Vụ đắm tàu Hy Lạp: Phần nổi của thảm kịch ‘‘Địa Trung Hải’’Trọng Thành
Đăng ngày: 16/06/2023 - 16:56
RFI
Les Echos cho biết ‘‘Hy Lạp quốc tang sau vụ đắm tàu kinh hoàng’’, ngày 14/06/2023. 78 thi thể đã được vớt lên và được đưa về Kalamata, nam bán đảo Peloponnese. Nhưng tổn thất ‘‘có thể sẽ nặng nề hơn rất nhiều’’. Theo 105 nhân chứng còn sống, đến từ Ai Cập, Syria và Pakistan, có tổng cộng khoảng 750 người trên con tàu đánh cá cũ kỹ dài chừng 30 thước, trong số đó có khoảng 100 trẻ nhỏ. Tất cả đều không có ‘‘áo phao’’. Tàu khởi hành từ miền đông Libya, lãnh địa của tướng Hafta, với đích đến là nước Ý.
Tin đắm tàu ngay lập tức gây sốc tại Hy Lạp. Quốc tang được ban bố. Toàn bộ cuộc tranh cử Quốc Hội, với ngày bầu cử dự kiến 25/06, bị hủy bỏ. Thủ tướng mãn nhiệm, Kyriakos Mitsotakis, ở thế thượng phong trong cuộc tranh cử, bị nhiều tổ chức phi chính phủ lên án về chính sách đẩy đuổi ‘‘bất hợp pháp’’ những người chạy trốn chiến tranh và đói nghèo, trong 4 năm cầm quyền vừa qua.
Ai có trách nhiệm chính trong vụ đắm tàu?
Vụ đắm tàu không chỉ liên quan đến Hy Lạp. ‘‘Tranh luận tại châu Âu sau vụ mất tích của hàng trăm người nhập cư trên biển’’ là hàng tựa trang nhất của Le Figaro.Ai có trách nhiệm chính trong vụ đắm tàu? Nhật báo thiên hữu để ngỏ vấn đề. Về phía Hy Lạp, chính quyền Hy Lạp không có nhiều trách nhiệm trong vụ này. Theo ông Angelos Syrigos, giáo sư luật quốc tế Đại học Athens, cũng như chỉ huy lực lượng tuần duyên Hy Lạp, Tuần duyên Hy Lạp không thể can thiệp để hỗ trợ, ‘‘nếu chủ tàu không đồng ý, hoặc nếu con tàu không trong tình trạng lâm nguy ngay tức khắc’’. Giáo sư luật quốc tế Angelos Syrigos nhấn mạnh ‘‘Hy Lạp, Tây Ban Nha và Ý là cửa ngõ chính vào Liên Âu đối với dân nhập cư, nhưng đích đến của họ là Bắc Âu. Trong việc này, toàn thể Liên Âu phải phối hợp hành động khẩn cấp’’.
Vụ đắm tàu bi thảm cũng là tựa chính của Le Monde. Nhật báo Pháp dành hai trang đầu tiên của số báo hôm nay cho vụ đắm tàu. Le Monde dẫn lời ông Vincent Cochetal, đặc phái viên của Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc (HCR) về vùng Trung và Tây khu vực Địa Trung Hải. Giới chức Liên Hiệp Quốc ‘‘lo ngại’’ về thái độ phủi bỏ trách nhiệm của nhiều quốc gia ven bờ, không can thiệp hỗ trợ, bất chấp nguy cơ tàu có thể chìm bất cứ lúc nào. Mục tiêu là để những con tàu tồi tàn chở người tị nạn đi qua các vùng biển cận kề nước mình. Giám đốc một tổ chức phi chính phủ Hy Lạp chuyên bảo vệ người tị nạn lên án cả chính quyền Hy Lạp và Liên Âu, cụ thể là lực lượng Frontex, chịu trách nhiệm kiểm soát biên giới của khối.
27.000 người chết đuối từ năm 2014
Vụ đắm tàu bi thảm ngoài khơi Hy Lạp vừa qua trên thực tế chỉ là phần nổi của một thảm kịch lớn hơn nhiều.Từ 2014 đến nay, theo Cơ quan Di cư Quốc tế, có ít nhất khoảng 27.000 thuyền nhân bỏ mạng tại Địa Trung Hải. Năm nào cũng có nhiều vụ đắm tàu với hơn 100 người mất tích trở lên. Năm 2023 này, nguy cơ số thuyền nhân chết ở Địa Trung Hải gia tăng. Từ đầu năm đến nay, số người vượt biển đến nước Ý đã tăng gấp hai lần rưỡi, 55.000 người so với 22.000 người cùng kỳ năm ngoái.
