Việt Nam trong nhóm 6 nước nhận viện trợ an ninh từ Nhật Bản trong năm tài chính 2024
VOA Tiếng Việt
29/08/2023
VOA
Chiến hạm Hatakaze của Nhật Bản thăm cảng Tiên Sa, Đà Nẵng, vào ngày 24/2/2022. Photo Báo Đà Nẵng. Nhật Bản trong những năm qua tăng cường hỗ trợ và hợp tác an ninh với Việt Nam và các nước trong khu vực để đối phó Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao Nhật Bản đang có kế hoạch cung cấp viện trợ an ninh trị giá khoảng 5 tỷ yên (34,1 triệu USD) cho 6 quốc gia “có cùng chí hướng”, bao gồm Việt Nam, trong năm tài chính 2024, nhằm tăng cường khả năng răn đe chống lại Trung Quốc, tờ Asahi dẫn các nguồn thạo tin cho biết hôm 28/8.
Khoản viện trợ được xem là gấp đôi số tiền dành cho 4 quốc gia trong năm tài chính hiện tại.
Khoản tiền sẽ được cung cấp dưới dạng Hỗ trợ An ninh Chính thức (OSA), được giới thiệu trong năm tài chính này để giúp cho các quốc gia có chung mục tiêu ngoại giao và các mục tiêu khác cải thiện khả năng cảnh báo và giám sát trên lãnh thổ của họ cũng như trong các lĩnh vực chống khủng bố và chống cướp biển.
Cụ thể, chương trình sẽ cung cấp miễn phí các thiết bị quốc phòng như hệ thống liên lạc vệ tinh, thiết bị radar và tàu tuần tra, đồng thời cung cấp các hình thức viện trợ khác như xây dựng cảng cho mục đích quân sự-dân sự, vẫn theo Asahi.
Theo kế hoạch dự kiến, OSA của năm tài khóa 2024 sẽ được dành cho Việt Nam, Indonesia, Philippines, Papua New Guinea, Mông Cổ và Djibouti.
Chính phủ Nhật Bản hy vọng khoản viện trợ sẽ giúp nâng cao khả năng phòng thủ của các quốc gia “thân thiện” này, chủ yếu là các quốc gia đang phát triển, tạo thành một bức tường thành chống lại một Trung Quốc ngày càng lấn át.
Asahi dẫn các nguồn tin cho biết Bộ Ngoại giao Nhật Bản dự kiến sẽ đảm bảo khoảng 5 tỷ yên trong năm tài chính 2024, bao gồm 2,1 tỷ yên mà bộ này yêu cầu trước hạn chót 31/8.
Theo Yomiuri Shimbun, trong môi trường an ninh phức tạp hiện nay, Nhật Bản mong muốn tăng cường khả năng an ninh của các quốc gia có cùng quan điểm tại những địa điểm có vị trí địa chính trị quan trọng, với mục tiêu kiểm soát hoạt động mở rộng hàng hải và xây dựng quân sự của Trung Quốc.
Philippines, Việt Nam và Indonesia đang phải đối mặt với các hoạt động bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông. Papua New Guinea nằm trong số các quốc đảo Thái Bình Dương nơi Trung Quốc đang phô diễn sức mạnh của mình. Mông Cổ là nước láng giềng phía bắc của Trung Quốc và Djibouti là nơi có tiền đồn duy nhất ở nước ngoài của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản.
Không giống như Hỗ trợ Phát triển Chính thức (ODA) chỉ giới hạn ở hỗ trợ phi quân sự, OSA - được quy định trong Chiến lược An ninh Quốc gia sửa đổi vào tháng 12 năm ngoái - cho phép cung cấp hỗ trợ trực tiếp cho quân đội của một số quốc gia. Về nguyên tắc, các quốc gia đang phát triển có đủ điều kiện nhận viện trợ như vậy, được cung cấp theo Ba Nguyên tắc về Chuyển giao Thiết bị và Công nghệ Quốc phòng cũng như Hướng dẫn Thực hiện của nó.
Theo Asahi, chính phủ Nhật Bản hy vọng sẽ đưa các quốc gia đang phát triển đến gần hơn với Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản và tránh xa Trung Quốc thông qua OSA. Tuy nhiên, vẫn còn phải xem liệu các quốc gia đang phát triển này, mà nhiều trong số đó có mối liên hệ chặt chẽ với Trung Quốc về mặt kinh tế, có muốn tham gia cùng Nhật Bản hay không.
Chương trình OSA cũng được cảnh báo có thể làm leo thang căng thẳng trong khu vực nếu phạm vi thiết bị quốc phòng mà Nhật Bản cung cấp được mở rộng.
Ngoài ra, Nhật cũng sẽ thực hiện kiểm tra định kỳ để xác định xem các thiết bị cung cấp cho các quốc gia tiếp nhận có được sử dụng phù hợp theo quy định hay không.
No comments:
Post a Comment