Trung Quốc : Khủng hoảng địa ốc bộc lộ những điểm yếu trong mô hình kinh tế
Chi Phương
Đăng ngày: 29/08/2023 - 11:46
RFI
Cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản bắt đầu từ vài năm qua, tiếp tục trầm trọng hơn khi những nhà đầu tư địa ốc lớn như Country Garden bên bờ vực phá sản, vì không trả được nợ, phải xin tái cấu trúc nợ vào tháng 8/2023. Theo Bloomberg, các công ty xây dựng thuộc doanh nghiệp Nhà nước Trung Quốc cũng báo cáo lỗ trong 6 tháng đầu năm nay.
Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc đã ngừng công bố các số liệu quan trọng, như tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ, sau 6 tháng liên tiếp tỷ lệ này tăng ở mức kỷ lục. Bắc Kinh cũng ngừng công bố khảo sát về mức độ sẵn sàng chi tiêu của người tiêu dùng (China consumer confidence index) sau khi các báo cáo trước đó chỉ ra rằng chỉ số này ngày càng xuống thấp, do người tiêu dùng bị khủng hoảng niềm tin.
Vào tháng Bảy, thống kê của hải quan Trung Quốc cho thấy, giá trị xuất khẩu giảm 14,5 % so với cách nay 1 năm. Đây là mức giảm lớn nhất kể từ khi dịch Covid-19 bùng nổ vào tháng 2/2020, ảnh hưởng đến các hoạt động thương mại và sản xuất. Đồng Nhân dân tệ, hôm 16/08 vừa qua, đã xuống mức thấp nhất từ 16 năm qua, (1 đô la đổi 7,29 nhân dân tệ).
Tám tháng kể từ khi chấm dứt chính sách "Zero Covid", kinh tế Trung Quốc không đưa ra bất cứ dấu hiệu phục hồi nào. Về tình hình nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, RFI Tiếng Việt đã phỏng vấn kinh tế gia Philippe Aguignier, giảng dạy môn kinh tế Trung Quốc tại Viện ngôn ngữ và văn minh phương Đông - Inalco, ông cũng là nhà nghiên cứu tại Institut Montagne.
RFI : Tình hình kinh tế Trung Quốc không mấy khởi sắc có phải là điều khiến các nhà kinh tế ngạc nhiên ? Liệu đây có phải là điều có thể dự đoán trước hay không ?
Philippe Aguignier : Tất cả những ai theo dõi kinh tế Trung Quốc đều biết rằng điều này không bắt đầu từ hôm qua mà từ vài năm nay. Đại dịch Covid-19 trên thực tế chỉ làm trầm trọng thêm các vấn đề nội tại của Trung Quốc. Chính quyền Trung Quốc cũng đã giải thích cách nay vài năm rằng không thể duy trì tăng trưởng 9 % 10 % và cần phải làm quen với một hiện tượng mà tiếng Trung gọi là tình trạng “bình thường mới”. Tức là trước kia, tăng trưởng 10 % là bình thường thì bây giờ Bắc Kinh hy vọng chỉ khoảng 5 %.
Tôi thấy tỷ lệ này vẫn còn quá tham vọng (…) Có nhiều lý do dẫn đến tăng trưởng của Trung Quốc giảm. Thứ nhất là tình trạng dân số giảm (nhân lực vốn là một lợi thế của Trung Quốc). Thêm vào đó, kinh tế Trung Quốc phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư hạ tầng và bất động sản. Đến khi các công trình xây đường sắt, đường cao tốc, bị chậm tiến độ, đã xây quá nhiều rồi những vẫn tiếp tục xây dựng thêm nữa thì lợi nhuận từ các khoản đầu tư mới không là bao.
RFI : Nói đến thị trường bất động sản, vốn chiếm hơn 20 % GDP của Trung Quốc, hiện đang điêu đứng vì nhiều công ty bất động sản lớn gặp khó khăn, thiếu thanh khoản, không thể thanh toán nợ đáo hạn… điều này có tác động như thế nào đến nền kinh tế Trung Quốc ?
Philippe Aguignier :Tại Trung Quốc, cách nay 30, 40 năm, nhu cầu về nhà ở tăng mạnh, vì dân số tăng, đi kèm với hiện tượng đô thị hoá. Do vậy chính quyền đã cấp các khoản vay để thúc đẩy phát triển lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, khi quá trình đô thị hoá chậm lại, nhiều người đã mua được nhà, nhu cầu giảm. Cán cân cung cầu có sự chênh lệch, nhưng các nhà đầu tư bất động sản vẫn tiếp tục xây dựng thêm nhà, vì điều này tạo ra hoạt động kinh tế. Chính quyền địa phương rất hài lòng vì thu được tiền từ thuế (mua bán đất). Tuy nhiên vấn đề là khi có nhiều nhà không bán được thì số nợ cũng tăng theo. Các nhà đầu tư vốn đang mắc nợ nhưng vẫn tiếp tục xây thêm nhà trong thời gian dài.
