Tử tù Nguyễn Văn Chưởng: 10 lý do phải huỷ án để điều tra lạiNguyễn Hùng
11/08/2023
VOA
1. Đây là vụ xử giết Thiếu tá cảnh sát và có người bị kết án tử hình nhưng không thấy nói gì tới việc sử dụng các mẫu ADN thu được tại hiện trường. Theo các tóm tắt vụ án của luật sư Nguyễn Duy Bình hôm 5/8 và của luật sư Lê Văn Hoà hôm 4/8, việc khám nghiệm hiện trường, thu giữ và niêm phong tang vật vô cùng tuỳ tiện nên chuyện có được các mẫu ADN chính xác là rất khó. Chẳng hạn vụ án xảy ra tối 14/7/2007 nhưng phải 18 tiếng sau việc khám nghiệm hiện trường mới diễn ra. Chính quyền Anh đang chuẩn bị phải đền một người bị tù oan 17 năm một triệu bảng Anh sau khi các mẫu ADN thu được từ nhiều năm trước cho thấy thủ phạm vụ hiếp dâm là một người khác. Cảnh sát điều tra vụ việc tại Anh cũng bị tố cáo giấu nhẹm đi những chi tiết có lợi cho người bị kết án.
2. Tang vật của vụ án không được niêm phong và xem xét kỹ. Thậm chí áo mưa, áo cảnh sát, dép của cảnh sát bị giết hại không được bảo quản ngay từ đầu mà được đem gửi ở phòng bảo vệ của một công ty gần hiện trường. Súng của người cảnh sát xấu số cũng bị di chuyển lung tung trong nhiều tiếng trước khi được niêm phong và dấu vân tay trên súng cũng không được kết luận là của ai. Thậm chí cho tới giờ cũng chưa rõ khi bị giết nạn nhân đi dép hay đi giày vì mỗi nhân chứng khai mỗi kiểu và đôi dép cỡ 42 thu được tại hiện trường vẫn chưa xác định được chủ.
3. Người lạ bí ẩn tại hiện trường không được xác định: Theo lời khai của một công an có mặt tại hiện trường, anh này nhìn thấy một người lạ mặt đi cùng một người công an khác tới chỗ nạn nhân đang hôn mê tại hiện trường nhưng không ai điều tra làm rõ người này là ai và tới đó để làm gì. Đây là điều quan trọng vì nhiều người nghi vấn đây không phải là vụ giết người cướp của mà có thể vì lý do khác. Chẳng hạn luật sư Nguyễn Duy Bình cho rằng đây là vụ giết người để trả thù còn blogger Người Buôn Gió nghi rằng có khả năng Thiếu tá cảnh sát bị giết vì sợ ông sẽ để lộ ra những thông tin bất lợi.
4. Lý do Nguyễn Văn Chưởng bị kết án tử hình là do cảnh sát Hải Phòng cho rằng ông là chủ mưu. Tuy nhiên căn cứ kết tội chỉ là lời khai của một trong ba người bị tố cáo tham gia vụ giết người, ông Vũ Toàn Trung và bạn gái ông này. Những lời khai này được cho là có mâu thuẫn theo kiểu ông nói gà, bà nói vịt và khó có thể tin được. Trong trả lời phỏng vấn VOA, luật sư Lê Văn Hoà nói trong các lời khai của Vũ Toàn Trung có lúc ông này nói “hôm nay tôi mới nói thật” nên không biết khi nào người được cho là bị can nói thật hay nói sai.
5. Cảnh sát điều tra đã dùng đủ thủ thuật tra tấn để buộc các nghi phạm và thậm chí cả các nhân chứng phải khai theo ý họ. Đây là một đoạn trong thư gửi mẹ của tử tù Nguyễn Văn Chưởng kể về diễn biến sau khi anh kêu la to vì bị đánh: “Thế là họ lấy luôn đôi tất ở đâu nhét vào mồm con, và con không kêu, không nói được nữa. Xong họ lại treo cánh tiên, họ bật điều hòa thật lạnh và dùng những đòn nhục hình, bỉ ổi vào bộ phận sinh dục của con và họ lại đấm, tát con lúc này máu mồm con đã hộc ra nhiều thậm chí đái hết ra sàn nhà vì những đòn thâm hiểm. Con cũng không theo ý họ là nhận tội vì con đâu có giết người mà phải nhận tội. Thế là họ bảo: "Mày rắn lắm nhưng không chịu lâu được đâu, hôm nay kiểu này, mai còn nhiều kiểu khác, mày không nghe lời tao thì còn nhiều cách để bắt mày phải nhận tội".
