Chờ đợi F-16, người Ukraina đổ máu giành từng mét đấtThụy My
Đăng ngày: 29/08/2023 - 16:39
RFI
Phi công Ukraina Andrii Pilshchikov, bí danh "Juice", người mơ được lái F-16, qua đời trong vụ tai nạn máy bay huấn luyện ngày 26/08/2023. © Defence of Ukraine
« Juice » và cuộc tranh đấu vì F-16 cho Ukraina
Andrii Pilshchykov, bí danh « Juice » sẽ không bao giờ nhìn thấy những chiếc F-16 mang biểu tượng đinh ba của Ukraina. Người phi công tiêm kích MiG-29 đã tử thương hôm 24/08 do va chạm trên không. « Juice » nói tiếng Anh rất chuẩn, đã từng đóng vai trò quyết định trong việc thuyết phục Washington giao F-16 cho Kiev. Hồi tháng 6/2022, với sự trợ giúp của nhà sử học quân sự Adam Makos, anh đã đến thủ đô Hoa Kỳ để trình bày trước các thượng nghị sĩ Dân Chủ và Cộng Hòa. Sau đó thượng nghị sĩ Cộng Hòa Dan Sullivan (bang Alaska) hầu như mỗi tuần đều liên lạc với bộ trưởng quốc phòng Lloyd Austin, tổng tham mưu trưởng Mark Milley, tổng thống Joe Biden về vấn đề F-16, rốt cuộc ông Biden đã chấp thuận.
« Juice » không còn nữa, nhưng Ukraina sẽ có được những chiếc F-16 năm 2024. Quá trễ để bảo đảm ưu thế trên không trung mà bộ binh đang rất cần trong chiến dịch phản công hiện nay, hơn nữa còn thiếu những vũ khí quan trọng. Tướng không quân hưu trí Philip Breedlove thổ lộ với New York Times : « Khi hợp đồng tác chiến, quân Mỹ chiến đấu với không quân áp đảo trên chiến địa, còn Ukraina không có. Chúng ta cũng không cho họ pháo chính xác tầm xa (ATACMS). Thế nên trước khi nói họ thất bại, phải nhìn vào gương trước đã ».
Chính quyền Biden đang tìm cách giải ngân thêm 40 tỉ đô la cho Kiev. Nhưng một cuộc thăm dò của CNN hôm 04/08 cho thấy lần đầu tiên 55 % người được hỏi (72 % người Cộng Hòa) không muốn viện trợ tiếp, trong khi hồi tháng Hai, chỉ có 40 % cử tri Cộng Hòa phản đối. Một số ứng cử viên Cộng Hòa như Donald Trump, Ron DeSantis, Vivek Ramaswamy cũng cho rằng nên tập trung cho những vấn đề trong nước. Tuy vậy, thượng nghị sĩ Cộng Hòa Don Bacon (Nebraska) khẳng định có đến 70 % dân biểu đảng bảo thủ ủng hộ Kiev. Các cuộc thăm dò khác cho kết quả ngược với CNN. Chẳng hạn Reagan Center cho biết 75 % cho rằng Hoa Kỳ cần giúp Ukraina chiến thắng.
Cuộc chiến sinh tử không ngơi nghỉ ở Donbass
Cũng về Ukraina, đặc phái viên Le Figaro thuật lại « Cuộc chiến đấu sinh tử của các chiến binh Ukraina ở Donbass ». Những người lính cật lực giành từng cây số vuông ở Bakhmut, như họ vẫn tiến hành suốt một năm rưỡi qua. Khi tái chiếm được một địa điểm, phải đào hào, đặt mìn để chuẩn bị tiến xa hơn. Các chiến sĩ vui mừng khi nghe tin sẽ nhận được F-16, nhưng phải chờ 6-7 tháng nữa chiến đấu cơ này mới có thể xung trận. Đã bỏ lỡ mất nhiều cơ hội… Những lều trại tạm bợ vài hôm nữa phải dời đi để tránh bị pháo kích, nhưng vẫn còn tiện nghi hơn nơi tuyến đầu. « Ở đó, không thể tắm rửa, không ngủ được, thậm chí không ngóc đầu dậy được để tìm nước uống, mỗi bước đi đều có thể là bước cuối cùng ».
Iryna Rybinkina, nữ bác sĩ phẫu thuật từng làm việc 20 năm ở Luân Đôn và New Zealand, hôm 24/02/2022 đã bỏ tất cả để trở về khi đất nước bị xâm lăng, cho biết số bị thương nặng có khi lên đến 180 người một ngày trong khi ở Luân Đôn bà chỉ chăm sóc hai hoặc ba bệnh nhân. Cũng như những người lính, nhiều tình nguyện viên và nhà hoạt động nhân đạo Ukraina, Iryna không có một ngày nghỉ nào kể từ 18 tháng qua.
