Đồng rúp hụt hơi : Kinh tế Nga xuống dốc, chiến tranh Ukraina sẽ sớm kết thúc ?
Thụy My
Đăng ngày: 28/08/2023 - 20:56
RFI
Một cơ sở đổi tiền cạnh một pa-nô quảng cáo tuyển quân trên đường phố Matxcơva ngày 14/08/2023. Đồng rúp đã mất giá hơn 25 % kể từ đầu năm nay. AP - Alexander Zemlianichenko
Đồng rúp sẽ còn mất giá
Không mấy ai ngạc nhiên, vì từ đầu năm, đồng rúp đã bị mất giá 25 % so với đô la Mỹ, vượt ngưỡng 100 rúp đổi 1 đô la. Giáo sư Oleg Itskhoki của đại học California giải thích : « Đồng rúp sụt giá vì vốn đầu tư rút đi nhiều hơn thặng dư thương mại ». Tư bản chạy khỏi Nga từ đầu cuộc xâm lăng, nhưng thặng dư thương mại rất cao vào mùa xuân 2022 do những biện pháp trừng phạt đầu tiên khiến giá nguyên vật liệu của Nga tăng cao, còn nhập khẩu ít đi. Do đó đồng rúp vào tháng 6/2022 ở mức cao nhất kể từ bốn năm.
Từ mùa hè vừa qua, xuất khẩu bắt đầu đi xuống còn nhập khẩu tăng nên thặng dư thương mại giảm, nhưng vốn đầu tư tiếp tục ra đi. Thế nên việc đồng rúp mất giá là xu hướng kéo dài chứ không phải nhất thời, và vụ nổi loạn của Yevgeny Prigozhin hồi tháng Sáu càng đẩy nhanh hơn quá trình. Việc phương Tây áp đặt trần giá 60 euro/thùng dầu khiến giá bán của Nga giảm mất 40 % so với năm 2022.
Nguồn thu từ năng lượng ít đi là vấn đề lớn cho nỗ lực chiến tranh của Nga. Theo Viện Kinh tế Gaidar ở Matxcơva, trong 5 tháng đầu năm nay chính quyền Nga chi cao hơn 50 % so với cùng kỳ năm 2021. Tuần báo The Economist ước tính ngân sách Nga đã phải chi thêm 5.000 tỉ rúp (63 tỉ euro) cho vũ khí. Bán đảo Crimée và những vùng giáp giới với Ukraina được lợi về kinh tế nhờ đầu tư quân sự, tuy nhiên cư dân gần như hàng ngày phải chịu đựng những vụ tấn công của Ukraina bằng rốc-kết và drone.
Chỉ có cách « làm chư hầu cho Trung Quốc hay nhờ cậy vùng Vịnh »
Chi nhiều nhưng nguồn thu từ dầu khí ít đi dẫn đến thâm hụt ngân sách, cần phải vay nợ. Cho dù có thể dựa vào Ngân hàng Trung ương và 585 tỉ dự trữ bằng vàng, ngoại tệ, cuộc chiến tiêu tốn rất nhiều và kéo dài không biết đến bao giờ. Chuyên gia Julien Vercueil của Inalco lưu ý : Dù Nhà nước Nga nợ ít, nhưng ít có khả năng vay mượn, « trừ phi làm chư hầu cho Trung Quốc hay nhờ cậy các nước vùng Vịnh ».
Từ đầu cuộc xâm lăng, Nga cố tự cung tự cấp, một chiến lược « kỹ nghệ hóa đảo ngược ». Tuy nhiên chỉ có 30 % doanh nghiệp tìm được sản phẩm nội địa thay thế hàng nhập từ phương Tây, có nghĩa là Nga tiếp tục lệ thuộc đến hai phần ba. Việc quay sang nhập hàng châu Á khiến giá thành tăng mà chất lượng giảm. Đặc biệt trong nhiều lãnh vực, công nghệ phương Tây tân tiến hơn rất nhiều so với thị trường châu Á. Theo giáo sư Maria Demertzis ở Florence, Nga không thể tự sản xuất tất cả và nhiều loại hàng sẽ có chất lượng tệ hơn nhưng giá mắc hơn.
