Quảng Nam-Đà Nẵng gần 200 năm trước qua hồi ký của một văn nhân Trung Quốc
Tác giả: Hồ Bạch Thảo
11.08.2023
NghiencuuQT
Xem thêm: Tỉnh Quảng Ngãi gần 200 năm trước qua hồi ký của một văn nhân Trung Quốc
Tác giả Hải Nam tạp trước [海南雜著] Thái Đình Lan rời Quảng Ngãi tới Quảng Nam; tại đây tình cờ có cuộc hội ngộ thú vị. Thái Đình Lan sau này là vị Tiến sĩ duy nhất của đảo Bành Hồ, Đài Loan; lúc đến tỉnh thành Quảng Nam được diện kiến vị Tiến sĩ khai khoa Nam Kỳ Lục tỉnh, Phan Thanh Giản. Cụ Phan bấy giờ giữ chức Tuần vũ Nam Ngãi. Hai danh sĩ có dịp xướng họa thơ văn. Xin theo dõi cuộc gặp mặt qua phần dịch dưới đây [Chữ trong ngoặc [] là của người dịch; chữ trong ngoặc () của tác giả]:
“Từ thành Quảng Ngãi đi 40 dặm [1 dặm=576 mét] đến Lộ Mẫn [thị xã Châu Ổ, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi] là 1 cung đường (1 cung bằng 40 lý, đặt một đồn lính), mưa gió suốt đêm đông; trú tại nhà viên Thông dịch Thẩm Lượng. Ngày hôm sau, đi 40 dặm đến Khẩn Bản (từ Khẩn Bản đi thuyền trên sông suốt ngày đêm đến Quảng Nam); qua sông 20 dặm đến Chợ Mẫn (âm Đường gọi là Tọa Vạn). Lại đi 160 dặm đến tỉnh thành Quảng Nam (thường gọi là Hội An, thành gọi là Tọa Quì); chúng tôi trú tại nhà phố trưởng Hồng Đỉnh (người Đồng An, Phúc Kiến). Cách thành 20 dặm là phố Hội An (người Trung Quốc rất nhiều), có dinh thự cũ của Chuyển vận sứ (thờ những viên Chuyển vận sứ triều trước, người Trung Quốc thờ cúng không lợi, nay giao cho người địa phương trông coi, thường đóng cửa không vào được).
Ngày 25 tháng chạp [11/2/1836], gặp quan Tuần vũ (quan kiêm quản Quảng Ngãi, gọi là Nam Ngãi Tuần vũ)[1] họ Phan (tên là Thanh Giản, hiệu Mai Xuyên, xuất thân Tiến sĩ, từng đi sứ Thiên triều, giữ chức Đông các đại học sĩ; gặp việc nên bị giáng ra cõi ngoài, điều giữ chức hiện tại). Ông tài cán cao, tính khiêm cẩn, lễ tiết theo văn học, dáng nhàn nhã. Trong một ngày mời đến gặp 2 lần, tặng 5 quan tiền, các đồ vật như trà, cùng xướng họa thơ. Sáng sớm hôm sau, sai thuộc hạ cầm danh thiếp tiễn đưa.
Ngày 26 [12/2/1836], đi trên đường Quảng Nam, thấy ruộng lúa tươi tốt, lúa non xanh một màu như tấm thảm; cò trắng đứng lêu nghêu trong ruộng, xa nhìn cây cối đê mê. Phía biển có 3 quả núi, chia rõ ra 3 chòm, động trống mở ra như 3 tòa nhà thiên nhiên [chỉ Ngũ Hành Sơn]; tục truyền xưa là hang 7 con nhện, biến thành gái đẹp ma quái, sau được Phật trừ diệt, nay gọi là động Thất Muội Muội [động 7 Em Gái], dáng cao ngật hơn 2 trượng [1 trượng =3,2 mét]. Buổi tối trú tại đồn dưới đồi, người phu võng (tức người khiêng cáng) dặn ngày mai dậy sớm, ăn no; để đi lên ải hẹp (có một con đường qua núi cao dốc, là đèo hiểm trở nhất tại Việt Nam [đèo Hải Vân]).
