VNTB – ‘Phiên bản Việt Á’ với cây sâm Ngọc Linh đang bắt đầuThới Bình
31.08.2023 8:23
VNThoibao
Cú đổ đô-mi-nô?
Ngày 12-8-2023, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, đã có công văn yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan, địa phương liên quan kiểm tra, cung cấp thông tin, tài liệu theo đề nghị của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội.
Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Cầu Giấy có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị cung cấp một số nội dung liên quan Công ty cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh có trụ sở đăng ký đóng tại quận Cầu Giấy. Các thông tin mà Công an quận Cầu Giấy đề nghị tỉnh UBND Quảng Nam cung cấp gồm: UBND tỉnh có tiếp nhận hồ sơ của Công ty cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh do bà Phạm Mỹ Hạnh là người đại diện pháp luật xin cấp phép lập và đầu tư dự án trồng, chăm sóc, phát triển cây sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh không?
Kết quả xử lý giải quyết đối với hồ sơ xin cấp phép (nếu có) của công ty trên như thế nào?
UBND tỉnh có cấp hay giao đất cho công ty này để thực hiện dự án trồng sâm Ngọc Linh hay không?
UBND tỉnh có tiếp nhận thông tin từ cá nhân, tổ chức nào có ký văn bản thỏa thuận, hợp đồng hợp tác, liên kết với công ty này để thực hiện dự án trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh không…?
Theo Công an quận Cầu Giấy, đơn vị này tiếp nhận đơn tố giác của công dân với nội dung từ năm 2020 đến nay, bà Phạm Mỹ Hạnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh, đã tổ chức các hội thảo để quảng cáo, giới thiệu về việc công ty đang thực hiện dự án trồng sâm Ngọc Linh tại tỉnh Quảng Nam. Qua đó, kêu gọi nhiều cá nhân đầu tư, góp vốn vào để cùng thực hiện dự án và sẽ được trả lợi nhuận cao.
Một số tòa soạn báo chí cũng nhận được đơn tố giác với nội dung mong được công luận lên tiếng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp khi người dân đã góp vốn đầu tư vào dự án trồng Sâm Ngọc Linh tại Quảng Nam và Kon Tum của Công ty cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh.
Theo đơn tố giác, từ năm 2020 đến nay, bà Hạnh đã tổ chức các hội thảo, quảng cáo, giới thiệu về việc Công ty cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh đang thực hiện dự án trồng sâm Ngọc Linh tại địa bàn tỉnh Quảng Nam và Kon Tum. Qua đó, bà Hạnh kêu gọi nhiều cá nhân đầu tư góp vốn vào Công ty cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh để tham gia thực hiện dự án này và sẽ được bà Hạnh, công ty trả lợi nhuận cao.
Tuy nhiên, sau khi nộp tiền cho bà Hạnh, các nhà đầu tư không nhận được quyền lợi như bà Hạnh cam kết. Họ cho rằng, bà Hạnh có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản hàng tỷ đồng, nên đã gửi đơn tố giác đến cơ quan công an.
Quan sát và đọc các bản hợp đồng người dân ký với Công ty cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh cho thấy nội dung ký kết đều ghi hợp tác đầu tư trồng sâm Ngọc Linh tại Quảng Nam và Kon Tum. Một người dân cho biết trước khi ký hợp đồng góp vốn, tư vấn viên giới thiệu dự án này được Nhà nước ưu đãi đầu tư, cho Công ty cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh vay 16.000 tỷ đồng. Người dân đầu tư vào đây vừa ích nước vừa lợi nhà, góp phần xây dựng đất nước.
Khi ký hợp đồng đầu tư góp vốn với công ty, người dân được hứa hẹn sau 1 năm, công ty sẽ trả cả gốc lẫn lãi với số tiền lãi hàng tháng là 2%. Nhưng đến nay, nhiều người không nhận được cả tiền lãi lẫn tiền gốc.
Trả lời trên truyền thông, nhiều nạn nhân của dự án thừa nhận, số tiền góp là tiền tiết kiệm lúc già, tiền từ nguồn huy động vốn người thân, có không ít đi vay ngân hàng, mỗi người góp vốn mua cổ phần từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng.
Vì sao người dân dễ bị xí gạt đến vậy?
“Tại sao trước đó người dân lại tin vào dự án trồng sâm Ngọc Linh của Mỹ Hạnh ở Quảng Nam, Kon Tum? Vì khi đến trụ sở họ, chúng tôi thấy họ quảng cáo rất hoành tráng, nhận được nhiều giải thưởng lớn, nhỏ. Đến nay mới vỡ lẽ khi biết sự thật họ không có một dự án trồng sâm Ngọc Linh nào cả” – một nạn nhân cho biết.
“Có nhân viên đến tận nhà tôi quảng cáo Tập đoàn Mỹ Hạnh đại diện cho Chính phủ Việt Nam phát triển ngành sâm Ngọc Linh ra thị trường thế giới, được Nhà nước hỗ trợ gói vay 16.000 tỷ đồng, tương ứng với 70%, còn 30% phải có vốn tự có của doanh nghiệp, nên doanh nghiệp đi huy động từ dân. Sau đó chúng tôi tiếp tục được họ mời đến trụ sở để giới thiệu về dự án trồng sâm Ngọc Linh nên ai cũng tin tưởng để góp tiền cùng Mỹ Hạnh đầu tư” – một nạn nhân khác giải thích.
Đúng là người dân vì quá tin vào những quan chức đương nhiệm của Đảng nên họ mới dễ dàng “xuất vốn” để rồi bị quỵt như vậy.
Gần đây nhất, ngày 16-4-2023, tại trung tâm Hội nghị Quốc tế, 35 Hùng Vương, Hà Nội, Viện Chiến lược phát triển Nhân lực Nhân tài Việt Nam phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức Chương trình Doanh nhân Sao Vàng xuất sắc thời kỳ hội nhập năm 2023. Trong sự kiện này, Công ty cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh nhận 02 cúp vàng và bằng khen dành cho tập thể và cá nhân bà Phạm Mỹ Hạnh vì đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Người đứng đầu tổ chức trao giải là trung tướng Nguyễn Đình Chiến, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng. Trước đó, lúc mang quân hàm thiếu tướng, ông Nguyễn Đình Chiến là Phó tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội.
Doanh nghiệp có tên Tập đoàn Mỹ Hạnh này còn nhận rất nhiều giải thưởng khác như “Top 10 Thương hiệu mạnh quốc gia” năm 2022”, “Top 10 Thương hiệu Sản phẩm Dịch vụ Chất lượng cao Asean” năm 2022, “Sản phẩm Vàng vì Sức khoẻ Cộng đồng” năm 2021, được vinh danh Top 10 “Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam”, đạt Top 30 “Doanh nghiệp tiêu biểu vì sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững” năm 2021…
Bà Phạm Mỹ Hạnh còn nhận được nhiều danh hiệu cá nhân như “Nữ doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2019”, “Cúp bông hồng vàng năm 2021”, “Doanh nhân tiêu biểu Asean EU năm 2021”…
Một nhà báo có bằng cấp cử nhân Sinh học của trường Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM, nói với người viết rằng sâm củ Ngọc Linh phải được trồng ít nhất 6 năm mới khai thác để chế biến ra sản phẩm, trong khi công ty Mỹ Hạnh mới thành lập được hơn 4 năm mà đã quảng cáo có hàng chục các loại sản phẩm từ giá rẻ đến lớn, nên ông nghe quảng cáo rồi không biết đường nào mà lần…
No comments:
Post a Comment