Tuesday, August 29, 2023

Phúc Lai - Vài gạch đầu dòng về cuộc xâm lược Ukraine của Nga Putox ngày 28/08/2023
mardi 29 août 2023
Thuymy

1. Căn cứ nào để Putox nói rằng, các biện pháp trừng phạt của phương Tây áp dụng đối với nước Nga của hắn ta sẽ làm đất nước này trở nên mạnh mẽ hơn?

Gần đây nhất lão HQV vội vàng ôm lấy một đoạn trả lời phỏng vấn của ngoại trưởng Đức Baerbock cho biết các biện pháp trừng phạt chống lại Nga “không có tác động kinh tế”, theo AFP.

EU tung ra 11 đợt trừng phạt nhằm vào Nga nhằm buộc Moscow chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine, nhưng nền kinh tế thời chiến của Nga đang vững, có phần khởi sắc nhờ vào chi tiêu nhà nước tăng mạnh, khiến các nhà kinh tế bối rối.

Annalena Baerbock, Ngoại trưởng Đức đã tỏ ra  thất vọng vì sự thiếu hiệu quả của các biện pháp trừng phạt chống lại Nga liên quan đến việc nước này xâm lược Ukraine. Gần đây bà thừa nhận rằng các biện pháp trừng phạt chống lại Nga chưa đạt được tác động như mong muốn.

Baerbock nói với nhà báo Đức Stephen Lamby trong một cuộc phỏng vấn cho cuốn sách “Khẩn cấp: Quản lý trong thời chiến” được phát hành hôm thứ Năm, theo AFP: “Các biện pháp trừng phạt kinh tế sẽ có tác động kinh tế. Nhưng trường hợp  này không hẳn  phải như vậy”. “Chúng tôi đã học được rằng với những quyết định hợp lý, biện pháp hợp lý, được thống nhất giữa các chính phủ văn minh, không thể kết thúc cuộc chiến này”, bà nói thêm trong cuộc phỏng vấn ngày 10/07.

Thật ra, tác động của cuộc chiến nói chung và các lệnh cấm vận và trừng phạt nói riêng từ góc độ tích cực, tôi mặc dù không chuyên về kinh tế – tài chính thì cũng đã cố hình dung từ thời điểm tháng 5/2022. Khi công nghiệp quốc phòng Nga có những nỗ lực phục hồi sản xuất, nhất là lại sản xuất những thứ hàng hóa của thế kỷ trước: đạn pháo ngu, vũ khí chuẩn Liên Xô ngày xưa… với những dây chuyền sản xuất của thời Xô-viết thì chắc chắn họ sẽ cần nhiều lao động. Khi đó chat với một chuyên gia người nước ngoài, chúng tôi thống nhất ý kiến rằng kế hoạch đó sẽ cần một lượng công nhân lành nghề lớn và ít nhất phải mất 6 tháng để có được số lượng công nhân đó.

Chắc chắn câu này, nội dung này tôi đã viết rồi, báo cáo quý vị rồi. Hồi đó, với đánh giá này chúng tôi coi đó là một yếu tố tích cực – vì còn tính toán đến khả năng Nga mở một chiến dịch tấn công lớn nữa. Và cuối cùng thì họ cũng mở một chiến dịch thật, chiến dịch tấn công đông-xuân 2023 nhưng đã được chứng minh là không thành công. Sự kéo dài của chiến dịch này còn tiếp tục đến tận “trận đánh chiếm Bakhmut” – nó bắt đầu trước chiến dịch đông xuân 2023 và kết thúc sau.

Đến đây nhìn lại thì đúng là, từ đầu đến giờ chúng ta vẫn tiếp cận cuộc chiến với tư cách người Ukraine là yếu thế, Nga là mạnh kinh khủng và đầu tiên, Nga cứ tấn công không được, thiệt hại nặng là thua; Ukraine chống đỡ qua được không thua là thắng. Vậy thì bây giờ đã có khả năng phản công lại được, có lý gì mà bi quan? Theo tôi quý vị có thể giải tán các KOL có thái độ quay xe được rồi.

Xin nói tiếp đến việc phục hồi sản xuất của Nga. Với một kế hoạch như vậy, do dùng nhiều công nhân thì đương nhiên sẽ tạo ra được nhiều việc làm cho lực lượng lao động. Nhìn chung thì tình hình sẽ trở nên sáng sủa hơn với rất nhiều lao động của nước Nga, thậm chí với số người này họ sẽ cảm thấy cuộc sống được cải thiện. Nhưng, cần nhìn sâu hơn vào vấn đề: Vậy số tiền những công nhân này kiếm được, ở đâu ra?

Một quốc gia có nền kinh tế lành mạnh phải làm ra tiền, và tiền đó phải có được từ xuất khẩu, và tốt hơn cả là xuất khẩu những mặt hàng có hàm lượng chất xám – công nghệ cao chứ không phải bán tài nguyên thô. Trong câu chuyện này, cho đến trước chiến tranh 2022 Nga vẫn là nước “làm ra tiền” trong một chừng mực nào đó dù là bán tài nguyên thô, nhưng vẫn là có dòng tiền vào. Với điều kiện chiến tranh, mức chi tiêu tăng vọt, các khoản thu trước đây đang có đột ngột sụt giảm hoặc biến mất, Nga không có cách nào khác là phải sử dụng tích lũy của mình nuôi nền kinh tế thời chiến.

