Giá gạo tăng: nông dân mừng, doanh nghiệp khổ, dân vẫn đủ gạo?
VOA Tiếng Việt
27/08/2023
VOA
Nông dân đồng bằng sông Cửu Long năm nay mừng vì giá lúa tăng cao
Giá gạo tăng trên thị trường quốc tế là cơ hội để Việt Nam nâng vị thế xuất khẩu gạo, theo tìm hiểu của VOA. Tuy nhiên, trong khi nông dân mừng vì có lời nhiều hơn thì các doanh nghiệp xuất khẩu lại kêu khổ vì họ phải chịu lỗ cho những hợp đồng đã ký từ trước.
Trong bối cảnh Ấn Độ, Nga và UAE vừa cấm xuất khẩu gạo còn Thái Lan cân nhắc giảm diện tích trồng lúa do thời tiết không thuận lợi, Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã đạt mức cao nhất trong hơn 10 năm qua.
Nếu như trong quý đầu tiên của năm nay, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam chỉ có 450 đô la mỗi tấn thì đến ngày 25/8 đã lên gần 640 đô la mỗi tấn, theo số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tức là tăng gần 60%. Đây là mức giá cao nhất trong hơn 10 năm.
Trước tình hình này, các lãnh đạo Việt Nam từ Thủ tướng Phạm Minh Chính cho đến các quan chức nông nghiệp và công thương đều yêu cầu tăng cường xuất khẩu gạo, đồng thời trấn an người dân rằng ‘không lo về an ninh lương thực’, truyền thông trong nước đưa tin.
Tình trạng này khác với cuộc khủng hoảng lương thực hồi năm 2008 mà khi đó giá gạo thế giới tăng vọt, người dân trong nước xếp hàng đi mua gạo tích trữ và thủ tướng khi đó là ông Nguyễn Tấn Dũng đã ra lệnh cấm xuất khẩu gạo, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp trong nước.
Ba vùng canh tác
“Chính phủ đã rút được kinh nghiệm từ bài học cấm xuất khẩu gạo hồi năm 2008,” Giáo sư-Tiến sỹ Võ Tòng Xuân, hiệu trưởng Đại học Nam Cần Thơ và là nhà nông học hàng đầu của Việt Nam, nói với VOA và cho rằng tình trạng bất an về lương thực toàn cầu hiện nay là ‘cơ hội rất tốt cho Việt Nam’.
“Không bao giờ Việt Nam có thể thiếu gạo vì sau ba tháng mình đã có vụ lúa mới rồi nên vấn đề là chúng ta phải cân đối cho kỹ từng thời gian để bà con có đủ gạo ăn, phần còn dư ra có thể xuất khẩu,” ông nói.
Khi được hỏi về tác động bất lợi của thời tiết do biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến vụ mùa và thu hoạch gạo ở Việt Nam, Giáo sư Xuân tin rằng Việt Nam sẽ không lâm vào cảnh mất mùa như Ấn Độ, Trung Quốc hay Philippines.
“Chúng ta lợi dụng điều kiện tự nhiên của Đồng bằng sông Cửu Long và điều kiện cây lúa của mình vốn là giống ngắn ngày, năng suất cao để bố trí lại sản xuất cho phù hợp với biến đổi khí hậu. Khi đó kể cả El Nino cũng không có tác hại lớn đối với ruộng lúa của Việt Nam.”
Theo phân tích của ông thì Việt Nam có thể ‘né biến đổi khí hậu để sản xuất lúa liên tục’ bằng cách phân chia vùng Đồng bằng sông Cửu Long ra thành ba vùng với phương thức sản xuất khác nhau.
Thứ nhất là vùng đầu nguồn sông Mekong đổ vào lãnh thổ Việt Nam giáp giới với Campuchia với hệ thống kênh rạch chằng chịt dẫn nước ngọt đi khắp nơi. “Vùng này không bao giờ thiếu nước ngọt và nước mặn không thể nào lên tới được nên sẽ là vùng thâm canh lúa cao sản, làm ba vụ một năm,” ông nói.
Với diện tích 1,5 triệu ha, chỉ riêng vùng này thôi là đã đảm bảo an ninh lương thực cho 100 triệu dân Việt Nam và ‘còn dư ra một ít để xuất khẩu’.
Thứ hai là vùng ven biển bị ảnh hưởng của nước mặn kéo dài từ Bến Tre xuống đến Bạc Liêu, Cà Mau qua Kiên Giang, Giáo sư Xuân nói ‘trồng lúa vào mùa mưa kết hợp nuôi tôm càng xanh tronrg đồng ruộng, khi hết mùa mưa thì cho nước mặn vào để nuôi tôm sú được hai vụ nữa’.
Vùng còn lại là vùng trũng ở giữa hai vùng này như vùng Đồng Tháp Mười. Ông cho rằng nơi đây sẽ tận dụng để ‘đào mương lên liếp’ để trồng cây ăn trái trên liếp và nuôi cá dưới mương ‘sẽ cho thu nhập cao hơn trồng lúa’.
Một chủ doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở An Giang mà VOA liên hệ cũng cho rằng ‘nhu cầu gạo của Việt Nam năm nào cũng nhiêu đó là đã đủ ăn, không có nhiều hơn, nên lượng dôi dư ra cần phải để cho xuất khẩu’.
Khi được hỏi về rủi ro thời tiết, người chủ doanh nghiệp này nói ‘không đáng lo’ vì Việt Nam sản xuất lúa gạo liên tục.
