Wednesday, August 30, 2023

Bộ Công An độc quyền bán biển số xe, ăn chia 30%
Gió Bấc
Thứ Ba, 08/29/2023 - 14:56
RFA


“Công trình khoa học” Kit test Việt Á hồn Trung Quốc da Học Viện Quân Y khai thác cái mũi người dân thu về ngàn tỉ đáng tầm đỉnh cao trí tuệ kinh doanh. Nhưng Việt Á vẫn còn nhược điểm là phải có môi trường dịch bệnh mới tạo ra giá trị. Sáng kiến Biển số định danh của Tô Đại Tướng mới thật là diệu kế. Không cần nhập nguyên liệu Tàu, không cần đầu tư chi phí, chỉ bán vài con số thu về hàng triệu đến hàng chục tỉ. Không chỉ bán một lần mà còn bán đi bán lại thành nguồn tài nguyên vô tận. Ngộ một cái là từ Quốc Hội tới Chính Phủ đều đồng lòng nhất trí ưu ái trao đặc quyền khai thác nguồn tài nguyên ấy cho Bộ Công An.

Biển số định danh, gánh nặng cho người mua xe cũ

Gần đây báo chí rộ lên thông tin Thông tư 24/2023/TT-BCA ngày 1/7/2023 của Bộ Công an quy định về cấp, thu hồi đăng ký, biển số xe cơ giới có hiệu lực từ ngày 15/8 (Thông tư 24). Trong đó có khái niệm “biển số định danh” cho các loại xe từ máy, xe hơi, xe máy cày… làm người dân lùng bùng lỗ tai. May mà được giới luật gia giải thích mới hiểu nôm na “biển số định danh” là sáng kiến cấp biển số đăng ký cho xe theo người chủ xe. Một người có thể có nhiều xe, một biển số. Chủ muốn bán xe phải thu biển số cũ nộp cho công an, chủ mới phải làm thủ tục đăng ký cấp lại biển số mới. Chủ cũ mua xe mới sẽ được cấp lại biển số cũ. Biển số quá 5 năm không sử dụng sẽ bị thu hồi….

Hệ quả của “biển số định danh” phát sinh thêm khái niệm “xe chính chủ”. Trước đây có đề nghị xử phạt người nào đi xe không chính chủ nhưng dư luận phản ứng chuyện chồng đi xe của vợ, con đi xe cha hoặc hàng xóm mượn nhau chiếc xe mà xử phạt thì không hợp lý. Vì vậy, nhà nước đã khoan hồng bao dung, người dân di chuyển trên đường bằng xe mượn từ bạn bè, người thân… thì không bị phạt. Nhưng khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe thì đi xe máy không chính chủ bị phạt tới 600.000 đồng với cá nhân và tới 1.200.000 đồng với tổ chức.

Tương tự sẽ phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng, các loại xe tương tự xe ô tô. (1)

Ưu điểm của quy định biển số định danh, xe chính chủ này là góp phần làm tăng thu ngân sách nhà nước khá đáng kể. Thứ nhất là xóa bỏ tình trạng mua bán sang tay, từ cái xe máy bèo hàng Tàu đến xe ô tô cũ hàng chục năm đều phải làm thủ tục sang tên, trước bạ, đăng ký lại biển số xe. Tất cả các bước này đều có phí. Với xe cũ lệ phí trước bạ là 2% giá trị xe.

Phí cấp mới, cấp lại, cấp đổi giấy đăng ký xe máy kèm theo biển số là 200.000 đồng/xe. Phí cấp mới, cấp lại, cấp đổi giấy đăng ký xe ô tô chở người từ 9 chỗ trở xuống

Khu vực: Hà Nội và TPHCM từ 2.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng/xe; khu vực các TP trực thuộc trung ương (trừ Hà Nội và TP HCM) các TP trực thuộc tỉnh và các thị xã là 1.000.000 đồng/xe; các khu vực còn lại 200.000 đồng/xe.