Ukraina : 16.000 người mất tích trong chiến tranh
Trong khi đó « Tại Ukraina, các gia đình tìm kiếm những người mất tích ». Le Monde cho biết, kể từ đầu cuộc xâm lăng đến nay, có 16.000 người trong đó đa số là quân nhân hiện không biết sống chết ra sao. Trong danh sách của bộ Nội Vụ Ukraina, hiện có 24.000 người bị coi là mất tích. Oleh Kotenko, ủy viên phụ trách điều tra về những người mất tích cho biết trong số đó có 8.000 người đã tìm thấy và đưa về. « Một số còn sống (được trao đổi tù binh), và đáng buồn là rất nhiều người đã chết. Hiện có hơn 6.000 người chúng tôi không biết tin tức ». Số 10.000 người khác « có thể bị quân Nga bắt, hoặc tử trận ». Sau khi điều tra, đã biết được xác họ ở đâu, và một ngày nào đó sẽ trao lại cho gia đình.
Thân nhân những người mất tích thường xuyên theo dõi các kênh Telegram thân Nga để dò thông tin. Kể cả các nhà điều tra Ukraina cũng vậy, không chỉ để biết những chuyển dịch của địch, mà còn nhằm nhận ra xác tử sĩ hay tù binh. Chỉ có Kiev cho phép Hồng thập tự Quốc tế thăm các trại tù binh, phía Nga hoàn toàn giữ kín. Những tù binh Ukraina được trả về thường bị sụt đến phân nửa trọng lượng cơ thể, họ chỉ được cho ăn cầm hơi. Nhờ những tù binh này, cơ quan của Kotenko có thể biết được địa điểm các chiến binh đã hy sinh. Có 7 ê-kíp chuyên tìm kiếm trên chiến địa và những vùng mới giải phóng để đưa xác tử sĩ về, nếu không nhận diện được sẽ so sánh với ADN của người thân.
Chuyên gia đầu độc thay thế cho « đầu bếp của Putin » tại châu Phi ?
Về tình hình nội bộ Nga, theo Les Echos, tướng Andrei Averyanov có thể thay Yevgeny Prigozhin nắm lực lượng Wagner. Nhân vật này là người đứng đầu đơn vị 29155 của tình báo quân đội Nga (GRU), chuyên về những đòn ngầm. Nổi bật nhất là vụ đầu độc gián điệp đôi Serguei Skripal ở Salisbury, Anh quốc. Đơn vị này cũng cung cấp nhiều cán bộ khung cho Wagner.
Nay Andreï Averyanov đang dòm ngó châu Phi. Trong hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi hồi cuối tháng Bảy ở Saint-Petersburg, ông ta có mặt với Putin khi tiếp các phái đoàn, chủ yếu là các sĩ quan Mali. Chuyên gia Stephen Hall, đại học Bath (Anh) nhận định GRU bắt đầu quan tâm đến châu lục này, còn nhà báo Christo Grozev (Bulgari) cho rằng sự hiện diện của Prigozhin vào đầu năm tại Sahel, hai ngày trước khi chết, nhằm ngăn cản GRU đẩy Wagner ra khỏi khu vực.
Kremlin không có ý định bỏ rơi gia sản của nhóm này tại châu Phi. Chẳng hạn tổ chức lính đánh thuê bắt chính quyền Mali phải trả hơn 10 triệu đô la mỗi tháng để được « bảo kê », và khai thác tài nguyên ở mỗi nước, nhất là những mỏ vàng ở Trung Phi, Sudan. Một nguồn lợi mà Matxcơva đang hết sức cần cho cuộc xâm lăng Ukraina, cùng với các đồng minh châu Phi vào lúc bị phương Tây quay lưng.
Stephen Hall cho biết thêm, Averyanov cũng liên can đến vụ nổ các thiết bị quân sự ở Cộng hòa Sec và vụ đầu độc một công dân Bulgari. Theo nguồn tin tình báo Anh và Ukraina, Averyanov vốn có mối thù sâu sắc với Prigozhin, bị nghi ngờ là đứng sau cái chết của trùm Wagner. Vấn đề là liệu các hoạt động của Wagner ở châu Phi có dễ dàng chuyển sang tay ông ta hay không. Các chỉ huy của tổ chức này có thể có tiếng nói của họ, hay ít nhất là « biểu quyết bằng đôi chân » - đi tìm một bến đỗ khác.