Cha ông Chưởng, ông Nguyễn Trường Chinh cũng kể lại nhân chứng Trần Quang Tuất, người lúc đầu cung cấp chứng cứ ngoại phạm cho ông Chưởng đã được công an Hải Phòng chỉ vào người con trai thứ hai của ông Chinh bị bắt và nói: “Mày nhìn thằng Đoàn mà khai cho đúng.” Chính ông Tuất cũng bị xích vào ghế và đấm vào đầu để thay đổi lời khai.
6. Viện Kiểm sát nhân dân tối cáo cũng đã có kháng nghị yêu cầu xử đúng người đúng tội vì không có căn cứ để nói Nguyễn Văn Chưởng là chủ mưu.
7. Ngay cả nguyên Tổ trưởng kiểm tra án oan của Ban nội chính trung ương Lê Văn Hoà, người cũng tư vấn cho cha của Nguyễn Văn Chưởng kêu oan, cũng đề nghị hoãn thi hành án và sửa chữa những vi phạm tố tụng ở các phiên xử sơ thẩm và phúc thẩm. Ông Hoà nói với Đài Á châu Tự do rằng cố Trưởng ban nội chính Nguyễn Bá Thanh đã lập tổ kiểm tra án oan sau khi đọc được một bài báo về tù nhân Nguyễn Văn Chưởng lấy tăm tre thêu lên áo kêu oan. Ông Hoà còn nói rằng khi ông đi kiểm tra án oan cũng đã gặp sự bất hợp tác của ông Nguyễn Sơn, Phó Chánh án thường trực của Toà án nhân dân tối cao cũng như nguyên Giám đốc Công an Hải Phòng Đỗ Hữu Ca. Ông Sơn không cho tổ điều tra tiếp xúc hồ sơ gốc của vụ án trong khi ông Ca không cho tổ gặp tử tù Nguyễn Văn Chưởng.
8. Cả ông Đỗ Hữu Ca và ông Dương Tự Trọng, nguyên Phó Giám đốc Công an Hải Phòng, hai nhân vật chủ chốt trong giai đoạn điều tra dẫn tới án tử hình đối với Nguyễn Văn Chưởng đều đã trở thành tội phạm về sau này. Ông Trọng bị kết án tới 18 năm tù giam dù đã được tại ngoại sau tám năm. Còn ông Đỗ Hữu Ca bị khởi tố tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản mới tháng Ba năm nay.
9. Báo chí Việt Nam giai đoạn đầu khi vụ án xảy ra đã nói về bằng chứng ngoại phạm của ông Nguyễn Văn Chưởng trong đó có bài báo ‘Những uẩn khúc cần làm rõ trong vụ sát hại Thiếu tá CA’. Bài báo nói về chuyện các nhân chứng đã gặp ông Chưởng ở Hải Dương ngay trước thời điểm vụ án diễn ra ở Hải Phòng. Như đã đề cập ở phần trên, các nhân chứng đã bị công an tra tấn hoặc gây sức ép để thay đổi lời khai. Ngay cả điện thoại của Nguyễn Văn Chưởng với các thông tin định vị có thể xác định ông ở đâu vào thời điểm diễn ra vụ án cũng đã bị tiêu huỷ.
10. Đây là vụ án hoàn toàn có thể xét xử lại một cách dễ dàng dựa vào các chứng cứ cụ thể chứ không phải dựa vào những lời khai khó tin vì các bị can và nhân chứng đều bị tra tấn hay gây sức ép. Việc nhìn lại vụ án này sẽ giúp cho các vụ điều tra và xét xử về sau này chuẩn mực hơn. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng có thể dùng quyền của mình yêu cầu hoãn tử hình ông Nguyễn Văn Chưởng trong khi Quốc hội có thể gây sức ép đòi bên hành pháp làm việc đúng pháp luật.
Hơn nữa, việc giữ án tử hình trong một nền tư pháp còn nhiều vấn đề của Việt Nam là hoàn toàn bất hợp lý.
No comments:
Post a Comment