Người mua bán xe cũ không chỉ có dịp được đóng góp cho ngân sách mà còn được dịp tham gia các quy trình thủ tục hành chính gồm 9 bước QUAN TRỌNG làm thủ tục sang tên xe theo quy định mới

Bước 1: Hợp đồng mua bán chủ cũ và chủ mới

Bước 2: Chủ cũ làm thủ tục thu hồi cavet và biển số xe

Bao gồm các giấy tờ sau:

·Giấy đăng ký thu hồi trên Cổng dịch vụ công

·Bản photo Hợp đồng mua bán + Căn cước công dân của chủ cũ, chủ mới

·4 bản cà số khung, số máy

Bước 3: Khi có giấy chứng nhận thu hồi, chủ cũ bàn giao cho chủ mới (Xác nhận xe không còn lắp biển cũ).

Bước 4: Chủ cũ nộp thuế. Các giấy tờ đi kèm gồm có:

·Giấy chứng nhận thu hồi

·Hợp đồng mua bán

·Căn cước công dân

Bước 5: Lấy Mã hồ sơ tại Cổng dịch vụ công (Chọn đăng ký sang tên cùng tỉnh).

Bước 6: Vào điểm đăng ký xe nơi chủ mới có Hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú đưa mã hồ sơ cho Cán bộ đăng ký in tờ khai đăng ký (có dán số khung, số máy và chữ ký của chủ mới).

Bước 7: Nộp hồ sơ cho điểm đăng ký, gồm các giấy tờ sau:

·Tờ khai đăng ký

·Giấy chứng nhận thu hồi

·Hợp đồng mua bán

·Giấy tờ lệ phí trước bạ

·Căn cước công dân

Bước 8: Nếu hồ sơ hợp lệ, cán bộ tiến hành kiểm tra xe, chụp hình (có chủ xe đứng cạnh xe).

Bước 9: Chờ gọi bấm biển. ( 2 )

Biển số xe giá hàng chục tỷ đồng

Chỉ cần nhìn thôi đủ thấy thăm thẳm chiều trôi cả rừng thủ tục giấy tờ đủ để một lần tởn tới già không dám mua xe cũ

Ở những nước khác như nước Huê Kỳ, cái nôi của xe hơi thì việc đăng ký xe cũ ra sao? Chính báo chí lề đảng đã viết như sau: “giấy đăng ký xe có một vài dòng để trống dành cho người mua. Chủ cũ điền tên người chủ mới, địa chỉ, giá tiền và số kilomet đã đi. Ký xoẹt một cái, thế là người mua lên xe phóng về nhà.

Sau đó, người chủ mới có thể bán tiếp cho người khác và làm tương tự. Tuy nhiên mỗi tờ đăng ký xe chỉ có chỗ cho hai chủ mới. Hết chỗ thì phải ra ban quản lý xe của quận (DMV) xin đăng ký lại.

Điều quan trọng là khi bán xe xong, chủ cũ tháo luôn cái biển số, mang về nộp cho DMV. Không có biển số thì làm sao mà cho xe lưu thông. Thế là chủ mới phải đăng ký xe lại. Vụ sang tên đổi chủ mới chính thức có giá trị. Chủ cũ đã trả biển số xe rồi thì bên DMV hiểu là người đó không còn trách nhiệm với cái xe.

Phí trước bạ, thuế xe sẽ được chính quyền quận gửi thông báo về tận nơi cho chủ mới. Giá trị cái xe được tính theo năm sử dụng, mỗi năm trừ đi một ít, đi nhiều, đi ít không quan trọng. Tùy từng bang mà có mức thuế khác nhau.” ( 3 )

Tuy nhiên thủ tục phiền hà cho người chỉ là chuyện nhỏ như con thỏ, phần vi diệu của tình khúc “biển số định danh” là ở điểm nhấn bán đấu giá biển số xe tốt.