Bên cạnh đó, tăng cường sản xuất còn vấp phải vấn đề thiếu nhân công. Tại Saint-Pétersbourg, các xưởng may không tìm được công nhân có tay nghề và vật liệu để đáp ứng những đơn đặt hàng quân phục ồ ạt. Ở vùng công nghiệp Sverdlovsk, một nhà máy xe tăng mới đây phải nhận hàng trăm tù nhân ở địa phương vào làm việc để đạt chỉ tiêu.
Kinh tế có thể là yếu tố giúp chấm dứt chiến tranh
Tình hình còn tệ hơn trong những ngành kỹ nghệ dân sự. Hàng ngàn người đã bị đưa ra mặt trận, nhiều người khác chạy trốn từ đầu cuộc chiến. Sử dụng lao động nhập cư cũng phức tạp vì trừng phạt khiến họ không thể gởi tiền về nước.
Kinh tế gia Liam Peach của Capital Economics phân tích, hầu như không còn cung trong nền kinh tế Nga, và kết quả tất nhiên là lạm phát. Nhà kinh tế Oleg Itskhoki kinh ngạc khi phương Tây không nhân lúc Nga đang yếu đi để trừng phạt thêm. Ông nhấn mạnh : « Đây chính là lúc kinh tế Nga đặc biệt dễ tổn thương. Cho đến mùa hè này, chúng tôi không nghĩ rằng kinh tế là nhân tố có thể làm kết thúc chiến tranh. Nhưng giờ đây ngày càng rõ là như vậy ».
Tuy Nga còn lâu mới sụp đổ như bộ trưởng kinh tế Pháp Bruno Le Maire dự báo vào lúc cuộc chiến mới bắt đầu, nhưng ngày càng chịu đựng kém hơn trước những đòn cấm vận từ các đồng minh của Ukraina và cái giá của cuộc chiến - mà chính mình đã gây ra, khi xâm lăng nước láng giềng cách đây 18 tháng.
Cách hành xử mafia lây lan ở những nước độc tài
Cũng liên quan đến Nga, bài xã luận của Libération nói về « Sự nhiễm độc mafia », mà nước Nga của Putin là trường hợp điển hình. Vladimir Putin đã gây sững sờ hồi năm 1999, khi tuyên bố sẽ tiêu diệt những người Chechnya chống Nga « đến tận nhà vệ sinh », và làm hàng ngàn người chết sau đó. Đây là khúc dạo đầu cho « chiến dịch chống khủng bố » mà thực ra là chiến tranh đế quốc với Ukraina : tội ác chiến tranh, đày ải, hủy diệt…
Tất cả những ai chống đối Nga và ông chủ điện Kremlin đều được xử lý như nhau từ hơn 25 năm qua. Boris Nemtsov, cựu bộ trưởng và dân biểu do chỉ trích Putin về Chechnya đã bị ám sát năm 2015. Luật sư Alexei Navalny vì tố cáo tham nhũng, sống sót sau vụ đầu độc nay vừa lãnh thêm 19 năm tù, có nghĩa là chung thân. Không thể nào đếm xuể số tài phiệt vụng về, tỉ phú không đứng vững ở balcon nên rơi xuống đường phố, hay lái xe quá tệ…Đôi khi là con cái của họ bị trừng phạt.
Vụ Yevgeny Prigozhin là câu chuyện muôn thuở của tay sai dám mơ đến chiếc ghế của ông trùm. Sau khi máy bay của các thủ lãnh Wagner bị rớt, những người dân Matxcơva được truyền hình phỏng vấn đều cho rằng đó là logic, cứ như họ đã quen với cách hành động mafia. Dù vậy một số nhà lãnh đạo châu Âu vẫn còn ngưỡng mộ Putin !
