“Đẻ ngược” và “Ba cây chụm lại vẫn còn ba cây”Mai Bá Kiếm
31-8-2023
Tiengdan
Hồi còn nhỏ, tôi hay nghe người lớn thường mắng những đứa chuyện làm chuyện ngược đời, trái với luân lý, đạo đức là “đồ đẻ ngược”. Đứa trẻ bị đẻ ngược thì hai chân của nó chui ra trước, và đầu ra sau cùng!
Năm 2021, Bộ GD&ĐT đưa ra chương trình tích hợp cho cấp THCS. Theo đó, học sinh không học Sinh học, Vật lý, Hóa học, Lịch sử, Địa lý riêng lẻ; mà gom 3 môn Lý, Hóa, Sinh thành môn “Khoa học Tự nhiên” và gom hai môn Sử và Địa thành môn “Lịch sử và Địa lý”, gọi là “môn tích hợp”. Về lý thuyết, mỗi “môn tích hợp” chỉ cần một giáo viên đảm nhận.
Chưa có cuộc hội thảo khoa học nào chứng minh việc gom ba môn Vật lý – Hóa học– Sinh học sẽ thành “môn tích hợp Khoa Học Tự Nhiên” hay sẽ thành “môn liên hợp Lý – Hóa – Sinh”? Nhưng quan trọng hơn, các trường đại học sư phạm và cao đẳng sư phạm chưa có chương trình đào tạo ra giáo viên dạy “môn Khoa Học Tự Nhiên” và “môn Lịch Sử và Địa lý”; cũng chưa từng có sinh viên nào “rảnh háng” là sau khi tốt nghiệp sư phạm Vật lý đã học thêm để lấy văn bằng hai là “sư phạm Hóa học”, rồi học văn bằng ba lấy “sư phạm Sinh học”.
Bởi vì, “Môn tích hợp” không được thai nghén từ trong vòi trứng của các trường đại học và cao đẳng sư phạm, bỗng nhiên “chào đời” tại trường THCS từ năm 2021 , nên phải gọi là “Môn đẻ ngược”. Ngày xưa ông bà ta khuyến khích tinh thần đoàn kết nên hình tượng hóa ca dao “Một cây làm chẳng lên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”, chứ về mặt thực vật học “ba cây chụm lại cũng còn ba cây” tương tự “Một môn tích hợp vẫn còn ba môn”!
Trong cơn khao khát tuyển sinh, các trường đại học Sư phạm (Thái Nguyên, Hà Nội 2, Huế, Đà Nẵng, TP.HCM) đã “đăng ký lập trường tích hợp” với Bộ bằng cách tuyển sinh ngành “Sư phạm Khoa học Tự nhiên”, “Lịch sử – Địa lý”. Đếch biết chương trình đào tạo “thần thánh” thế nào để sau 4,5 năm học có thể dạy ba môn Lý-Hóa-Sinh thao thao bất tuyệt như nhau, nhưng hiện tại chưa có giáo viên chính quy nào dạy môn tích hợp ra trường!
Trong tinh thần “giáo dục toàn dân”, giống “quốc phòng toàn dân”, Bộ GD&ĐT đào tạo “khóa du kích dạy môn tích hợp”, bằng cách ban hành chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy tích hợp cấp THCS, thời lượng 20-36 tín chỉ. Giáo viên có thể theo học ở các trường có khoa sư phạm, kinh phí từ ngân sách nhà nước hoặc tự đóng. Sau khoảng 6 tháng, họ được cấp chứng chỉ
Sư phạm chính quy dạy một môn mất 4,5 năm, chương trình du kích dạy ba môn mất 6 tháng, là “giấy phép con” đểu không chịu nổi, vì vậy tôi rất hoan nghênh TS Chu Mộng Long đã thách Bộ GD&ĐT hãy tổ chức cho PGS.TS. Vũ Trọng Rỹ và GS Nguyễn Minh Thuyết (chủ biên các sách giáo khoa tích hợp) đứng lớp giảng môn tích hợp, để coi các nhà viết sách có đủ kiến thức dạy tích hợp và đã theo kịp chương trình mới chưa, rồi mới dạy lại cho giáo viên!
No comments:
Post a Comment