Biển số xe cứ tưởng như chỉ là công cụ quản lý hành chính nhưng do niềm tin, do sở thích tiêu dùng, do khả năng tài chính của giới đại gia nó đã trở thành vật có giá cao không tưởng.

Thương vụ mua bán đấu giá các biển số xe tốt cho thấy đây là hoạt động tài chính có nguồn thu rất quan trọng.

Tại phiên đấu giá thử ngày 17/8, với biển số 30K - 567.90, người trúng đấu giá thử là người trả 9 tỷ 730 triệu đồng. Ở buổi đấu giá thử ngày 18/8, biển số 30K - 568.10 đã thuộc về người ra giá 19 tỷ 260 triệu đồng còn biển số 30K - 568.11 có người trúng đấu giá mức 13 tỷ 355 triệu đồng.

Bộ Công An độc quyền trọn gói

Đặc biệt, trong buổi đấu giá thử ngày 20/8, hàng loạt biển số trúng đấu giá ở mức vài tỷ, thậm chí vài chục tỷ đồng. Với biển số Hà Nội 30K - 888.98 phiên đấu giá thử đã thuộc về người trả mức giá gần 69 tỷ đồng (68 tỷ 945 triệu đồng). Đây được ghi nhận là số tiền được trả cao nhất trong các buổi đấu giá thử từ trước đến nay. ( 4 )

“Theo Bộ Công an, Suốt 30 năm qua, Bộ Công an kiên trì đề xuất cho phép tổ chức đấu giá biển số ô tô để đáp ứng nhu cầu của người dân; đồng thời, mang lại nguồn thu cho ngân sách nhà nước cũng như khai thác hiệu quả tài nguyên số trong kho.” ( 5 )

Trải qua 30 năm là 6 nhiệm kỳ Quốc Hội, từng ấy nhiệm kỳ Bộ Trưởng Công An mãi tới thời Tô Đại Tướng làm Bộ Trưởng mới đươc thành hiện thực. Ngày 15 tháng 11 năm 2022 sau khi thảo luận sôi nổi Quốc hội đã long trọng thông qua Nghị quyết số 73/2022/QH15 về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô. Tiếp theo đó, ngày 26 tháng 06 năm 2023 ban hành Nghị định số 39/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều Nghị quyết số 73/2022/QH15 ngày 15 tháng 11 năm 2022 của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô. ( 6 )

Cả hai ngành lập pháp, hành pháp đã ưu ái long trọng ra văn bản pháp quy dành quyền trọn gói tất tần tật cho ngành Công An bán đấu giá biển số từ việc định giá, tổ chức đấu giá, thu tiền, ….

Điều hơi bị ngộ là hoạt động đấu giá bán biển số xe nhằm thu ngân sách cho nhà nước nhưng Bộ Tài Chính, ngành thuế hoàn toàn không tham gia bất cứ vai trò gì. Nếu xem đây là hoạt động đấu thầu thu ngân sách cho nhà nước thì Công An chỉ nên giữ chức năng quản lý, cung cấp nguồn biển số, hoạt động mua bán, đấu thầu nên dành cho các ngành chuyên môn tài chính.

Để ngành Công An một người một ngựa mua bán thu chi liệu có làm ảnh hưởng đến sự minh bạch trong quản lý tài chính công hay không?

Sập sàn ngay phiên bán đấu giá đầu tiên

Vấn đề đầu tiên đã lộ rõ ra là khi Chính Phủ ưu ái cho Bộ Công An độc quyền thao túng toàn bộ hoạt động đến lượt Bộ Công An lại tiếp tục giành độc quyền đấu thầu bán biển số cho một doanh nghiệp duy nhất. Ngay chính báo chí lề phải cũng đặt vấn đề nghi ngờ về năng lực của doanh nghiệp này.

Dù được lựa chọn để thực hiện đấu giá biển đẹp nhưng Công ty đấu giá hợp danh Việt Nam có tài sản chỉ vài tỷ đồng, hoạt động kinh doanh liên tục báo lỗ.

