Tạ Duy Anh - Bia mạngmardi 29 août 2023
Thuymy
Chuyện các nhà văn, nhà thơ biến bút thành lưỡi lê xọc vào tim đồng nghiệp, sẽ còn được nhắc tới. Thậm chí là được nhắc tới mãi mãi.
100 năm Văn Cao, rồi sẽ đến 100 năm Trần Dần, 100 năm Nguyễn Hữu Đang. Rồi tiếp đến là 100 năm Lê Đạt, Phùng Quán...
Cứ mỗi dịp kỷ niệm ấy, những tên tuổi đi kèm, sẽ lại được nhắc tới, như chúng ta đang thấy.
Hóa ra đã có những tấm gương tày liếp, để người sau soi vào mà tránh.
Nhưng vì miếng bả vinh hoa, vì háo danh, vì miếng nhục (miếng ăn, miếng sống), vì thói nịnh hót, vì hèn mạt...vẫn còn không ít người đang tự thấy hãnh diện khi tiếp bước dẫm vào vết bùn nhơ.
Chính trị khó thoát tính xu thời và luôn gắn với thủ đoạn, vì nó thường đoản mệnh, trong khi ký ức và lịch sử thì đứng trên mọi quyền lực.
Một đội quân hùng mạnh có thể bị xóa sổ bởi một hoặc nhiều đội quân hùng mạnh khác. Nhưng cả ngàn đội quân hùng mạnh cũng không giết nổi một tên tuổi lớn, thậm chí một cuốn sách.
Đó không chỉ là một cách nói. Đó là sự thật không ai có thể bác bỏ.
Sống mà nhớ lấy. Mình chết đi rồi, nhưng còn con cháu.
Nhiều người không còn cơ hội để "sám hối", đành chịu. Những ai còn cơ hội này, tôi khuyên hãy viết ra sự thật, dù cực kỳ đau đớn. Nhưng đó là cách duy nhất để lương tâm thanh thản.
"Bia miệng" đã kinh, "Bia mạng" còn đáng sợ gấp bội, bởi nó lan truyền bằng tốc độ ánh sáng và lưu trữ trên vũ trụ.
P/S: Theo tôi, toàn bộ tài liệu về vụ Nhân văn Giai phẩm, ví dụ như cuốn sách trong hình, cần được trưng bày trong Bảo tàng văn học của Hội Nhà văn, thế mới đúng là bảo tàng.
TẠ DUY ANH 29.08.2023
No comments:
Post a Comment