Các con số là không biết nói dối: 

- Doanh thu từ dầu mỏ của Nga năm 2023 giảm so với năm 2022, 2022 giảm so với 2021.

- GDP sụt giảm vào năm 2022 và sang 2023 cho thấy đà sụt giảm tiếp chứ không có tăng.

- Đồng Rúp mất giá 70% so với đồng USD kể từ tháng 8/2022

- Khách hàng châu Âu vốn được cho là phụ thuộc vào dầu khí Nga, nay đã ra đi và có thể là mãi mãi

- Vốn đầu tư nước ngoài có nguồn gốc phương Tây không còn.

- Hàng trăm tỉ đô-la tài sản của Nga ở nước ngoài bị đóng băng.

Nếu như tính cả những chi phí của đầu tư công vào chỉ số tăng trưởng, chắc chắn sẽ thấy những con số đó ủng hộ Putox. Chẳng hạn như trong vùng Donbas hiện nay đã là “lãnh thổ Nga” theo tuyên bố của họ, có bao nhiêu cây cầu đường sắt bị du kích phá hoại phải sửa chữa, đó cũng là tiền. Công nghiệp quốc phòng chắc chắn là một trong những đầu tàu của nền kinh tế và như người Nga vẫn bấu víu vào cuộc Chiến tranh Vệ quốc, họ cho rằng sau chiến tranh họ đã vươn lên thành cường quốc thì bây giờ cũng thế.

Nước Nga có tiềm năng cực lớn, nhất là về (1) Tài nguyên và (2) Nhân lực khổng lồ có thể đổ vào phục vụ nền kinh tế thời chiến với chi phí lao động rẻ. Vấn đề tồn tại của họ là thứ nhất, nhân lực đó lâu nay đã không được sử dụng cho sản xuất trực tiếp mà sống trong sự phồn vinh của nền kinh tế khai thác, bán nguyên liệu thô. Sự dịch chuyển cơ cấu nghề nghiệp Nga đã được gióng những hồi chuông báo động từ lâu: các nghề hot hầu hết là nhóm kinh tế, tài chính, ngân hàng, luật, quan hệ công chúng, báo chí… chứ những nghề phục vụ sản xuất trực tiếp đã èo uột đi rất nhiều. Thứ hai, là vấn đề về quản lý: trong cơ cấu nghề nghiệp trên rất nhiều người ra trường và đi làm việc cho doanh nghiệp nước ngoài ở Nga, vấn đề quản lý không quá nghiêm trọng. Nhưng vấn đề của quản lý chính quyền, Nhà nước và các doanh nghiệp Nga thì sẽ có nhiều chuyện để nói.

Nền kinh tế thời chiến sẽ giúp họ giải quyết những vấn đề về quản lý đó: khi áp dụng các luật thời chiến, một số biện pháp hà khắc sẽ quay lại và người Nga sẽ dễ dàng thích nghi với chuyện đó.

Vì vậy, Putox nói “càng cấm vận và trừng phạt thì Nga càng mạnh” không phải là không có căn cứ của nó. Nhưng trước hết, đó là hy vọng của hắn ta và chóp bu cầm quyền nước này. Thực tế nó có đạt được như vậy hay không lại là một chuyện khác.

Câu chuyện là, chiến tranh chắc chắn không có lợi. Hậu quả của nó chắc chắn là nghiêm trọng và như hiện nay, các hoạt động quân sự của Nga trên chiến trường Ukraine đã suy giảm rất nhiều so với năm ngoái – đỉnh điểm khi tấn công, do một nguyên nhân chính là chi phí quá cao thì không ai chịu được. Năm ngoái đã có những con số báo cáo từ phương Tây mà tôi nghĩ rằng chỉ là ước tính thôi, cho rằng cuộc chiến của Putox tiêu tốn mỗi ngày đến 1 tỉ đô-la Mỹ. Với lực lượng của Nga hiện nay, thắt lưng buộc bụng cả số giờ hoạt động của xe tăng trên chiến trường thì bét ra cũng phải tốn 500 triệu đô-la chứ không có ít. Có nghĩa là họ hy vọng kéo dài được gấp đôi về thời gian với cùng một chi phí.

Khi một KOL đưa những ý kiến của bà ngoại trưởng Đức kia lên, cũng không có thêm những bình luận gì thực sự nghiêm túc, cá nhân tôi thấy các suy nghĩ tiêu cực vẫn hoàn tiêu cực.

Lệnh cấm vận và trừng phạt trước hết nhằm vào các vấn đề thuộc về công nghệ cao, thứ mà Nga không có. Tôi vẫn thường nói đùa: Nga là một nước bán dầu khí để mua iPhone, và bây giờ thì dầu khí mất thị phần còn iPhone thì không mua được nữa. Thực tế thì không mua iPhone, càng có điều kiện để tiết kiệm, tốt quá. Câu chuyện không nằm ở iPhone, mà chuyện ở cái bơm turbine bơm khí đốt của Bosch Nga đang dùng bị hỏng mà cũng không làm thế nào thay thế được nó. Kể cả mua của Bosch Trung Quốc cũng không được còn thứ hàng đó của Trung Quốc sản xuất thì không biết có dùng được không.

