Wednesday, August 30, 2023

"Thánh rắc hành" Bùi Tuấn Lâm bị Tòa án phúc thẩm tuyên giữ nguyên án năm năm rưỡi tù giam
2023.08.30
RFA

Ông Bùi Tuấn Lâm là chủ xe bán bún bò Huế ở Đà Nẵng, người rắc hành lên tô bún của mình
FB Peter Lam Bui

CẬP NHẬT LÚC 3 GIỜ NGÀY 30/8/2023

Trong phiên phúc thẩm ngày 30/8, Toà án Nhân dân Cấp cao tại Đà Nẵng bác bỏ kháng cáo, giữ nguyên bản án đối với nhà hoạt động nhân quyền Bùi Tuấn Lâm (còn được gọi là Peter Lâm Bùi) trong một phiên toà mà ông bị hạn chế giao tiếp với luật sư của mình.

Hội đồng xét xử cho rằng, bản án năm năm sáu tháng tù của tòa án Đà Nẵng tuyên đối với ông Lâm với tội danh "tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước" theo Điều 117 Bộ luật hình sự là "đúng người, đúng tội, đúng pháp luật".

Ông Lâm được nhiều người gọi là "Thánh rắc hành" sau video lan truyền mạnh hồi cuối năm 2021, cho thấy ông rắc hành vào tô bún bò Huế, nhại lại động tác của 'Thánh rắc muối' Salt Bae đút bò dát vàng cho Bộ trưởng Công an Tô Lâm ăn, trong cáo trạng không đề cập gì đến hành động này.

Cũng như trong phiên sơ thẩm, không một người thân nào của ông Lâm được phép vào trong khu vực xử án. Bà Lê Thanh Lâm, vợ của ông Lâm, nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong buổi trưa ngày 30/8:

Trong phiên toà, họ ngăn chặn luật sư tiếp xúc với anh Lâm và hầu như không trao đổi được gì cả. Thậm chí là lúc chuyển anh Lâm đi, họ tách luật sư và anh Lâm ra xa nhau.”

Bà Lâm cho biết không khí gần khu vực xử án vô cùng ngột ngạt với sự có mặt của hàng trăm công an mặc cảnh phục và cả quần áo dân sự. Họ ngăn chặn người dân đến gần khu vực và vây quanh người nhà đứng gần đó.

Khi mà phiên tòa sắp kết thúc, lực lượng an ninh công an rất đông vây quanh tôi và gia đình tôi. Họ chỉ cần thấy chúng tôi có một động thái gì đó là họ sẽ tiến hành bắt và họ luôn trong tư thế sẵn sàng,” bà nói.

Trong phiên tòa hồi tháng 5, luật sư Ngô Anh Tuấn bị đuổi ra khỏi phòng xử án, trong khi bên ngoài tòa án vợ và hai em trai của ông Lâm cho rằng đã bị đánh đập và câu lưu nhiều giờ bởi lực lượng an ninh. Với trải nghiệm như vậy, lần này bà và các thành viên khác im lặng quan sát phiên toà.

Luật sư bị trại tạm giam từ chối cho gặp thân chủ để chuẩn bị phiên tòa

Một ngày trước phiên phúc thẩm, luật sư Lê Đình Việt đã đến Trại tạm giam của Công an Đà Nẵng để gặp thân chủ nhằm chuẩn bị cho việc bào chữa, tuy nhiên phía công an từ chối. Bà Lâm, người cũng có mặt ở trại tạm giam khi đó để gửi đồ tiếp tế cho chồng, kể lại với RFA:

Ngày hôm qua luật sư không gặp được chồng tôi ở trong trại tạm giam và trại tạm giam cũng không đưa ra một lý do cụ thể để giải thích tại sao không được thăm gặp, họ chỉ nói là không được thăm gặp. 

Khi luật sư yêu cầu có văn bản cụ thể cho việc tại sao không được thăm gặp thì họ bắt luật sư chúng tôi đợi gần ba tiếng đồng hồ nhưng cuối cùng họ vẫn không cung cấp. Họ đuổi luật sư ra khỏi khu trại giam, nói là hết giờ làm việc.”

Bà Lâm được luật sư kể lại rằng trong lời nói cuối cùng trước khi hội đồng xét xử nghị án, chồng bà đã hô to “Tự do cho dân tộc Việt Nam, tự do cho những người yêu nước” và sau đó chủ toạ ngăn không cho nói nữa.

Ông Bùi Tuấn Lâm, 39 tuổi, là người hoạt động nhân quyền năng nổ và tích cực tham gia phong trào phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam ở Biển Đông.

Mấy năm gần đây, ông dừng hoạt động và tập trung giúp vợ nuôi ba con nhỏ. Hai vợ chồng có mở một quán bún ở thành phố Đà Nẵng, nơi ông thực hiện hành động rắc hành.

Theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân Đà Nẵng, ông bị cho là đã đăng tải 19 bài viết trên danh khoản Facebook “Peter Lam Bui” và 25 video và bài viết lên kênh YouTube trong thời gian từ ngày 17/4/2020 đến ngày 26/7/2022 với nội dung bị cho là “xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân” và “bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân.”

Ngày 28/8, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) ra thông cáo báo chí kêu gọi Việt Nam xoá bỏ cáo buộc và phóng thích ông Bùi Tuấn Lâm, nói rằng việc chỉ trích chính phủ một cách ôn hoà không phải là tội và ông chỉ thực thi quyền cơ bản trong các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
Bản này đã cập nhật thêm phần phỏng vấn bà Lê Thanh Lâm về diễn biến trong và ngoài phiên xử.

Tin, bài liên quan
TIN VIỆT NAM

No comments:

Post a Comment