Sáng khi thấy mặt người, ra khỏi đồn đi khoảng 2 dặm trong sương mù. Ngước nhìn trên đỉnh, mây che như tuyết phủ cuồn cuộn tiếp trời cao, nhìn không thấy núi. Bấy giờ mặt trời lên, đã qua được một đỉnh nhỏ. Một con đường nhỏ uốn khúc qua triền núi giáp biển, nước biển hung hãn, sóng xô ầm ầm, chấn động cả ghềnh đá. Rồi đến một thôn nhỏ, gặp một đồn lính có quan trấn thủ, hạch hỏi rất nghiêm. Theo sườn núi đi lên, đường quanh co hơn 10 dặm, hai bên gai góc mọc đầy, rừng tre giăng mắc, trong lùm cây chim chóc líu lo, hàng trăm tiếng hót khác nhau; trên đường hoa dại rộ nở, cánh hoa rơi rụng đó đây, cảnh vật không thể tả xiết! Khi lên được nửa núi, thế núi dốc, đường đi từng bậc, như leo lên chiếc thang ngàn trượng lên mây; phu võng phải để võng trên vai mà đi, các lính hộ vệ ra tay giúp đỡ; thẳng gối, thót bụng, mồ hôi nhỏ trên lưng như mưa; qua 7, 8 dặm mới lên đến đỉnh núi.
Ngồi nghỉ dưới gốc cổ thụ, nhìn lên vách tường đá, thấy tấm bảng dày 1 thước [0,32 mét] giăng ngang làm cổng, trên đề “Hải sơn Quan”; nơi đây đặt đồn, do viên Đồn thủ trông coi, lính tinh nhuệ vài chục tên, phòng thủ chu vi bằng đại bác, cẩn mật một con chim cũng không qua lọt. Lên quan ải nhìn xuống, phía bắc là biển lớn ngút ngàn, thuyền buồm nhấp nhô, như những chim hải âu bơi lặn nơi biển xanh. Trước lãnh 2 phía đông tây có cảng, phía trong khe sâu, có thể chứa hàng ngàn thuyền. Nước trong sóng gợn, phô vẻ bình an, trời quang, mây lơ lửng trên mặt nước, đủ gây thư thái trong lòng.
Về phía tây nam, nơi núi rừng rậm rạp, voi bầy, hươu nai, khỉ vượn sinh sống, hoang vu không bóng người. Rừng cây lâu năm, cây lớn hàng trăm vòng tay, cành lá xum xuê, che khuất trời cao, dây leo quấn quít, khỉ vượn leo vịn hàng bầy, thấy người nhảy đi (vùng này có loại khỉ 2 tay trước giao nhau, dân tại đây gọi là Viên tướng quân [khỉ chúa]). Chẳng mấy chốc, gió thổi mạnh vào rừng cây, vạn vật xao xác, cảnh vật tiêu tao, lòng tôi nhuốm buồn bèn đi xuống. Từ giã viên quan coi đồn, rời quan ải đi khoảng 6, 7 dặm; trời đã về chiều, trú tại nhà thôn dân trên lãnh. Đêm trời rất lạnh, phải đốt củi bên giường, cùng em sưởi ấm.
Ngày hôm sau khởi hành trễ, qua rừng rậm khoảng 2, 3 dặm, đi về phía bên phải lãnh, từ trên cao nhìn xuống, vách núi thăm thẳm, nhìn không thấy đáy. Tôi bước xuống võng, bảo 2 người phu giúp bước đi; đằng sau lưng là vách đá, chân bước xuống theo bậc đá trũng, vượt qua khoảng 300 bậc; rồi ngồi nghỉ trên phiến đá. Lại tiếp tục đi, qua 3 lãnh nhỏ đều dốc đá gồ ghề. Đi khoảng 10 dặm, đến bờ biển đất bằng, theo bờ vài dặm đến một sông lớn [Lăng Cô, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên], phía bắc có chợ, đặt đồn binh tra xét. Người khiêng võng bảo tôi rằng:
“Từ khi lên quan ải đến chỗ này, đã qua hơn 20 miếu thần (dân gọi là Bản Đầu công [Ông Bổn] rất linh); người đi qua đốt hương không ngừng, tuy hàng ngày qua lại nhưng không có mối lo về cọp, rắn; là do thần phù hộ.”