Về năng lực tài chính, doanh nghiệp này được cho là không có nhiều nổi bật, thậm chí nhiều giai đoạn thể hiện hoạt động kinh doanh “bết bát”.

Năm 2019, dù đánh dấu năm đầu tiên hoạt động, công ty chỉ có mức doanh thu vỏn vẹn hơn 140 triệu đồng. Năm thứ 2 khoản doanh thu này tăng vọt lên hơn 450 triệu. Tuy nhiên, sau đó một năm, giá trị doanh thu sụt giảm về mức 69 triệu đồng và đến năm 2022 gần như không ghi nhận mức lợi nhuận nào.

Theo lý giải của cơ quan chức năng, “nguyên nhân khiến doanh nghiệp này được lựa chọn là vì trang thông tin đấu giá trực tuyến của Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam có sẵn chức năng tích hợp với hệ thống xác thực định danh điện tử của Bộ Công an.

Trên trang thông tin đấu giá trực tuyến của đơn vị này cũng có sẵn cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất đảm bảo an ninh an toàn, chức năng tích hợp với Hệ thống đăng ký, quản lý xe và Hệ thống quản lý đấu giá biển số xe ô tô của Cục Cảnh sát giao thông.” ( 7 )

Tuy nhiên, thực tế từ phiên đấu giá đầu tiên, cho thấy cái ưu điểm này hoàn toàn không có thật. Hệ thống công nghệ thông tin phục vụ cho phiên đấu giá “biển đẹp” của Công ty đấu giá hợp danh Việt Nam chưa đáp ứng được tình hình.

Chính báo Công An Nhân Dân điện tử của Bộ Công An ghi nhận sự cố nghiêm trọng trong phiên đấu giá đầu tiên, “từ 8h sáng ngày 22/8, do lượng truy cập vào trang đấu giá trực tuyến https://dgbs.vpa.com.vn tăng cao đột biến, dẫn đến hệ thống kỹ thuật gặp sự cố, khách hàng không truy cập được vào phòng đấu giá biển số. Hiện nay, công ty đang tập trung khắc phục sự cố kỹ thuật trong thời gian sớm nhất”.

Theo Nghị định 39 của Chính Phủ hàng năm ngành công an toàn quyền lập dự toán 30% tiền bán đấu giá của năm trước đưa vào chi phí hoạt động trong lĩnh vực quản lý giao thông….(8 )

Rõ là pháp luật nhà nước Việt Nam vận dụng theo nguyên lý dân gian “thợ may ăn vải, thợ vẻ ăn hồ”. Các cơ quan pháp luật được ăn chia trực tiếp số tiền trong lĩnh vực mà mình quản lý. Cũng trong kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ lấy ý kiến bằng phiếu để quyết định đề xuất Thanh tra Chính phủ được trích 30% số tiền thu hồi qua thanh tra đã nộp vào ngân sách Nhà nước hay không?.( 9 )

Theo quy định hiện nay, Thanh Tra các cấp cũng đã được trích hưởng một phần số tiền tham nhũng, vi phạm đã thu hồi nhưng tỉ lệ thấp hơn. Quan chức ngành này đang kiến nghị Quốc Hội tăng tỉ lệ ăn chia tiền tham nhũng lên 30%

Tỉ lệ ăn chia 30% đã trở thành “tỉ lệ vàng” giữa các cơ quan chức năng và ngân sách mà Công An là ngành được nhà nước ưu ái chuẩn thuận đầu tiên.

Với tâm lý ăn chia trong quản lý. Với độc quyền vừa đá bóng vừa thổi còi trong lĩnh địa tài chính rất sôi động. Với quan hệ đối tác đáng ngờ, yếu kém cả về kỹ thuật lẫn hoạt động kinh doanh. Một quả bom Việt Á thứ hai sẽ nổ ra là điều chắc chắn vấn đề là lúc nào, có thế lực nào đủ sức phanh phui nó hay không mà thôi











No comments:

Post a Comment