Báo cáo của Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết trong năm 2023, cả nước gieo trồng 7,1 triệu ha với sản lượng trên 43 triệu tấn lúa, tương đương 20 triệu tấn gạo. Sau khi trừ ra số lượng để tiêu thụ trong nước cũng như để dự trữ thì còn lại trên 1/3, tức vào khoảng 7 triệu tấn gạo, sẽ được dành cho xuất khẩu.
Còn theo thống kê của Bộ Công Thương, đến cuối tháng 7, Việt Nam đã xuất khẩu được 4,83 triệu tấn gạo với giá trị gần 2,6 tỷ đô la, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hồi giữa tháng Bảy, do ảnh hưởng của bão Talim, các tỉnh miền Tây đã xảy ra mưa lớn nhiều ngày khiến 3.000 ha lúa hè thu bị đổ ngã, không thể thu hoạch, VnExpress cho biết.
‘Doanh nghiệp gặp khó’
Tuy nhiên, tình trạng giá gạo trên thị trường thế giới tăng cao lại không có lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu, người chủ doanh nghiệp ở An Giang vốn chỉ nêu tên là Mai do không muốn gặp rắc rối nói với VOA.
Nguyên nhân là các doanh nghiệp đã ký hợp đồng với khách hàng từ trước, khi giá thấp, nên giờ họ vẫn phải giao hàng với mức giá đã thỏa thuận, trong khi giá thu mua lúa của nông dân phải tăng lên, bà cho biết.
“Có những hợp đồng chúng tôi lỗ từ 1, 2 đến 3 ngàn đồng một ký, lên đến 1.000 tấn thì chúng tôi mất 3 tỷ,” bà Mai nói.
Theo lời bà thì các năm trước các doanh nghiệp xuất khẩu lời khoảng 100 đồng một kg lúa mua từ nông dân, năm nay lỗ khoảng 3 ngàn đồng, tức là ‘lỗ 30 lần’ so với mức lời. “Bây giờ mua lúa phải tăng thêm 3 ngàn đồng một ký từ mức 12 ngàn, tức là tăng thêm 30%,” bà nói thêm.
Khi được hỏi tại sao không chốt giá thu mua từ đầu vụ, bà Mai nói các doanh nghiệp ‘đương nhiên đều có chốt giá hết’. “Nhưng giờ giá lên thì họ sẽ bẻ kèo không giao lúa nữa, hoặc họ đòi thương lượng giá lại, hoặc họ trả tiền cọc lại cho mình để bán cho người khác giá cao hơn,” bà giải thích.
“Cũng có thể thương lái đã mua lúa giá rẻ của nông dân, họ ghim hàng rồi bán cho mình.”
Bà cho biết các doanh nghiệp lớn cần phải giữ uy tín với khách hàng nên dù lỗ nhiều họ cũng phải gom lúa cho đủ để giao cho khách hàng, với lại số lượng đơn hàng lên đến hàng chục ngàn tấn không doanh nghiệp nào có đủ nhà kho lớn để tích trữ từ trước. Trong khi đó, có một số doanh nghiệp phải thương lượng lại giá bán với khách hàng và thời gian giao hàng để cắt lỗ.
Người chủ doanh nghiệp này cho rằng các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng ‘khó tranh thủ được mức giá cao hiện nay để ký hợp đồng mới’ vì ‘hiện nay đang là vụ hè thu, giá gạo có cao cũng không có nhiều lúa để mà mua’, trong khi ký xong thì trong vòng 1-2 tháng đã phải giao.
“Cũng có khách mua thêm vài ba ngàn tấn với mức giá cao nhưng không đáng kể so với những hợp đồng còn nợ với mức giá thấp,” bà Mai nói.
Nên theo giá thị trường?
Về vấn đề này, Giáo sư-Tiến sỹ Võ Tòng Xuân cho rằng kiểu các doanh nghiệp xuất khẩu gạo làm ăn hiện nay là ‘ký hợp đồng trước mà không lường trước được tình hình thời tiết như thế nào’ và ‘khi có hợp đồng mới đi tìm hàng từ thương lái’ chứ không có vùng nguyên liệu gắn kết sẵn để tạo thành chuỗi cung ứng
“Tới đây họ phải ngồi lại với khách hàng để giải thích tình hình cho hai bên hiểu nhau để có thể thực hiện được hợp đồng.”
Theo lời Giáo sư Xuân thì trước giờ các doanh nghiệp nếu có ký hợp đồng bao tiêu lúa cho nông dân thì họ muốn ‘chốt mức giá cố định’ trong đó có tính mức lời 30% cho nông dân. “Dù giá thị trường có cao hơn hay xuống thấp hơn thì họ vẫn thu mua với giá đó và nông dân vẫn luôn được lời 30%,” ông nói.
“Nhưng khi giá gạo tăng cao thì nông dân lại không chịu,” ông nói thêm. “Họ nói rằng họ bị lỗ nhưng thực ra họ vẫn lời 30%, chỉ là không lời nhiều như mức tăng giá trên thị trường thôi.
Hiện giờ các doanh nghiệp ‘đang đấu tranh với nông dân’, Giáo sư Xuân nói. Giải pháp ông đề xuất là vẫn định một mức giá trong hợp đồng để cho nông dân có lời 30% ‘trong điều kiện bình thường’ nhưng ‘thòng thêm một điều khoản là sẽ điều chỉnh theo giá thị trường’, tức là giá lên thì sẽ mua cao hơn, nhưng giá xuống thì sẽ mua thấp hơn mức giá đã định trong hợp đồng.
No comments:
Post a Comment