VNTB – Sách của “ký giả sa-lon” Nguyễn Phú TrọngPhạm Lê Đoan
31.08.2023 7:36
VNThoibao
(VNTB) – “Lý luận và thực tiễn” cho tìm kiếm con đường “đi lên chủ nghĩa xã hội” ở Việt Nam giống như đồ thị hình sin
Sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của tác giả Nguyễn Phú Trọng tiếp tục được quảng bá qua hình thức tọa đàm tại TP.HCM.
Sách viết đúng, vậy thì ai đã sai?
Tiến sĩ Thân Ngọc Anh – Trưởng khoa Chủ nghĩa xã hội khoa học, Học viện Chính trị khu vực II (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) – nhìn nhận tại buổi tọa đàm: Cuốn sách của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có ý nghĩa quan trọng trong việc tiếp tục tổng kết thực tiễn, khái quát lý luận về đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời khơi dậy và phát huy khát vọng phát triển đất nước của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong giai đoạn hiện nay.
Cuốn sách được giới thiệu là tuyển chọn 29 bài viết, bài phát biểu tiêu biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Là một người đọc, cá nhân người viết bài này cho rằng nên nhìn nhận thực tế tác giả Nguyễn Phú Trọng đã thiếu phần liên hệ thực tế sau khi đưa ra những lập luận hàn lâm về đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thực tế đó có thể là từ việc chọn lựa nhân sự cấp cao ở Bộ Chính trị dẫn đến hàng loạt vụ án tham nhũng kéo dài nhiều nhiệm kỳ của Đảng và Quốc hội.
Nếu các lý luận nêu ra ở sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” là đúng, vậy thì cần trả lời vì sao trên “con đường đi lên” đó vẫn còn quá nhiều những quyền lực chính trị tham nhũng đến mức sẵn sàng “hát trên những xác người” để vơ vét ngân sách quốc gia vào túi riêng như trong mấy năm xảy ra dịch giã Covid-19?
Trước đó nữa, với những vụ án mà hầu tòa là những vị từng rao giảng đạo đức cộng sản sáng ngời như Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Vũ Huy Hoàng, Đinh La Thăng… cho thấy “lý luận và thực tiễn” cho tìm kiếm con đường “đi lên chủ nghĩa xã hội” ở Việt Nam giống như đồ thị hình sin nhiều hơn.
Tại tọa đàm, tôi tin là nhiều vị đại biểu chưa hề đọc đầy đủ cả 29 bài viết ở quyển sách này nên mới chọn việc đồng tình khi nghe ông Phó chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TPHCM Hồ Xuân Lâm, đưa ra nhận định rằng, “trong bối cảnh hiện nay, việc khẳng định mạnh mẽ quyết tâm xây dựng chủ nghĩa xã hội, giải đáp những băn khoăn của một bộ phận người dân, đồng thời đập tan những luận điệu xuyên tạc, bóp méo của các thế lực phản động, thù địch, từ đó củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng là vô cùng cần thiết”.
Kiến văn uyên thâm hay chỉ là ‘ký giả sa-lon’?
Một ý kiến bên lề tọa đàm: “Xin chỉ đề xuất, nếu các ông thích kiên định tiến lên chủ nghĩa xã hội, “tiến lên ta quyết tiến lên”, chả ai cấm. Các ông cứ chọn lấy vài tỉnh, thậm chí nửa nước, tụ họp hết những người cùng chí hướng vào đó, để cùng nhau xây dựng thiên đường của các ông.
Lâu hay mau, khó hay dễ, nóng vội hay không nóng vội, tự các ông chịu. Làm tốt thì các ông hưởng, không ai giành phần, gây chiến, đòi giải phóng các ông làm gì. Phần còn lại, để người dân được lựa chọn đường đi cho mình.
Cũng xin ghé tai ông cả nói nhỏ điều này, lý luận của ông nếu là tuyệt vời về hướng đi cho nhân loại, sao không thấy bà Merkel, ông Lý Hiển Long, các thủ tướng Nhật, Úc, Canada, Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch, thậm chí cả Putin, lên tiếng ngợi khen, xin copy về áp dụng cho xứ sở họ.
Vài hôm nữa ông chủ Nhà Trắng ‘quá cảnh’ Hà Nội trên đường sang Ấn Độ, có lẽ nên ‘souvenir’ ngài Biden một cuốn “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” để họ học hỏi Việt Nam trong chuyện xây dựng thiên đường, thoát khỏi cảnh địa ngục tư bản mà tuyên giáo xứ này trước vẫn hay ra rả…”.
Một chút bên lề về kiến văn của tác giả sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”: Chục năm trước, chia sẻ tại buổi tiếp xúc cử tri chiều 7-12-2013 khi cử tri quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) phản ánh hàng loạt vụ việc đau lòng xảy ra trong ngành y tế, ông Nguyễn Phú Trọng được báo điện tử VTC trích lời như sau:
“Đến Đường Tăng đi lấy kinh cũng phải hối lộ. Bước chân sang nước Phật đã phải hối lộ. Cho nên chúng ta phải xem xét, bình tĩnh, tỉnh táo sáng suốt. Tham nhũng đúng như các bác nói phải làm nhanh hơn, mạnh hơn, làm nghiêm hơn chứ không thể để xử lâu, xử nhẹ, án treo nhiều”.
Ông Nguyễn Phú Trọng đã nhìn sai cách mà nhà văn Ngô Thừa Ân muốn nói đến: tình tiết Đường Tăng trao chiếc bình bát bằng vàng cho A-Nan và Ca-Diếp để đổi lấy kinh sách có nghĩa là Đường Tăng phải bỏ tính sở hữu, bỏ cái Ngã, diệt Tham-Sân-Si mới chứng được đạo (lấy được kinh).
Chiếc bát vàng là vật kỷ niệm vua Đường ban cho Tam Tạng, và cùng lúc đó kết nghĩa anh em. Do đó, việc bỏ bát vàng đi cũng là gạt hết những quyến luyến ngoài đời bởi còn đeo mang thì làm sao giải thoát? Cũng như thế, những yêu ma, mỹ nữ đại diện cho sự sợ hãi, dục vọng bên trong mà một hành giả (người tu) cần khắc phục.
Những tích truyện Phật giáo hay ở chỗ hàm chứa ý nghĩa sâu xa uyên ảo để người nghiên cứu càng lúc càng nhận ra cái hay, và sự tiếp cận về ý nghĩa của mỗi chặng đường tu mỗi lúc mỗi đến tầng bậc cao hơn tựa như đường xoắn ốc. Do đó, lấy cái hiểu bình thường, dân dã với cơm áo gạo tiền ra mà xét đoán những tình tiết trong truyện Phật thì chẳng khác nào “ngồi đáy giếng nhìn trăng”.
No comments:
Post a Comment