VNTB – Tục phóng sinh ở mùa Vu LanHương Giang
30.08.2023 12:13
VNThoibao
(VNTB) – Cần thay đổi nhận thức về tục phóng sinh, tuyệt đối không mua chim phóng sinh.
Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế đã được yêu cầu phối hợp tuyên truyền cho phật tử nhằm thay đổi nhận thức về tục phóng sinh, tuyệt đối không mua chim phóng sinh.
Chiều 29-8, ông Nguyễn Đại Anh Tuấn, phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thừa Thiên Huế, cho biết sở vừa gửi công văn đề nghị Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp, tuyên truyền cho phật tử không mua bán chim thả phóng sinh dịp Vu lan năm nay.
Rất có thể tục phóng sinh mùa Vu Lan được dựa theo tích về “Chuyện tiền thân – Lòng hiếu chim Oanh vũ” mà đoàn sinh “Tu học Ngành Đồng – Bậc Mở Mắt” của Gia đình Phật tử Việt Nam đều được học.
“Thuở xưa, ở núi Tuyết Sơn có 1 con chim Oanh vũ, cha mẹ đều mù nên hằng ngày chim Oanh vũ phải bay đi tìm thức ăn về dâng cho cha mẹ.
Một hôm, bay ngang một ruộng lúa, chim Oanh vũ nghe vị chủ ruộng phát nguyện rằng: “Lúa tôi năm nay tốt, xin nguyện cho chúng sinh dùng”. Chim Oanh vũ nghe vậy lấy làm mừng rỡ, thường đến ruộng đó lấy lúa về dâng cho cha mẹ.
Khi vị chủ ruộng đi thăm lúa, thấy chim trùng phá hoại liền đặt lưới và bắt được chim Oanh vũ. Thấy chim đẹp, vị chủ ruộng bỏ chim vào lòng nuôi, cho thức ăn thơm ngon nhưng chim Oanh vũ không ăn mà chỉ khóc.
Vị chủ ruộng hỏi nguyên do. Chim Oanh vũ nói vì luôn nghĩ đến cha mẹ mù không ai nuôi, và thưa với người chủ là: “Trước đây, ông có lòng tốt, nguyện bố thí nên tôi mới dám lấy lúa của ông. Sao nay ông lại bắt tôi”.
Nhớ đến lời nguyện xưa và cảm phục trước lòng hiếu thảo của chim Oanh vũ, vị chủ ruộng thả chim Oanh vũ ra và cho phép chim Oanh vũ từ đó về sau cứ đến lấy lúa mà dùng.
Chim Oanh vũ là tiền thân của Đức Phật Thích Ca, vị chủ ruộng là tiền thân của ngài Xá Lợi Phật.
Bài học rút ra ở “Tu học Ngành Đồng – Bậc Mở Mắt”: Loài chim còn biết hiếu kính với cha mẹ thì con người phải sống sao cho xứng với đạo làm con, xứng với đạo hiếu.
Phần “Em thực hành”: Hiếu thảo với cha mẹ, chăm lo học hành.
Theo quan niệm của nhà Phật, phóng sinh sẽ mang lại nguồn phúc đức dồi dào, người phóng sinh là người làm việc thiện và sẽ gặp nhiều may mắn, thuận lợi, cải thiện sức khỏe, tuổi thọ, giảm bớt nghiệp quả do chính mình tạo ra.
Vì vậy, phóng sinh là một việc làm được nhiều người áp dụng, khuyến khích nhau cùng thực hiện bởi tính nhân văn. Bản chất của phóng sinh là một việc làm xuất phát từ lòng từ bi.
Những bài Pháp thoại về “phóng sinh tùy duyên” nói rằng con người, cũng như các loài vật đều có linh hồn và thần lực chính là việc sống bằng năng lượng của mỗi loại. Khi con vật hay thậm chí con người bị lâm vào cảnh cùng cực như bị bệnh tật, bị nhốt, bị mua bán, bị giết thịt, chuẩn bị mất đi sự sống… thì cả tinh thần và năng lượng của loài đó trở về mức thấp nhất. Tinh thần thì bấn loạn, buồn phiền lo âu về tai họa sắp tới.
Xét về mặt khoa học, khi năng lượng mất dần, không còn sức lực để duy trì sự sống hoặc dễ bị nhiễm những năng lượng xấu, bệnh tật vào bản thân thì sức sống dần cạn kiệt. Khi hành việc phóng sinh, sức sống được cứu rỗi khiến năng lượng cả về tinh thần và sức khỏe của loài đó được nâng cao.
Sự biết ơn mà con người hay loài vật khi được quay lại với sự sống, khi được giải thoát, sự vui mừng hạnh phúc, sức sống từ mỗi loài trỗi dậy cao hơn bao giờ hết tạo ra luồng năng lượng truyền tới người cứu rỗi, người phóng sinh mà từ đó họ thêm thọ, thêm sức khỏe và tinh thần cũng được cải thiện hơn do sự khắc tốt ghi tâm từ những người, con vật được cứu rỗi.
Lưu ý, đạo Phật coi trọng phóng sinh tùy duyên, nghĩa là thấy động vật đang gặp nạn thì cứu giúp ngay khi đó. Do vậy, phóng sinh là một lần nữa giải thoát, đem lại sự sống cho các loài sinh vật, vì vậy, cần tìm hiểu về môi trường sống của chúng để xem địa điểm phóng sinh có phù hợp hay không?
Từ ý nghĩa trên cho thấy phóng sinh theo cách của tôn giáo là điều thiện. Vấn đề ở đây là theo dòng thời gian, việc thương mại hóa hành động “phóng sinh tùy duyên” để mưu cầu danh – lợi cá nhân đã khiến cộng đồng có cái nhìn ngày càng thiếu thiện cảm khi cho rằng đây cũng là một dạng của “hủ tục”.
No comments:
Post a Comment