Còn phải kể đến thái tử Mohammed Ben Salman (MBS) với vụ ám sát rùng rợn nhà báo Jamal Khashoggi. Ả Rập Xê Út năm 2022 đã hành quyết 196 tội nhân, và hôm 21/08 bị Human Rights Watch (HRW) tố cáo biên phòng nước này đã bắn hạ hàng trăm di dân. Bên cạnh đó là Iran, Trung Quốc : mafia nay được bình thường hóa.
Kỹ nghệ quốc phòng Ukraina chậm đổi mới
Về phía Ukraina, Le Monde nhận thấy « sự chuyển đổi trễ tràng của kỹ nghệ quốc phòng ». Lãnh vực này có nhiệm vụ nặng nề là đáp ứng nhu cầu quân đội đồng thời phải chống tham nhũng. Chiến tranh đã vét cạn kho dự trữ, và những cải cách chưa có được tác động. Những chiến binh dũng cảm chiến đấu trong khi ý thức rằng kho vũ khí sau lưng đang cạn.
Tình hình đặc biệt nghiêm trọng đối với đạn pháo theo tiêu chí Liên Xô : cần hàng ngàn quả một ngày nhưng chỉ có thể sản xuất vài ngàn quả một tháng. Càng đáng trách hơn khi trên thực tế Nga đã tấn công cách đây gần 10 năm với việc sáp nhập Crimée năm 2014 và chiếm đóng một phần Donbass. Từ khi Ukraina độc lập năm 1991, kỹ nghệ quốc phòng Ukraina có 700.000 công nhân sụt xuống chỉ còn phân nửa. Tái định hướng sang sản xuất và bảo trì thiết bị xuất khẩu (chủ yếu xuất sang Nga), ngành này được tư nhân hóa một phần trong thập niên 90 và bị nhiều xì-căng-đan tham nhũng, buôn lậu, những hợp đồng mờ ám và mạng lưới ảnh hưởng do Matxcơva điều khiển.
Ví dụ ấn tượng nhất là vụ bắt chủ tịch Motor Sich, Viatcheslas Bohouslaiev tháng 10/2022 vì tội phản quốc. Trong suốt 30 năm, nhân vật thân Nga này lãnh đạo nhà máy hàng đầu, đến 2017 vẫn lén bán cho Nga các động cơ trực thăng và máy bay nay đang được dùng để oanh tạc Ukraina. Nhằm cố gắng cải cách, tập đoàn nhà nước UkrOboronProm (UOP) được thành lập năm 2010, nhưng chỉ là « trái núi đẻ ra con chuột ». Nạn quan liêu vẫn tồn tại, tuy có một số tiến bộ nhưng vẫn lệ thuộc vào đồng minh, trong khi từ 24/02/2022 đến nay, 10.000 hỏa tiễn và drone của đã oanh kích lãnh thổ Ukraina.
Ai đã phá đường ống Nord Stream ?
Cũng về cuộc chiến tranh ở Ukraina, Le Figaro cho biết « Nord Stream : Kiev là trung tâm mọi nghi ngờ ». Từ một năm qua, chính quyền Đức theo dõi chặt chẽ cuộc điều tra về vụ nổ làm thiệt hại đường ống dẫn khí đốt hôm 26/09/2022. Nga, Ba Lan, Hoa Kỳ lần lượt bị nghi ngờ, nhưng từ tháng Ba với những tiết lộ của New York Times, Die Zeit, Süddeutsche Zeitung, Ukraina trở thành nghi can hàng đầu.
Một cuộc điều tra chung của kênh truyền hình công ZDF và tuần báo Der Spiegel được công bố cuối tuần qua củng cố thêm giả thiết này. Hơn hai chục nhà báo sau 6 tháng điều tra đã tìm cách dựng lại một kịch bản tấn công được cho là có khả năng xảy ra nhất, trong đó chiếc tàu Andromeda hôm 06/09/2022 được một đại lý du lịch không tên ở Vacxava trả tiền thuê, người quản lý là một phụ nữ thường trú ở Kiev. Một thành viên thủy thủ đoàn là người Ukraina, dùng căn cước Moldova giả mạo, dường như là một quân nhân của lữ đoàn 93 cơ giới Ukraina có học môn lặn.
