VNTB – Y tế vẫn tiếp tục… rốiMai Lan
31.08.2023 8:34
VNThoibao
(VNTB) – “Đồng giá” viện phí ở các bệnh viện công đang là yêu cầu gây lúng túng với các giám đốc bệnh viện này.
Từ ngày 15-8-2023, khung giá mới này được quy định tại Thông tư 13/2023/TT-BYT của Bộ Y tế. Theo đó, giá dịch vụ khám bệnh theo yêu cầu tại bệnh viện hạng đặc biệt tối thiểu là 100.000 đồng/lượt, và tối đa 500.000 đồng/lượt.
Hiện cả nước có 5 bệnh viện hạng đặc biệt là: bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Việt Đức, bệnh viện Trung ương Quân đội 108, bệnh viện Chợ Rẫy và bệnh viện Trung ương Huế.
Giá dịch vụ khám bệnh theo yêu cầu tại các cơ sở y tế khác tối thiểu là 30.500 đồng và tối đa là 300.000 đồng/lượt. Riêng trường hợp mời nhân lực trong nước, ngoài nước đến khám, tư vấn sức khỏe: Các bệnh viện được thu theo giá thỏa thuận giữa bệnh viện và người sử dụng dịch vụ.
Thông tư 13 cũng quy định về khung giá ngày giường điều trị theo yêu cầu (chưa bao gồm tiền thuốc, các dịch vụ kỹ thuật y tế): Loại 1 giường/phòng: Giá tối thiểu là 180.000 đồng/ngày loại 1 giường/phòng, tối đa 4 triệu đồng/ngày. Loại 2 giường/phòng: Giá tối thiểu là 150.000 đồng, giá tối đa là 3 triệu đồng. Loại 3 giường/ngày: Giá tối thiểu là 150.000 đồng, giá tối đa là 2,4 triệu đồng. Loại 4 giường/ngày: Giá tối thiểu là 150.000 đồng, giá tối đa là 1 triệu đồng.
Về dịch vụ kỹ thuật y tế, có 1.937 loại dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm theo yêu cầu được quy định mức giá tối đa và tối thiểu. Trong đó, phẫu thuật nội soi robot điều trị các bệnh lý lồng ngực có giá tối đa cao nhất, hơn 134 triệu đồng, tối thiểu 91 triệu đồng; siêu âm doppler màu tim 4D không vượt quá 826.000 đồng/lượt; chụp cộng hưởng từ (MRI) có thuốc cản quang không vượt quá 3,701 triệu đồng/lượt…
Tại một cơ sở bệnh viện hạng I, lãnh đạo đơn vị này bày tỏ băn khoăn vì với khu vực được đầu tư cơ sở hạ tầng, máy móc đắt tiền có chi phí khấu hao khá lớn, nếu tính đủ chi phí thì vượt giá tối đa của Bộ Y tế đưa ra trong Thông tư 13. Do đó, việc thu trong khung giá dẫn đến thu không đủ chi phí kết cấu trong giá dịch vụ, dẫn đến khó khăn trong vấn đề tự chủ.
Hiện khung giá để tính chi phí dịch vụ theo yêu cầu của Thông tư 13 còn có vướng mắc, do không bao phủ các loại hình dịch vụ kỹ thuật. Chẳng hạn, cùng là mổ đẻ, nhưng nếu mổ đẻ trên sản phụ có tử cung bình thường sẽ khác với sản phụ có tử cung có nhiều bệnh lý kèm theo như mẹ có bệnh nền, rau cài răng lược, sẹo tử cung…, phải xử lý phức tạp hơn. Do đó, giá dịch vụ mổ đẻ cần phải xây dựng khác nhau chứ không chỉ quy định một mức giá chung như hiện nay.
Bên cạnh đó, việc quy định khung giá sinh thiết phôi trong thụ tinh ống nghiệm trên đầu người chưa chuẩn về mặt y học. Thông tư 13 quy định giá theo đầu người, giá hơn 10,2 triệu đồng/người. Có người chỉ sinh thiết một phôi, có người có nhiều phôi, thậm chí lên tới 15-20 phôi thì giá này không đủ chi phí. Thực tế giá phải chi trả theo số phôi, không thể tính trên bệnh nhân.
Nếu đã xây dựng khung giá dịch vụ kỹ thuật thì phải tính đúng, tính đủ cho người bệnh và phải tính đến người thực hiện kỹ thuật theo yêu cầu. Nếu không tính đến cả 2 vấn đề này thì việc thực hiện nó sẽ không kéo dài được. Điều này dẫn tới, người bệnh phải chờ đợi lâu để được cung cấp dịch vụ hoặc người bệnh sẽ không thích làm các kỹ thuật này ở bệnh viện công nữa. Hoặc nếu tiếp tục ở bệnh viện công, sẽ dễ dẫn tới việc người bệnh nhờ vả, xin bác sĩ giúp đỡ riêng.
Ngoài ra, theo khung giá mới, người bệnh sẽ gặp nhiều khó khăn trong thanh toán bảo hiểm thương mại. Thực tế, bảo hiểm thương mại không thanh toán dịch vụ chăm sóc mà chỉ thanh toán dịch vụ kinh tế kỹ thuật.
Mặt khác, Thông tư 13 đang quy định cố định mức giá khám chữa bệnh theo yêu cầu trong khi giá cả luôn thay đổi theo thị trường vật tư y tế….
No comments:
Post a Comment