Tưởng niệm Prigozhin - « người hùng » trở thành « kẻ phản bội »
Còn tại Matxcơva, « những người ủng hộ Prigozhin tưởng niệm một "người yêu nước thực sự" ». Thông tín viên Le Monde nhận thấy gần Quảng trường Đỏ, trước nhà thờ Thánh Maxime, có những người lặng lẽ đến đặt hoa tưởng nhớ. Họ hiểu rằng cần phải thu mình lại.
Tại địa điểm tưởng niệm đột xuất ở trung tâm Matxcơva, dễ dàng nhận ra những người lính đánh thuê trong số những người hiếu kỳ. Tướng tá nhà binh, vẻ mặt nghiêm trọng, mỗi người một kiểu : họ mang đến những cành hoa, chân dung một chiến hữu, áo giáp, một mẩu bánh mì đặt trên ly rượu vodka, thuốc lá, cờ của một đơn vị... Họ đến và đi trong im lặng. Dù Prigozhin là « Anh hùng nước Nga », danh hiệu được Vladimir Putin chính thức phong cho nhờ chiếm được Bakhmut, tất cả đều hiểu rằng thủ lãnh của họ đã bị thất sủng sau cuộc binh biến ngày 23 và 24/06. Không ít người ủng hộ khẳng định « Ông ấy là người ái quốc thật sự », « Ông ta nói sự thật », khác với những tướng lãnh tham nhũng, bộ trưởng bất tài, giới ăn trên ngồi trước sống xa hoa...
Vụ rớt máy bay chỉ được đưa tin vào cuối chương trình thời sự, được xử lý bằng những thông cáo thận trọng. Yevgeny Prigozhin không còn là « người hùng » của « chiến dịch quân sự đặc biệt », hay « kẻ phản bội » mà người ta vẫn nghe trên truyền hình suốt mùa hè. Ông ta chỉ còn là một kỷ niệm xưa cũ bị quẳng vào một xó. Hiện thời đường phố vẫn chưa quên Prigozhin, một cá tính đặc biệt, xuất hiện thường xuyên trên mạng xã hội. Trong số những người Matxcơva được hỏi, tất cả đều cho biết bị sốc vì cái chết của ông ta, nhưng nhà báo cảm nhận rằng sẽ không để lại dấu vết sâu sắc. Chỉ có những cựu binh Wagner là còn nhớ. Một băng-rôn ghi : « Những người lính còn sống mãi ».
Bắc Kinh kích động chống Nhật
Nhìn sang châu Á, La Croix cho biết « Trung Quốc kích động chống Nhật một cách bạo lực ». Từ khi bắt đầu xả nước từ nhà máy điện Fukushima ra biển thứ Năm tuần trước, người Nhật phải chịu đựng một làn sóng quấy nhiễu do Bắc Kinh giựt dây : Chính quyền Trung Quốc tuyên truyền rằng Nhật Bản đầu độc Thái Bình Dương.
Một chủ tiệm bánh mì ở Fukushima khẳng định mỗi ngày nhận được hơn 50 cuộc gọi lăng mạ của những người Hoa ẩn danh. Một công ty du lịch ở Tokyo cũng chịu tình cảnh tương tự, đến nỗi chi nhánh ở Bắc Kinh phải cắt điện thoại. Những người biểu tình Trung Quốc còn ném đá vào đại sứ quán Nhật Bản ở Bắc Kinh và nhiều trường học Nhật. Thủ tướng Fumio Kishida lên án những hành vi này, yêu cầu Bắc Kinh phải chấm dứt sách nhiễu.
Đợt xả nước đầu tiên kéo dài 17 ngày, khoảng 7.800 m3 nước có chứa tritium, một chất phóng xạ chỉ nguy hiểm khi ở liều rất cao, và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (AIEA) đã khẳng định là không ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe. Nhưng kênh truyền hình công CGTN của Bắc Kinh vẫn cáo buộc Tokyo « đầu độc », trong khi các nhà máy điện nguyên tử Trung Quốc thải ra nước chứa tritium với liều lượng lớn hơn nhiều. Vô số bài đăng trên các mạng xã hội của các nhà ngoại giao Trung Quốc, Tân Hoa Xã...đều bóp méo thông tin để kết án Nhật Bản. La Croix cho rằng chiến dịch này là do Bắc Kinh bất mãn trước việc Tokyo ngày càng xích lại gần Washington nhằm ngăn chận Trung Quốc bành trướng trên Thái Bình Dương.
No comments:
Post a Comment