Câu chuyện nó đã đúng với linh kiện máy bay. Nó cũng sẽ đúng với thiết bị y tế và các loại biệt dược. Ngay cả máy bay chiến đấu của Nga bây giờ ít bay, do sợ phòng không của Ukraine một phần thôi, chẳng qua là Nga không thể sửa chữa hoặc thay thế thiết bị quân sự và đang moi trong kho ra để sử dụng xe tăng cổ lỗ thời Liên Xô.

Còn những biểu diễn của Medvedev và Shoigu khi đi thăm nhà máy Uralvagonzavod rồi tuyên bố 1 tháng cho ra được 150 xe tăng mới, tôi chẳng tin đâu. Sản xuất được 150 xe tăng mới theo chuẩn Liên Xô cũ của những năm 1970 thì được, còn chuẩn như họ tuyên bố trong thập niên 2010 thì đừng có mơ. Tầm này mà sản xuất được nòng pháo với chất lượng chịu được bao nhiêu nghìn phát bắn đó, như tiêu chuẩn của Tây, chẳng bao giờ làm được.

Họ có thể vẫn sản xuất tên lửa hành trình, nhưng sản xuất tháng Sáu thì tháng Bảy, chỉ hai tuần sau đã đem ra bắn vào đất Ukraine. Vậy các vấn đề của nó là gì? Là linh kiện đã không mua được, thì phải mua theo các kênh lậu, chất lượng không biết có đảm bảo không nhưng nếu cố gắng để đảm bảo như trước thì chắc chắn là đắt hơn, số lượng mua được cũng không thể nhiều bằng. Do vậy tên lửa sẽ có tỉ lệ không nổ cao hơn và xác suất trúng đích thì thấp hơn. Không những thế, với công nghệ như vậy thì còn lâu mới bắn được mục tiêu di động, và mục tiêu cố định thì sao?

Giá một máy biến áp dầu của Việt Nam THIBIDI 3 pha Amorphous – Ecotrans 800KVA 22/0.4KV là 448.081.000 đồng Việt Nam, nghĩa là khoảng dưới 20.000 đô-la Mỹ; trong khi để tiêu diệt nó một quả tên lửa Kalibr có giá gần 1 triệu đô-la Mỹ; đó là nói trong trường hợp bắn trúng, còn với các yếu tố tôi vừa nói trên đây: chủ yếu là trượt và kể cả trúng tỉ lệ nổ cũng rất thấp, vậy thi hành chiến tranh kiểu đó là lãi hay lỗ?

Vì vậy nếu vẫn nghe ai đó nói câu tren, quý vị cứ trả lời: “Bạn đúng rồi đấy, các lệnh trừng phạt không có tác dụng đâu.” – thế cho nó nhanh, khỏi cãi nhau.

Hãy nhìn vào Hội nghị thượng đỉnh kinh tế Saint Petersburg – SPIEF: danh sách những lãnh đạo không tham dự còn ý nghĩa hơn danh sách những người có mặt. Ngoài lãnh đạo các nước phương Tây, lãnh đạo Ấn Độ và Trung Quốc cũng không đi – đây là hai quốc gia mà điện Kremlin đang đặt cược vận mệnh kinh tế của mình sau khi cắt đứt quan hệ với phương Tây. Ngoài ra, “Ngay cả Kassym-Jomart Tokayev (Tổng thống Kazakhstan) cũng từ chối đến vào phút cuối,” nhà tổ chức cho biết.

Ai quay xe thì kệ, chứ tôi dù tay mơ về kinh tế vẫn thấy còn lâu mới có chuyện “chỉ có mạnh lên” được. Không chết sớm là may.

2. Vậy tại sao Putox vẫn cố bám lấy chiến tranh, hay bản chất của cuộc chiến tranh này là gì, Putox đã muốn gì và đang muốn gì?

Có nhiều người cho rằng Putox tham đất – không phải, mặc dù lý thuyết này có điểm tương đồng với lịch sử của Nga, một đất nước có “bề dày” đi chinh phục và khẩn hoang để có được diện tích khổng lồ ngày hôm nay. Cũng có người cho rằng vùng Donbas của Ukraine nhiều tài nguyên, ngoài khơi Biển Đen của Crimea có tiềm năng dầu khí… Điều này sắp chạm tới sự thật. Lý do thì các nơi, các nhà nghiên cứu đã phân tích nhiều, nay ta chỉ điểm lại một chút:

- Về chính trị, nước Nga của Putox không thể cho phép có một nước Ukraine dân chủ hòa nhập phương Tây ở ngay sát nách. Vì thế về bản chất, đây là cuộc chiến tranh giữa dân chủ và độc tài, giữa chủ nghĩa thực dân và phong trào giải phóng dân tộc.

- Về quốc phòng. Thứ nhất, trước sau Ukraine độc lập và hòa nhập phương Tây cũng sẽ có một quân đội mạnh, vì thế phải nuốt Ukraine càng sớm càng tốt. Thứ hai, trước sau Ukraine độc lập và hòa nhập phương Tây cũng sẽ có một nền công nghiệp quốc phòng tiên tiến và hiệu quả với giá bán hợp lý, cạnh tranh và đẩy công nghiệp quốc phòng Nga thành rác rưởi. Đây là mầm mống phải diệt trừ.

