chung, dẫn đến có thể bao biện làm thay hoặc buông lỏng vai trò lãnh đạo của các tổ chức Đảng.

Đơn cử, về nguyên tắc thì Hiến định ở điều 4 ghi rằng Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ phải chịu trách nhiệm trước tổ chức Đảng mà còn phải chịu trách nhiệm trước nhân dân về quyết định của mình.

Phía các cơ quan Đảng tán dương rằng quy định trên khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và toàn xã hội, buộc Đảng phải cân nhắc kỹ càng các quyết định. Bởi lẽ, một khi chính sách đã ban hành không chỉ ảnh hưởng đến đảng viên, tổ chức đảng mà ảnh hưởng đến nhà nước và toàn xã hội.

Thế nhưng cụ thể những ai đã nhân danh Đảng sẽ phải “chịu trách nhiệm trước nhân dân về quyết định của mình”, thì nhìn từ các vụ án gần đây xảy ra lúc dịch Covid-19, người ta chưa thấy ràng buộc nào về trách nhiệm của các “tư lệnh” được Đảng tín nhiệm, mà ông Vũ Đức Đam là một ví dụ.


No comments:

Post a Comment