Theo Der Spiegel, ê-kíp gồm 6 người đặt dưới sự quyền chỉ huy của tổng tham mưu trưởng Valeri Zaloujny, ngược lại tổng thống Volodymyr Zelensky không được thông tin. Kiev bác bỏ cáo buộc này. Hồi giữa tháng Tám, thủ tướng Olaf Scholz đe dọa nếu tìm ra thủ phạm sẽ đưa ra tòa án Đức. Sự ngờ vực của các nhà điều tra có thể là lý do khiến Berlin ngần ngại không muốn giao các hỏa tiễn hành trình Taurus cho Kiev, tuy vậy vẫn còn nhiều câu hỏi chưa có lời đáp.
Mở rộng BRICS để thêm thanh thế
Trên bình diện địa chính trị, Le Monde nói về « Hai logic trong việc mở rộng khối BRICS ».Mở rộng hay đào sâu lâu nay vẫn là thế lưỡng nan của các tổ chức quốc tế. BRICS đã chọn cách dễ nhất là mở rộng, qua việc mời thêm 6 nước gia nhập từ nay đến 2024 ; vì khối này không phải là tổ chức quốc tế có cơ sở thường trực, chỉ có duy nhất một định chế chung là một ngân hàng phát triển. Không có thị trường chung, tiêu chuẩn chung…
Có thêm sáu nước Ả Rập Xê Út, Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất, Iran, Ai Cập, Ethiopia, Achentina ; nhóm BRICS sẽ chiếm 46 % dân số thế giới và 1/3 GDP toàn cầu. Đối với một nhóm dựa vào hai quốc gia châu Á đông dân nhất, đây là thay đổi lớn. Câu hỏi chính là mở rộng để làm gì. Tổng thống Nam Phi muốn tìm kiếm lợi ích kinh tế, tuy nhiên quyết định mở rộng là thành công của Tập Cận Bình.
« BRICS chống lại phương Tây »
Khối BRICS mở rộng có được trọng lượng về dân số và kinh tế quan trọng, nhưng khả năng hành động lại hạn chế, động cơ đoàn kết duy nhất là để trả thù phương Tây. Quá khác biệt về mức độ phát triển và quyền lợi, các nước thành viên còn đối đầu trực diện như Ấn Độ và Trung Quốc ở Himalaya hay Trung Quốc và Nga ở Trung Á.
Về thương mại, mở rộng trao đổi Nam-Nam để né các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Về tiền tệ, tìm cách áp đặt nhân dân tệ thay cho đô la Mỹ ; về tài chánh thì dựa vào « Con đường tơ lụa mới » và Ngân hàng Phát triển. Về chính trị, xuất khẩu mô hình Trung Quốc độc tài, và về chiến lược, tiếp tục bao vây phương Tây, loại bỏ mọi hình thức giá trị phổ quát.
Le Figaro nhận định hội nghị thượng đỉnh vừa qua đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử, diễn ra vào một thời điểm quyết định. Cuộc xâm lăng Ukraina mở ra việc đối đầu quy mô giữa các đế chế độc tài và thế giới dân chủ, thế nhưng không một nước nào trong BRICS lên án Nga, và họ từ chối trừng phạt Matxcơva. Riêng Tập Cận Bình đang đối mặt với những khó khăn trong nước, muốn khẳng định vị trí quốc tế với tư cách lãnh đạo đương nhiên của các nước phương Nam. BRICS cũng nằm trong chiến lược của Bắc Kinh nhằm xây dựng một trật tự thế giới hậu phương Tây, hậu dân chủ.
No comments:
Post a Comment