- Về kinh tế, trước sau Ukraine độc lập và hòa nhập phương Tây cũng sẽ có một nền kinh tế năng động, hấp dẫn các nhà đầu tư với lực lượng lao động trẻ và lành nghề, trình độ cao nhất là khả năng tiếp thu công nghệ. Chưa hết, về tài nguyên Nga không phải cần dầu khí của Ukraine, mà việc thi hành chiến tranh chống Ukraine để chống Ukraine bán dầu khí ra thế giới. Với các tài nguyên khác cũng vậy.

Vì vậy mục tiêu ban đầu của Putox là tiêu diệt Ukraine với tư cách là một Nhà nước độc lập, thậm chí mất dạy hơn: xóa sổ dân tộc Ukraine với tư cách là một dân tộc có nguồn gốc đàng hoàng, có lịch sử văn minh lâu đời. Đời nhiều khi nó vậy đấy: chúng ta vẫn nên tin vào sự công bằng. Chính cái sự khinh thường cả một dân tộc như tôi gọi là “mất dạy” này của Putox, đã làm hại hắn. Bây giờ thì hắn phải cố kéo dài cuộc chiến vì chính sinh mạng chính trị của mình.

3. Đã như vậy thì, cuộc chiến này sẽ đi đến đâu, trước mắt là với Nga – Putox?

Trên đây tôi có đưa ra một so sánh kỳ cục, cực khập khiễng. So sánh này cũng là để chúng ta nhìn rõ rằng tính chất đặc thù của chi phí cho vũ khí so với chi phí của các thiết bị dân sự. Thực tế tất nhiên Nga sẽ chọn những trạm biến áp lớn, chứ không ai bắn cái trạm bé như vậy. Và bản thân máy biến áp là một chuyện, còn cả trạm chi phí cho nó phải gấp đôi giá máy biến áp, nhưng mà nếu các trạm dân sinh thì cũng chẳng bao giờ đến cả triệu đô-la cả.

Còn nếu bắn một trạm như trạm 110KV Yên Bình 8 (được Tổng Công ty Điện lực miền Bắc phê duyệt theo Quyết định số 2510 ngày 8/10/2022) nó có diện tích 7500 mét vuông và giá trị phê duyệt là 137 tỉ đồng (hơn 6 triệu đô-la) thì phải dùng dăm bảy quả tên lửa chứ bắn 1 quả chỉ hỏng 1 góc, không ăn thua. Và đó chính là trường hợp phải dùng Patriot để chặn tên lửa Nga, còn với các mục tiêu như trạm biến áp giả thì chẳng cần, cho bắn thoải mái.

Đồng thời, cũng ở trên tôi trích dẫn ý kiến của các chuyên gia nào đó cho rằng, quân đội Nga tiêu tốn khoảng 1 tỉ đô-la Mỹ cho một ngày chiến tranh. Điều này có tin được không, có căn cứ nào không… thì bây giờ chúng ta sẽ thử tính toán thêm. Trung bình trong chiến dịch tấn công trên toàn mặt trận của Nga, chỗ thì dùng lục quân, chỗ chỉ bắn phá… thì chỗ nào cũng tiêu tốn đạn pháo và trung bình một ngày, lực lượng Nga ở Ukraine tiêu tốn cỡ 50.000 quả đạn pháo và súng cối các loại, chưa kể đạn cho vũ khí nhỏ.

Nếu tính trung bình một quả đạn như vậy chi phí 2.000 đô-la Mỹ thôi (đổ đồng từ đạn súng cối đến cỡ lớn như TOS-1A hay BM-21) thì cũng đã là 100 triệu đô-la cho đạn pháo và súng cối rồi. Còn chưa tính đến số giờ bay của máy bay chiến đấu, số giờ hoạt động của xe tăng, xe bọc thép… tất cả đều là tiền hết. Vì vậy nếu bây giờ thì hành một chiến dịch tương tự như đánh chiếm Sievierodonetsk – Lysychansk năm ngoái (70 ngày) nước Nga của Putox phải chuẩn bị riêng về tiền cũng cỡ 70 tỉ đô-la, chưa kể đến tiêu hao tài sản: số xe tăng bị bắn cháy, số hệ thống pháo bị tiêu diệt trên chiến trường.

Đó là lý do tại sao mà các chuyên gia tỉnh táo cho rằng: Nga khó có thể tổ chức được một đợt tấn công lớn và mãnh liệt như năm ngoái nữa. Bản thân chiến dịch đông – xuân của họ đầu năm 2023 đã yếu hơn hồi mùa hè rất nhiều rồi. Từ đó đến nay, nói một cách logic, thì họ chỉ có thể yếu đi chứ không thể mạnh lên được, dù có đào được hàng núi tài nguyên cũng không thể trong nửa tháng, một tháng… biến số tài nguyên đó thành xe tăng, máy bay được.

Cái đáng sợ nhất với những người ủng hộ Ukraine tìm kiếm hòa bình lúc này, là câu “Kéo dài chiến tranh.” Gần đây một vài KOL ủng hộ Ukraine có biểu hiện quay xe, cũng nhắc câu này một cách hỉ hả, và theo cảm nhận của tôi, có lẽ là xấu tính. Nếu đánh giá một cách công bằng, thì chiến tranh có thể kéo dài được không và kéo dài như thế nào, đến cỡ nào?

Thứ nhất. Quân đội Nga chỉ có thể tổ chức tấn công được cỡ như ở hướng Kupyansk (từ tỉnh Luhansk sang tỉnh Kharkiv) như hiện nay là cùng, và tôi thì cho rằng còn không được như vậy, sẽ còn phải yếu hơn nữa. Thậm chí có tổ chức được hay không, điều đó còn là ẩn số.