Quan ải mở ra từ thời Gia Long (Gia Long là niên hiệu của thân phụ Vương hiện nay) là nơi chính giữa Việt Nam; một người giữ ải, vạn người cũng không xông vào được, nên gọi là Ải Lãnh, cách Phú Xuân [Huế] 140 dặm (cách Quảng Nam 100 dặm).”[2]
——————————
[1] Đại Nam Thực Lục, Hà Nội: NXB Giáo Dục, tập 4, trang 892, xác nhận bấy giờ Phan Thanh Giản làm Tuần phủ Nam Ngãi.
[2] Nguyên văn:
自廣義城行四十里至潞潣為一弓每弓四十里,設一營房,風雨竟夕,宿通言沈亮家。次日,行四十里至緊板由緊板坐溪船一日夜可至廣南。過溪二十里至𢄂潣(唐音呼坐萬。又百六十里,抵廣南省城俗稱惠安,其省城稱坐葵城,宿庯長洪錠舍福建同安人。去城二十里為惠安庯中國人最多,有轉運使舊署,甚軒敝內祀前朝歷任運使公,中國人供香火多不利;今歸土人守管,常封鎖不得入。
二十五日,見巡撫官兼管廣義,稱南義巡撫官潘公名清簡,號梅川,進士出身,曾入使天朝;前任東閣大學士,以事降外任,調今職。公裕才學,性謙衝,禮文閒適。一日延敘兩次,贈錢五貫及茶糕數事,有倡和詩。次早,遣屬員持名紙送行。
二十六日,行廣南道中。見禾苗挺秀,新秧綠縟如茵,白鷺立田中不動,遠樹低迷。海中三台山分明鼎峙海中三石山號三台,空洞宏開,天然屋宇;俗傳昔有七蜘蛛巢其中,幻作好女為祟,後為佛所除,今稱七姊妹洞,高出地二丈許,望之屹然。晚宿嶺下屯。輞夫輞夫即輿夫也戒明日夙興飽飯,登隘嶺一路惟此嶺高峻,為越南最險重關。
曉色初分,出舍行二里許,皆在霧露中。仰視嶺際,雲封如積雪,縹緲接天,不見峰頂。朝暾已上,度一小嶺。曲徑斜穿出海岸,海水洶洶,飛濤吼浪,震響岩谷間。至小村口,有汛官屯守,盤詰甚嚴。循山麓而上,磴道迂回十餘里。兩旁荊棘叢雜,篁籜森森如蝟毛。樹間小鳥啁啾,鳴聲百變。野花開放,落英繽紛,其景不可名狀。過山半,高勢巉岩,石級鱗迭,若千丈雲梯。輞夫以輞子橫肩而行,眾護卒扶掖相助;舉膝礙胸,汗浹背如雨下。凡七、八里,始達嶺巔。憩古樹下,仰見堅垣壁立,以紫荊板厚尺許為門額,書「海山關」;設屯守員一員、勁卒數十,械炮環列,真飛鳥不得度也。登關以望,北臨大海,浩瀚迷茫,帆檣出沒,如數點鳧鷗浮沉蒼碧。嶺前東西各一港,內透重溪,可容千艘。清波微漾,素練平鋪,雲影天光,徘徊水面,足以蕩豁胸臆。西南一帶,箐密林深,為群象所宅;與麋鹿、猩猩蕃息其中,荒莽非人境。山木年久,大者數百圍;枝條樛結,蓊鬱凌霄,老藤纏繞,猿猱攀接成群,見人跳躑山多交臂猿,土人稱猿將軍。須臾,風度林杪,萬籟蕭騷,景象淒絕。餘乃悄然而下,別屯員。去關行六、七里,日垂暮,宿嶺上野人家。夜嚴寒,床頭燒榾柮與弟烘之。
次日晏發。行密樹中二、三里,出嶺右,俯瞰其下,則絕壁懸崖,深不見底。餘乃舍輞子,令二人掖以行。背負石,投足坎窩;連下三百餘坎,憩一石岡。複透迤前行,過三小嶺,悉嵓崿嶔□〈山上欹下〉。約十里許,始就平地海岸。緣岸數里,抵一大溪。渡溪,北有小市,設屯員盤查。輞夫為餘言:上嶺至此,所過神廟二十餘處俗稱本頭公,甚靈,行人投香楮不絕;雖日往來,無蛇虎之患者,神之庇也。嶺自嘉隆間始闢嘉隆,今國王父年號,當越南之中;一夫守隘,萬人莫開,故稱隘嶺,去富春百有四十里下去廣南百里。
No comments:
Post a Comment