Nhật báo Công giáo La Croix dành sự chú ý đặc biệt cho thảm kịch đắm tàu, hồ sơ trang nhất và cũng là chủ đề xã luận. La Croix lên án thái độ của tất cả các bên liên quan: từ ‘‘thái độ vô đạo đức của những kẻ đưa người vượt biển’’, ‘‘sự xảo quyệt của các chế độ độc tài’’, ‘‘thái độ ích kỷ của các nước’’ (châu Âu), cũng như ‘‘sự thờ ơ của rất nhiều người’’. ‘‘Buông xuôi’’, nhan đề bài xã luận của La Croix, tóm lược nguyên nhân chủ yếu và trực tiếp của thảm họa.
La Croix lên án thái độ ‘‘buông xuôi’’, ''ích kỷ'' của châu Âu
Để vạch rõ trước công chúng thái độ ‘‘buông xuôi’’ là thủ phạm, La Croix chỉ trích việc nhiều người coi đây là một ‘‘bi kịch’’ (tragédie). ‘‘Bi kịch’’ với La Croix mang hàm nghĩa một kết thúc thê thảm, đau thương được báo trước, mang tính định mệnh, và là điều không thể tránh khỏi. Ngược lại, ‘‘thảm kịch’’ đắm tàu nói trên là có thể tránh được, nếu có sự can thiệp. Theo nhật báo Công giáo, có hàng loạt điều có thể làm để giảm bớt nguy cơ. Đơn cử như cải thiện hợp tác giữa các quốc gia ven bờ Địa Trung Hải và phần còn lại của Liên Âu, điều vừa đạt được mới đây với một thỏa thuận ở Bruxelles. Hay việc thiết lập ra một ‘‘hành lang nhân đạo’’, tránh để những người có nhu cầu tị nạn không bị rơi vào tay các mạng lưới bất hợp pháp. La Croix thừa nhận rõ ràng là các hành động này là không đủ, nhưng thảm kịch vừa xảy ra cho thấy cần phải làm nhiều hơn nữa.
Nhật báo Công giáo còn có hai bài đáng chú ý khác trong hồ sơ này. Bài ‘‘Tại Hy Lạp, những vấn đề đặt ra từ một thảm kịch được báo trước’’ vạch rõ hành xử vô trách nhiệm của lực lượng biên phòng Frontex của Liên Âu, đã không thực thi việc cứu nạn. Theo luật biển quốc tế, bất kể người hay phương tiện gặp nạn là ai, kể cả kẻ thù, việc cứu nạn là nghĩa vụ. Nghị sĩ châu Âu đảng Xã Hội, bà Sylvie Guillaume, hôm qua, 15/06, khẳng định cần ‘‘phát triển khẩn cấp một lực lượng tìm kiếm và cứu nạn trên biển (SAR) do Liên Âu điều hành’’.
Người vượt biển: Lá bài mặc cả của thế lực miền Đông Libya
Trong lúc Liên Âu thiếu một chính sách chung thỏa đáng về người tị nạn, những con người cùng khổ hy vọng vượt biển vào châu Âu đã trở thành mồi ngon cho các băng đảng đưa người vượt biên, và công cụ cho một số thế lực. Trong một bài viết khác, La Croix cũng vạch ra việc phe nhóm của tướng Hafta, thủ lĩnh quân sự miền đông Libya, đã sử dụng các luồng người vượt biển với đích đến là Ý, để gây áp lực lên Liên Âu, và trực tiếp là chính quyền Ý.
Con trai tướng Hafta phụ trách tuyến đường đưa người vượt biển từ đông Libya sang nước Ý. Một phần lớn người tị nạn đến từ Damas, Syria, thông qua công ty Cham Wings của chế độ Assad. Theo nhà nghiên cứu Jalel Harchaoui (Institute for Defence and Security Studies - Rusi), Anh Quốc, thủ đoạn nói trên đã bắt đầu thu được kết quả. Tháng 5 vừa qua, thủ tướng Ý đã chấp nhận tiếp con trai tướng Hafta. Chính phủ Ý cam kết tài trợ nhiều dự án phát triển ở miền đông Libya, tái thiết thủ phủ Benghazi, đổi lại việc thế lực của tướng Hafta cộng tác ngăn chặn người vượt biển. Tương tự với các hợp tác giữa Liên Âu và Ý với chính quyền Tripoli, quản lý miền tây Libya.