Thứ hai. Ở mặt trận phía Nam Ukraine, dù quân đội Nga có bổ sung được thì cũng ở tình trạng “tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống”, chẳng giải quyết được việc gì.

Thứ ba. Căn cứ vào hai điểm trên, chúng ta cần tính đến chiến tuyến của mặt trận. Nếu đo trên bản đồ từ đông bắc xuống tây nam, thì khu vực tiếp giáp hai tỉnh Luhanks và Donetsk là phần lãnh thổ do Nga chiếm có độ sâu lớn nhất, hay nói cách khác là “dày” nhất, chỗ đo xa nhất cũng chỉ tới 150 ki-lô-mét. Còn ở mặt trận phía Nam từ giới tuyến hay đường tiếp xúc ra đến biển Azov, chỉ 100 ki-lô-mét. Khoảng cách này lại tăng lên ở khu vực tỉnh Kherson, nhưng nó lại bị chia cắt bởi địa lý tự nhiên nên giao thông khá khó khăn, câu chuyện cầu Chongar là một ví dụ rất điển hình. Như vậy, điều đáng ngại nhất trong cái chuyện “kéo dài chiến tranh” chính là “đóng băng giới tuyến.”

Điều này tôi đã viết cũng nhiều nhiều lần: Nga luôn và phải cố tìm cách “khoanh gọn” chiến tranh, và bây giờ họ đang tỏ ra thành công bằng cái bãi mìn hay “phòng tuyến Surovikin” của mình. Nhưng “vỏ quít dày có móng tay nhọn” (người Anh có câu gì nhỉ: “Diamond cuts diamond”), người Ukraine thi hành chiến lược khác, trong bài hôm trước tôi báo cáo các bác đây là chiến lược về lâu dài, đánh vào sức mạnh chiến đấu của quân Nga.

Như vậy, về tổng thể Nga chỉ còn có một cách duy nhất là dùng tên lửa hành trình để tấn công các mục tiêu dân sự, dân sinh… trên khắp lãnh thổ Ukraine và sau cả năm chống chiến lược này, người Ukraine cũng đã có những kinh nghiệm nhất định. Còn nếu tổ chức tấn công, không những không có khả năng tổ chức chiến dịch lớn, mà nếu có tổ chức được thì kết quả chắc chắn cũng không đi đến đâu ngoài thiệt hại nặng, vì quân đội Ukraine đã có quá nhiều kinh nghiệm về vấn đề này.

Như vậy cái gọi là “chiến tranh kéo dài” sẽ chỉ là người Ukraine tiến hành một quá trình, một chiến dịch, một kế hoạch bắn phá, bào mòn quân đội Nga trên vùng đất họ đang chiếm giữ: xa thì dùng giàn Vilkha “nhà trồng được,” xa nữa thì Storm Shadow. Gần thì cứ M-777 với HIMARS mà dùng. Nếu như vậy, xin hỏi quân Nga sẽ giữ tình trạng đó được bao lâu? Chỉ e rằng càng cố giữ lâu, càng thiệt hại nhiều. Và đã như vậy thì “sợ gì chiến tranh kéo dài?”

4. Về tình hình chiến sự mấy ngày qua

• Đánh giá của Mỹ về chiến tranh:

- Lực lượng Ukraine tiếp tục các hoạt động phản công gần Robotyne ở phía tây tỉnh Zaporizhia vào ngày 25 tháng 8 và được cho là đã tiến lên khi các blogger Nga bày tỏ lo ngại về việc thiếu quân tiếp viện và luân chuyển quân trong khu vực.

- Các báo cáo về một đơn vị Nga bị tổn thất đáng kể với sự hỗ trợ không đầy đủ trên một hòn đảo không xác định ở khu vực tam giác cửa sông Dnipro đã gây ra sự phẫn nộ đối với bộ chỉ huy quân sự Nga ở một số nơi trong không gian thông tin của Nga.

• Báo cáo của Bộ Quốc phòng Anh:

- Nhiều khả năng Nga đã hủy cuộc tập trận Zapad – 23, sự kiện lớn thường niên. Cuộc tập trận dự kiến diễn ra vào tháng 9 năm 2023.

- “Công việc không đạt yêu cầu” của quân đội Nga ở Ukraine cho thấy cuộc tập trận có giá trị huấn luyện hạn chế và chủ yếu mang tính chất trình diễn. Nhiều khả năng Nga đã hủy bỏ Zapad – 23 do không đủ quân số và trang thiết bị.

• Sau đây là các báo cáo của Viện Nghiên cứu Chiến tranh ISW:

- Bộ Quốc phòng Anh tuyên bố vào ngày 26 tháng 8 rằng các lực lượng Nga có thể tiến hành một cuộc tấn công cấp độ chiến thuật theo hướng Kupyansk và Lyman trong hai tháng tới, mặc dù ISW đánh giá rằng một hoạt động tấn công như vậy khó có thể xảy ra. Không có dấu hiệu nào cho thấy các lực lượng của Lực lượng Vũ trang ĐPQ đang cung cấp quân đội và trang thiết bị cần thiết để biến các hoạt động tấn công cục bộ trên khu vực này của mặt trận thành một cuộc tấn công mang tính tác chiến.