Mọi người chắc chắn vẫn nhớ đến cuộc khủng hoảng Evergrande cách nay 2 năm, trước đại dịch Covid. Đây không chỉ là vấn đề kinh tế mà cả xã hội. Hàng triệu người đã mua nhà trên bản vẽ trước, nhưng nếu các nhà đầu tư bất động sản ngừng xây dựng thì những người đã trả tiền mua nhà không có nhà. Do vậy, thị trường bất động sản có những dấu hiệu suy yếu. Có thể nói rằng đó là một hiện tượng “ứng xử theo dự đoán” (anticipations auto-réalisatrices), nghĩa là mọi người bắt đầu lo lắng rằng giá sẽ giảm, và không đi mua vội. Vì họ cho rằng nếu không mua hôm nay thì sẽ rẻ hơn ngày mai, vậy nên đợi đến ngày mai. Khi cầu càng ít thì giá lại tiếp tục giảm. Tình hình càng trở nên phức tạp hơn, tồi tệ hơn, như rơi vào một vòng luẩn quẩn, khó có thể ra khỏi.
Tình hình hiện nay ở Trung Quốc gợi lại cuộc khủng hoảng kinh tế ở Nhật Bản vào cuối những năm 1990, khiến kinh tế Nhật Bản bị chững lại trong một khoảng thời gian dài vì giảm phát. Liệu kinh tế Trung Quốc có đang phải đối mặt với giảm phát hay không ?
Philippe Aguignier : Tất cả mọi người đều hốt hoảng vì những chỉ số mới ra gần đây, cho thấy giá cả đã giảm xuống, giá tiêu dùng cũng như giá sản xuất. Tuy nhiên, nếu xét kĩ, thì giá tiêu dùng so với cách nay 1 năm đúng là có giảm, nhưng so với tháng Bảy thì có tăng một chút. Do vậy vẫn còn quá sớm để nói rằng Trung Quốc rơi vào tình trạng giảm phát. Nhưng có thể nói rằng một số lĩnh vực trong kinh tế Trung Quốc trong tình trạng giảm phát, nhất là tại thị trường bất động sản, đó lại là một lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế.
Giảm phát tức là tình trạng giá cả giảm xuống kéo dài, không chỉ người tiêu dùng, nhà sản xuất, các doanh nghiệp, tất cả đều dự trù giá sẽ giảm, tức là dự trù giảm hoạt động kinh tế. Người tiêu dùng không mua ngay vì giá có thể còn giảm nữa trong 6 tháng hay một năm sau. Như vậy là tình hình ngày càng xấu đi (hiện tượng quả cầu tuyết) và kinh tế rơi vào suy thoái. Cầu càng ít thì cung cũng giảm. Đây là hiện tượng rất nguy hiểm cho nền kinh tế và cần phải tránh. Tôi cho rằng chính quyền Trung Quốc biết chuyện gì đang xảy ra và nhận thức được rủi ro và sẽ có nhiều biện pháp để đối phó. Vẫn còn quá sớm để nói rằng kinh tế Trung Quốc giảm phát, cần phải chờ thêm một vài quý nữa mới có thể đánh giá được.
RFI: Vào tuần trước Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã tiếp tục giảm lãi suất, để khuyến khích cho vay với lãi ưu đãi. Trung Quốc cũng đã công bố các biện pháp để hỗ trợ thị trường bất động sản, giảm tỉ lệ trả trước và lãi suất cho vay đối với một số đối tượng mua nhà. Ông đánh giá thế nào về biện pháp mà chính quyền Trung Quốc đưa ra?
Philippe Aguignier : Trung Quốc không ở trong tình huống giống như Hoa Kỳ hay châu Âu phải đối mặt với lạm phát. Tức là khi lạm phát xảy ra thì tăng lãi suất, nhưng Trung Quốc thì khác, lạm phát ở mức 0% thậm chí còn âm, giảm lãi suất là cách để kích hoạt lại nền kinh tế, do vậy khá là logic, nhưng hiệu quả thì ra sao thì khó có thể nói được. Khi lãi suất cho vay thấp, thì người vay sẽ trả ít lãi hơn. Nhưng tùy thuộc vào tình hình kinh tế của mỗi người. Trước nguy cơ giảm phát, giá giảm, thì không ai muốn đầu tư ngay cả khi lãi suất cho vay thấp.