Trung Quốc dấn sâu vào các lãnh địa của Mỹ
Ngoại trưởng Mỹ chuẩn bị công du Bắc Kinh, gần 5 tháng sau biến cố khinh khí cầu gián điệp Trung Quốc bị bắn hạ. Chuyến đi không hy vọng tạo đột phá, quan hệ song phương Trung – Mỹ tiếp tục căng thẳng, theo Le Figaro. Nhật báo Pháp có bài về ‘‘Ngoại giao Trung Quốc xâm nhập vào các vùng vốn được coi là lãnh địa của Mỹ’’, tóm thuật một số nét chính. Từ Trung Đông đến Ukraina, Trung Quốc đang triển khai chiến lược ‘‘ngăn chặn’’ Mỹ. Iran trống giong cờ mở trong dịp mở lại sứ quán tại Ả Rập Xê Út hôm 06/06 vừa qua. Hai quốc gia cựu thù vùng Trung Đông nối lại quan hệ nhờ bàn tay của Bắc Kinh. Lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị ca ngợi ‘‘chiến thắng của đối thoại và hòa bình, một tin mừng lớn trong thế giới đầy xáo động hiện nay’’.
Theo nhật báo thiên hữu, Trung Quốc tăng cường quan hệ với các chế độ độc đoán, từ Ả Rập Xê Út cho đến Iran, hay Ankara, Kazakhstan, trong bối cảnh Bắc Kinh đối mặt với nhiều thách thức về kinh tế, và viễn cảnh bị cô lập tại khu vực, khi Hoa Kỳ gia tăng các hợp tác quân sự với các đối tác châu Á, đặc biệt là Philippines, Hàn Quốc, Úc, hay Nhật Bản, với tuyến đầu là Đài Loan.
Suy trầm sau 30 năm huy hoàng: Trung Quốc đi lại con đường Nhật Bản?
Về thách thức kinh tế với Trung Quốc, Les Echos dẫn lại ý kiến các kinh tế gia của Nomura, cảnh báo Trung Quốc có thể rơi vào giai đoạn suy thoái kinh tế, tương tự như Nhật Bản đầu thập niên 1990, sau giai đoạn phát triển huy hoàng 30 năm. Nhiều dấu hiệu cho thấy kinh tế Trung Quốc đang hụt hơi, với chỉ số công nghiệp tăng chậm hẳn, và một phần năm giới trẻ thất nghiệp, theo số liệu chính thức. Theo các chuyên gia Nomura, một động lực quan trọng để thúc đẩy kinh tế là ‘‘niềm tin”, mà với Trung Quốc, không có gì đáng chờ đợi nhiều về mặt “địa chính trị”. Để khắc phục tình trạng này, giải pháp duy nhất, theo Nomura là khuyến khích người dân vay tiền. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc vừa ‘‘hạ lãi suất chỉ đạo với các khoản vay trung hạn’’.
Liên Âu hướng đến loại trừ Hoa Vi
Thế đối đầu châu Âu – Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ nhạy cảm chủ đề trang nhất của Les Echos. Liên Âu muốn thúc đẩy việc ‘‘loại trừ’’ tập đoàn viễn thông Trung Quốc Hoa Vi và ZTE trong lĩnh vực mạng 5G, được coi là nhạy cảm với an ninh. Ủy viên Thị trường Nội địa Liên Âu Thierry Breton nhấn mạnh mới chỉ có một phần ba khối 27 nước loại trừ hay giới hạn việc sử dụng sản phẩm của Hoa Vi. Ủy viên Liên Âu kêu gọi các nước khác nhanh chóng hành động.
Lãnh đạo Ả Rập Xê Út công du Pháp một tuần
Không chỉ Trung Quốc gia tăng quan hệ với Ả Rập Xê Út. Chế độ thường được coi là ‘‘độc tài’’ của thái tử Mohammed Ben Salmane (với biệt danh MBS) đang trở lại sân chơi quốc tế, sau giai đoạn bị các nước dân chủ phương Tây xa lánh, do vụ sát hại nhà báo đối lập Jamal Khashoggi, tại sứ quán Ả Rập Xê Út ở Thổ Nhĩ Kỳ. La Croix có bài ‘‘Chiến dịch quyến rũ của MBS bắt đầu với ngả đường Paris’’ nhận xét tổng thống Pháp đã từng là lãnh đạo nước phương Tây ''có trọng lượng'' đầu tiên tiếp ‘‘MBS’’ (cuối năm 2021). Cuộc gặp được đánh giá là ‘‘một giai đoạn quan trọng trên con đường phục hồi uy tín của chế độ Ả Rập Xê Út’’.