- Một phát ngôn viên quân đội Ukraine hôm 25/8 cho biết lực lượng Nga đang di chuyển các bộ phận của các đơn vị mới thành lập tới hướng Kupyansk và Lyman sau một tháng chịu tổn thất đáng kể nhằm nối lại các hoạt động tấn công trong khu vực, nhưng ISW không thấy xác nhận về việc chuyển quân này.

- Việc nối lại các hoạt động tấn công cục bộ của Nga rất có thể nhằm mục đích chuyển hướng lực lượng Ukraine khỏi các hướng khác và khỏi các khu vực quan trọng hơn của mặt trận, và khó có thể mang lại những lợi ích lãnh thổ lớn. Quân đội Nga đã tập trung lực lượng ở khu vực này của mặt trận trong vài tháng trước khi tiến hành một cuộc tấn công hoạt động không thành công vào mùa đông xuân năm 2023 và ISW không nhận thấy bất kỳ sự chuẩn bị nào như vậy trong khu vực. Quân đội Nga khó có thể giành được thế chủ động tác chiến trong hai tháng tới.

- Bộ Quốc phòng Liên bang Nga quan tâm đến việc giải tán nhóm Wagner hơn là Putox. Các blogger Nga cho rằng Bộ Quốc phòng Nga đã tích cực tạo điều kiện để chấm dứt hoạt động của tập đoàn Wagner ở Trung Đông và Châu Phi ngay cả trước cái chết của Prigozhin. Thứ trưởng Quốc phòng Yunus-Bek Yevkurov tới thăm Syria và Libya để buộc giới chức địa phương ngừng hợp tác với lực lượng Wagner.

Yevkurov được cho là đã yêu cầu các quan chức Syria chặn nguồn cung cấp hậu cần của Wagner cho Cộng hòa Trung Phi (CAR) và khiến Bộ trưởng Quốc phòng Syria Ali Mahmoud Abbas đưa ra tối hậu thư cho Wagner yêu cầu lính đánh thuê giao nộp vũ khí và rời khỏi Syria trước ngày 20 tháng 9. Yevkurov có thể sẽ gặp các quan chức châu Phi để đưa ra tối hậu thư tương tự với lính đánh thuê Wagner ở các nước khác. Yevkurov cũng nói với đại diện của Wagner ở Syria rằng vẫn chưa có quyết định nào về việc ai sẽ kiểm soát PMC sau vụ ám sát Prigozhin và kêu gọi họ đăng ký Redut PMC, cơ quan có liên kết với Bộ Quốc phòng Nga, hoặc chuẩn bị giải trừ vũ khí sớm.

Bình loạn :

• Vấn đề mặt trận khu vực tỉnh Kharkiv với Luhansk – hướng Kupyansk

Tôi có nhận được hai, ba câu hỏi cùng một nội dung: Liệu quân Ukraine có giữ được khu vực dải đất giữa chiến tuyến hiện nay với sông Oskil – tức là khu vực tỉnh Kharkiv với Luhansk không? Ngoài ra còn có một câu hỏi khác là, trong các bài trước tôi đã viết về việc khu vực này từ Kupyansk xuống phía Nam, người Ukraine dùng 3 cây cầu qua sông Oskil để vận tải từ bên “đất lớn” của Kharkiv sang. Vậy tại sao bọn Nga chúng không dùng chính cách của người Ukraine ở Kherson là bắn vào 3 cây cầu đó để buộc quân Ukraine phải rút?

Về câu hỏi đầu, tôi không biết trả lời như thế nào cả, nên đành tìm hiểu về vấn đề đặt ra với câu hỏi sau. Với câu hỏi này, có lẽ cây cầu trọng yếu và ở tình thế nguy hiểm nhất, là cầu từ Senkove sang Kruhlyakivka trên đường R-79 có tọa độ và nó chỉ cách điểm gần nhất là Novoselivske do Nga chiếm, có 18 ki-lô-mét đường chim bay. Mời quý vị xem bản đồ tôi đánh số 1.

Nhưng thực tế, cả ba cây cầu này đã bị phá từ đầu chiến tranh bởi quân Ukraine, tôi gửi kèm theo bài này 3 ảnh: cầu đường sắt ở Kupyansk qua sông Oskil, cầu qua sông ở Senkove và ở Borova. 

Sau khi quân Nga chiếm Kupyansk, nhiều khả năng họ đã khôi phục cầu đường sắt ở đây nhưng tôi không cho rằng người Ukraine sẽ sử dụng nó. Vì vậy việc tiếp tục phá bây giờ, là việc của quân Ukraine trong trường hợp quân Nga chiếm được Kupyansk-Vuzlovyi và phần phía đông của thành phố Kupyansk. 

Còn với hai cầu ở Senkove và Borova, tôi không rõ là người Ukraine có khôi phục chúng trong thời gian vừa qua hay không nhưng với mức độ bị phá hủy của nó thì chắc là chưa.

Nhưng mặt trận ở đây, càng về phía nam càng nới rộng ra – xin quý vị xem bản đồ số 2. Như vậy có thể nói rằng các đường vận tải trên bộ từ tây sang đông và nam lên bắc vẫn duy trì được, ví dụ như từ Izyum sang Lozove chỉ có 32 ki-lô-mét, còn từ Lozove lên Borova cũng chỉ 21 ki-lô-mét. Do vậy việc cố gắng phá cầu là không có, vì làm gì còn mà phá.