RFI : Khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới gặp khó khăn, kinh tế toàn cầu sẽ bị tác động như thế nào ?
Philippe Aguignier : Dĩ nhiên đây không phải là điều tích cực đối với kinh tế thế giới, đặc biệt là các nước xuất khẩu sang Trung Quốc, các nước châu Âu, như Pháp chẳng hạn, mặc dù vốn nhập từ Trung Quốc nhiều hơn là xuất sang
Nếu kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại thì có nghĩa cầu sẽ ít hơn, xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ (tiếp tục giảm). Trung Quốc cũng là nước tiêu thụ nguyên liệu thô lớn, tất cả các nước xuất khẩu sang Trung Quốc cũng sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt là các nước ở châu Mỹ La Tinh và châu Phi. Ngoài ra, phải nói rằng Trung Quốc có khả năng sản xuất công nghiệp rất lớn, lớn hơn cả nhu cầu nội địa. Nếu như thị trường nội địa đã quá tải thì điều gì sẽ xảy ra ? Các nhà sản xuất Trung Quốc sẽ tìm cách xuất khẩu nhiều hơn, và có khả năng phá giá. Vậy thì một số lĩnh vực mà Trung Quốc vốn đang cạnh tranh mạnh trên thị trường thế giới, sẽ càng cạnh tranh khốc liệt hơn
Đó là điều đã xảy ra cách nay vài năm, trong lĩnh vực pin mặt trời. Các nhà sản xuất Trung Quốc sản xuất với giá thấp, nên họ đã phá giá thị trường quốc tế, khiến các nhà sản xuất khác không có chỗ đứng, bị phá sản.
Điều này có thể xảy ra trong các thị trường khác, hiện nay là xe điện. Khả năng sản xuất của các doanh nghiệp Trung Quốc quá lớn, mà thị trường tiêu thụ trong nước không thể đáp ứng. Do vậy có nguy cơ, xe điện Trung Quốc có thể tấn công vào thị trường của phương Tây.
RFI : Nhưng mỗi khi kinh tế Trung Quốc gặp vấn đề, nhiều người nói đến mô hình kinh tế Trung Quốc đã sụp đổ, ông có nhận định như thế nào về điều này ?
Philippe Aguignier : Tôi nghĩ rằng một phần là đúng. Trung Quốc đã duy trì một mô hình kinh tế trong thời gian dài : ưu tiên đầu tư so với tiêu dùng. Nhưng mô hình này dần không hiệu quả nữa. Cách nay vài năm, lợi nhuận từ các khoản đầu tư mới đã giảm. Vì ngày càng có nhiều đầu tư được tài trợ từ các khoản nợ, điều này dẫn đến những vấn đề trong hệ thống tài chính. Các doanh nghiệp bị nợ quá nhiều. Do vậy, ngày nay cần phải thay đổi mô hình kinh tế này, tức là tăng tiêu dùng so với đầu tư. Điều này nói thì dễ nhưng để thực hiện thì không dễ chút nào.
Ví dụ trong lĩnh vực địa ốc, rất quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế, thì hiện nay, cầu ngày càng giảm, do vậy cần phải có điều chỉnh. Tuy nhiên, sau nhiều năm tăng trưởng trong lĩnh vực bất động sản, chính phủ Trung Quốc, đặc biệt là chính quyền địa phương, của các tỉnh thành lớn, đã sử dụng thị trường bất động sản để có được nguồn thu tài chính. Đó là một nguồn thu nhập lớn. Ban đầu là từ lĩnh vực địa ốc, sau đó là việc bán đất, thuế thu được từ bán đất…
Để thay đổi mô hình kinh tế thì cần phải thay đổi toàn bộ mô hình tài chính của chính quyền cấp địa phương, đây không phải là điều dễ dàng, không thể làm được trong ngày một ngày hai. Tôi cho rằng chính quyền Trung Quốc nhận thức được điều này nhưng không thể tìm được giải pháp ngay lập tức.
Khi có quá nhiều nợ, và những khoản nợ này không thể hoàn toàn trả được thì có nghĩa là sẽ bị thất thoát vốn và cần phải chia ra, ai sẽ trả ? Nhà nước Trung ương ? hay các chính quyền địa phương ? Người tiêu dùng hay ngân hàng ?
Đây là vấn đề khá phức tạp và cũng là một vấn đề chính trị.
Mô hình kinh tế Trung Quốc đúng là đã kiệt quệ, nhưng không ai có ý tưởng rõ ràng về một mô hình mới, và làm sao có thể thay thế mô hình cũ này.
No comments:
Post a Comment