Cho dù Ả Rập Xê Út ngày càng hướng nhiều hơn sang Trung Quốc, Pháp vẫn được coi là một đối tác thương mại không thể coi nhẹ của cường quốc Trung Đông này. Ngoài vấn đề kinh tế, nội chiến Sudan, tình hình Liban cũng là các chủ đề chính khác trong chuyến công du Pháp của lãnh đạo Ả Rập Xê Út. Theo La Croix, lãnh đạo Ả Rập Xê Út sẽ ở Pháp trong một tuần, từ hôm qua đến hội nghị vì một thảo thuận tài chính toàn cầu mới, do phủ tổng thống Pháp tổ chức từ ngày 22 đến 23/06. Pháp cũng được coi là nhà với ‘‘MBS’’. Thái tử Ả Rập Xê Út sở hữu một nơi ở sang trọng mang tên Lâu đài vua Louis XIV, gần khu vực cung điện Versailles.
La Croix cũng nêu bật hồ sơ nhân quyền trong quan hệ Pháp - Ả Rập Xê Út. Pháp là quốc gia phương Tây đã đóng vai trò chính, mở đường cho sự phục hồi của chế độ MBS, sau vụ sát hại dã man nhà đối lập Khashoggi. Ả Rập Xê Út là quốc gia đứng hàng đầu thế giới về số người bị tử hình, với 825 người bị hành quyết năm 2022. Chuyên gia về vùng Vịnh Marc Lavergne (CNRS) tỏ ra bi quan, với nhận định : nhân quyền có vị trí không lớn trong quan hệ Pháp - Ả Rập Xê Út, tổng thống Pháp sẽ không có tác động gì đáng kể đến lãnh đạo Ả Rập Xê Út trong lĩnh vực này.
Nguy cơ ngành không gian châu Âu tụt hậu
Nguy cơ ngành không gian châu Âu tụt hậu cũng là một chủ đề được nhiều báo Pháp nhắc đến. Theo Le Figaro, tên lửa đẩy Ariane 6 của châu Âu đã không phát triển kịp để tiếp nối Ariane 5, phục vụ ngành không gian châu Âu từ 27 năm nay, dẫn đầu lĩnh vực này. Theo dự kiến, chuyến bay thứ 117 của Ariane 5 lẽ ra được phóng từ sân bay vũ trụ Kouru, Guyanna, thuộc Pháp, hôm nay, rút cục đã phải hoãn lại vào phút cuối, với lý do kỹ thuật.
‘‘Chiến tranh hay Hòa bình’’ của nhà văn Nga: Cuốn sách gây phẫn nộ, nhưng gieo hy vọng
Trong lĩnh vực văn hóa, Le Monde dành chủ đề chính trong phụ trương ‘‘Sách’’ để giới thiệu tập tiểu luận mới của tiểu thuyết gia lớn người Nga Mikhail Chichkine mang tên ‘‘Chiến tranh hay Hòa bình’’.Tên gọi của cuốn sách – dịch từ tiếng Đức – vừa ra mắt độc giả Pháp nhắc công chúng nhớ đến bộ tiểu thuyết của đại văn hào Nga Lev Tolstoi ‘‘Chiến tranh và Hòa bình’’.
Theo Le Monde, ‘‘nhà văn Mikhail Chichkine đã làm vỡ tung những tuyên truyền dối trá của nhà cầm quyền Nga’’. Dối trá không chỉ của chế độ Putin đương đại mà xuyên qua nhiều thế kỷ, từ chế độ toàn trị Liên Xô đến thời Sa hoàng trước đó.
Với tập tiểu luận, vừa nói về những tâm tư thầm kín, vừa bao quát những vấn đề lịch sử, Mikhail Chichkine mơ ước một nước Nga mới ‘‘tái sinh từ tro tàn’’. Bên cạnh nước Nga độc tài, với chế độ cộng sản toàn trị, với sự thống trị của các thời đế chế, còn có một nước Nga khác, nước Nga với khát vọng dân chủ tự do, từ thời cuộc nổi dậy tháng 12 năm 1827, đến cuộc cách mạng tháng Hai năm 1917, và tiếp theo đó là giai đoạn ngắn ngủi dân chủ hóa đầu thập niên 1990. ‘‘Chiến tranh hay Hòa bình’’ vì vậy là một cuốn sách của ''sự phẫn nộ’’, nhưng cũng là cuốn sách ''mang lại hy vọng''.
No comments:
Post a Comment