Vì vậy, nếu quân Nga mà đánh thật mạnh và quân Ukraine thua, sẽ xảy ra kịch bản một phần, cỡ từ Borova trở lên phía bắc rút về bên phía tây của Kupyansk còn một phần, co xuống phía Nam. Nhưng các chỉ dấu cho thấy quân Nga đang nỗ lực tấn công ở thành phố Kupyansk mà với họ là chiến lược, cũng có thể có một số kết quả nào đó. Ngay cả ông Oleksandr Syrskyi tư lệnh lục quân Ukraine cũng nói về nhu cầu tăng viện cho hướng này. Tôi thì tin là nếu tăng viện, họ còn có thể đẩy lùi quân Nga còn về phía Nga, đánh quá lâu chỉ tiến được có tí tẹo như vậy là đuối quá rồi, đặc biệt về pháo binh là không còn được như trước, mà suy giảm quá nhiều.

Vì thế “tôi phục tôi lắm” – hồi lâu lâu đã viết: Đến một ngày pháo binh Nga hết nòng pháo, hết đạn và bị tiêu diệt nhiều thì quân Nga còn lâu mới đánh nhau được.

• Về hướng mặt trận miền nam

Hôm qua nghe tin sau khi chiếm được Robotyne, quân Ukraine chiếm được quả đồi nào đó cao 166 m và từ đó câu pháo vào Tokmak. Xin quý vị quá bộ xem bản đồ được tôi đánh số 3. Với tình thế như vậy, tôi cho rằng chiến sự ở Robotyne sẽ chậm lại để Ukraine thay quân, sau đó sẽ đến quá trình mở rộng cửa đột phá ở đây chứ không tiến tiếp. Để đi xa hơn, công việc sẽ dành cho pháo binh: bắn phá vào chính Tokmak và các hoạt động chuyển quân trên hai trục đường đi đến Vasylivka là R-37 từ Tokmak và E-105 từ Melitopol. Ngoài ra, chúng ta cũng không nên quên rằng Pyatykhatky được quân Ukraine chiếm được từ cách đây bao lâu nhỉ, tôi không nhớ nhưng đã nằm trong vùng giải phóng rồi.

Đến khi Tokmak bị pháo kích đến mức độ nào đó mà không còn khả năng chứa quân và hậu cần dự trữ nữa, thì phòng tuyến phía trước mặt nó sẽ sụp đổ. Tôi nghĩ rằng, quá trình “làm mềm” Tokmak không quá lâu vì vốn dĩ nó là trung tâm hậu cần khu vực của Nga cũng như là nơi tập trung quân với mật độ cao, một khi đã nằm trong tầm pháo gần như vậy thì sẽ bị bắn tơi tả. Vì vậy quá trình này có thể chỉ cần 2 tuần là Tokmak lung lay và khi đó không cần những đòn tấn công quá mạnh cũng có thể vỡ mặt trận.

Hướng phát triển có thể là Pyatykhatk đi Vasylivka. Còn Tokmak một khi đã nguy, thì Melitopol cũng nguy nốt. Một khi mặt trận ở đây đã bị cắt làm hai, thì đổ vỡ lớn là hoàn toàn có thể xảy ra. Nào, bây giờ thì còn ai quá sợ cái câu “kéo dài chiến tranh” nữa không ạ?

• Tạm tổng kết cả hai mặt trận:

Trong khi các chuyên gia cho rằng mùa bùn lầy ratsputitsa sẽ gây khó khăn cho hoạt động tấn công – nó kéo dài khoảng 3 tuần gì đó và đó là thời gian ngừng trệ trên mặt trận, và nó sẽ vào nửa cuối tháng 10 và nửa đầu tháng 11, tùy từng vùng. Nhưng đáng tiếc, tình trạng khó khăn này sẽ đúng với quân Nga – vì họ sẽ cần phải tấn công nếu có tổ chức được. Còn với quân Ukraine, thì sẽ là thời gian nghỉ ngơi và bào mòn, trong khi đó bùn lầy làm cho các đơn vị Nga không được tiếp tế sẽ dẫn đến chết đói và không có đạn dược. Từ bây giờ đến lúc đó cứ phải tiếp tục đánh vào hậu cần quân Nga làm sao cho ratsputitsa chính là… điểm rơi phong độ, tình trạng chết đói lên đến đỉnh điểm thì đảm bảo mặt trận của Nga tan rã nhanh.

• Hướng Crimea

Như chúng ta đã biết, để “chào mừng các ngày lễ lớn” như ngày quốc kỳ Ukraine, ngày Độc lập… thì hôm 23/08 lực lượng đặc biệt Ukraine đã đổ bộ lên mũi Tarkhankut của bán đảo Crimea, phá hủy một hệ thống S-400 và tiêu diệt mấy chục quân Nga ở đây. Sự kiện này tôi đã muốn bình luận nhiều nhiều về nó, nhưng chưa kịp viết thì đã đến sự kiện tiếp theo:

Theo các nguồn tin của Nga cho biết gần như một đàn máy bay không người lái của Ukraine đã được phóng tới Crimea trong các đêm 24 – 25/08. Các quan chức Nga đã cố gắng hạ thấp cuộc tấn công và các nền tảng thông tin của điện Kremlin cho biết 42 máy bay đã bị bắn hạ và các cơ sở cũng như nhân sự của Nga không bị thương. Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov hôm thứ Sáu cho biết “các hệ thống phòng không ở khu vực có liên quan hoạt động khá hiệu quả”, hắn còn mô tả các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái là “hoạt động khủng bố, vì phần lớn, nó nhắm vào các tòa nhà dân cư.”

