Friday, June 16, 2023

Nhóm công tác LHQ thúc giục Việt Nam trả tự do cho nhà báo Nguyễn Tường Thuỵ
2023.06.16
RFA

Từ trong trại giam, nhà báo Nguyễn Tường Thuỵ gởi đơn kháng cáo bản án của mình
Fb Nguyễn Tường Thuỵ/RFA edited

Nhóm Công tác về bắt giữ tuỳ tiện (WGAD), một trong nhiều cơ chế nhân quyền của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc (LHQ) nói việc bắt giữ và kết án nhà báo độc lập Nguyễn Tường Thuỵ là tuỳ tiện và thiếu cơ sở pháp lý, kêu gọi Nhà nước Việt Nam trả tự do cho ông ngay lập tức và vô điều kiện.

Ông Thuỵ, 73 tuổi, là blogger của Đài Á Châu Tự Do (RFA) và là phó chủ tịch của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam. Ông bị bắt giữa năm 2020 với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự. Trong phiên toà đầu năm 2021, ông bị kết án 11 năm tù giam và ba năm quản chế trong phiên toà chỉ kéo dài một ngày.

Trong văn bản đề ngày 18/5 vừa qua và được Văn phòng Cao uỷ Nhân quyền LHQ công bố ngày 14/6, WGAD cho rằng việc tước đoạt quyền tự do của ông vi phạm Điều 9 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR), và việc kết án ông vi phạm quyền tự do ngôn luận theo Điều 19 của công ước này và Điều 19 của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền.

Cơ quan này cho biết đã gửi ý kiến về trường hợp ông Thuỵ cho Chính phủ Việt Nam vào đầu tháng 12/2022 với yêu cầu phản hồi trước ngày 31/01/2023. Sau đó, Hà Nội có văn bản đề nghị lui thời hạn trả lời đến cuối tháng hai, tuy nhiên cho đến nay Chính phủ Việt Nam vẫn chưa phản hồi giải trình về các cáo buộc của WGAD về trường hợp của ông Thuỵ cho nên họ đã công bố văn bản này. 

Cơ chế nhân quyền cũng cho rằng việc bắt giữ và kết án ông Thuỵ có liên quan đến việc ông tham gia ứng cử vào cuộc bầu cử Quốc hội năm 2016, do vậy việc bỏ tù ông vi phạm quyền được tham gia vào công tác điều hành xã hội quy định bởi Điều 25 của ICCPR và Điều 21 của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền.

WGAD cho rằng ông Thuỵ không được xét xử một cách công bằng như quy định bởi Điều 14 của ICCPR và Điều 11 của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền.

Trong cuộc phỏng vấn của RFA ngày 16/6, bà Phạm Thị Lân - vợ ông Thụy nói về bản án của chồng mình:

Bản án hoàn toàn là oan sai, không có một bằng chứng nào cả. Họ nguỵ tạo bằng chứng và áđặt hành vi cho ông ấy.

Ông Thuỵ tiếp tục khiếu nại và yêu cu cả tôi cùng với ông khiếu nại bản án này. Thứ nhất là người ta nêu ra 7 hành vi mà ông ấy không làm, rồi họ nguỵ tạo bằng chứng.

Khi họ bắt ông ấy tại nhà thì không thu được tài liệu nào thế mà trong bản án họ nói thu được 13 tài liệu.”

Bà cho biết trong ba năm qua, cả hai vợ chồng đã nhiều lần gửi đơn khiếu nại kháng cáo bản án tới Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao nhưng chưa nhận được phản hồi.

Sau thời gian tạm giam, ông Thuỵ bị đưa đi thi hành án ở Trại giam An Phước (tỉnh Bình Dương) với sức khoẻ suy giảm trầm trọng vì tuổi cao và điều kiện giam giữ tồi tệ. Bà Lân cho biết gia đình rất lo lắng cho sức khoẻ của ông vì ông thường xuyên đau nhức xương và bệnh đại tràng, bên cạnh bệnh ghẻ do điều kiện vệ sinh không được bảo đảm trong trại giam.

Tôi lo nhất là anh Thuỵ có tiền sử bệnh đột quỵ năm 2015. Y tế trong trại ví dụ có đau ốm thì người ta xuống và cho viên giảm đau, ngoài ra không có thuốc gì khác cả,” bà nói.

Trong văn bản của mình, WGAD thúc giục Việt Nam cải thiện điều kiện giam giữ cho các tù nhân, đặc biệt là các tù nhân lương tâm như ông Thuỵ, theo quy định trong Quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu về đối xử với tù nhân của LHQ (Quy tắc Mandela).

Cơ chế nhân quyền LHQ kêu gọi chính quyền trả tự do cho ông Thuỵ ngay lập tức và vô điều kiện, đồng thời phải bồi thường về những thiệt hại đã gây ra cho ông.

Phóng viên gửi email cho Bộ Ngoại giao Việt Nam để đề nghị bình luận về ý kiến của WGAD trong trường hợp của ông Thuỵ nhưng chưa nhận được ngay phản hồi. 

Cũng trong văn bản này, WGAD nói trường hợp của ông Thuỵ là một trong rất nhiều vụ ở Việt Nam mà cơ quan này đưa ra trong những năm gần đây liên quan đến việc tước đoạt tùy tiện quyền tự do của con người, đặc biệt là những người bảo vệ nhân quyền.

Nhiều trường hợp trong số này tuân theo mô hình trấn áp quen thuộc: bắt giữ không tuân thủ các quy tắc quốc tế, giam giữ kéo dài mà không có trợ giúp pháp lý, truy tố theo các tội hình sự mơ hồ chỉ vì thực hiện nhân quyền một cách ôn hòa, từ chối tiếp cận với thế giới bên ngoài và điều trị y tế, WGAD nói.

WGAD lo ngại rằng việc giam giữ tuỳ tiện này mang tính hệ thống ở Việt Nam, và nếu tiếp tục, có thể dẫn đến vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế.

Cơ chế nhân quyền LHQ này nhắc lại rằng họ mong muốn hợp tác với Chính phủ Việt Nam để giải quyết vấn đề giam giữ tùy tiện và sớm nối lại việc cử chuyên gia tới Việt Nam. Lần cuối cùng chuyên gia của WGAD tới Việt Nam là vào tháng 10/1994. Năm 2018, WGAD đưa ra đề nghị nhưng Hà Nội không đáp ứng.

Trong hai năm 2020 và 2021, WGAD cùng nhiều cơ chế nhân quyền khác của LHQ cũng đã hai lần gửi thư chung về việc bắt giữ và kết án ông Thuỵ và nhiều nhà hoạt động Việt Nam khác.

Tháng 12/2020, Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh LHQ, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva (Thụy Sĩ) phản hồi Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về trường hợp của ông Nguyễn Tường Thụy và nhiều nhà bất đồng chính kiến khác, cho rằng họ vi phạm luật pháp Việt Nam chứ không phải "thực hành quyền tự do căn bản."

Tin, bài liên quan
TIN VIỆT NAM

No comments:

Post a Comment