Các blogger quân sự Nga đã đặt ra nghi ngờ về những mô tả này của điện Kremlin. Boris Rozhin viết rằng trong khi hầu hết các máy bay không người lái đã bị chặn, 9 chiếc “đã bay đến sân tập Perevalne, nơi chúng được cho là sẽ bị gây nhiễu bởi tác chiến điện tử”. Tay này viết thêm: “Nhưng một số máy bay không người lái này đã đến được đích, làm hư hỏng hai xe tải KamAZ. Không có dữ liệu về thương vong hoặc thiệt hại về cơ sở hạ tầng.”

Vậy phía Ukraine nói sao về kết quả cuộc tấn công này? Theo Cơ quan An ninh Ukraine, “hàng chục quân nhân Nga đã thiệt mạng và bị thương” trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào lực lượng của Hạm đội Biển Đen của Nga ở Crimea – chính cuộc tấn công mà điện Kremlin đã cho biết là “không gây thiệt hại gì và đã bị ngăn chặn thành công” trên đây.

“Hiện tại, chúng tôi chắc chắn có thể nói về hàng chục người Nga thiệt mạng và bị thương. Kho chứa đạn dược cũng bị hư hại. Các thiết bị quân sự cũng bị hư hỏng nghiêm trọng” – một nguồn tin ở SBU nói với Kyiv Post.

Hôm trước tôi đã định viết nhưng không đủ thời gian: Vụ đổ bộ của lực lượng đặc biệt Ukraine nhằm mấy mục tiêu:

Thứ nhất, chắc chắn hệ thống S-400 ở mũi Tarkhankut đã bị trinh sát ghi nhận và đó là mục tiêu hàng đầu. Nếu như nó bị tiêu diệt, hệ thống phòng không của Crimea theo hướng từ Odesa – đảo Rắn tới gần như bằng Zero. Vì vậy đây là một mục tiêu giá trị.

Thứ hai, để thăm dò khả năng phòng thủ của quân Nga trên bán đảo.

Cuộc đổ bộ này đã cho thấy, các lực lượng Nga “hoàn toàn không được chuẩn bị cho một hoạt động đặc biệt như vậy” và trong trường hợp nếu có những chiến dịch đổ bộ lớn hơn, quân Nga khó có khả năng phòng thủ được bán đảo. Sau khi hệ thống phòng không mà chủ lực là giàn S-400 bị tiêu diệt, chắc chắn sẽ đến những cú tấn công bằng tập kích đường không (air strike) – lúc ồ ạt, lúc vừa phải nhưng hiểm hóc. Hóa ra không cần chờ đợi lâu, chỉ ngày hôm sau một số máy bay không người lái không xác định được số lượng “đã vượt qua được tất cả các hệ thống phòng thủ của quân Nga trên bán đảo.”

Như vậy chiến lược của Ukraine cho bán đảo, có thể chưa có gì vội, nhưng sẽ được quan tâm đặc biệt. Cầu Kerch sẽ được chăm sóc kỹ hơn nữa, ít nhất là đủ cho nó tê liệt giảm khả năng vận tải quân sự xuống gần Zero. Cùng với đó là các trận tập kích đường không bằng tên lửa và UAV vào các mục tiêu trọng yếu, cho đến đúng thời điểm nào đó có thể sẽ có đổ bộ cả bằng đường biển và đường không. Trong trường hợp phòng thủ trên bán đảo nguy ngập mà đặt ra yêu cầu quân Nga rút ở Kherson về ứng cứu thì lại mở ra cơ hội cho việc vượt sông Dnipro.

Đánh giá về triển vọng chiến dịch Crimea của Ukraine, tướng về hưu Australia Mick Ryan viết:

“Tôi nghĩ có nhiều lý do khiến lúc này chúng ta thấy các diễn biến này. Đầu tiên, có một mệnh lệnh chính trị đối với chính phủ Ukraine là đảm bảo Crimea vẫn là một phần trong kế hoạch thống nhất “giải phóng Ukraine” của họ và không bị các chính trị gia nước ngoài tách rời.

Mệnh lệnh chính trị khác là truyền đạt tới những người ủng hộ Ukraine rằng chiến dịch năm 2023 của họ có nhiều điều hơn là chỉ có mặt trận phía Nam. Về mặt quân sự, người Ukraine đã cô lập Crimea bằng nhiều cuộc tấn công vào (các cây) cầu. Nhưng quan trọng hơn, họ đang đặt người Nga vào tình thế tiến thoái lưỡng nan và buộc người Nga phải đưa ra những lựa chọn khó khăn về việc triển khai lực lượng ở Crimea và những nơi khác.”

Mick Ryan viết thêm: “Có một khía cạnh tâm lý – Ukraine muốn người Nga nhìn về phía trước của họ nhưng cũng nhìn qua vai họ về phía nam, đồng thời suy nghĩ ‘chúng ta có thể duy trì tình trạng này bao lâu nữa?’”.

PHÚC LAI 28.08.2023

No comments:

Post a Comment